Bản tin nổi bật ngày 11 - 01 - 2010

Nhớ ngày Bác Hồ đón Việt kiều về nước

Sáng 10/1/2010, lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ đón kiều bào từ Thái Lan, New Caledonia, châu Mỹ đã được tổ chức trọng thể tại Hải Phòng với sự tham dự của đại diện Đảng, Chính phủ, kiều bào của 14 tỉnh thành phía Bắc - nơi những thế hệ Việt kiều về nước giai đoạn 1960-1964 đang sinh sống. Ngày 10/1/1960, Bác Hồ ra tận bến cảng Sáu Kho (Hải Phòng) để đón chuyến tàu đầu tiên chở 922 Việt kiều trở về tham gia công cuộc kháng chiến, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói sự quan tâm đặc biệt của Bác dành cho lực lượng Việt kiều thể hiện không những trong giai đoạn đầu của phong trào yêu nước mà cụ thể trong suốt quá trình cách mạng. Năm 1946, trong thông điệp gửi Việt kiều, Bác Hồ viết: “Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng”. Thay mặt cộng đồng Việt kiều, ông Bùi Minh Tâm - phó chủ tịch Hội Liên lạc người VN ở nước ngoài của Hà Nội và ông Đặng Đình Thạch - nguyên phó giám đốc Sở Công nghiệp nay là Sở Công thương, một trong 922 người về nước trên chuyến tàu đầu tiên cập cảng Hải Phòng ngày 10/1/1960 - đã bày tỏ sự tri ân, biết ơn sự giúp đỡ và tình cảm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước dành cho Việt kiều. (Tuổi Trẻ 10/1/2010)

Hội Nhà báo Việt Nam lên án và đòi xử lý những kẻ đã hành hung nhà báo

Về sự việc phóng viên báo Tiền Phong bị hành hung tại Hà Tĩnh và phóng viên báo Người Lao Động bị hành hung tại Lạng Sơn, ông Lê Quốc Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam rất phẫn nộ và lên án những hành động hành hung có tính chất côn đồ và coi thường pháp luật trên. Ngày 8.1, Hội đã liên hệ với các cơ quan báo chí có hội viên nhà báo bị hành hung và Hội Nhà báo 2 tỉnh Lạng Sơn và Hà Tĩnh để tìm hiểu, nắm rõ tình hình, từ đó có các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà báo. Đồng thời ngay trong ngày 8/1/2010, Hội đã có công văn gửi tới chủ tịch UBND, đồng kính gửi sở công an 2 tỉnh Lạng Sơn và Hà Tĩnh, yêu cầu điều tra làm rõ và xử lý thích đáng những kẻ hành hung, gây cản trở các nhà báo khi đang tác nghiệp. (Lao Động 11/1/2010)

100 doanh nghiệp đoạt Cúp vàng “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển”

Tối 10/1/2010, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải thưởng Cúp vàng “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển” 2009. Giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ VH-TT-DL và Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là năm thứ 3 liên tiếp giải thưởng này được tổ chức nhằm tôn vinh các doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu để nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong lần thứ 3 này, giải thưởng Cúp vàng “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển” đã tôn vinh 100 doanh nghiệp, trong đó có 20 doanh nghiệp xuất sắc nhất được Hội đồng giải thưởng trao tặng bằng khen. Phát biểu tại buổi lễ trao giải, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cho rằng, sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, việc tìm kiếm, tôn vinh các doanh nghiệp xuất sắc, thành công trong quá trình hội nhập kinh tế, thương mại với thế giới, qua đó khẳng định uy tín của Việt Nam là việc làm đáng biểu dương, cần phát huy. (SGGP 11/1/2010)

Trao Kỷ niệm chương cho 47 nhà văn, dịch giả nước ngoài 

Tại khu du lịch Tuần Châu, Hạ Long (Quảng Ninh) vừa diễn ra Đêm thơ quốc tế do Hội Nhà văn VN tổ chức với sự tham gia của gần 300 nhà văn, dịch giả trong và ngoài nước trong khuôn khổ chương trình của Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN. Theo đề nghị của Hội Nhà văn VN, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật VN đã quyết định trao tặng Kỷ niệm chương văn học - nghệ thuật cho các nhà văn, dịch giả các nước đã có quá trình dịch và phổ biến văn học VN ra nước ngoài, gồm: Ba Lan (3 người), Mỹ (10 người), Ấn Độ (3 người), Pháp (4 người), Nga (5 người), CH Czech (3 người), Thụy Điển (2 người), Nhật Bản (3 người), Hàn Quốc (5 người), Mông Cổ (1 người), Trung Quốc (2 người), Thái Lan (2 người), Lào (2 người), Campuchia (1 người) và Nicaragua (1 người). (Thanh Niên 11/1/2010)

