Giới thiệu dịch vụ quad-play


Những thành quả công nghệ trong những năm qua đã mở ra khả năng hội tụ hóa trong lĩnh vực viễn thông. Khái niệm hội tụ ở đây chỉ đến xu hướng tích hợp và hợp nhất, ví dụ như tích hợp các tính năng của các thiết bị đầu cuối khác nhau về một thiết bị chung, tích hợp hoạt động của các mạng hữu tuyến và vô tuyến trên một nền tảng công nghệ mạng chung, tích hợp các dịch vụ khác nhau vào một dịch vụ chung cung cấp cho khách hàng thuê bao. Với xu hướng tích hợp dịch vụ, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã có thể đồng thời đóng vai trò của nhà cung cấp dịch vụ thoại và dịch vụ nội dung, tận dụng cở sở hạ tầng viễn thông sẵn có để cung cấp các dịch vụ đa phương tiện. Dịch vụ quad-play (có thể tạm dịch là dịch vụ bốn-trong-một) là một xu hướng như vậy, vì nó cho phép cung cấp trong cùng một gói dịch vụ các tiện ích của thoại, video, dữ liệu và truy cập không dây. 

Dịch vụ quad-play có nguồn gốc từ dịch vụ triple-play, một xu hướng công nghệ đã được đẩy mạnh từ những năm 2004, 2005. Dịch vụ triple-play sử dụng hạ tầng công nghệ IP để truyền tải hình ảnh, âm thanh, dữ liệu trong cùng một gói dịch vụ đến người sử dụng (NSD) đầu cuối. Cần nhấn mạnh rằng bản thân việc dùng công nghệ IP làm nền tảng chung cho sự truyền tải hình ảnh, âm thanh, dữ liệu không còn được coi là hiện tượng hay phát minh mới trong ngành công nghệ viễn thông, Tuy nhiên, điểm nhấn mấu chốt trong triple-play là 3 nhân tố thoại, video, dữ liệu được tích hợp chung trong một gói dịch vụ duy nhất, mang đến cho người sử dụng chất lượng và sự tiện lợi cao, độ tương tác trực tuyến và khả năng tùy chỉnh cho các giao diện/phương thức sử dụng dịch vụ một cách tối ưu theo ý thích cá nhân.

Thời gian gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truy nhập không dây mở ra thêm một chiều hướng đáng quan tâm, hứa hẹn đem lại nhiều tiện lợi hơn nữa cho NSD. Đó chính là sự kết hợp yếu tố di động cùng dịch vụ triple-play để tạo thành dịch vụ quad-play. Nói cách khác, dịch vụ quad-play đảm bảo sự có mặt của dịch vụ triple-play mọi lúc mọi nơi, không phụ thuộc vào vị trí cụ thể của NSD. Quad-play mở ra khả năng sử dụng các thiết bị đầu cuối không dây khác nhau như laptop, PDA, điện thoại di động… để truy cập và dùng các dịch vụ thoại, video, dữ liệu, không khác gì khi NSD ngồi tại nhà, dùng thiết bị điện thoại cố định và vô tuyến truyền hình thông thường.

Về dịch vụ triple-play    
Để mô tả dịch vụ quad-play từ góc nhìn của NSD đầu cuối, trước hết chúng ta cần tìm hiểu dịch vụ triple-play, tiền thân của quad-play. Chúng ta sẽ cùng xét dịch vụ cụ thể IPTV (Internet Protocol Television), một đại diện điển hình của triple-play. Sử dụng cùng một đường kết nối Internet đến NSD đầu cuối (đường kết nối này cũng là đường cung cấp dịch vụ thoại và truy cập Internet), IPTV cung cấp dịch vụ giải trí: truyền hình và phim theo yêu cầu (video on demand) cộng thêm một số các dịch vụ giá trị gia tăng khác như chatting, âm nhạc trực tuyến, tin tức trực tuyến.

Để sử dụng IPTV, NSD đầu cuối cần trang bị một thiết bị chuyên dụng gọi là set-top box, kết nối set-top box với Internet (ví dụ bằng modem qua đường ADSL) và với thiết bị TV thông thường. Hình 1 là sơ đồ của một hệ thống IPTV điển hình tại địa điểm của NSD.

