Bản tin nổi bật ngày 02/01/2010

Chính quyền mời luật sư phản biện 

Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu dự hội nghị triển khai công tác năm 2010 của Liên đoàn Luật sư VN, được tổ chức sáng 31/1/2010 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa.

Luật sư Tô Năng Như (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh) kể, đầu tháng 12.2009, UBND tỉnh có chủ trương mời luật sư tham gia tổ chuyên gia rà soát thủ tục hành chính và được hưởng thù lao theo quy định. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, luật sư có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại thủ tục hành chính, được lắng nghe ý kiến người dân về những thủ tục không cần thiết hoặc gây phiền hà cho dân. Hơn nữa, luật sư không có quyền lợi gì liên quan đến việc thực thi các thủ tục hành chính này. Vì vậy, ý kiến của luật sư trong việc rà soát thủ tục hành chính là trung thực, khách quan, chứ không đại diện cho chính quyền hay một ngành nào cả. Ngoài chức năng hoạt động theo tố tụng, với tư cách là một chuyên gia pháp luật, luật sư cần đóng góp trí tuệ, công sức của mình cho xã hội. Sự đóng góp trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng, vì đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động trong lĩnh vực hành chính. (Thanh Niên 1/2/2010)

VCCI ra mắt Uỷ ban Tư vấn chính sách Thương mại

Ngày 29/1/2010, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức ra mắt Uỷ ban Tư vấn Chính sách Thương mại. Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế của VCCI, Chính phủ đang gia tăng việc đàm phán các hiệp định thương mại, các đàm phán trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha của WTO… Do vậy, việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng DN vào quá trình đàm phán, thực thi các cam kết quốc tế của Chính phủ đặc biệt cần thiết và hữu ích cho cả Chính phủ và DN. Trong hội nhập, thông tin phải là hàng đầu, đặc biệt là thông tin về chính sách, nhất là trong quá trình ban hành, sửa đổi bổ sung để các DN có thể tận dụng được các cơ hội mà các cam kết mang lại và tránh được rủi ro khi hội nhập hay áp dụng các công cụ pháp luật kịp thời. Ông cũng lưu ý các nhóm lợi ích càng ngày càng đa dạng và phong phú. Nhiều nhóm lợi ích đối lập nhau. Vụ kính nổi là một biểu hiện cụ thể của quá trình hội nhập giữa nhà sản xuất trong nước và các DN nhập khẩu nước ngoài. Sự phân hóa về lợi ích cũng thể hiện rõ nét ngay trong mỗi hiệp hội. Đó là điều mà chúng ta có thể lường trước để các hiệp hội tính toán, có thể chia nhỏ các nhóm DN của mình theo lợi ích. Tuy nhiên theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhiều doanh nghiệp không tận dụng được những lợi thế từ các cam kết thương mại quốc tế mang lại mà còn gặp những rủi ro như bị kiện chống bán phá giá... Hội nhập đối với họ còn khá xa lạ. Chính vì không được tham gia xây dựng chính sách nên sự thay đổi các văn bản pháp luật, nhất là các cam kết thương mại quốc tế khiến đa phần DN mù tịt. Giải thích lý do nói trên, ông Cường nêu: Thực tế không ít cơ quan ban hành văn bản pháp luật còn xem việc góp ý xây dựng chính sách của DN, hiệp hội ngành hàng chỉ là hình thức. Nhiều góp ý của DN chưa được xem là một trong những nguyên liệu đầu vào khi xây dựng chính sách. Đa phần DN cũng chưa nhận thức đúng vai trò của mình dù chính sách đó khi được ban hành sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động, đến kết quả kinh doanh của DN. Ông băn khoăn, từ ngày 1-1-2010, chính sách thương mại ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực, những chính sách bảo hộ đối với các DN trong nước đã bị xóa bỏ hoàn toàn hay chưa? Nếu xóa bỏ hàng rào thuế quan, với mức thuế suất 0%, những DN sản xuất thép trong nước sẽ gặp khó khăn rất lớn khi thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Chúng ta xây dựng được thương hiệu thép cây, còn thép cuộn thì khó có thể cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. (Pháp luật TPHCM 1/2/2010)

Trao giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên 2009

Ngày 30/1/2010, Bộ Giáo dục - đào tạo, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trao giải thưởng nghiên cứu khoa học 2009 và giải sáng tạo kỹ thuật VN - Vifotec. Có 649 công trình đoạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học, trong đó có 13 giải nhất, 51 giải nhì và 128 giải ba. Giải Vifotec được trao cho 83 công trình nghiên cứu, với 5 giải nhất, 22 giải nhì và 56 giải ba. (Tuổi Trẻ 31/1/2010)

