“Bãô€ giá sẽ đạt đỉnh trong dịp Tết

 

 

Bắt đầu từ ngày 1/1/2008, lương tối thiểu chung áp dụng cho công chức sẽ là 540.000 đồng/tháng, tăng 90.000 đồng so với năm 2006.

Nhiều người mừng vì thêm được một số tiền ít ỏi để cải thiện đời sống. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo "tăng giá đi trước tăng lương" khiến chi tiêu của nhiều gia đình thêm chật vật.

Như đã thành thông lệ, cứ nghe tin tăng lương là giá cả nhúc nhích tăng trước. Dù chưa cầm được đồng lương theo quyết định mới nhưng người tiêu dùng cũng đành "oằn lưng" với những khoản phụ trội do tăng giá. Qua mấy tháng gần đây, giá cả thị trường luôn biến động.

Thậm chí có những mặt hàng đã qua vài đợt tăng giá mà đến nay vẫn rục rịch tăng. Đặc biệt là các nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Chỉ tính từ đầu năm, nhiều người không khỏi chóng mặt vì sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng kỷ lục 2,91% so với tháng 11, và tăng 12,63% so với cùng kỳ năm trước. Tp.HCM là địa phương có mức giá đắt đỏ nhất, với mức tăng giá tiêu dùng trong vòng 2 tháng cuối năm lên tới 3,87%, tiếp đó là Hải Phòng tăng 3,73%, Thừa Thiên - Huế tăng 3,6%. Còn Hà Nội có mức tăng thấp hơn, khoảng 2,2%.

Nếu tính cả năm 2007, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất là 18,92%, riêng thực phẩm tăng vọt lên 21,1%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 17,1%.Nguyên nhân khiến giá cả tăng mạnh là do sự tác động của giá xăng dầu đến nền kinh tế, kéo nhiều mặt hàng và dịch vụ bị đẩy lên cao.

Trong đó, các nhóm hàng hóa, nhóm lương thực thực phẩm đã tăng tới 4,24% so với tháng 11/2007 (lương thực tăng 2,98% và thực phẩm tăng 4,69%). Tiếp đến là nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng 3,28% so với tháng trước; phương tiện đi lại, bưu điện tăng 4,38%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,16%; đồ uống, thuốc chữa bệnh tăng 1,33%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 1,61%.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình thị trường năm 2007 mới đây, một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng mặc dù Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng kiềm chế tăng giá, nhưng hiệu quả chưa cao, những động thái trong quản lý giá vẫn còn mang tính bị động, chưa có những biện pháp mang tính ổn định, bài bản.

Theo đánh giá của Vụ Chính sách thương mại trong nước (Bộ Công Thương), giá cả từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có nhiều biến động, nhất là mặt hàng thực phẩm. Đây là nhóm hàng đáng lo ngại nhất về giá trong dịp Tết, đặc biệt là thịt heo, rau củ, đồ khô, dầu ăn, gạo... đang thay nhau tăng 5%-15%.

Hiện các địa phương - nhất là Tp.HCM và Hà Nội - đang cố gắng chuẩn bị hàng cung cấp cho Tết Nguyên đán. Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã chuẩn bị được 177.000 tấn gạo và bột mì; Tổng công ty Thương mại và các đơn vị thành viên dự trữ được 240 tấn thịt các loại, 800 tấn thực phẩm chế biến, 100 tấn rau, 200 tấn bánh mứt kẹo, 600 tấn dầu ăn, 65 tấn mì chính, 160 tấn đường...

Tại Tp.HCM và khu vực phía Nam, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đã có kế hoạch dự trữ 7.000 tấn thịt heo, 540 tấn thịt bò, 3.540 tấn thực phẩm chế biến, 1.700 tấn thủy sản; Tổng công ty Lương thực miền Nam đã dự trữ 750 tấn gạo cao cấp các loại; mì, nui và các thực phẩm khác (phở, bún, miến...) khoảng 3.600 tấn.

Khảo sát trên thị trường những ngày gần đây của Tổ điều hành thị trường trong nước cho thấy, giá một số mặt hàng đã bắt đầu tăng khoảng 10%-20%, nhất là nước giải khát, thực phẩm chế biến, đông lạnh, bánh kẹo...

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương đã cho rằng, tháng 1 và 2 năm 2008 (dịp Tết Nguyên đán), giá các loại thực phẩm sẽ còn tăng cao. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 và 2 sẽ tiếp tục tăng ở mức cao, thậm chí có thể tăng hơn tốc độ của những năm trước đây.

Tết Nguyên đán năm nay sẽ rơi vào tuần đầu tháng 2, nên rất có thể tháng 2/2008 có thể là tháng cực đại về chỉ số giá tiêu dùng. Theo dự báo, nếu tháng 1/2008 chỉ số giá tiêu dùng sẽ ở mức 1,2%-1,5% thì tháng 2 sẽ nhảy lên 2,5%.

Và người tiêu dùng sẽ tiếp tục phải "gồng mình" đón cơn bão giá mới dịp Tết này.

Theo TBKTVN