Đà Nẵng hy vọng các show diễn sẽ kéo dài ngày lưu trú của khách du lịch đến từ các thị trường trọng điểm như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... |
Mỗi show diễn sẽ là một chủ đề, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, nhằm đem đến cho du khách những món ăn tinh thần quý giá.
Show đặc sắc nhất phải kể đến là “Nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam”, bao gồm các trích đoạn Tuồng trong 10 phút được luân phiên thay đổi nội dung trong tháng; hòa tấu nhạc cụ dân tộc trên nền những tác phẩm âm nhạc và các bài dân ca Việt Nam, các bản nhạc và bài hát quốc tế nổi tiếng, nhất là những bản quen thuộc, phù hợp với đối tượng khách của các nước Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Trung Quốc (các thị trường du lịch truyền thống và tiềm năng của Đà Nẵng) cùng các tiết mục múa tiêu biểu của khu vực miền Trung.
Show “Một thoáng Việt Nam” sẽ dẫn dắt người xem “đi” qua Tây Bắc, Tây Nguyên, các miền Bắc - Trung - Nam thông qua các điệu múa và dân ca các vùng.
Những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam nền nã, những bộ áo cách tân mới lạ, các trang phục dân tộc đầy màu sắc được dịp ra mắt trong show “Thời trang dân tộc Việt”.
Show “Giao lưu Việt Nam - quốc tế” sẽ là sự giao hòa giữa các điệu múa Việt Nam dân gian, hiện đại, với các vũ điệu sôi động quốc tế.
Show diễn chính thức đầu tiên dự kiến trình làng vào dịp Tết Canh Dần (khoảng cuối tháng 2-2010), theo lịch 2 show/2 buổi/tuần, lúc 20 giờ vào các ngày thứ tư và thứ bảy hàng tuần, với giá vé 50 nghìn đồng/vé. Các đơn vị tham gia biểu diễn và các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các điểm du lịch... sẽ nối kết với nhau để đưa khách đến thường xuyên.
Trích 15% hoa hồng cho các đơn vị tham gia bán vé
Để khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân giới thiệu cho du khách và người dân mua vé, góp phần duy trì thường xuyên các show diễn, Sở VH-TT-DL đề xuất áp dụng mức chiết khấu hoa hồng là 15% trên tổng doanh thu bán vé.
Nhiều hoạt động phụ trợ được tổ chức để khai thác thêm chi tiêu của du khách như: trưng bày nghệ thuật Tuồng theo hệ thống, có bảng tên giới thiệu và thuyết minh viên trực hướng dẫn cho du khách bằng hai thứ tiếng Việt - Anh. Sau khi kết thúc mỗi show diễn, du khách có thể chụp ảnh với diễn viên hoặc với các trang phục, nhạc cụ dân tộc. Các sản phẩm lưu niệm gồm trang phục, đạo cụ, mặt nạ Tuồng, móc khóa có hình ảnh các điểm du lịch, mô hình thu nhỏ các điểm du lịch, đĩa DVD quay các show diễn... cũng được chào bán.
Theo Sở VH-TT-DL, ngoài mục đích làm đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ giải trí về đêm phục vụ du khách đến Đà Nẵng, việc tổ chức các show diễn còn góp phần bảo tồn và làm sống động nghệ thuật Tuồng cổ. Nhà hát Tuồng một khi được khai thác tốt công năng sử dụng sẽ hạn chế lãng phí về cơ sở vật chất và tránh bị xuống cấp nếu không được sử dụng thường xuyên.