Nhiều Việt kiều muốn nhập lại quốc tịch

Ngày 31/1/2010, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM có buổi tọa đàm về quốc tịch và sở hữu nhà ở cho kiều bào. Hầu hết kiều bào tập trung hỏi về quy trình, thủ tục nhập lại quốc tịch và sở hữu nhà, đất tại Việt Nam. Kiều bào cho rằng cần cởi mở hơn về điều kiện nhập lại quốc tịch đối với kiều bào có nguyện vọng trở về quê hương. Có ý kiến cho biết các cơ quan chức năng chưa thống nhất thực hiện các quy định về hai vấn đề nêu trên, gây khó khăn cho bà con. Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM cho rằng có thể người thực thi pháp luật hiểu chưa đúng hoặc cố tình hướng dẫn sai vì tiêu cực. Bộ và các cơ quan sẽ giải thích rõ hơn để pháp luật được thực thi nhất quán. (Pháp luật TPHCM 1/2/2010)

TPHCM: Chủ tịch Lê Hoàng Quân tiếp đoàn Hội Hữu nghị Nga - Việt

Chiều 30/1/2010, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã tiếp đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nga - Việt và các nghệ sĩ Nga do Nghệ sĩ nhân dân Polikanin Evgeny, đồng thời là công dân danh dự của TPHCM, dẫn đầu sang thăm TPHCM nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga. Cùng đi với đoàn có ông Nikolay Dmitrievich Ubushiev, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TPHCM. Đồng chí Lê Hoàng Quân thay mặt Đảng bộ và nhân dân TPHCM bày tỏ lòng biết ơn chân thành về sự giúp đỡ của nhân dân Nga đối với Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước. Đồng chí Lê Hoàng Quân khẳng định TPHCM sẽ làm hết sức mình để góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa 2 nước ngày một bền chặt. Cùng ngày, đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Nga - Việt và các nghệ sĩ Nga đã đến thăm và giao lưu tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. Tại buổi giao lưu, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga Nikolay D. Ubushiev cho biết, ông sẽ hỗ trợ nhà trường liên kết đào tạo với các trường đại học nổi tiếng ở Nga nhằm đào tạo cán bộ cho trường và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. Đoàn nghệ sĩ cũng đã biểu diễn giao lưu văn nghệ với cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. (SGGP 31/1/2010)

Ra mắt Viện Công nghệ gốm sứ Việt Nam

Ngày 31/1/2010 tại Vĩnh Phúc, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu công nghệ gốm sứ VN. TS Lê Đình Sơn - Viện trưởng cho biết, viện sẽ huy động nguồn lực 74 thành viên trong Hiệp hội tập trung nghiên cứu công nghệ sản xuất các nguyên liệu, sản phẩm thay thế hàng NK; các công nghệ xử lý và tinh chế một số nguyên liệu có nguồn gốc từ khoáng sản trong nước và nghiên cứu chế tạo, cải tiến thiết bị công nghệ hiện tại. (Lao Động 1/2/2010)

Phát hiện vải nhập khẩu chứa formaldehyde

Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) vừa cho biết từ đầu tháng 1/2010 đến nay đã có sáu lô vải nhập khẩu bị nhiễm formaldehyde và amin thơm vượt mức cho phép, phần lớn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó, có những lô hàng lớn với hàng chục mẫu vải khác nhau bị nhiễm cả hai loại nói trên. Theo BS Trần Văn Ký – đại diện Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, formaldehyde dùng để ướp xác vì đây là chất khử trùng rất mạnh. Mục đích đưa formaldehyde vào vải để khử trùng và chống mốc khi bị ẩm, vi khuẩn và nấm mốc không phát triển. Trước đây, một số nước có giới hạn hàm lượng cho phép nhưng do các nhà khoa học phát hiện nó là chất gây ung thư rất mạnh, như ung thư máu, phổi, da, hạch bạch huyết, vòm họng và các bộ phận của hệ hô hấp... nên đã bị cấm tuyệt đối. Các mức hàm lượng gây độc cho cơ thể khi tiếp xúc với chất này là 0,1ppm có thể gây ho và dị ứng da; tương tự với 0,3ppm gây chảy nước mắt; từ 2-3ppm gây đau rát cho mắt, mũi và họng. Nếu hàm lượng ở mức cao hơn có thể có những phản ứng mạnh hơn. Formaldehyde trong vải thường ở dạng hợp chất. Khi ở nhiệt độ thích hợp thì formaldehyde sẽ tách khỏi phức hợp và bay hơi, khi đó cơ thể người - da và bộ phận hô hấp - sẽ tiếp xúc trực tiếp với khí này, có nghĩa cơ thể sẽ bị nhiễm độc từ từ khi mặc các quần áo này lâu dài. Nếu lượng formaldehyde vào cơ thể nhiều lần thì sự nhiễm độc lâu dài này sẽ dẫn đến tỉ lệ ung thư cao. Vì vậy, nếu nghi quần áo có formaldehyde thì nên giặt thật kỹ nhiều lần và phơi ở nơi nắng to, thoáng gió để formaldehyde thoát ra. (Tuổi Trẻ 31/1/2010)

