Bản tin nổi bật ngày 08 - 01 - 2010

Vedan cam kết bối thường thiệt hại về kinh tế, môi trường

Ngày 7/1/2010, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm môi trường tại Công ty Vedan. Kết quả kiểm tra cho thấy Vedan đã tháo dỡ toàn bộ tuyến ống ngầm, máy bơm và ba họng xả chất thải ngầm dưới sông Thị Vải. Vedan cũng bơm nước thải vào hệ thống xử lý theo quy định. Hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất thiết kế 9.300 m³/ngày, đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia. Ngoài ra, Vedan tạm dừng hoạt động bốn nhà máy và giảm công suất các nhà máy khác còn 67% để khắc phục ô nhiễm. Công ty Vedan cũng cam kết bồi thường thiệt hại về kinh tế, môi trường, đồng thời hỗ trợ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng do chất thải của công ty gây ra.

Cùng ngày, Hội Nông dân TP.HCM đã làm việc với ngành chức năng của TP.HCM, huyện Cần Giờ và Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) để xác định lại phạm vi bị ảnh hưởng, mức độ ô nhiễm và thiệt hại của người dân do Vedan gây ra. Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, trước đây thiệt hại về nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản do Vedan VN gây ra được thống kê trên cơ sở đơn khiếu nại, kê khai của người dân huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, theo xác định mới đây của Viện TNMT, phạm vi bị ảnh hưởng từ ô nhiễm sông Thị Vải do Vedan VN gây ra đối với TPHCM chỉ khoảng 84ha thuộc xã đảo Thạnh An và vùng canh tác chồng lấn chưa xác định ranh giới giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM. Do đó, Hội đề nghị viện phối hợp với các sở, ngành TP khoanh vùng phạm vi 84ha và xác định rõ ranh giới để Hội thống kê lại thiệt hại trước ngày 25.1.2010 yêu cầu Vedan VN bồi thường cho người dân. (Pháp luật TPHCM 8/1/2010)

7 hợp đồng được ký kết nhân Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam

7 hợp đồng xuất bản - kết quả thu được của hội nghị giới thiệu văn học VN - đều chủ yếu chọn thơ và truyện ngắn VN đương đại. Đó phải chăng đã là câu trả lời cho câu hỏi từng khiến chúng ta băn khoăn bối rối: Nên dịch gì để giới thiệu văn học VN ra thế giới? Lễ ký văn bản hợp tác xuất bản diễn ra sáng nay 8/1/2010, 7 hợp đồng được ký, trong đó có hai chương trình dài hạn 5 năm, được ký với Trung tâm William Joiner thuộc ĐH Massachusetts (do nhà thơ Kevin Bowen – Trưởng phái đoàn Mỹ tại hội nghị, làm giám đốc), và với NXB Tranan (Thụy Điển) – NXB in nhiều sách VN nhất tại Thụy Điển (10 đầu sách). Còn lại là 5 hợp đồng “thời vụ”, chủ yếu ký với các nước trong khu vực, đó là: Thái Lan, Mông Cổ, Philippines... Mẫu số chung của các dự án hợp tác cả dài hạn lẫn ngắn hạn này đều chọn thơ và truyện ngắn VN đương đại. Vậy là câu trả lời phải chăng đã có: Người nước ngoài quan tâm đến thơ và truyện ngắn đương đại VN? Nhưng vì sao họ quan tâm? Vì thành tựu của văn học đương đại VN là chủ yếu trông vào đó, hơn là tiểu thuyết? Hay bởi đặc thù về dung lượng của thể loại, sẽ ít nhiều đỡ làm khó người dịch hơn? Nghiêng về lý do thứ hai, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Thơ và truyện ngắn sở dĩ được chọn, theo tôi có lẽ là vì nó đỡ mất thời gian và công sức của người dịch, so với dịch tiểu thuyết. Còn nếu để dùng chữ “thành tựu”, tôi e là nó vô cùng lắm, vì “thành tựu” với mình, biết đâu lại không là “thành tựu” với họ, cái mình thích chắc gì người ta đã thích! Không dễ trả lời câu hỏi người nước ngoài thích dịch gì của văn học VN đâu! Bởi có những thứ họ chọn dịch mà ta không thể ngờ tới như “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, vì đến nhiều người Việt chúng ta còn chưa từng đọc tác phẩm này, thậm chí chưa từng nghe tên”. (Lao Động 8/1/2010)

