TMĐT - "đũa thần" cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Dự kiến 10.000 niêu cá có giá từ 400.000 - 1,2 triệu đồng của Cơ sở Cá kho Trần Luận (cá kho làng Vũ Đại) sẽ được tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Đây là bằng chứng cho thấy sức mạnh của thương mại điện tử (TMĐT) đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Cá kho xuất ngoại

Cơ sở Cá kho Trần Luận ở tỉnh Hà Nam hiện đã nhận 1.000 đơn đặt hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Ông Trần Bá Nghiệp - chủ Cơ sở Cá kho Trần Luận, cho biết đó là số lượng khách hàng lẻ. Với số lượng lớn phân phối qua các đại lý, Cá kho Trần Luận đặt mục tiêu bán ra 10.000 niêu cá (tăng 40% so với năm ngoái) trong mùa Tết này.

Sở dĩ Trần Luận tăng sản lượng vì năm nay Cơ sở đã nghiên cứu thêm các sản phẩm đóng hộp, bảo quản được lâu hơn so với đựng trong niêu thông thường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở xa, đặc biệt là những kiều bào xa quê.

Không phải tự nhiên mà Cá kho Trần Luận lại kinh doanh tốt như thế, tất cả là nhờ TMĐT. Năm 2009, chủ Cơ sở Cá kho Trần Luận bắt đầu kinh doanh và chỉ bán được 257 sản phẩm. Sau đó, Cá kho Trần Luận lập trang web bán hàng.

Năm 2010, không chỉ bán hàng trên website, Trần Luận sử dụng quảng cáo trực tuyến Google Adwords. Chỉ trong tháng đầu tiên quảng cáo trên Google Adwords, Trần Luận đã tăng 47 đơn hàng so với tháng trước và đến cuối năm 2010, cơ sở này đã bán ra thị trường 1.100 niêu cá, gấp 3 lần so với năm 2009.

Nhờ công cụ này, số lượng đơn hàng tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, năm 2011, Trần Luận bán được 3.600 niêu cá, năm 2012 là 5.000 niêu, năm 2013 tăng lên 10.000 niêu và lên gần 20.000 niêu trong năm 2014. Để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của khách hàng, Trần Luận cũng đã mở đại lý tại Hà Nội và TP.HCM.

Theo ông Nghiệp, nhờ TMĐT, sản phẩm của cơ sở bán chạy gấp 20 lần so với bình thường, và món cá dân dã ở nông thôn đã đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, rồi “xuất ngoại” đến nhiều nước.

Đến thời điểm này, còn một tháng nữa mới đến Tết nhưng Cá kho Trần Luận đã nhận đặt hàng 280 niêu cá từ Việt kiều các nước. Dù đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng nhưng chủ thương hiệu cá kho nức tiếng này vẫn lo bị cháy hàng vào thời điểm giữa tháng Chạp. Bởi, những năm trước khách chỉ đặt hàng vào khoảng một tháng trước Tết, nhưng năm nay lại đặt trước đến hơn cả tháng rưỡi với số lượng khá lớn.

Lực đẩy cho DN

Không chỉ có Cá kho Trần Luận, rất nhiều DN đã thành công nhờ ứng dụng TMĐT. Công ty Nhà Việt thành lập năm 2011 với hoạt động chính là dọn dẹp vệ sinh.

Trong nửa năm đầu, Nhà Việt kinh doanh theo kiểu truyền thống và không hiệu quả. Trước xu hướng TMĐT phát triển, Nhà Việt đã quảng bá trên các mạng xã hội, các công cụ bán hàng của Google... và doanh thu tăng trưởng 100% mỗi năm. Hiện nay, mỗi tháng, DN này dành 10% doanh thu để quảng cáo trực tuyến.

Tương tự, với mục tiêu tập hợp giới thiệu các đặc sản của Kiên Giang (tiêu sọ trắng Sáng Lợi, nước mắm Khải Hoàn, rượu sim Bảy Gáo, chả lụa Cận...), DN Thanh Hằng đã đưa sản phẩm lên web.

Sau 5 tháng hoạt động, wesite của Thanh Hằng đã có tới 56.000 lượt truy cập và nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, TP.HCM, Bình Phước... Thông qua TMĐT, doanh thu bình quân của Cơ sở Thanh Hằng đạt 100 triệu đồng/tháng.

Không lớn như Cá kho Trần Luận, Công ty Nhà Việt, Cơ sở Thanh Hằng, cô chủ cửa hàng trực tuyến mang tên Shop For Gal khởi nghiệp với số vốn 3 triệu đồng. Vậy nhưng, đến nay, sau 8 năm kinh doanh quần áo thời trang trên mạng, cái tên Shop For Gal đã phủ trên Facebook, được các khách hàng trẻ đặc biệt quan tâm. Shop For Gal đã giới thiệu hàng ngàn mẫu quần áo, giày dép, túi xách thời trang đến giới trẻ.

Trang Facebook cùng tên cũng thu hút hàng ngàn lượt “like”, “comment” của khách hàng. Mỗi ngày, cô chủ cửa hàng phải trả lời cả trăm “comment” trên mạng và tiếp nhiều lượt khách hàng đến tận nhà mua hàng.

Cùng với việc thành công ở thị trường nội địa, nhiều DN nhờ TMĐT đã phát triển thị trường sang nhiều nước ở Bắc Mỹ, Tây Âu. Chẳng hạn như Hapro, thông qua TMĐT, cụ thể là Alibaba, đã xuất khẩu đến 70 nước với doanh số hơn 9.000 tỷ đồng/năm.

Ông Trần Đình Toản - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSC (một trong hai đơn vị làm đại diện của Alibaba tại Việt Nam) cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng trưởng và đóng góp vào thành công này là kênh TMĐT. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời điểm khó khăn.

Cũng theo ông Toản, hiện nay trên thế giới, các nước phát triển chiếm hơn 90% tổng giao dịch TMĐT toàn cầu, trong đó, riêng thị trường Bắc Mỹ và châu Âu đã chiếm tới 80%.

Các chuyên gia cho rằng, TMĐT tạo môi trường đầy tiềm năng cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin trong năm 2014 cho thấy, 58% số người truy cập internet đã từng mua hàng trực tuyến và con số này sẽ còn tiếp tục tăng. Các mặt hàng được ưa chuộng nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (60%), kế đó là đồ gia dụng (34%), sách và văn phòng phẩm (31%). Số lượng người mua hàng trực tuyến cũng tăng mạnh, trong đó có 71% người mua thông qua website bán hàng (tăng 10% so với năm 2013), thông qua mạng xã hội tăng từ 45% lên 53%.

THANH NGÂN