Alibaba đưa thương mại điện tử về làng

Không chỉ đẩy mạnh việc buôn bán ra thị trường nước ngoài, Tập đoàn thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba đang quay trở lại sân nhà, tấn công thị trường nông thôn rộng lớn và còn bỏ ngỏ.

Thị trường lớn chưa khai thác

Tuguan - ngôi làng ở tỉnh Vân Nam - khác xa với hình ảnh Trung Quốc náo nhiệt hiện đại với những con đường làng gập ghềnh, ngôi nhà cũ kỹ. Khoảng 170 hộ gia đình dân tộc thiểu số Bai của Trung Quốc sinh sống ở đây bằng nghề trồng nho và me. Nhịp sống của người dân chậm rãi và dường như vắng bóng các thiết bị công nghệ.

Thế nhưng, tháng 6 vừa qua, ngôi làng này đã chứng kiến sự thay đổi lịch sử khi Alibaba lắp đặt một chiếc máy tính Lenovo tại một cửa hàng bách hoá của địa phương, bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm của người dân nơi này.

Máy tính kết nối màn hình lớn để khách hàng theo dõi các đơn hàng trực truyến doanhnhansaigon
Máy tính kết nối màn hình lớn để khách hàng theo dõi các đơn hàng trực truyến
Màn hình lớn được kết nối với chiếc máy tính hiển thị các giao dịch trực tuyến mà người dân mua sắm trên Alibaba như: kem đánh răng, máy phun thuốc trừ sâu, xe đạp trẻ em, đồ lót, điện thoại, găng tay, lều…

Zhang Yibin - một nông dân ở Tuguan vừa mua một chiếc quạt, thuốc trừ sâu và chiếc xe thồ trị giá 13.600 nhân dân tệ (CNY) tương đương 2.000 USD sau khi Taobao (thuộc Alibaba) mở trung tâm dịch vụ tại ngôi làng.

“Tôi được mua hàng với giá rẻ hơn, có nhiều lựa chọn hơn mà không cần phải đi xa”, Zhang Yibin giải thích vì sao ông chọn cách mua hàng rất mới lạ này. Đồng thời, người nông dân này cũng nói vớiBloomberg rằng ông muốn bán trực tuyến số nho mà ông trồng được để tiếp cận được với khách hàng khắp Trung Quốc.

Zhang Yibin và chiếc xe ông mua từ trang mua sắm trực tuyến Alibaba
Zhang Yibin và chiếc xe ông mua từ trang mua sắm trực tuyến Alibaba
Để người dân ở làng quê Trung Quốc, chủ yếu là người già, trẻ em vốn không biết sử dụng Internet, có thể sử dụng dịch vụ mua sắm trực tuyến, Alibaba xây dựng trung tâm dịch vụ Taobao như một “căn cứ địa” chiến lược, tuyển nhân viên làm việc tại các máy tính đặt hàng để hỗ trợ khách hàng.

Tiehua, 45 tuổi, cho biết ông sẽ phải “về hưu” sớm vì cửa hàng bán thiết bị điện tử của ông không cạnh tranh được với TMĐT. Tương tự, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ tại địa phương nói với Reuters rằng họ đang dần mất lợi thế khi không thể cạnh tranh với trang web bán hàng của Alibaba do hàng hoá không phong phú và khó cạnh tranh về giá.

"Việc khó vận chuyển hàng hoá về nông thôn khiến người dân khu vực này phải mua sắm hàng hoá kém chất lượng với số lượng ít ỏi", đại diện của JD.com – đối thủ của Alibaba - cho biết. Tuy nhiên, sự xuất hiện của TMĐT đã mang đến sự bình đẳng cho người dân nông thôn và thành thị. Kế hoạch của JD.com là mở 500 trung tâm dịch vụ nông thôn để đáp ứng nhu cầu mua hàng hoá chất lượng cao của khách hàng khu vực này.