Đại hội IV Hội Sinh viên TPHCM: Sinh viên phải nuôi hoài bão lớn

Ngày 7/1/2010, Đại hội đại biểu Hội SV TP.HCM lần IV, nhiệm kỳ 2010-2015 chính thức khai mạc tại nhà hát Hòa Bình sau lễ dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ. Lễ khai mạc tái hiện quá khứ hào hùng của phong trào HSSV Sài Gòn - Gia Định xuống đường đấu tranh năm xưa và được tiếp nối bằng những phong trào hành động nổi bật của SV TP.HCM hôm nay qua phần sân khấu hóa. Tại buổi khai mạc, Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua và Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín đã thay mặt lãnh đạo TP trao cờ truyền thống của UBND TP và bức trướng của Đảng bộ TP cho SV TP với nội dung “SV TP làm theo lời Bác, thi đua học tập, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành”. Phát biểu với đại hội, ông Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh: Hội SV cần tập trung khai thác nhiều nguồn lực khác nhau, thực hiện tốt hơn vai trò đồng hành với SV, tạo môi trường tốt để SV rèn luyện, cống hiến, trưởng thành, nuôi dưỡng ước mơ hoài bão lớn, giúp SV định hình và định hướng cuộc đời một cách đúng đắn nhất.  Bí thư T.Ư Đoàn, chủ tịch Hội SV VN Nguyễn Đắc Vinh nhận định: công tác Hội và phong trào SV TP.HCM luôn là nơi khởi nguồn nhiều phong trào sáng tạo của SV cả nước. Trong nhiệm kỳ mới, Hội SV TP cần thực hiện tốt công tác giáo dục để góp phần hình thành một lớp SV giàu lòng yêu nước, có năng lực và bản lĩnh hội nhập quốc tế, hoạt động Hội cần không ngừng đổi mới, sáng tạo sao cho mỗi hoạt động luôn là của SV, vì SV. Dịp này, T.Ư Hội SV VN đã tặng cờ thi đua xuất sắc năm năm liền cho Hội SV TP. Sau phần khai mạc, 500 đại biểu chính thức của đại hội đã tham gia xây dựng văn kiện tại 10 tổ thảo luận để thực hiện hai cuộc vận động “SV 5 tốt” và “SV xây dựng môi trường giáo dục tích cực, thân thiện, lành mạnh” cùng năm chương trình hành động: SV rèn luyện đạo đức tác phong, SV học tập sáng tạo, tư vấn hỗ trợ SV, SV tình nguyện và xây dựng hội SV vững mạnh. Chiều cùng ngày, đại hội đã nghe một số tham luận của các sở ngành, hội SV các trường trước khi thông qua đề án nhân sự và hiệp thương ban chấp hành Hội SV TP nhiệm kỳ IV gồm 45 anh chị. Ngày 8/1/2010, đại hội tiếp tục làm việc và tiến hành phiên bế mạc. Trong phiên làm việc này, lãnh đạo TP.HCM cùng một số sở ngành có buổi đối thoại trực tiếp với các đại biểu dự đại hội. (Tuổi Trẻ 8/1/2010)

VCCI chuẩn bị lấy ý kiến doanh nghiệp về danh mục thủ tục hành chính cần bãi bỏ

Bắt đầu từ tuần tới, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài triển khai lấy ý kiến rộng rãi các doanh nghiệp về danh mục thủ tục hành chính cần đề nghị xem xét bãi bỏ. Ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện theo nhiều phương thức mà  trong đó có việc tổ chức các hội thảo, toạ đàm bên cạnh phiếu điều tra phát tới doanh nghiệp. (Đầu Tư 8/1/2010)

Sẽ vận động 136.600 đơn vị máu trong năm 2010

Ngày 6/1/2010, tại Hội nghị Triển khai công tác hiến máu nhân đạo 2010, ông Trần Ngọc Tăng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cho biết, Hội sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện để vận động ít nhất 136.600 đơn vị máu phục vụ điều trị, cấp cứu. Trong dịp từ 1/1 – 31/3/2010, Lễ hội Xuân Hồng sẽ được tổ chức ở 10 tỉnh, thành phố nhằm thu hút 35.000 người tham gia với dự kiến thu gom ít nhất 12.000 đơn vị máu. (Gia đình & Xã hội 8/1/2010)

