Hội thảo “Hoàn thiện các đề án xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp”

Sáng 01/8, tại Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ xây dựng và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương”.

Chương trình nhằm xây dựng kế hoạch đổi mới sáng tạo phù hợp với lợi thế thế của địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng.

Theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, mục tiêu Đề án nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Đề án góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hội thảo nhằm hoàn thiện và vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp

Đến năm 2025, Đề án sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 100 doanh nghiệp tham gia Đề án được gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Trúc – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ Phát triển thị trường Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, khoảng 30 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và khoảng hơn 60 không gian làm việc chung, không gian sáng tạo.

Ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ Phát triển thị trường Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) 

Điểm mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta là có rất nhiều bạn trẻ tài năng, giàu khát vọng, có ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp trẻ đang gặp vấn đề lớn trong việc xây dựng ý tưởng thành sản phẩm, cũng như chưa thực sự quan tâm việc tìm hiểu thị trường và nhu cầu khách hàng. Công tác đào tạo tập huấn hiện nay chưa nhiều, chưa được nâng cao...

Về lĩnh vực đổi mới sáng tạo, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 42/129 quốc gia nền kinh tế được xếp hạng và đứng thứ 3 trong ASEAN.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Trúc, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Ngoài việc tạo ra doanh nghiệp mới, doanh nghiệp sáng tạo, đề án còn tạo nền tảng tri thức mạnh mẽ, phát triển khoa học công nghệ, thu hút đầu tư xã hội, tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đó, để sớm hiện thực hóa thêm nhiều cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các start-up tại Việt Nam, tại Hội thảo, bà Thạch Lê Anh – Người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) đã có những chia sẻ thiết thực về giải pháp “Mang văn hóa Silicon Valley đến Việt Nam bằng các chương trình đặc thù”. Mô hình Silicon Valley là mô hình hỗ trợ các khởi nghiệp công nghệ, tập trung vào sự tăng trưởng của sản phẩm công nghệ cho thị trường trong và ngoài nước. Mô hình tương tự các mô hình đã áp dụng tại một số nước như Hoa Kỳ và Hàn Quốc, nhưng ở Việt Nam sẽ có một số thay đổi để phù hợp với hiện trạng của nền công nghệ Việt Nam.

Bà Thạch Lê Anh - Người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) giới thiệu mô hình Silicon Valley và giải pháp “Mang văn hóa Silicon Valley đến Việt Nam bằng các chương trình đặc thù”

Silicon Valley sẽ là nền tảng thu hút các khoản đầu tư, sẽ trở thành cầu nối với các tổ chức quốc tế mong muốn hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đến gần hơn với giới khởi nghiệp non trẻ. Mô hình này được mở rộng tại Việt Nam sẽ từng bước hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo ra những khoản vốn mồi hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập, bà Thạch Lê Anh nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, ông Lý Đình Quân – Giám đốc công ty CP Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp sông Hàn cho biết, việc hỗ trợ cho cá nhân doanh nghiệp trẻ là cách bắt nhịp với thời đại và làm tròn trách nhiệm của tiền nhân. Ngoài việc đưa ra cách tiếp cận, quá trình, công cụ hỗ trợ, tiêu chí đánh giá, ông Quân còn đề xuất các giải pháp kiến tạo: thúc đẩy hoạt động giáo dục; nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp và tổ chức hỗ trợ; kiến tạo tổ chức mới, tổ chức hệ thống cuộc thi mạng lưới nhà cố vấn, đầu tư, doanh nghiệp lớn; xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ; kết nối các hoạt động khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Phương Thảo