Enzyme đường ruột có thể chuyển máu A thành nhóm O

Đã có kỹ thuật chuyển nhóm máu từ A, B, AB sang nhóm O để quá trình cho nhận máu một cách an toàn.

4 nhóm máu và các kháng nguyên.

Trên Nature Microbiology, các nhà khoa học từ Đại học British Columbia vừa tiết lộ một kỹ thuật chuyển nhóm máu từ nhóm máu A, B hay AB có thể chuyển thành nhóm máu dễ cho như nhóm O.

Theo nghiên cứu, nhóm máu A có thể trở thành nhóm máu phổ thông, truyền được cho tất cả nhóm máu cùng loại Rh như nhóm máu O bằng cách thêm hai loại enzyme.

Nhóm máu được phân loại dựa vào loại đường được tìm thấy bên trên bề mặt của các tế bào hồng cầu. Nhóm O không chứa đường, khác với các tế bào hồng cầu trong máu nhóm A, B và AB. Các nhà khoa học nhận ra rằng có một số loại enzyme loại bỏ đường khỏi các tế bào hồng cầu A, B và AB sẽ biến chúng về nhóm máu O.

Sự tương hợp của các nhóm máu hiện tại.

Thực tế lý thuyết này đã được tìm ra từ lâu. Năm 1982, một nhóm các nhà nghiên cứu tìm thấy một một enzyme trong hạt cà phê có thể loại bỏ kháng nguyên B và biến máu nhóm B thành máu nhóm O. Thật không may, nó chỉ hoạt động trong các điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt và do đó không hiệu quả.

Năm 2017, một nhóm các nhà khoa học khác cũng có thể tạo ra máu nhóm O bằng cách đưa gen ung thư vào tiền tế bào hồng cầu. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng không an toàn và chi phí cho kỹ thuật này cũng rất lớn.

Nhưng đến nay thì các nhà khoa học British Columbia mới phát hiện được 2 loại enzyme đường ruột này.

Theo nghiên cứu mới công bố, ống tiêu hóa của người chứa cùng dạng đường bên trên bề mặt tế bào hồng cầu, và các enzyme có trong phân giúp loại bỏ đường để hỗ trợ tiêu hóa. Nhóm chuyên gia đã có thể cô lập được enzyme này và thử tách đường ở các nhóm máu. Kết quả thu được đã cho thấy hiệu quả vượt trội của enzyme trong ruột.

Nhà hóa sinh Steven Wizards đến từ Đại học British Columbia tin rằng các vi khuẩn sống trong đường ruột của chính con người đang nắm giữ các enzyme tuyệt vời này, bởi chúng có thể ăn hỗn hợp glycoprotein giàu đường và chất nhầy. Trong khi đó, các phân tử đường của chất nhầy lại có vẻ giống với kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu.

Nhóm nghiên cứu đã tách DNA của các vi khuẩn đường ruột ăn chất nhầy từ mẫu phân người. Sau đó, họ tìm các "mã code" quan trọng nhất rồi cấy nó sang vi khuẩn E. Coli để xem vi khuẩn được chỉnh sửa này có khả năng phân giải kháng nguyên A hay không.

Công việc ban đầu không mấy thuận lợi và tưởng chừng đã thất bại, nhưng sau đó, họ đã thành công. Chỉ cần thêm một lượng nhỏ vi khuẩn tiết enzyme vào mẫu máu người mang kháng nguyên A, nó đã bị tách ra để trở thành nhóm máu O phổ quát.

Công việc tương tự cũng có thể được thực hiện với máu nhóm B, nhưng hiện tại, Withers và các đồng nghiệp của mình chỉ đang tập trung vào chuyển đổi máu nhóm A thành O, bởi so với máu nhóm A, máu nhóm B ít phổ biến hơn.

Chỉ cần chuyển đổi được máu nhóm A thành nhóm O, nguồn cung máu phổ quát đã có thể tăng lên gấp đôi. Vì vậy, mục tiêu lúc này là cần đảm bảo các vi khuẩn và enzyme chỉ loại bỏ các kháng nguyên và không vô tình gây ra bất cứ sự biến đổi nào khác cho tế bào máu.

Bước kế tiếp của nhà hóa sinh này là thử nghiệm lâm sàng loại enzyme này để theo dõi tác dụng phụ trong quá trình diễn ra. Tức là phương pháp này phải được chứng minh là an toàn trước khi các bác sĩ trong bệnh viện có thể dễ dàng truyền máu giữa các bệnh nhân. Nếu mọi thứ đều ổn thỏa, việc hiến máu trong tương lai sẽ thay đổi hoàn toàn.

Theo bài báo khoa học, kỹ thuật chuyển nhóm máu A thành nhóm máu O mới chỉ được tiến hành trên đĩa petri trong phòng thí nghiệm nên cần thời gian trước khi đưa vào thực tế. Tuy nhiên, nhóm A là nhóm máu phổ biến sau O nên kỹ thuật này có thể trở thành cuộc cách mạng trong y khoa, cải thiện việc cung cấp và tiếp cận truyền máu.

Quế Chi

(Theo: Báo Đất Việt – Ngày đưa tin: 14/6/2019)