Bộ áo phao hỗ trợ ngư dân nghỉ ngơi, dưỡng sức khi đang hoạt động trên biển Sở hữu được bộ áo phao đa tính năng, đồng nghĩa sinh mạng của ngư dân sẽ được đảm bảo hơn trong thời gian hoạt động trên biển. Bộ áo phao đa năng do ông Võ Văn Hoàng Minh ở TP.HCM sáng tạo, đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH-CN cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích vào ngày 28/8/2018. Trước đó, công trình này cũng đã đạt giải Nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012 - 2013). Vào cuối năm 2017, bộ áo phao cứu sinh đa năng của ông Võ Văn Hoàng Minh đã được UBND TP Quy Nhơn phối hợp cùng Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức thực nghiệm tại Cảng cá Quy Nhơn. Hoạt động này nhằm làm thay đổi nhận thức của ngư dân trong việc trang bị áo phao để bảo vệ mạng sống của mình khi đánh bắt trên biển. Qua buổi thực nghiệm, bộ áo phao cứu sinh đa năng đã cho thấy nhiều tính năng bảo hộ vượt trội so với các loại áo phao thông thường. Mặc bộ áo phao này vào người, dù làm việc trong điều kiện mưa to gió lớn, ngư dân sẽ không bị mất sức nhiều nhờ phần đầu, tai, mắt được áo phao bảo vệ an toàn. Bộ áo phao được thiết kế che kín người giúp ngư dân giữ ấm thân thể. Với kết cấu nâng đỡ người ở tư thế nằm ngang, bộ áo phao hỗ trợ ngư dân nghỉ ngơi, dưỡng sức khi đang hoạt động trên biển hoặc bất ngờ bị rơi xuống biển. Ngoài ra, thiết kế che kín người của bộ áo phao còn giúp hạn chế mùi, không bị cá dữ phát hiện tấn công, ngay cả khi ngâm trong biển nhiều ngày. Đặc biệt, trên bộ áo phao có nhiều túi chuyên dụng, có thể chứa được 18 hũ lương thực và 8 chai nước ngọt, hỗ trợ ngư dân an toàn tối thiểu 8 ngày lênh đênh trên biển trong trường hợp tàu bị phá nước, chìm. Nguyên liệu chế tạo bộ áo phao là loại vải chuyên dụng của Hàn Quốc, có tác dụng chịu được lực căng kéo trong điều kiện sóng to và gió bão lớn. Trước ý nghĩa thiết thực của của bộ áo phao, một DN tại TP.HCM đã tài trợ chi phí để ông Võ Văn Hoàng Minh thực hiện nghiên cứu, thực hiện. Ý nghĩa của 100 bộ áo phao được đưa về hỗ trợ cho ngư dân Bình Định là bởi đây là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn. Ngư dân Bình Định ngày đêm bám biển để vừa kiếm kế sinh nhai, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hầu như năm nào ở Bình Định cũng có trường hợp ngư dân thiệt mạng trên biển. Nếu bộ áo phao cứu sinh đa năng sử dụng hiệu quả, tiếng lành đồn xa, ngư dân sẽ tự động tìm đến với bộ áo phao này. Khi ấy, chắn chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại về người của những lao động trên biển. Bởi giá của bộ áo phao khá đắt, 1,3 triệu đồng/bộ, nên để có 100 bộ áo phao cứu sinh đa năng đầu tiên đến với ngư dân Bình Định, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định đã làm việc với nhiều đơn vị, đặc biệt là Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Bình Định. Cuối năm 2018, Quỹ Tâm Nguyện Việt TP.HCM đã hỗ trợ 50% chi phí mua áo phao đa năng cho ngư dân. Trong cuộc gặp gỡ mới đây giữa ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định với ông Đỗ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Cty TNHH Bao bì giấy Việt Trung TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP.HCM, ông Hiểu đã có những chia sẻ về tâm nguyện muốn đưa 100 bộ áo phao cứu sinh đa năng đầu tiên đến với ngư dân Bình Định nhưng còn thiếu kinh phí. Ông Hùng hưởng ứng hỗ trợ ngay 66 triệu đồng còn lại để mua 100 bộ áo phao. Ông Võ Văn Hoàng Minh, tác giả sáng tạo ra bộ áo phao cho biết, Bình Định là địa phương đầu tiên đưa bộ áo phao đa năng đến với ngư dân. Ông Minh cũng bày tỏ mong muốn chương trình sẽ ngày một lan tỏa, có thêm nhiều chủ tàu hiểu và mạnh dạn đầu tư những bộ áo phao cứu sinh đa năng để giữ tính mạng cho ngư dân trên biển. “Vì bộ áo phao có giá khá cao, nên các đơn vị liên quan tại địa phương có thể phối hợp với ngân hàng hoặc các công ty bảo hiểm có cơ chế hỗ trợ cho chủ tàu cá, ngư dân vay để trang bị áo. Đơn vị cho vay có thể thu hồi vốn và lãi sau những chuyến đi biển của chủ tàu. Nếu cho vay trong 2 năm, số tiền phải trả cho mỗi chuyến biển sẽ rất thấp, phù hợp với thu nhập ngư dân”, ông Minh đề xuất. “Sau đợt 100 ngư dân đầu tiên sử dụng bộ áo phao này, nếu phát huy hiệu quả các tính năng, chúng tôi tin chắc là đa số ngư dân sẽ sử dụng để đảm bảo an toàn tính mạng khi đang làm việc trên biển”, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định. |
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam