Mấy năm gần đây, thông tin về hàng chục nghìn rồi hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt “chết” đã trở nên khá quen thuộc. Nhưng số còn lại khỏe, yếu ra sao vẫn không dễ dàng minh định.
Trong số 447 nghìn doanh nghiệp thì năm 2012 có 72 nghìn có doanh số chỉ bằng 30% năm trước trở xuống, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Minh họa: Khều.
Báo cáo ngày 24/4/2013 của Chính phủ đánh giá số doanh nghiệp giải thể tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, trong khi cả số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đều giảm.
Bên cạnh khó khăn về tiếp cận vốn và về đầu ra, không ít ý kiến tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế ngày 26/4 vừa qua còn nhấn mạnh đến yếu tố niềm tin.
“Lòng tin của doanh nghiệp đối với kinh tế thị trường, điều hành, quản lý của ta có vấn đề. Tình trạng chán nản, buông xuôi, thúc thủ trong doanh nghiệp đã biểu hiện rõ, ý chí vươn lên rất hạn chế”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhận định.
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Bùi Đức Thụ cho rằng “con số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể xấp xỉ bằng nhau trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy tình hình còn xấu hơn 2012, khó khăn cho doanh nghiệp chồng chất hơn”. Và kinh tế phục hồi thế nào phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, tại phiên họp này, ở phần thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế xã hội phục vụ kỳ họp Quốc hội thứ 5 đã “đặt hàng” lãnh đạo các bộ liên quan một vấn đề mà “ lâu nay cứ hỏi hoài mà câu trả lời vẫn chưa ổn”.
Đó là, tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng GDP, thu ngân sách, việc làm? Cụ thể hơn là ngoài 53 nghìn doanh nghiệp phá sản trong năm 2011 và 54 nghìn trong năm 2012, các doanh nghiệp ốm yếu (bệnh không có khả năng chữa trị, có thể chữa nhưng sống ngắc ngoải, có khả năng gượng dần dần và sẽ phục hồi…) thì tác động thế nào đến kinh tế và an sinh xã hội?
“Cục Thuế Hà Nội báo cáo, năm 2012 có 46/90 nghìn doanh nghiệp thua lỗ 47 nghìn tỷ. Kinh hoàng. Rồi nói riêng từng ngành thì ngân hàng thương mại giảm nộp ngân sách 3.500 tỷ năm 2012. Còn huyện tôi ứng cử thì năm 2012 có 1.500 lao động đi lao động ở Tp.HCM về quê vì không có việc làm, quý 1/2013 thêm 1.000 người mất việc nữa, sinh ra tệ nạn xã hội”, ông Giàu nêu ba ví dụ mà theo ông là nhỏ, nhưng đầy quan ngại.
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Giàu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói, “nếu thống nhất khái niệm doanh nghiệp cả năm 2012 không có doanh số là ốm, còn doanh số bằng 30% năm trước là yếu, thì đang có 72 nghìn doanh nghiệp ốm yếu”.
Trong số 447 nghìn doanh nghiệp thì năm 2012 có 72 nghìn có doanh số chỉ bằng 30% năm trước trở xuống, ông Tuấn cho biết.
Vị lãnh đạo ngành tài chính cũng nói rõ hơn là trong 116 nghìn doanh nghiệp của Hà Nội thì 65% thua lỗ với số tiền 47 nghìn tỷ đồng. Còn trên toàn quốc thì 370 nghìn doanh nghiệp có doanh số, hết 2011 số lỗ là 71%, đến 2012 là 69%, lỗ lũy kế đến 31/12 /2011 là 353 nghìn tỷ, hết 2012 thì thêm khoảng 140 nghìn tỷ nữa.
“Báo cáo anh Giàu, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt là thế đó”, ông Tuấn hướng về chủ tọa phiên họp.
Ngay cả thuế gián thu dân nộp chỉ có 34% của năm 2012 là dương (đầu vào lớn hơn đầu ra) còn 65% là âm do tồn kho và lỗ. Ngành điện thuế giá trị gia tăng cũng lập tức âm 1.800 tỷ khi lỗ 8.000 tỷ, điều này nói lên tích lũy của nền kinh tế, vị lãnh đạo ngành tài chính phân tích tiếp về tình hình tài chính doanh nghiệp.
Về tác động ngân sách, ông Tuấn cho hay thể trạng doanh nghiệp như vậy đã làm giảm thu ngân sách từ sản xuất kinh doanh năm 2012 là 51 nghìn tỷ, nhưng nhờ tăng thu từ khoáng sản và đất nên “hòa”.
Với tình hình tài chính doanh nghiệp như đã phân tích, quan điểm của Thứ trưởng Tuấn là khi nhận định nền kinh tế khởi sắc hay có dấu hiệu phục hồi phải lượng hóa. Giả sử nếu coi 60% doanh nghiệp có lãi là điểm kỹ thuật bình thường thì khi nào đạt con số đó nền kinh tế mới bình thường, còn khi nào dưới số đó tức là nền kinh tế có dấu hiệu khó khăn.
Dự báo khó khăn của ngân sách của 2013, ông Tuấn nhấn mạnh quan điểm cá nhân, rằng “cái khó nhất hiện nay là sức sống của 300 nghìn doanh nghiệp”.