8 quyết định rủi ro nhất năm 2011 của làng công nghệ

8 quyết định rủi ro nhất năm 2011 của làng công nghệ

Có thể có những quyết định sẽ đơm hoa kết trái, nhưng cũng có thể có những quyết định sẽ chỉ là “ném tiền qua cửa sổ”. Cho đến thời điểm này, tất cả vẫn chưa đi đến đâu.

1. HP từ bỏ máy tính bảng, WebOS – và có thể cả PC

Hồi tháng 8, HP đã tuyên bố ngừng sản xuất các thiết bị WebOS, trong đó có smartphone và máy tính bảng TouchPad mà hãng vừa tung ra tháng trước. Cùng lúc đó, hãng chi 10 tỷ USD tiền mặt mua nhà sản xuất phần mềm Anh Autonomy và cố gắng từ bỏ kinh doanh PC – một quyết định “gây sốc” đối với nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới như HP. Ngay sau đó, vị Tổng giám đốc vừa đương nhiệm chưa được 1 năm đã bị sa thải và nhường chỗ cho cựu CEO HP Meg Whitman.

2. Groupon nói không với Google, muốn IPO

groupon.jpg

Groupon đã từ chối lời mời mua lại trị giá 6 tỷ USD của Google để chọn phương án phát hành cổ phiếu trên thị trường. Chưa thấy bước đi này khiến giá trị Groupon gia tăng đến đâu, song đã khuấy đảo hàng chục website mua sắm nhái theo Groupon. Ngoài ra, công ty còn gặp nhiều trở ngại trên con đường IPO của hãng, bị chỉ trích vì giấu kín các thông số tài chính, Groupon liên tục phải hoãn IPO.

3. Nokia từ bỏ Symbian, đến với Windows Phone

Nhà sản xuất điện thoại đang gặp khó của Phần Lan đã từ bỏ vũ khí để đến với nền tảng Windows Mobile của Microsoft. Cái bắt tay này được cho là sẽ tiết kiệm tiền cho Nokia, khoảng 4 tỷ USD vào việc nghiên cứu và phát triển, còn Microsof thì tận dụng được cơ sở khách hàng trung thành của Nokia. Tuy nhiên, mọi thứ còn chưa thể nói trước.

4. AOL mua HuffPost

574-AOLtechhuffington.jpg

AOL đã đánh cược tương lai vào Arianna Huffington khi chi 315 triệu USD mua lại Huffintgon Post hồi tháng Hai nhằm nỗ lực chuyển đổi tình hình kinh doanh sa sút đã kéo dài cả thập kỷ. Quyết định này đưa các tờ báo của AOL nằm dưới sự quản lý của Huffington, và “nữ hoàng truyền thông” đã nhanh chóng chứng tỏ vai trò “sếp”: sao thải nhà sáng lập Michael Arrington của trang TechCrunch.

5. AT&T thâu tóm T-Mobile

AT&T đã chi 40 tỷ USD thâu tóm T-Mobile tạo thành thương vụ giữa hãng di động số 2 và số 4 của Mỹ, và sẽ đẩy Verizon tuột khỏi vị trí số 1. Thương vụ này hiện vẫn chưa hoàn thành, song nếu thành công, nó sẽ là thương vụ lớn nhất trong năm. Trong vụ này, hiện nay, Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét các vấn đề về chống độc quyền, phá vỡ cạnh tranh và nâng giá với người dùng.

6. Microsoft “hớ” khi mua Skype

Microsoft đã mua lại Skype hồi tháng Năm với giá 8,5 tỷ USD, gần gấp ba giá trị thị trường của Skype. Đây là vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử Microsoft. Mãi gần đây thương vụ này mới chính thức hoàn thành và người ta vẫn đang đoán già đoán non về hiệu quả của nó.

7. New York Times thu phí độc giả

nyt.jpg

Đi theo bước chân của Financial Times và Wall Street Journal, hồi tháng Ba The New York Times đã tuyên bố người đọc sẽ phải trả tiền để đọc một số nội dung “đặc biệt” trên trang báo điện tử của hãng. Việc làm này có thể khiến The New York Times mất đi những khách hàng lâu năm. Tuy nhiên, hồi tháng Bảy, trang nytimes.com cho biết họ đã có 224.000 thuê bao điện tử. Đây quả là tin tốt lành cho các tờ báo đang xem xét đến phương án thu phí người đọc.

8. Cisco cải tổ, chấm dứt sự sống của camera Flip

14_flip13.jpg

Cisco đã quyết định từ bỏ dòng camera Flip nổi tiếng của hãng trong kết hoạch cải tổ, và quyết định này cũng khiến ít nhất 6.500 nhân viên của Cisco bị sa thải. Sau nhiều năm có kết quả tài chính sa sút, hãng chuyên về các giải pháp mạng đang tập trung vào chiến lược nhắm mạnh mẽ đến khách hàng doanh nghiệp. Vào tháng 9, sau khi “cắt gọt” các bộ phận kinh doanh và kỹ thuật, Cisco dè dặt đưa ra những ước tính tăng trưởng trong các quý tới.