Thúc đẩy quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia

Sáng 4/8/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên họp Đối tác Đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia lần thứ 2 do Đại sứ Australia Robyn Mudie và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chủ trì.

Tham dự Phiên họp về phía Australia có bà Rebecca Bryant - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam và các cán bộ quản lý Chương trình Aus4Innovation; về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, cùng lãnh đạo: Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Vụ Công nghệ cao, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Dấu ấn nổi bật của Chương trình Aus4Innovation

Tại cuộc họp, hai Bên cùng điểm lại các kết quả nổi bật sau 18 tháng triển khai Chương trình Aus4Innovation, trong đó, đã tài trợ gần 4 triệu đô la Úc cho các sáng kiến hợp tác đổi mới sáng tạo của các đối tác Việt Nam và Australia; nâng cao năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho các viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam; hỗ trợ kỹ thuật cho các nghiên cứu chính sách quan trọng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Đại sứ Robyn Mudie chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Phiên họp

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh vui mừng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bên, trước các thách thức, khó khăn của đại dịch Covid-19 vẫn linh hoạt thích ứng và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ ở cả 4 hợp phần, tạo nền tảng thúc đẩy mối quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo hai bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Australia.

Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam” với 4 kịch bản cho nền kinh tế số, có giá trị tham khảo rất tốt cho công tác hoạch định chính sách, giúp Việt Nam nhận diện các cơ hội, thách thức và con đường đi phù hợp trong tương lai. Hoạt động đối tác thương mại hóa kết quả nghiên cứu đã giúp nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam đổi mới tư duy, nâng cao năng lực và kỹ năng thương mại hóa sản phẩm khoa học, hình thành các đơn vị xúc tiến chuyển giao công nghệ để kết nối các nghiên cứu hàn lâm với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp.

Cơ chế tài trợ cạnh tranh với 2 đợt tài trợ (2019 và 2020) đã lựa chọn được nhiều dự án hợp tác tiềm năng mà kết quả đầu ra của các dự án này sẽ không chỉ giúp giải quyết các nhu cầu thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội các vùng, miền của Việt Nam mà còn là tiền đề phát triển các quan hệ đối tác chiến lược giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp của cả hai nước.

Bộ trưởng đánh giá cao hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình đối với Dự án đánh giá tác động của đổi mới công nghệ ở Việt Nam tới tăng năng suất, GDP của các ngành kinh tế và xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030; đồng thời, nhấn mạnh việc kết nối với các chuyên gia tư vấn hàng đầu của Úc sẽ giúp Bộ lựa chọn được các chỉ số STI để đo lường đầu ra của Chiến lược và xác định được lộ trình công nghệ ưu tiên mà Việt Nam cần tập trung phát triển trong dài hạn. Đặc biệt, thành công của Hội nghị tháng 5/2019 về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội do hai Bên phối hợp với Liên minh đổi mới phát triển quốc tế (IDIA) tổ chức đã góp phần thúc đẩy cam kết của các cơ quan Chính phủ trong tăng cường quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Tại Phiên họp, Đại sứ Australia thông báo về việc khởi động một gói tài trợ mới trị giá 650,000 đô la Úc hỗ trợ Sáng kiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phục hồi kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19, thực hiện trong năm 2020 - 2021. Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation, hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm hiện thực hóa các giải pháp về trí tuệ nhân tạo ứng phó với dịch bệnh trong ngắn hạn, tài trợ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2020, hỗ trợ kỹ thuật khung Chiến lược Trí tuệ nhân tạo Việt Nam và các khóa đào tạo xây dựng năng lực về trí tuệ nhân tạo.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ: “Đổi mới sáng tạo là một trong ba trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia, vì vậy, chúng tôi coi trọng tầm nhìn dài hạn trong quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo với Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 toàn cầu ảnh hưởng tới các hoạt động hợp tác giữa hai nước, chúng ta vẫn là hai đối tác cam kết mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo. Hy vọng rằng, hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation cho sáng kiến về trí tuệ nhân tạo sẽ giúp đáp ứng hiệu quả nhu cầu cấp bách của Việt Nam. Động thái này cũng thể hiện cam kết của Australia trong quan hệ với Việt Nam và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong nỗ lực chống lại dịch bệnh với chính sách viện trợ phát triển mới - Quan hệ đối tác trong phục hồi: Hỗ trợ phát triển của Australia ứng phó với Covid-19”.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh hoan nghênh hỗ trợ của Chính phủ Australia cho sáng kiến về trí tuệ nhân tạo và cho rằng: “Đại dịch Covid-19 đặt tất cả chúng ta trước những thách thức chưa từng có tiền lệ và vai trò của công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo trở nên đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh Bộ Khoa học và Công nghệ được giao là đầu mối triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời giúp các doanh nghiệp chống đỡ với các đứt gãy của nền kinh tế, gói hỗ trợ ứng dụng trí tuệ nhân tạo là một sáng kiến kịp thời và có ý nghĩa của Chương trình A4I giúp Việt Nam ứng phó với Covid-19 và phục hồi kinh tế”.

Tăng cường quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia trong tương lai

Tại Phiên họp, hai Bên cùng tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo song phương và tiếp tục triển khai Giai đoạn 2 của Chương trình A4I sau năm 2022. Bộ trưởng nhấn mạnh với các bài học kinh nghiệm rút ra từ Giai đoạn 1 của Chương trình, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch Covid-19, hai bên sẽ nhận diện rõ ràng các lợi thế và điểm mạnh cần phát huy, thống nhất được các giải pháp và các can thiệp phù hợp của Chương trình trong Giai đoạn 2, để nhân rộng các mô hình thành công đã được thực tiễn kiểm nghiệm, tác động lâu dài và bền vững hơn tới hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và nền kinh tế được dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo của Việt Nam./.

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN