Bản tin nổi bật ngày 07 - 01 - 2010

Kết nối người Việt trẻ toàn cầu

Đó là chủ đề của buổi giao lưu trực tuyến lần đầu tiên do T.Ư Đoàn, Hội LHTN Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức diễn ra chiều 6/1/2010 với thanh niên Việt Nam đang công tác, học tập và sinh sống ở nhiều nước trên thế giới. Anh Nguyễn Phước Lộc - Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam có lời khuyên cho các bạn học sinh, sinh viên đang học ở nước ngoài là các bạn nên liên lạc với đại sứ quán, hội đồng hương... để dạy tiếng Việt cho trẻ em thế hệ thứ ba ở nước đó. Bạn cũng có thể dạy tiếng Hàn cho cô dâu người Việt ở Hàn Quốc để bảo vệ quyền lợi của họ. Anh Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thì cho biết, Ai cũng có niềm đam mê cả. Những bạn trẻ càng có nhiều niềm đam mê.  Tất nhiên khi có đam mê thì ai cũng muốn theo đuổi đam mê đó đến cùng. Trong cuộc sống có những nhiệm vụ được tổ chức phân công, nên anh sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc được phân công đó và sẽ vận dụng những kinh nghiệm trong công tác của mình để đưa vào thực tiễn công tác hiện nay. Anh Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, để kết nối giữa thanh niên, sinh viên ở trong nước và ngoài nước, Hội DN trẻ đã thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư TW, thực hiện đề án 103 để hỗ trợ các bạn thanh niên, sinh viên khởi nghiệp. Theo ban tổ chức, có gần 1.000 câu hỏi từ khắp nơi trên thế giới được gửi về. Ngoài những câu hỏi đã được giải đáp trong hơn 3 giờ của buổi giao lưu, số câu hỏi còn lại sẽ được ban tổ chức gửi tới các cơ quan chức năng trả lời. (Thanh Niên, Tiền Phong 7/1/2010)

Khai mạc Đại hội đại biểu Hội Sinh viên TP.HCM  

Chiều 6/1/2010, phiên thứ nhất Đại hội đại biểu Hội Sinh viên TP.HCM lần IV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã khai mạc tại Nhà hát Hòa Bình (Q.10, TP.HCM). Tại phiên làm việc đầu tiên, 500 đại biểu chính thức đã hiệp thương đoàn chủ tịch, thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu điều hành đại hội do BCH Hội SV TP.HCM nhiệm kỳ III giới thiệu, cũng như thông qua chương trình, nội quy, quy chế làm việc của đại hội... Dự kiến, các đại biểu sẽ có buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo TP cùng một số sở ngành. (Thanh Niên 7/1/2010)

Thừa Thiên - Huế: không thể mãi đặt tạm tượng cụ Phan Bội Châu

Một lần nữa, câu chuyện về địa điểm dựng tượng Phan Bội Châu ở Huế lại được nêu ra tại một toạ đàm vừa được tổ chức. Dù các ý kiến còn trái ngược, nhưng theo PGS-TS Đỗ Bang - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế, thì không thể đặt tạm tượng cụ Phan ở vị trí hiện tại lâu hơn nữa... Bức tượng chí sĩ Phan Bội Châu được đặt tạm tại nhà lưu niệm của cụ ở dốc Bến Ngự (Huế) từ năm 1987 đến nay (ảnh). Nặng gần 5 tấn, cao gần 3 mét, đây được xem là bức tượng chân dung lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Tại cuộc toạ đàm về pho tượng này - vừa được Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế và Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức, ông Nguyễn Xuân Hoa, người sát cánh trong suốt quá trình làm tượng trước đó - cho biết: “Tượng được nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn - giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, lúc ấy đang công tác tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế - thực hiện năm 1973 và hoàn thành vào năm 1974 tại Huế. Về giá trị mỹ thuật của tượng, ông Hoa nhấn mạnh: “Tượng khắc hoạ chân dung cụ Phan theo phong cách một tượng đầu với khuôn mặt phóng lớn, tái dựng dưới những góc độ sáng tối đầy khí phách và dừng lại bằng một nét cắt ngang nửa chòm râu và chiếc cằm, thể hiện khuôn mặt cương nghị, trầm buồn và thách thức của Phan Bội Châu. Đây là tác phẩm đúc đồng có giá trị, được giới trí thức, sinh viên, học sinh và đồng bào yêu nước ở nội thành Huế vận động hình thành”. Tượng được đúc tại các lò đúc nổi tiếng ở Phường Đúc và đang trong quá trình hoàn thiện thì Huế được giải phóng. Vì nhiều lý do, bức tượng đã bị quên lãng tại Phường Đúc trong gần 13 năm. Mãi đến năm 1987, UBND TP.Huế mới có công văn đề nghị UBND tỉnh Bình - Trị - Thiên (cũ) cho phép thành phố tiếp tục hoàn thiện. Trong khi chờ tỉnh quyết định vị trí đặt tượng, pho tượng được đưa đặt tạm về nhà cụ Phan ở đường Phan Bội Châu. Đến thời điểm đó, tượng Phan Bội Châu đã được hoàn thiện một bước và vẫn được đặt tạm trong khuôn viên di tích này cho đến nay. PGS-TS Đỗ Bang - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế - cho biết: “Đến nay, ít nhất, thành phố, tỉnh đã tổ chức 3 cuộc họp, toạ đàm bàn về vị trí dựng tượng cụ Phan và vấn đề quy hoạch các vị trí đặt tượng khác". Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc - khi đến thăm tượng cụ Phan ở dốc Bến Ngự - đã nói: "Cụ Phan đã bị thực dân Pháp giam lỏng 15 năm ở ngôi nhà này, còn pho tượng của cụ đã bị đặt tạm ở đây gần 20 năm". (Lao Động 7/1/2010)

