3.000 tỷ đồng phát triển nhân lực điện hạt nhân

Nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân về cả số lượng và chất lượng, Việt Nam sẽ đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Số tiền trên nằm trong đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử" của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thực hiện từ 2010 đến 2020.

Đề án mới được công bố tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực cho Chương trình điện hạt nhân và quản lý tri thức hạt nhân” cuối tuần trước. Theo đó, 2.000 tỷ đồng sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước, số còn lại do Tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 các cơ sở đào tạo trong nước phối hợp với các đối tác bên ngoài sẽ đào tạo khoảng 2.400 kỹ sư và cử nhân, 350 thạc sĩ và tiến sĩ nhằm đáp ứng tiến độ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Trong năm nay, 48 sinh viên đã được tuyển sinh và chuẩn bị làm thủ tục đi học ngành năng lượng nguyên tử tại Liên bang Nga.

Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển điện hạt nhân sau sự cố nhà máy Fukushima. Ảnh: Guardian.

"Đào tạo nguồn nhân lực ngành hạt nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong chương trình điện hạt nhân quốc gia từ nay đến năm 2020", thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến khẳng định, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục triển khai Chương trình điện hạt nhân quốc gia ở mức độ an toàn nhất sau sự cố nhà máy Fukushima tại Nhật Bản.

Theo ông Yanko Yanev, Trưởng bộ phận quản lý tri thức hạt nhân của IAEA, để đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ, Việt Nam cần có chính sách cụ thể đối với việc lựa chọn và ưu đãi nhân tài.

"Việt Nam còn phải tính tới việc đào tạo một lượng không nhỏ những công nhân có kiến thức đầy đủ về lĩnh vực hạt nhân mới có thể vận hành một nhà máy điện hạt nhân hiệu quả và an toàn", ông Yanko Yanev nói.

Ông Yanko Yanev nhấn mạnh vai trò quản lý tri thức hạt nhân tại các dự án, tổ chức và quốc gia. Ông cho rằng, không thể thực hiện được chương trình hạt nhân nếu không có quản lý trí thức ngay từ giai đoạn đầu tiên cho đến suốt quá trình thực hiện chương trình điện hạt nhân.

"Quản lý tri thức hạt nhân có ảnh hưởng và liên quan trực tiếp đến nguồn nhân lực, công nghệ, phương pháp tiếp cận quản lý, hệ thống quản lý tài liệu, và chiến lược của công ty và quốc gia", ông nói thêm.