Sao Vàng đất Việt sẽ trở thành thương hiệu toàn cầu

Trong buổi giao lưu với cộng đồng doanh nhân trẻ Hà Nội vừa được tổ chức, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam đã cho biết về kế hoạch xây dựng thương hiệu Sao Vàng đất Vuêth trở thành thương hiệu toàn cầu, gắn với một số sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam. Trong năm 2010, Hội cũng sẽ xây dựng Quỹ Tài năng Doanh nhân trẻ Việt Nam và nghiên cứu đề án phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân. (Đầu Tư 1/2/2010)

Đà Nẵng: Gần 600 sinh viên tham gia hiến máu nhân đạo

Sáng 30/1/2010, Đoàn trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng và Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng đã tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo. Gần 600 sinh viên đã tham gia và kết quả thu được 430 đơn vị máu. (Tiền Phong 31/1/2010)

TPHCM: Hơn 4,1 tỷ đồng thu được từ chương trình Tết làm điều hay - Vì nông dân nghèo 2010

Chương trình “Tết làm điều hay - Vì nông dân nghèo” năm 2010 do Đài truyền hình TP.HCM và Hội Nông dân TPHCM phối hợp tổ chức đã thu được hơn 4,1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sẽ được sử dụng vào 3 mục đích: sửa chữa 253 căn nhà, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế và cấp phát học bổng cho con em nông dân nghèo thành phố. Sau chương trình này, Hội Nông dân TPHCM tiếp tục phối hợp với Báo SGGP thực hiện cuộc vận động quyên góp 100 bồn nước (loại 1.000 lít) tặng cho nông dân nghèo hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè. (SGGP 1/2/2010)

Bến Tre: Bàn giao 360 căn nhà nhân ái

Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Bến Tre vừa bàn giao số nhà trên cho hộ nghèo tại xã Thạnh Phú Đông, Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm và xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam. Mỗi nhà rộng 39,5-60m2, chi phí xây dựng 23-45 triệu đồng do Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn tài trợ. Ngoài ra, còn có vốn đối ứng của gia đình từ 5-20 triệu đồng/căn và hàng trăm ngày công lao động của đoàn viên, hội viên. (Tuổi Trẻ 1/2/2010)

Ngành dệt may phấn đấu tạo nguồn thu 25 tỷ đồng ủng hộ đồng bào, chiến sĩ biển đảo

Theo ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may vì biển đảo của tổ quốc, trong quý IV 2009, chương trình đã vận động được khoảng 1,5 tỷ đồng để trợ giúp cho đồng bào và chiến sĩ biển đảo. Năm 2010, chương trình sẽ phải mang lại kết quả cao hơn. Hiện đã có 40 doanh nghiệp đồng ý trích 2.500/1.000.000 đồng doanh thu nội địa để đưa vào quỹ của chương trình và ban chỉ đạo đang đặt mục tiêu đạt khoảng 25 tỷ đồng cho cả năm. Ông nhận định, thị trường nội địa sẽ phát triển rất tốt trong năm 2010 với tốc độ phát triển 18- 20%/năm. (TBKTVN 1/2/2010)

Nếu chưa vận động được ưu đãi thuế quan phổ cập thì khả năng tăng đột biến xuất khẩu vào Mỹ là rất khó

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), nếu chúng ta chưa vận động được Mỹ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) thì khả năng tăng đột biến xuất khẩu vào thị trường này rất khó do phải cạnh tranh với các những đã được ưu đãi. Ông cũng đề cập về thực tế khó khăn do EU duy trì áp thuế chống bán phá giá với giàu mũ da Việt Nam thêm 15 tháng nữa và việc vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu do khu công nghiệp nguyên liệu da giày vẫn chưa được xây dựng. (Đầu Tư 1/2/2010)

Cạnh tranh gay gắt trong thị trường vận tải biển nội địa năm 2010

Theo ông Vũ Xuân Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, bên cạnh nhiều khó khăn khác thì tình trạng khan hiếm hàng hoá trên các tuyến quốc tế buộc các chủ tàu phải đưa phương tiện của mình về hoạt động nội địa. Điều đó sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường này trong năm 2010. (Đầu Tư 1/2/2010)