ĐBCSL: Mỗi địa phương xây dựng một sản phẩm du lịch đặc thù

Trong chương trình hành động năm 2010, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã thống nhất chủ trương: Mỗi địa phương xây dựng một sản phẩm du lịch đặc thù. Chủ tịch hiệp hội Phạm Phước Như cho biết, năm 2010 các doanh nghiệp du lịch trong vùng cần tập trung thực hiện tốt chủ đề “Liên kết, hợp tác phát triển du lịch ĐBSCL” thông qua việc tạo thương hiệu, sản phẩm mới, nâng cao chất lượng phục vụ và tay nghề, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. (SGGP 7/1/2010)

TPHCM: Chương trình “Vui với người nghèo” quyên góp được 2,3 tỷ đồng

Tối 6/1/2010 tại Nhà hát TPHCM, Chi hội Thiện Nhân - Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM đã tổ chương trình ca nhạc từ thiện “Vui với người nghèo”. Chương trình đã quyên góp được 2,3 tỷ đồng. (Thanh Niên 7/1/2010)

Nhà văn hoá Sinh viên TPHCM cơ sở 2 sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ IV

Trước thềm đại hội IV Hội Sinh viên TPHCM, anh Lê Quốc Phong - Chủ tịch Hội cho biết, công trình nhà văn hoá sinh viên cơ sở 2 còn dang dở là trăn trở lớn nhất và có nhiều nguyên nhân do quỹ đất của thành phố để tìm ra vị trí thuận lợi là không dễ. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan còn có yếu tố chủ quan từ chính Hội. Với những điều kiện thuận lợi tại quận Thủ Đức mà ĐHQG TPHCM đã ủng hộ 3,5 ha, công trình này sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ IV. (Tuổi Trẻ 7/1/2010)

Báo cáo Vietnam ICT Index 2010 sẽ được công bố vào trung tuần tháng 6/2010

Theo Hội Tin học Việt Nam, báo cáp xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT Việt Nam 2010 (Vietnam ICT Index 2010) sẽ được công bố vào trung tuần tháng 6/2010. Được biết, Vietnam ICT Index 2009 được công bố tháng 11/2009 đã được đánh giá cao. (Khoa học & Đời sống 7/1/2010)

Việt Nam đã trở thành nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới với sản lượng khoảng 90.000 tấn/năm. Hồ tiêu Việt Nam hiện đã có mặt tại 73 nước và sản lượng xuất khẩu chiếm 50% lượng xuất khẩu toàn cầu. (Hà Nội mới 7/1/2010)

Việt Nam thiếu cảng cho tàu trọng tải lớn

Theo số liệu của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), 49 cảng biển là thành viên của VPA năm 2008 chỉ đạt tổng sản lượng 144 triệu tấn, tăng chỉ 7% so với 2007. Đặc biệt tại khu vực miền Trung, nơi có tiềm năng về cảng biển nhưng lượng hàng hoá lưu thông lại không tăng. Thiếu cảng biển cho tàu trọng tải lớn khiến Việt Nam loại mình ra khỏi cuộc chơi lớn về xuất nhật khẩu. (Thanh Niên 7/1/2010)

Giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng một nửa giá thế giới

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, có 110 nước tiêu thụ sản phẩm chè của nước ta. Tuy nhiên theoHiệp hội Chè Việt Nam, năm 2009 giá chè của Việt Nam chỉ bằng 1/2 giá chè bình quân trên thế giới, 98% lượng chè xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Hiện nay, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ ở mức khoảng 1.100 USD/tấn, trong khi giá bình quân thị trường thế giới là 2.200 USD/tấn. Bên cạnh đó, một số khách hàng của ngành chè Việt Nam tại Anh mua chè nguyên liệu về chế biến đã bán với giá khoảng 9.800 USD/tấn. (Hà Nội mới 7/1/2010)

