TỌA ĐÀM LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIỮA CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VỚI CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP VÀ CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Tọa đàm Liên kết phát triển Khoa học và Công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Nẵng nằm trong khuôn khổ chương trình Tọa đàm Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ được diễn ra sáng ngày 30/3/2019.

Phiên chuyên đề: Tọa đàm Liên kết phát triển Khoa học và Công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Nẵng do ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố và lãnh đạo Sở KH&CN chủ trì.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng và bà Vũ Thị Bích Hậu Phó giám đốc Sở KH&CN chủ trì phiên chuyên đề

Tại buổi tọa đàm chuyên đề, đại diện lãnh đạo của các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, các tổ chức KH&CN trên địa bàn thành phố đã thẳng thắng thảo luận và chia sẽ những khó khăn đang còn vướng mắc trong quá trình tìm kiếm công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đưa ra các đề xuất cho thành phố và các trường đại học. Trong buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp bày tỏ khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh) cho biết, hiện nay có tình trạng cạnh tranh mạnh mẽ lao động giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc tuyển dụng qua các trung tâm giới thiệu việc làm cũng không hiệu quả. Công ty Daiwa Việt Nam từng nhiều lần kết nối với các trường đại học, cao đẳng để tìm kiếm nhân sự, nhưng không thành công vì các trường chưa có bộ phận chuyên trách, làm đầu mối thực hiện công việc này.

Về phía cơ sở đào tạo nhân lực, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ Giám đốc Đại học Đà Nẵng đề xuất giải pháp cho việc nghiên cứu, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, cụ thể là một mô hình kết nối cung - cầu giữa các trường đại học của thành phố và miền Trung; bên cạnh đó, tăng cường hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với doanh nghiệp và thành phố trong việc phát triển không gian sáng tạo và khởi nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu trong buổi tọa đàm

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo của các trường Đại học Kiến trúc, Đại học Kỹ thuật – Y dược, Đại học Đông Á cho rằng, trường sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm tạo cơ hội có việc làm cho đầu ra sinh viên, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Các nhà đào tạo đề nghị doanh nghiệp trở thành một phần của nhà trường, trực tiếp tham gia vào đào tạo chứ không chỉ dừng ở khái niệm “hỗ trợ”. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thành phố cần xây dựng bản đồ nhân sự, dự báo các biến động lao động trong các ngành nghề kinh tế mũi nhọn của thành phố hiện nay.

Về phía các nhà khoa học, đại diện Viện Nghiên cứu thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ các khó khăn hiện ở Đà Nẵng như việc cung cấp nước cho các khu vực vùng sâu vùng xa Hòa Bắc, Hòa Ninh hay tận dụng nguồn lực của địa phương, đồng thời nêu giải pháp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

Kết thúc buổi tọa đàm, lễ ký kết thỏa thuận ba nhà được diễn ra thành công và tốt đẹp. Nội dung ký kết nêu ra những vấn đề thiết thực cho các bên:

1. Về doanh nghiệp:

- Cung cấp nhu cầu về nguồn lực cho nhà đào tạo, tham gia giảng dạy và đánh giá chất lượng nguồn sinh viên.

- Cung cấp các nhu cầu về nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Hổ trợ nhà khoa học, sinh viên trong việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, sáng tạo khởi nghiệp tại doanh nghiệp

2. Các trường đại học:

- Giới thiệu kết quả, năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển, tư vấn chuyên giao công nghệ của các trường đại học đến các doanh nghiệp.

- Chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp đề xuất và phát triển các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Đại học Đà Nẵng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ dự thảo các nội dung, tiến đến việc thành lập liên hiệp các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

3. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng tại doanh nghiệp và sản phẩm được thương mại hóa.

- Liên kết với các trường đại học, hiệp hội các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hệ sinh thái khởi nghiệp; sàn giao dịch công nghệ và phát triển thị triển khoa học và công nghệ.

- Hỗ trợ hướng dẫn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu và sản phẩm khoa học công nghệ của doanh nghiệp.

Lễ ký kết thỏa thuận nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp

Phát biểu kết thúc phiên tọa đàm chuyên đề, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, cần có một “địa chỉ” để kết nối “3 nhà” gồm nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp. Các trường đại học cần phải có chương trình đào tạo làm sao để tiếp cận được thị trường, tăng kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho sinh viên để phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn hỗ trợ khởi nghiệp để góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhà quản lý cần phải lấy KH&CN làm đòn bẫy cho việc phát triển kinh tế - xã hội, khi đó mới có thể gỡ bỏ rào cản về nhận thức và cơ chế, chính sách. Nhằm hướng tới giải quyết những yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, của thành phố và các nhà khoa học cũng như kịp thời nắm bắt được những vấn đề mới tạo điều kiện cho việc phát triển thành phố.

Xuân Bình