Trong khi đó, Yu Xianghai – Giám đốc cấp cao phụ trách các sáng kiến TMĐT cho thị trường nông thôn của Alibaba - cho biết: “Kế hoạch lấn sân vào nông thôn của Alibaba đã có từ rất lâu và đây là giai đoạn chúng tôi tạo văn hoá, thói quen mua sắm trực tuyến cho khách hàng”.

Ông Yu cũng nói với Bloomberg: “Alibaba đang tiếp tục xây dựng nền tảng TMĐT dành riêng cho nông dân buôn bán các mặt hàng nông sản của họ đến các thành phố lớn”.

Theo báo cáo của McKinsey Digital, 3/4 thị dân tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Trùng Khánh đã sẵn sàng để tham gia các hoạt động trực tuyến, trong khi đó chỉ 19% dân số ở nông thôn tiếp cận được Internet. Tuy nhiên đến 2/3 số nông dân tiếp cận được Internet đã thực hiện giao dịch mua hàng.

Theo Reuters, thị trường nông thôn Trung Quốc ước tính sẽ mang về cho Alibaba 460 tỷ CNY (khoảng 74 tỷ USD) vào năm tới.

Thách thức của những kẻ mở đường

Wall Street Journal phân tích, thách thức lớn nhất của các công ty TMĐT là làm sao đưa hàng hoá đến tay người dân nông thôn khi cơ sở hạ tầng, giao thông ở đây đều còn rất yếu kém. Trung Quốc vốn đầu tư tập trung xây cảng, sân bay để xuất khẩu hàng hoá, trong khi đó dịch vụ chuyển phát trong nước vẫn còn sơ sài, rải rác. Do đó, những người khai phá thị trường như Alibaba, JD.com… cần phải tự xây dựng cơ sở hạ tầng.

Hàng hoá được tập trung tại quận Cainiao, phía đông bắc Trung Quốc, trước khi được giao đến các ngôi làng lân cận doanhnhansaigon
Hàng hoá được tập trung tại quận Cainiao, phía đông bắc Trung Quốc, trước khi được giao đến các ngôi làng lân cận
Thị trường TMĐT của Trung Quốc đạt 2,79 nghìn tỷ CNY vào năm 2014, tăng gần 50% so với năm trước. Nhưng cổ phiếu toàn cầu của Alibaba tính đến giữa tháng 8 đã giảm 3,5% tại thị trường New York, lần đầu tiên mất giá dưới 68 USD/cổ phiếu. Sự tăng trưởng chậm lại của Alibaba và nền kinh tế Trung Quốc đang "náo loạn" khiến nhà đầu tư không khỏi lo lắng.

Tuy nhiên, những số liệu khác vẫn chứng minh TMĐT vẫn sẽ vững mạnh dù nền kinh tế thứ 2 thế giới có vấp phải khó khăn gì, Bloombergbình luận. Trong 7 tháng đầu năm 2015, khi chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, kinh tế suy giảm thì TMĐT nước này vẫn tăng trưởng 37,7%.

Vào tháng 10 năm ngoái, Alibaba đã công bố kế hoạch đầu tư khoảng 10 tỷ CNY vào logistics, phần cứng và đào tạo nhân lực để đưa mô hình mua sắm trực tuyến đến 100.000 ngôi làng rải rác khắp Trung Quốc trong 3 - 5 năm tới.

Kế hoạch phát triển của những công ty TMĐT phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, tăng tổng sản phẩm quốc nội, vượt mức 1/3 hiện nay (con số này ở Mỹ là 70%), theo Bloomberg

“Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ lao động nhập cư, sinh viên mới tốt nghiệp và lính xuất ngũ trở về quê để khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích phát triển TMĐT ở các vùng nông thôn”, Tân Hoa Xã dẫn lại kết luận cuộc họp về tình hình kinh doanh ở nông thôn do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì vừa qua. Do đó, dù còn nhiều thách thức nhưng hoạt động đưa TMĐT đang được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn tích cực. 

http://techmartdanang.vn/