 

Hình 1: Các thành phần của một hệ thống IPTV điển hình tại địa điểm NSD  [3]

Khi dùng IPTV, ngoài việc có thể xem các kênh truyền hình khác nhau (tương tự như khi dùng dịch vụ truyền hình cáp), NSD có thể xem phim theo yêu cầu (video-on-demand) theo phương thức chọn lựa phim trong danh sách có sẵn. Việc lựa chọn phim diễn ra theo phương thức tương tác trên màn hình thiết bị TV, sử dụng điều khiển từ xa. Ngoài ra, trên màn hình TV có thể dùng chế độ hiển thị nhiều màn hình con, mỗi màn hình cho một kênh truyền hình, giúp NSD dễ dàng chọn lựa kênh theo ý thích. Các chức năng âm thanh, dữ liệu tích hợp vào TV là những ưu điểm nổi trội thêm của IPTV. NSD còn có thể giao lưu trực tuyến (chatting) trong khi đang xem TV. Trên màn hình TV sẽ hiện ra cửa sổ chatting với đầy đủ các tính năng như một chương trình chatting thường dùng (như Yahoo Messenger). Các thuê bao IPTV có thể vừa xem TV vừa chatting. Khi có điện thoại đến, trên màn hình TV sẽ có hiển thị báo số gọi đến (cách báo hiệu trên màn hình TV có thể tùy chọn: có âm thanh đặc biệt báo cuộc gọi đến hoặc không có, có màn hình con xuất hiện khi có cuộc gọi hoặc không). NSD có thể đặt chế độ từ chối cuộc gọi khi đang xem TV, hoặc chuyển tự động sang chế độ hộp thoại. Nếu NSD trả lời điện thoại, khi đó họ có thể dùng máy điện thoại thông thường, hoặc dùng speaker phone. Một số giao diện IPTV của các nhà cung cấp dịch vụ  được minh họa trong Hình 2.

Hình 2: Một số giao diện IPTV của các nhà cung cấp dịch vụ

Dịch vụ IPTV đã được khai trương ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển như Mỹ và các nước Tây âu. Ví dụ tại Thụy Sĩ, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Swisscom đã bắt đầu cung cấp dịch vụ IPTV Bluewin TV từ 1/11/2006 với 100 kênh truyền hình, 70 kênh đài, 500 bộ phim theo yêu cầu, các chương trình  thể thao  truyền hình và khoảng 30 kênh Teleclub

Di động và truy nhập không dây
Mang lại khả năng có thể truy nhập và sử dụng mọi chỗ mọi nơi cho dịch vụ đa phương tiện là xu hướng tất yếu của công nghệ viễn thông, phản ánh nhu cầu thực tế của NSD. Trong thời gian gần đây, xu hướng này đang từng bước được thực thi nhờ sự ra đời và phát triển của hai hướng công nghệ chủ đạo: công nghệ truy nhập không dây WiMax (Worldwide Interoperability for Microwave Access) và của nền tảng IMS (IP Multimedia Subsystem).

IMS là nền tảng hạ tầng công nghệ chung nhằm cung cấp các dịch vụ đa phương tiện cho NSD. IMS là một tập hợp các chuẩn và quy định kỹ thuật được tổ chức 3 GPP (3rd Generation Partnership Project) quản lý và phát triển. IMS dựa trên hai yếu tố cơ bản là công nghệ IP và giao thức báo hiệu SIP (Session Inition Protocol). Như đã phân tích ở trên, IP đã trở thành một công nghệ cốt lõi không thể thiếu trong công nghệ viễn thông. Bên cạnh đó, SIP là một giao thức báo hiệu đang dần được áp dụng rộng rãi trong các mạng lõi. Việc IMS sử dụng IP và SIP cho phép các mạng hiện đang dùng các chuẩn khác nhau (như mạng LAN không dây, mạng lõi MPLS, mạng mobile UMTS…), với các tính năng hoạt động  khác nhau nay có chung một ngôn ngữ, một “môi trường IMS” để có thể hoạt động cùng nhau. Nhờ đó, IMS đem lại khả năng cung ứng dịch vụ đa phương tiện cho NSD đầu cuối mà không bị phụ thuộc vào vị trí, công nghệ truy nhập mạng và vào thiết bị đầu cuối của NSD. Nói cách khác, IMS hứa hẹn đem lại khả năng hội tụ cho các loại hình dịch vụ, các công nghệ mạng và các thiết bị đầu cuối