Nghệ thuật múa 2009: 4 tác phẩm xuất sắc đoạt giải A

Sáng 10/1/2009, tại Trường Múa TPHCM diễn ra lễ trao giải thưởng cho các tác phẩm múa xuất sắc, cho các cá nhân, tập thể đạt nhiều thành tích, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và biểu diễn nghệ thuật múa Việt Nam trong năm 2009. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã trao giải A cho 4 tác phẩm: Khèn núi (của Nguyễn Trung Hưng – Thái Nguyên), Những người đàn ông của biển (Nguyễn Hồng Phong – Hà Nội), Lập trình (NSƯT Nguyễn Hữu Từ - Phú Yên), Chùm tiểu luận (Bùi Đình Phiên – Hà Nội) và các giải B, C, khuyến khích, giải báo chí, giải chất lượng đào tạo… Đặc biệt, đến thời điểm này, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã nhận được 35 kịch bản tham gia cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”, trong đó có 4 kịch bản đặc sắc gồm: tổ khúc thơ múa Mặt trời trong tim (NSƯT Tô Nguyệt Nga), kịch múa Mệnh Trời – tình Đất (NSND Ứng Duy Thịnh), Thăng Long – Hồ Chí Minh (NSƯT Lê Huân) và Ngọn lửa thành Hà (Bùi Đình Phiên), được chọn đầu tư dàn dựng công phu. (SGGP 11/1/2010)

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc kiến nghị Hội Nhạc sĩ Việt Nam về giải thưởng âm nhạc 2009

Sáng 8/1/2010, Hội Nhạc sĩ VN đã tổ chức trao giải thưởng âm nhạc 2009. Cũng trong buổi sáng này, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã gửi thư kiến nghị cho từng thành viên của Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ VN. "Tôi muốn Hội Nhạc sĩ VN công khai trả lời vì sao 2 tác phẩm gửi dự thi của tôi bị gạt" - nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết. Hai tác phẩm gửi dự giải năm nay của ông là giao hưởng hợp xướng Đất nước và Pizzicato Việt Nam cho dàn nhạc dây. Cả 2 tác phẩm này đều đã bị loại ngay từ đầu, mà không được hội đồng chấm để trao giải. Khi biết tác phẩm bị loại, ông đã tìm hiểu kỹ vấn đề qua các vị tham gia hội đồng chấm giải thì được biết giao hưởng hợp xướng Đất nước bị loại với lý do đã sáng tác từ lâu. Thực ra, ông mới hoàn thành phần phối dàn nhạc tháng 6/2009. Ở đây, có vấn đề hiểu nhầm, một phần do khách quan. Vậy xin miễn bình luận. Nhưng tác phẩm Pizzicato Việt Nam bị gạt do hội đồng chấm giải khí nhạc kết luận là: “Tác phẩm này dàn nhạc không thể chơi được” (?). Ý kiến này chính ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội đã nói với riêng ông từ lâu nhưng tôi chưa có dịp phản bác lại. Bởi vì tác phẩm này đã được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Tetsuji Honna biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 20/5/2009. Tuy là bản nhạc rất khó nhưng dàn nhạc đã chơi đúng tốc độ và không sửa một nốt nhạc nào. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc không đòi hỏi phải được giải, hay bức xúc về giải mà chỉ muốn nói về sự “tùy tiện ban phát” giải của một số thành viên ban giám khảo... Bản nhạc của ông đã được vang lên ở Nhà hát Lớn hơn 7 tháng trước, vậy thì vì sao lại có ý kiến là mất mùa về khí nhạc? (Thể thao & Văn hoá 10/1/2010)

Hội thảo về chúa Trịnh Cương

Ngày 10/1/2010 tại Hà Nội, Hội Lịch sử Thăng Long và dòng họ Trịnh đã tổ chức hội thảo về chúa Trịnh Cương nhân 281 năm ngày ông qua đời. Chúa Trịnh Cương là vị chúa thứ 6 thời Lê Trung Hưng. Ông là chúa Trịnh Duy nhất trong thời thái bình thịnh trị không có binh đao. (Gia đình & Xã hội 11/1/2010)

Hà Nội: Đã khôi phục được 28 điệu múa cổ

Đó là thông tin tại Hội thảo khoa học về phục hồi phát triển múa cổ Thăng Long - Hà Nội do Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức sáng 8/1/2010. Bên cạnh đó, các cuộc liên hoan múa cổ cũng đã được tổ chức hằng năm vào dịp xuân tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Liên hoan múa cổ lần thứ 4, sẽ diễn ra vào tháng 10/2010 với 10 điệu múa được đánh giá là đặc sắc nhất như: Múa giảo long ở lễ hội làng Lệ Mật (Gia Lâm), múa lễ chữ ở hội làng Chử Xá, múa bài bông ở hội làng Phú Nhiêu, múa lục cúng trong lễ cúng chùa Quang Minh (Đống Đa)...  (Lao Động 11/1/2010)

Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM muốn thành lập trung tâm chạy thận cho người nghèo

Về thực trạng người nghèo cần chạy thận nhưng không trả nổi chi phí, Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên - phó chủ tịch thường trực Hội Nội thận TP.HCM, thành viên Hội Thận học châu Âu cho biết, bệnh nhân (BN) suy thận ở TPHCM rất nhiều và đề nghị BN ở quận huyện nào thì UBND và ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo ở quận đó phải góp sức, trợ giúp họ, chứ một mình Hội Bảo trợ BN nghèo lo không nổi. Ngoài ra, bà cũng đề nghị bỏ quy định đồng chi trả 20% đối với BN bị suy thận mãn mà nên cho họ hưởng quyền lợi 100% như trước đây. Với BN nghèo, Hội Bảo trợ BN nghèo TP sẽ vận động thêm suất ăn cho họ. BN nào còn làm việc được thì hỗ trợ tìm công ăn việc làm. Vì thực tế vẫn có BN suy thận có thể làm được một số việc nhẹ nhàng nhưng không chỗ nào nhận họ. Ví dụ, làm bảo vệ một tháng 1,5 triệu đồng, họ làm nửa ngày được 700.000-800.000 đồng, ít ra cũng đủ cho họ ăn trong một tháng. Cả xã hội cùng “gánh” mới có thể lo cho những BN chạy thận nhân tạo được. Ông Lê Thanh Hải - phó chủ tịch Hội Bảo trợ BN nghèo TP.HCM thì đề cập là có những BN phải cầm cố tài sản, bán cả nhà cửa để chạy thận. Vì thế, Hội Bảo trợ BN Nghèo TPHCM mong ước thành lập được trung tâm chạy thận nhân tạo để cứu người nghèo. Hội hiện đã có nguồn tài trợ và đang làm thủ tục, đi xin đất để thành lập trung tâm này. Nếu trung tâm chạy thận được thành lập, Hội sẽ thu phí người giàu, người nghèo được giảm giá hoặc miễn phí hoàn toàn. (Tuổi Trẻ 11/1/2010)

Đà Nẵng: Sẽ dự trữ 1.500 đơn vị máu trong dịp Tết

Theo Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng, trong tháng 2/2010, thành phố chủ trương dự trữ hơn 1.500 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu dịp Tết. Ngoài số lượng này, Hội sẵn sàng huy động các đội hiến máu dự bị với 12 đội nhằm đảm bảo nguồn máu cần thiết, nhất là những nguồn máu hiếm. (Tiền Phong 11/1/2010)

Chỉ có 2% ngân sách của ngành y tế là cho Đông y

Theo ông Nguyễn Xuân Hướng - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, đầu tư cho Đông y ở Việt Nam thực tế là cực kỳ hạn chế nếu không nói là bằng 0. Hàng năm, Bộ Y tế chỉ dành khoảng 2% tổng ngân sách cho Đông y. Bên cạnh đó, việc đào tạo con người cũng không đến nơi đến chốn. Học bác sĩ tây y thì mất 5 – 6 năm trong khi chỉ cần học 1 năm đông y là đã có thể hành nghề. (Tiền Phong 11/1/2010)

Các thành viên VAMA tiêu thụ 119.460 ô tô

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2009, tổng lượng bán hàng của 16 thành viên VAMA đã đạt 119.460 xe, tăng khoảng 7% so với năm 2008. Sáu tháng đầu năm 2009, các hãng xe còn gặp nhiều khó khăn nhưng bước sang nửa cuối năm, doanh số của các hãng tăng liên tục. Riêng tháng cuối năm 2009, tổng doanh số của các thành viên VAMA đã đạt tới 15.065 chiếc, tăng hơn 2.800 chiếc so với tháng trước. Ba hãng xe chiếm thị phần nhiều nhất năm 2009 là Toyota, Trường Hải và Vinamotor. Cụ thể, Toyota tiêu thụ được 30.110 xe (chiếm hơn 25,2% thị phần); tiếp theo là Trường Hải với 21.617 xe (hơn 18,1%); Vinamotor với 15.284 xe (gần 13%). Phân khúc xe du lịch tăng mạnh nhất, đến 47%. (Người Lao Động 11/1/2010)

