3 bí quyết chọn đúng cộng sự khởi nghiệp

Không ít người quan niệm các nhà sáng lập phải là những thiên tài lập dị thích làm việc đơn độc, tuy nhiên, sự thật là hầu hết những doanh nhân tiên phong luôn san sẻ khối lượng công việc khổng lồ của một doanh nghiệp cho một hoặc nhiều cộng sự.

Theo kinh nghiệm của Jason Albanese – Nhà đồng sáng lập, CEO của Centric Digital, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ và giải pháp chuyển đổi công ty truyền thống sang mô hình kỹ thuật số, không phải mọi sự hợp tác đều mang lại hiệu quả. Trên thực tế, nếu kỹ năng của những người hợp tác với nhau không bổ trợ cho nhau hoặc thậm chí không tương xứng nhau thì mối quan hệ đó sẽ trở nên tiêu cực thay vì là chìa khóa mở ra thành công cho công ty.

Sau đây là 3 bí quyết giúp các doanh nhân tìm ra người cộng sự giỏi và phù hợp với mình. 

Bổ sung kỹ năng cho nhau

Thông thường, mọi người hay nghĩ về sự cộng tác theo cách đối lập: Người có tính cách hướng ngoại sẽ làm việc trực tiếp với khách hàng trong khi người hướng nội luôn túc trực trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên trên thực tế, một mối hợp tác hiệu quả cần dựa trên tập hợp các kỹ năng bổ sung cho nhau chứ không phải trái ngược nhau. 

Do đó, nếu bạn và cộng sự của mình có tài năng và lối suy nghĩ hoàn toàn khác nhau thì nhiều khả năng sự hợp tác giữa hai người sẽ không hiệu quả.

Tác giả Jason Albanese lấy ví dụ, công việc của ông chủ yếu tập trung vào kinh doanh và định hướng chiến lược phát triển lâu dài của công ty, trong khi người cộng sự đảm trách việc tạo ra sản phẩm, xây dựng chiến lược marketing và phát triển thương hiệu.

Theo Albanese, rõ ràng kỹ năng của hai người đã bổ sung cho nhau và họ đã hợp tác rất tốt bởi cả hai cùng lĩnh vực quan tâm, cùng khả năng, và chung cách suy nghĩ nên dễ hiểu nhau trong việc ra quyết định cũng như hành động.

Bên cạnh đó, nếu bạn và người cộng sự/nhà đồng sáng lập có nhiều điểm tương đồng về kỹ năng, triết lý điều hành sẽ là một thuận lợi lớn bởi điều đó giúp cả hai thống nhất trong việc phát triển công ty. Ngược lại, nếu hai người không tìm ra tiếng nói chung và không thấu hiểu nhau thì hiệu quả hợp tác có thể bị tiêu diệt ngay từ đầu.

Hiểu rõ vai trò công việc và bản thân

Một người cộng sự phù hợp không chỉ hỗ trợ bạn về mặt kỹ năng mà cả hai còn phải "ăn ý" với nhau trong việc phân chia, phối hợp công việc. Tuy nhiên, trong một hệ thống cấp bậc mà kèm theo đó là quyền lãnh đạo, nếu bạn hoặc cộng sự của mình đặt "cái tôi" lên trên lợi ích của tập thể thì rất dễ khiến bản thân quên đi tầm nhìn dài hạn của công ty.

Ví dụ, giám đốc điều hành (CEO) của một công ty luôn có vị thứ cao hơn một giám đốc công nghệ (Chief Technology Officer - CTO) trên sơ đồ tổ chức. Tuy nhiên, nếu công ty của bạn chuyên về lĩnh vực công nghệ và hiện đang bán một công nghệ mới nhất ra thị trường thì rất có thể nhiệm vụ thiết kế và hoàn thiện công nghệ này còn quan trọng hơn công việc của CEO.

Khi đó, nếu một CTO cảm thấy thất vọng vì vị trí "cấp dưới" của mình và bắt đầu can thiệp nhiều hơn vào công việc CEO (riêng về mảng kinh doanh), thì mối quan tâm hàng đầu của họ sẽ chuyển từ ưu tiên phát triển sản phẩm sang buôn bán - phần công việc mà người khác đã làm và làm tốt hơn so với CTO.

Hợp tác là một cách thúc đẩy phát triển công việc nhưng bên cạnh đó cũng dễ khiến người đồng sự cảm thấy kiêu hãnh theo cách có thể khiến công ty gặp nhiều rủi ro. Do đó, việc đánh giá xem liệu thái độ và tham vọng của một người được thúc đẩy bởi tiềm năng phát triển của công ty hay bởi "cái tôi" của họ luôn là điều khó khăn, và một doanh nhân giỏi phải là người có trực giác nhạy bén cũng như đủ kinh nghiệm để "nhìn" người một cách chính xác.

Hợp tác vì mục tiêu chung

Bất kể lúc đầu các bạn hợp tác ăn ý với nhau ra sao thì về lâu dài, sự hòa thuận này cũng khó có thể duy trì khi công ty phải đối mặt với những thách thức và áp lực làm mọi người căng thẳng.

Có thể ngay từ đầu, bạn hiểu được người cộng sự của mình và biết "ngưỡng" tham vọng của họ, nhưng trên thực tế, suy nghĩ của con người lại có xu hướng thay đổi theo thời gian và nếu minh họa một cách đơn giản thì mối quan hệ cộng tác cũng giống như một cuộc hôn nhân: Cho dù lúc đầu hai người hiểu nhau ra sao thì theo năm tháng, cũng có những vấn đề mà hai bên không thể giải quyết được trong thời gian dài.

Ví dụ, lúc 30 tuổi, bạn tìm thấy một nửa đích thực của đời mình - cả hai đều thích đi ra ngoài dạo phố hằng đêm hay nằm nhà xem bộ phim yêu thích. Nhưng sau một thập kỷ, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn muốn mở công ty riêng hay theo đuổi một niềm đam mê mới trong khi cô ấy vẫn cố gắng kéo bạn ngồi trước màn hình ti vi?

Vấn đề ở đây là bạn không thể đoán trước được những thứ có thể thay đổi trong mười năm tới, nhưng bù lại bạn có thể làm mọi điều cần thiết để giữ mối quan hệ đó được lâu bền và hiệu quả. Cũng giống như trong hôn nhân, mọi người thường chọn cách thỏa hiệp hoặc nhường nhịn nhau để giữ cho mọi thứ diễn ra êm đẹp.

Có thể có những thói quen hoặc tật xấu của cộng sự mà bạn chưa hiểu hoặc thông cảm ngay lập tức, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn lường trước và chấp nhận điều đó thay vì khó chịu một cách không cần thiết - miễn là chúng không gây hại gì đến công việc chung.

Theo Jason Albanese, việc hợp tác kinh doanh luôn đem lại nhiều lợi ích hơn rủi ro, tuy nhiên điều đó không có nghĩa bạn phải nhanh chóng "bắt tay" với người khác. Thậm chí, nếu đã tìm thấy một cộng sự tài năng, phù hợp với mình thì bạn cũng nên xét đến khả năng lãnh đạo của người đó.