90% nông sản xuất khẩu Việt Nam phải mang thương hiệu nước ngoài

Ông Lê Hoàng Minh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, có đến 90% nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải mang thương hiệu nước ngoài. Nhiều mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như chè Thái Nguyên đã vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng chưa nâng lên tầm quốc gia nên chưa được thị trường quốc tế công nhận. Việt Nam có niềm tự hào về bưởi, chè, cà phê, gạo… nhưng chỉ là lưu truyền trong dân gian, chưa có mặt hàng nông sản nào đạt thương hiệu quốc gia. Thống kê của Hội Nông dân Việt Nam năm 2009 cho thấy, qua điều tra 173 doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp mới có 36 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu trong nước và 5 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu tại nước ngoài. Các DN sản xuất và xuất khẩu nông sản đều ngại nhắc đến việc xây dựng thương hiệu. Có thể tạm lấy số liệu điều tra của Hội Nông dân Việt Nam làm minh chứng. Trong số 173 doanh nghiệp được hỏi thì có 11,8% cho rằng quá thiếu nhân lực để tiến hành xây dựng thương hiệu và không ít doanh nghiệp sợ tốn kém cho việc này. Giải thích về thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp lý giải phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực yếu nên gặp khó khăn về tài chính và thủ tục để xây dựng thương hiệu. (Hà Nội mới 7/1/2010)

Muốn xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam thì phải xoá bỏ tâm lý “tiểu nông”

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, muốn xây dựng thương hiệu nông sản cần phải xóa bỏ tâm lý "tiểu nông" cố hữu, thậm chí cả sự tự ti để hội nhập. Để phát huy được giá trị hàng nông sản Việt Nam trên trường quốc tế rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ vốn, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để phục vụ sản xuất, chế biến, tăng cường tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Mặt khác, người nông dân cần có ý thức trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Trong tương lai, mỗi hộ nông dân cần làm chủ máy móc, công nghệ, có ý thức cao hơn trong việc xây dựng uy tín thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu cũng cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, cải tiến bao bì, nhãn mác… nâng cao chất lượng hàng hóa, khẳng định thương hiệu danh tiếng cho nông sản. (Hà Nội mới 7/1/2010)

Việt Nam cần có viện dịch thuật

Nhân hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam, dịch giả Thuý Toàn - Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, dịch thuật Việt Nam hay văn học dịch Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới sôi động cả dịch vào (tác phẩm nước ngoài được dịch ra tiếng Việt) và dịch ra (tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài). Riêng với dịch vào, trong khoảng mấy năm trở lại đây có thể gọi là “bùng nổ”. Chúng ta dịch nhiều, tiếp cận được rộng, nhiều đề tài, nhiều nước. Theo thống kê của chúng tôi, tính đến năm 2007 đã có 13.700 tác phẩm văn học thế giới được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Đội ngũ dịch hiện nay cũng là những người trẻ, tiếp cận nhiều thông tin, học hành tới nơi tới chốn. Còn dịch ra, chúng ta đã có ý thức hơn trong việc quảng bá văn học Việt Nam. Sau cuộc gặp gỡ lần một những người dịch văn học Việt Nam năm 2002 thì rõ ràng văn học nước ta được bạn bè chú ý hơn. Đơn cử có nhà xuất bản ở Thuỵ Điển ra tới mười cuốn sách dịch văn học Việt Nam trong vòng vài năm. Tại Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và Nga cũng bắt đầu có những chuyển động mới. Mười mấy năm không có tác phẩm Việt Nam nào được dịch thì vừa rồi, cuốn truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã được xuất bản. Đã đến lúc Việt Nam cần một viện dịch thuật. Đó là nơi tổ chức thẩm định các bản dịch, đảm bảo đem đến cho bạn đọc những bản dịch tốt nhất. Ngược lại, đó cũng là đầu mối để các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản tại các nước. Về chuyện văn học dịch lấn át văn học trong nước, theo ông đó là chuyện bình thường. Chỉ xét về số lượng tác phẩm thì nền văn học của một đất nước không thể so với của cả thế giới. Chưa nói giờ đây chúng ta được tiếp cận với văn học năm châu, thậm chí có những cuốn sách mà bản dịch tiếng Việt được phát hành cùng các bản dịch khác. Vậy thì sức hút của văn học dịch với bạn đọc là quá rõ ràng rồi. (Sài Gòn Tiếp thị 6/1/2010)

Gắn đội ngũ trí thức với người nông dân

Gắn kết trí thức với nông dân là một trong những hoạt động mà Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam cần đẩy mạnh. Theo GS Ngô Thế Dân – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, người nông dân hiện rất “đói” thông tin và chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật. Nhiều công nghệ, kỹ thuật mới vẫn chưa đến được với họ. Thực tế, những thông tin mà chúng ta đang cung cấp bị dàn  trải, không tập  trung vào lợi ích của họ. GS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng giới trí thức phải phát huy vai trò của mình hơn nữa và cần có những chương trình gắn kết trí thức với nông dân. TS Trịnh Xuân Lương - Tổng thư ký Liên hiệp các hội KHKT Thanh Hoá cũng khẳng định, mặc dù người nông dân đã có nhiều điều kiện để tiếp thu kiến thức song những thông tin được cung cấp là chưa đủ. Trí thức cần phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người nông dân. Có như thế, người nông dân mới có cơ hội tiếp cận tri thức mới và vận dụng vào quá trình sản xuất. (Khoa học & Đời sống 7/1/2010)