Xuất khẩu cá tra năm 2009 giảm

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT vừa được công bố tại hội nghị tổng kểt, năm 2009 các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra giảm 7,6% so với năm 2008. Đây là năm đầu tiên, xuất khẩu cá tra đạt tăng trưởng âm sau khoảng 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân do dự báo thị trường yếu, DN thiếu thông tin về thị trường, thiếu liên kết và hàng rào kỹ thuật ở các quốc gia này ngày càng dày hơn làm cho cá tra Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức…Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị: Cần xem sản xuất và kinh doanh cá tra là ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Như vậy, mới đảm bảo khép kín quy trình từ đầu vào đến đầu ra, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ sẽ là giấy thông hành để đi vào những thị trường khó tính, với hàng rào kỹ thuật ngày càng nhiều. Mặt khác, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu cho cá tra và khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế. (Pháp luật TPHCM 1/2/2010)

Đã chủ động được 60% nguyên liệu sản xuất giày thể thao

Theo Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso) hiện ngành đã chủ động được 60% nguồn nguyên phụ  liệu trong nước phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu mặt hàng giày thể thao. Mỗi năm tại thị trường nội địa tiêu thụ khoảng trên 100 triệu đôi giày, nhưng hiện nay, giày của DN trong nước sản xuất mới bán được khoảng 40%-50% thị phần trong nước, một nửa thị phần còn lại là hàng từ các nước vào Việt Nam chủ yếu qua đường tiểu ngạch. (SGGP 1/2/2010)

Doanh thu ngành du lịch ĐBSCL tăng khá

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, mặc dù lượng khách du lịch quốc tế giảm nhưng doanh thu của ngành du lịch ĐBSCL năm 2009 vẫn tăng khá. Trong đó, đáng chú ý doanh thu ngành du lịch ở các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL như: An Giang tăng 38%, Kiên Giang tăng 28%, TP.Cần Thơ tăng 11,6% và Cà Mau tăng 6,5%. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, thành lập Ban điều phối du lịch đồng bằng - biển đảo nhằm hỗ trợ cho các địa phương có thế mạnh về loại hình du lịch này khai thác hết tiềm năng còn bỏ ngỏ; phối hợp với Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các đơn vị thành viên. (SGGP 1/2/2010)

Lo cho quy hoạch tương lai Hà Nội thế này à?

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đang bày tỏ băn khoăn khi thấy bản dự thảo quy hoạch Hà Nội mới nhất thể hiện sự mờ nhạt đáng ngạc nhiên đối với môi trường tương lai cũng như sự phát triển bền vững của Hà Nội. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ quan trọng nhất để phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các dự án đầu tư các công trình công nghiệp, giao thông, xây dựng cụ thể. Tương tự như vậy, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) là công cụ phòng ngừa ô nhiễm và BVMT đối với các dự án quy hoạch. Vậy mà trong Quy hoạch chỉ có một chương đánh giá ĐMC cho Hà Nội hay, nói cách khác, đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phiên bản mới nhất đã gửi Thủ tướng, Mục 3.2.8 - Đánh giá Môi trường Chiến lược - dài chưa đến 1,5 trang trong tổng số 196 trang diễn giải quy hoạch. Còn vì sao lại ít và ngắn thế, tất cả chúng ta phải đi tìm câu trả lời. Theo ông, những sai lầm của quy hoạch phát triển Hà Nội cũ còn sờ sờ ra đấy. San lấp nhiều ao hồ để xây dựng công trình. Lấn chiếm các không gian trống, các mảng cây xanh để xây dựng các building cao chót vót giữa trung tâm Hà Nội cũ. Tận dụng đất đai của các khu đô thị mới để xây nhà bán kiếm nhiều tiền, không quan tâm xây dựng các công trình dịch vụ xã hội (trường học, cửa hàng, bệnh viện, thể dục, thể thao, vườn hoa, nghỉ ngơi giải trí, bãi đỗ xe trong khu đô thị mới). Cống hóa sông ngòi, xây kè bờ hồ, bờ sông theo dạng thoải 45 độ, làm thu hẹp dòng chảy thoát nước, v.v. Các nhà khoa học môi trường cảnh báo nhiều lần, nhưng không được chấp nhận. Hậu quả là úng ngập, ô nhiễm, tiện nghi cuộc sống xuống cấp trở nên vấn đề bức bách, không dễ dàng giải quyết. (Tiền Phong 31/1 và 1/2/2010)