Đà Nẵng: Hỗ trợ sinh viên ăn Tết

Ngoài việc tặng 500 vé xe hỗ trợ những sinh viên ở khu vực miền Trung - Tây nguyên về quê ăn tết, Thành đoàn TP Đà Nẵng sẽ tặng quà cho những sinh viên không có điều kiện về quê, phải ở lại TP này trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần. Theo kế hoạch, Thành đoàn TP Đà Nẵng sẽ tặng 500 áo vest cho thanh niên nghèo trên địa bàn TP. Ngoài ra, vào hai ngày 28 và 29 tết, Hội LHTN sẽ cùng Hội Doanh nghiệp trẻ TP Đà Nẵng tổ chức gói và nấu 1.000 chiếc bánh chưng tặng 500 gia đình nghèo và các lao công thuộc Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng làm việc trong đêm giao thừa. Anh Nguyễn Hoài Nam - chủ tịch Hội LHTN TP Đà Nẵng - cho biết hội đang tiếp tục vận động nhiều tổ chức tham gia hoạt động này, nếu có thêm sự đóng góp, số lượng bánh được nấu cũng như số người nghèo có bánh chưng ăn tết sẽ nhiều hơn. (Tuổi Trẻ 8/1/2010)

TPHCM: Trên 2.000 CLB xây dựng gia đình hạnh phúc

Tính đến nay, các cấp Hội LHPN TPHCM đã thành lập được trên 2.000 CLB xây dựng gia đình hạnh phúc với hơn 78.000 thành viên; trên 240 CLB tiền hôn nhân với hơn 5.500 thành viên; 41 CLB và nhóm phụ nữ chống bạo lực gia đình và 47 điểm tư vấn thân thiện… (SGGP 8/1/2010)

Kiên Giang: 1.900 bệnh nhân nghèo được khám bệnh, phát thuốc miễn phí

Chi hội Y bác sĩ Từ thiện Tâm Việt - Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM, chùa Giác Nguyên (TPHCM)) vừa tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.900 bệnh nhân nghèo vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang; trao 500 phần quà, 25 giếng nước sạch, 50 suất học bổng với tổng giá trị 250 triệu đồng. Năm 2009, Chi hội Tâm Việt đã tổ chức trên 10 chuyến công tác từ thiện. (SGGP 8/1/2010)

Sản lượng cà phê niên vụ 2010 sẽ giảm

Theo Hiệp hội Càphê - Cacao VN (Vicofa), sản lượng càphê niên vụ 2010 dự báo sẽ giảm tới 20 - 25% so với cùng kỳ với khoảng 855.000 - 912.000 tấn. Nguyên nhân chính do cơn bão số 9 năm ngoái đã tàn phá hàng nghìn hécta càphê ở miền Trung - Tây Nguyên, cộng với 30.000ha càphê ở Lâm Đồng đang có hiện tượng vàng lá, rụng quả nhiều. Vicofa nhận định, tuy chưa thể đưa ra được mức giá càphê sẽ tăng đến bao nhiêu, song giá càphê XK đang được nỗ lực cải thiện hơn so với năm 2009. (Lao Động 8/1/2010)

Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ 17% GDP

Theo ông Hoàng Huy Hà - Chủ tịch Hiệp hội trái phiếu Việt Nam, quy mô của thị trường trái phiếu VN hiện chỉ ở mức 17% GDP, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 58%, Malaysia 82%, Singapore 74% và Trung Quốc là 53%. Trong đó trái phiếu DN chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, trong tương lai trái phiếu chắc chắn sẽ là kênh huy động vốn có tốc độ tăng trưởng cao. Hiện nay trong cơ cấu, trái phiếu DN chỉ 10%, VDB (Ngân hàng phát triển VN) chiếm 33% còn lại là trái phiếu Chính phủ và các địa phương. (Diễn đàn Doanh nghiệp 8/1/2010)

Khả quan xuất khẩu đồ gỗ sang Trung Quốc

Gần đây, một số doanh nghiệp đồ gỗ đã mạnh dạn thăm dò thị trường Trung Quốc và bước đầu đã thu được kết quả. Ông Trần Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, khách hàng Trung Quốc rất thích đồ gỗ trạm trổ của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cũng gặp khó khăn vì một số nhà đầu tư Trung Quốc đang thuê làm đồ gỗ tại Việt Nam để xuất ngược về. Ông cũng cho rằng, không nên quan niệm là hàng Trung Quốc rẻ đã tràn ngập Việt Nam thì hàng Việt Nam khó bán được sang Trung Quốc. Để có thể xuất khẩu được, HAWA cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp (chi phí đi lại, ăn ở) để thực hiện các chuyến khảo sát thị trường hoặc hỗ trợ 100% chi phí tham gia các hội chợ quốc tế. (Đầu Tư 8/1/2010)

Thoả ước lao động tập thể với ngành dệt may là cần thiết

Theo Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những năm gần đây, dệt may là một trong những ngành có quan hệ lao động phát triển sôi động nhất. Kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy, 88% các doanh nghiệp cho rằng thoả ước lao động tập thể là cần thiết vì nó giống như bộ luật do chính doanh nghiệp soạn và là nền tảng pháp lý để giải quyết các mối quan hệ. 86% cho rằng, chỉ nên ký thoả ước ở cấp doanh nghiệp vì mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng, rất khó có một thoả ước đáp ứng được điều kiện của mọi doanh nghiệp. (Đầu Tư 8/12010)

Giải phóng mặt bằng sẽ không còn là vấn đề nan giải

Theo nhận định của Viện Khonrad Adenauer (KAI) và Hiệp hội các đô thị Việt Nam, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đền bù và  tái định cư sẽ không còn là vấn đề nan giải nếu người dân được tham gia vào quy hoạch dự án ngay từ đầu. Kết quả khảo sát của KAI và Hiệp hội các đô thị Việt Nam tại 4 thành phố là Lạng Sơn, Nam Định, Huế và Thủ Dầu Một cho thấy có 2 điểm mấu chốt trong xung đột giữa chính quyền và người dân là khác biệt trong quan điểm về giá trị trên thị trường của tài sản đang được bàn đến và các vấn đề về tái định cư. Thực tế, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng thường kéo dài nhiều năm nhưng giá đền bù lại được đưa ra từ đầu và không thay đổi. (TBKTVN 8/1/2010)

Việt Nam chưa có cảng nào thực sự là cảng trung chuyển do công tác quản lý, điều hành kém

Theo ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC), trước đây Sài Gòn được coi là “hòn ngọc viễn đông” vì thực sự là cảng trung chuyển. Tàu từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc luôn ghé qua đây trả hàng, chuyển tải hàng đi các tuyến khác, lấy thêm dầu mỡ, lương thực, sửa chữa, cạo hà, sơn lườn, thủy thủ vui chơi giải trí rồi lại nhổ neo đi các cảng Âu, Mỹ khác. Hiện nay chúng ta chưa có cảng nào thực sự là cảng trung chuyển do công tác tổ chức, quản lý, điều hành, kinh doanh cảng và cả hệ thống kinh tế, xã hội ở tỉnh thành có cảng còn bất cập. Các dịch vụ luồng lạch, phao đèn, hoa tiêu, cảng vụ, sửa chữa tàu, cung ứng vật tư, lương thực, nguyên nhiên liệu cho tàu, cũng như các dịch vụ vui chơi giải trí cho thủy thủ của các cảng chúng ta còn nhiều yếu kém. Tại các cảng lớn, đường sá, dịch vụ thuận lợi, thời gian tàu nằm bờ, thủy thủ đoàn có thể lên bờ đi chơi, mua sắm, du lịch... Còn ở ta, việc sửa chữa phải đưa tàu đi xa, hạ tầng giao thông kém, chỗ vui chơi, du lịch, mua sắm cũng không phù hợp. Đặc biệt, khâu tổ chức điều hành dịch vụ thiếu hiệu quả, nên các chủ hàng ít muốn hàng chuyển tải ở cảng VN. Nhiều tàu ghé cảng ta hiện nay chỉ để trả hàng hay làm nhiệm vụ gom hàng từ Việt Nam qua Singapore để chuyển tải đi nơi khác. Tàu Việt Nam cũng chỉ muốn chạy tuyến gần, gom hàng đi Singapore  để chuyển tải rồi lại chạy về. "Nếu hãng tàu chỉ ăn quanh quẩn sân nhà thì khó thu được lợi nhuận cao" - ông Minh kết luận. Có cảng quốc tế lớn thôi chưa đủ. Để được lựa chọn, để thu hút được các chủ tàu, để trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần của cả khu vực và thế giới, việc phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở, hạ tầng dịch vụ... phải được quy hoạch đồng bộ cùng với các dự án xây dựng cảng biển. (Thanh Niên 8/1/2010)