NHÂN GIỐNG VÀ TRỒNG CÂY DÂM BỤT

Nhân giống dâm bụt rất dễ. Đợi khi hoa tàn, kích thích tố sinh sản “nhường chỗ” cho kích thích tố sinh trưởng, thúc mô phân sinh phân bào cho lá, rễ mới, dùng kéo cắt những cành bánh tẻ thành từng đoạn dài 25 -40cm. Bỏ bớt 2/3 - 3/4 lá trên cành để hạn chế mất nhựa, thoát nước, giúp cành tươi lâu.

Chấm cành giống vào hỗn hợp bùn đã khuấy kỹ (đuổi các khí độc CH4, PH3, PH4...) và tro bếp hoai mục (tro phải ngâm rửa nước sạch 2 - 3 lần để nhả bớt kiềm) theo tỷ lệ 1:1.

 Sau đó, giâm cành vào đất màu ẩm, chôn sâu 1/3 - 1/2 chiều dài cành giống. Lấy 4 ngón tay (2 phải, 2 trái) ấn vào 4 góc của đất nền quanh gốc. Lưu ý không nện đất quá chặt, làm rễ cây bị ngạt.

Che nắng, mưa cho cây. Sau 3 - 5 tuần rễ mới sẽ mọc, cây bắt đầu nảy lộc. Khi cây mọc được 3 - 4 lá, đánh tạo bầu ra ngôi.

Giống dâm bụt vàng ưa nắng nhưng nên hạn chế nắng thiêu đốt quá nhiều.

Bón phân hữu cơ hoai mục trộn với NPK (loại có hàm lượng N<10%), bổ sung lân hữu cơ vi sinh và xỉ than nghiền nhỏ theo tỷ lệ 65% + 15% + 10% + 10%.

Nếu trồng cây trong bồn, chậu thì phải thông đáy thoát nước và dẫn khí.

Với phẩm chất chắc gốc, bền cành, hoa sai, tươi lâu, dâm bụt vàng có thể trở thành cây cảnh xinh xắn trong công viên hay góc vườn của mỗi gia đình. 

(Chuyên đề -  Kinh nghiệm nhỏ hiệu quả lớn cho nông dân trồng cây cảnh của Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ Đà Nẵng)