Kỷ niệm 10 năm Internet Việt Nam

         Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đã diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm Internet Việt Nam. Đây là dịp để tổng kết và nhìn lại những thành tựu nổi bật trong suốt chặng đường phát triển 10 năm Internet Việt Nam. Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp và đại diện của các bộ ban ngành, các đơn vị, doanh nghiệp và các đại biểu.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện nhân trao tặng kỷ niệm chương 10 năm Internet Việt Nam cho đại diện 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet chính của Việt Nam gồm SPT, Viettel, VDC, EVN, Netnam  

 Cách đây mười năm, ngày 19/11/1997, dịch vụ Internet chính thức có mặt tại Việt Nam. Hạ tầng ban đầu chỉ có tốc độ 64Kbps khi kết nối quốc tế và dung lượng chỉ đủ cho khoảng 300 người sử dụng. Lúc đó, chỉ có một DN cung cấp hệ thống đường trục kết nối trong nước và quốc tế (IXP) là VNPT cùng bốn nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) là VNPT, FPT, SPT và Netnam. Khách hàng đầu tiên là những cán bộ cao cấp của các cơ quan ban ngành, sử dụng với mục đích là giới thiệu với các cấp lãnh đạo cao hơn để vận động “mở cửa” cho Internet.

 Cho đến nay, qua 10 năm phát triển, Internet Việt Nam đã sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới, ngày càng có nhiều các IXP và ISP. Giờ đây, Internet đã trở thành dịch vụ phổ thông và thiết yếu, có ảnh hưởng sâu rộng tới thói quen, sinh hoạt, giải trí của một bộ phận người dân Việt Nam. Nó không chỉ có mặt ở các đô thị mà còn lan tỏa rộng khắp 64 tỉnh thành, từ những khu dân cư đông đúc đến các bản làng xa xôi. 10 năm qua Internet đã trở thành một bộ phận cơ sở hạ tầng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

 Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch HĐQT VNPT – một trong những đơn vị đầu tiên tham gia cung cấp kết nối Internet và hiện là nhà cung cấp dịch vụ có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay đã khẳng định: “So với 10 năm trước, tốc độ truy cập Internet hiện nay tăng tới 7.500 lần, từ kết nối 2 Mbps đi Mỹ và Úc trước đây mở rộng thành mạng lưới tổng băng thông 10,5 Gbps đi nhiều nước khác nhau. Số người sử dụng lên tới 18 triệu, chiếm 21% dân số cả nước”. Tương lai Internet băng rộng sẽ mở rộng đến từng hộ gia đình và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

 Để có được ngày hôm nay, Internet đã trải qua những mốc son đặc biệt quan trọng như Nghị định 55 (2001) xóa bỏ tính độc quyền khai thác hạ tầng kỹ thuật của VNPT và cho phép thành lập các IXP khác, đánh dấu một bước phát triển mới của Internet Việt Nam. Năm 2003, dịch vụ Internet băng rộng ADSL bắt đầu được cung cấp rộng rãi, cung không đủ cầu. Do đó cải thiện chất lượng băng thông, là nền tảng để phát triển những dịch vụ gia tăng. Bộ BCVT và  Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký kết thỏa thuận đưa Internet vào trường học. Năm 2005 xuất hiện sự bùng nổ của các công nghiệp nội dung. Từ 4 dịch vụ cơ bản đầu tiên (email, duyệt web, lưu trữ và truy vấn thông tin), đến nay Internet Việt Nam đã có hầu hết dịch vụ tiên tiến trên thế giới như chat, VoIP, truyền hình Internet, nghe nhạc, xem video theo yêu cầu, truyền thông hội tụ...

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá, Lễ kỷ niệm 10 năm Internet đã là dịp để lực lượng làm công tác thông tin truyền thông toàn quốc cùng nhau nhìn lại chặng đường phát triển Internet Việt Nam. Đánh giá, rút ra những kinh nghiệm bổ ích và xác định những chính sách, giải pháp thúc đẩy Internet Việt Nam phát triển trong giai đoạn sắp tới.

Theo Phó Thủ tướng, sự phát triển của Internet cùng với sự phát triển của viễn thông, truyền thông quảng bá của Việt Nam trong thời gian qua đã được thế giới công nhận và đánh giá cao. Internet đã  có mặt trong mọi hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội trong đó phải kể tới tác dụng rất hiệu quả trong các ngành Ngân hàng, Tài chính, Viễn thông, Truyền thông, Giáo dục, Y tế, đặc biệt là trong các cơ quan, nhà nước, doanh nghiệp đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Dịch vụ Internet đã được đưa tới nhiều trường học, bệnh viện. Truy cập Internet băng rộng đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: “Chúng ta cần có những chính sách mang tính đột phá để ngành Internet Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đúng hướng hơn và đem lại lợi ích cho con người thiết thực hơn”. Buổi lễ khép lại trong không khí đầm ấm và hân hoan, hi vọng vào một tương lai rạng ngời của Internet Việt Nam. Bộ cũng sẽ cho phép các doanh nghiệp tiếp tục thử nghiệm công nghệ Wimax, sớm tiến hành cấp giấy phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3G, thúc đẩy các dự án đưa Internet về nông thôn... Đẩy nhanh phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển công nghệ mới, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Internet Việt Nam phát triển.

 Nhân dịp này 8 tập thể có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển Internet Việt Nam giai đoạn 1997-2007 sẽ được vinh dự nhận bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm: Công ty Netnam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Trung tâm Internet Việt Nam, Báo điện tử VietnamNet, Đài Truyền Hình Việt Nam, Báo điện tử Vnxpress, Hội Tin học Việt Nam, Công ty FPT Telecom.

 Những bước ngoặt của Internet Việt Nam

 Ban hành Nghị định 55/ 2001/NĐCP về quản lý, cung cấp và khai thác sử dụng Internet thay thế cho Nghị định 21/1997/NĐ-CP. Từ phương châm khả năng quản lý đến đâu cho phép mở rộng hoạt động đến đó, cho tới năng lực quản lý phải theo kịp và đón đầu sự phát triển Internet của cộng đồng. Nghị định đã qui định rõ vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia Internet Việt Nam.

Năm 2002 cũng đánh dấu một bước tiến mới của Internet Việt Nam, việc độc quyền doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ hạ tầng kết nối Internet (IXP) không còn tồn tại, các IXP mới ra đời tạo nên thị trường sôi động và mức độ cạnh tranh ngày càng tăng. Các ISP từ nhiều thành phần kinh tế trong xã hội tham gia, cộng với sự gia tăng của dịch vụ ứng dụng đem lại mức độ sôi động nhất định cho môi trường Internet. Hiện nay, số lượng các nhà kinh doanh dịch vụ Internet đang hoạt động thực tế trên thị trường gồm có 07 IXP, 18 ISP, nhiều tờ báo điện tử và 25 OSP , đó là chưa kể hàng ngàn trang tin điện tử khác.
Bắt đầu vào tháng 5/2003, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao ADSL được cung cấp và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.  Các Bộ ngành trong thời điểm này  đã có sự hợp tác để đưa Internet ứng dụng vào công tác quản lý và sản xuất, điển hình trong giai đoạn là sự kiện Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký thoả thuận phát triển Internet trường học, cho đến nay 100% các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc đã sử dụng Internet vào công tác đào tạo, giảng dạy.
Năm 2004, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (lúc đó phụ trách ngành Bưu điện) chỉ đạo lấy Internet làm khâu đột phá, mở cửa và cạnh tranh Internet, và chính trong năm 2004, Internet và truyền hình đã hội tụ đánh dấu một bước tiến mới của Công nghệ thông tin Việt Nam.

Tuy vẫn còn những mặt trái, nhưng chúng ta không thể phủ nhận một sự kiện lớn trong năm 2005 đó là sự bùng nổ của công nghiệp nội dung. Dù chưa thể phát triển ngay thành một ngành công nghiệp giải trí nhưng những thành quả và doanh thu bước đầu của game online cũng đã cho thấy đây là một thị trường đầy hứa hẹn về kinh doanh trực tuyến.