Kế hoạch hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Nhằm mục tiêu phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đẩy mạnh việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, phát triển thị trường KH&CN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phô. Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã xây dựng Kế hoạch hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Với mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là phấn đấu đến hết năm 2019, trên địa bàn thành phố có từ 8-10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; có từ 10-15 doanh nghiệp khoa học và công nghệ đến hết năm 2020, trong đó có ít nhất 05 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Để đạt được mục tiêu tên, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã đề ra 04 giải pháp chính để thực hiện:

Thứ nhất, các giải pháp về xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ, phát triển thị trường KH&CN

Rà soát, chỉnh sửa Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ (Quyết định 36/2016/QĐ-UBND, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố) theo hướng bổ sung các điều khoản ưu tiên cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ và các vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc ươm tạo các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, theo đó vườn ươm doanh nghiệp sẽ giới thiệu các dự án xuất sắc để Sở KH&CN hỗ trợ tạo lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng về việc phối hợp công nhận doanh nghiệp KH&CN cho các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao.

Kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ để có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

 Định kỳ tổ chức các buổi gặp mặt doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố để tháo gỡ thắc mắc, khó khăn của doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong quá trình hoạt động.

(Ảnh: Hoạt động tại doanh nghiệp KH&CN)

Thứ hai, các giải pháp về tăng cường công tác truyền thông, đào tạo về doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Kết hợp nội dung tuyên truyền về doanh nghiệp KH&CN trong các chương trình truyền thông về KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố

Hàng năm tổ chức các lớp đào tạo, phổ biến chích sách hỗ trợ và hướng dẫn quy trình, thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp KH&CN cho các cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN, các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN và các hợp tác xã.

Tổ chức triễn lãm giới thiệu các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN của các doanh nghiệp, viện, trường đại học nhằm gắn kết khoa học với thực tiễn, kết hợp tuyên truyền phổ biến chính sách để tăng cường sự hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp từ viện, trường.

Thường xuyên có hoạt động kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để tuyên truyền, tạo điều kiện các doanh nghiệp được ươm tạo tại vườn ươm biết đến và được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Phối hợp với Sở Ngoại vụ, Ban Xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất tuyên truyền, vận động các tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN nếu đủ điều kiện.

Quảng bá rộng rãi hình ảnh doanh nghiệp khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động như: Tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các hoạt động vinh danh doanh nghiệp KH&CN…

Thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN, nhằm tạo diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển.

Thứ ba, các giải pháp thúc đẩy hoạt động R&D, hoạt động nghiên cứu, ươm tạo, giải mã công nghệ tại các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp

Đẩy mạnh việc thực hiện các đề tài cấp thành phố, cấp nhà nước tại doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tiếp cận các chương trình nghiên cứu của thành phố, quốc gia.

Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ ươm tạo, giải mã công nghệ của của thành phố. Hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ trên cơ sở các sáng chế, giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật, kết quả KH&CN hoặc hoạt động nghiên cứu giải mã công nghệ; các dự án hoàn thiện công nghệ tạo ra các sản phẩm mới làm cơ sở để thành lập doanh nghiệp KH&CN.

Hỗ trợ cá nhân, tổ chức tìm kiếm thông tin và sản phẩm công nghệ ở trong và ngoài nước, các hoạt động tư vấn hoàn thiện công nghệ, tư vấn thành lập doanh nghiệp KH&CN;

Hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động giải mã công nghệ theo các quy định tại Điều 13 Nghị định 76/2018/NĐ-CP.

Thứ tư, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển

Các giải pháp hỗ trợ các tổ chức, các nhân trong việc đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Tổ chức đánh giá, khảo sát các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, hợp tác xã trên địa bàn thành phố để tìm kiếm các đơn vị có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp KH&CN.

Hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp lập hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia các dự án thuộc Chương trình quốc gia và Chương trình của thành phố về phát triển doanh nghiệp KH&CN

Hỗ trợ kinh phí thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước theo Thông tư số 02/2015/TT-BKHCN ngày 06 tháng 3 năm 2015 làm cơ sở để đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, có chính sách hỗ trợ tổ chức khoa học và công nghệ ươm tạo thành công doanh nghiệp KH&CN.

Rà soát, rút gọn các thủ tục cần thiết để đăng ký doanh nghiêp KH&CN.

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Hỗ trợ, khuyến khích và ưu tiên các doanh nghiệp KH&CN, các doanh nghiệp có tiềm năng trở thành DNKH&CN tham gia chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ; chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chương trình phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu…

Ưu tiên giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nguồn từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiêp KH&CN đủ điều kiện để ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, quản trị về công nghệ, thiết bị về kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ; về tổ chức, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp KH&CN.

Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiêp KH&CN tham gia các hội chợ công nghệ trong nước và quốc tế.

Hỗ trợ doanh nghiêp KH&CN trong việc xây dựng thương hiệu, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp của nhãn hiệu và các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN.

Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giả pháp trên đây, sẽ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng./.

(Thùy Dương)

https://dost.danang.gov.vn

http://techmartdanang.vn/