Ngành dệt may gặp khó khăn vì thiếu lao động

Trước thực trạng bất ổn vì thiếu lao động, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã đề ra một số giải pháp trọng tâm trong năm 2010. Theo đó, VITAS sẽ thí điểm mô hình đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và đại diện lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà tại TPHCM làm cơ sở để nhân rộng ra các địa phương khác. Đồng thời, VITAS cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chiến dịch di dời cơ sở về nông thôn nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và chi phí tăng nhanh. (Gia đình & Xã hội 11.1.2010)

Chi phí bình quân cho bảo hiểm sức khoẻ còn thấp

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm sức khoẻ con người hiện là nghiệp vụ có doanh thu lớn thứ 3 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nhưng chi phí bình quân cho bảo hiểm sức khoẻ lại xếp hàng thấp nhất. (TBKTVN 11/1/2010)

Việt Nam chưa thể trở thành cường quốc biển do đội tàu còn ít

Theo ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, nước ta chưa thể trở thành cường quốc biển do đội tàu còn ít, tần suất chuyến thưa, thời gian giao hàng chậm, điều kiệm bảo quản hàng hoá thấp và giá cả cạnh tranh kém. Chính vì vậy nên nhiều chủ hàng chọn phương án thuê tàu nước ngoài. (Thanh Niên 11/1/2010)

Nên tham khảo bài thuốc chữa gan của ông lang Mường

Về bài thuốc đông y có khả năng chữa bệnh gan của ông lang Mường Bùi Văn Phượng ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình được báo Tiền Phong giới thiệu, thầy thuốc Nguyễn Xuân Hướng - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, Hội đã công nhận đây là 1 trong 7 bài thuốc chữa bệnh có hiệu quả nhất trong lần xét duyệt năm 2006. Theo ông, người mắc bệnh gan có thể tham khảo bài thuốc này. Còn bệnh khác thì phải tìm hiểu kỹ rồi mới quyết định. (Tiền Phong 11/1/2010)

Cá xuất khẩu phải có tên sản phẩm

Hầu hết các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam chỉ cần sao bán được sản phẩm cho đối tác nước ngoài mà không quan tâm xem sau đó sản phẩm đến với người tiêu dùng với nhãn mác nào. Vì thế, Hiệp hội Thuỷ sản Mỹ (NFI) đã đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nên tiến hành nghiên cứu để đưa ra tên chung mà thị trường Mỹ ưa thích để áp dụng cho cá tra, cá basa Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch VASEP cho biết, hiện các nhà nhập khẩu miền Tây nước Mỹ thích dùng chữ Swai trong khi ở miền Đông thích dùng chữ Pangasius đối với cá tra Việt Nam. Được biết, trong thời gian tới, VASEP và NFI sẽ hợp tác với nhau, sớm tiến hành nghiên cứu để thống nhất tên thương mại chung cho cá tra, cá basa Việt Nam nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp 2 nước. (TBKTVN 11/1/2010)

1,4 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu tôm sú năm 2010

Đây là mục tiêu được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đặt ra trong năm 2010. Năm 2010, tôm sú vẫn là sản phẩm XK chủ lực, trong khi XK tôm thẻ chân trắng sẽ tăng gấp đôi - lên 500 triệu USD, sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn.  VASEP cũng cho biết, thay vì Hàn Quốc, năm 2010 thị trường XK tôm chủ lực của VN sẽ là Nhật Bản. Giá thành tôm sú cũng sẽ tác động trực tiếp lên xuất khẩu chứ không phải là thị trường. (Lao Động 11/1/2010)

Xuất khẩu tôm, cá ở ĐBSCL: Loay hoay lúc thiếu, lúc thừa!

Giá tôm nguyên liệu ở ĐBSCL đang ở mức cao ngất ngưởng nhưng người nuôi không có tôm để bán, trong khi các nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng vì nguồn nguyên liệu không đảm bảo. Xuất khẩu thủy sản, lĩnh vực thế mạnh của ĐBSCL đang lâm vào cảnh khốn khó hơn bao giờ hết. Tình trạng thiếu nguyên liệu thủy sản ở ĐBSCL ngày càng trầm trọng. Tại Cà Mau, 31 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đang chạy nước rút nhưng nguồn nguyên liệu thiếu hụt đã làm đổ vỡ kế hoạch. Thiếu nguyên liệu là nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay. Tình trạng hoạt động cầm chừng kéo dài sẽ làm tăng chi phí sản xuất và khiến đối tác nhập khẩu không hài lòng. Theo ông Lý Văn Thuận - Tổng thư ký Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau, hầu hết các nhà máy trong tỉnh chỉ hoạt động khoảng 40% công suất, thậm chí có nhà máy chạy thấp hơn nên buộc lòng cho công nhân nghỉ luân phiên. Năm 2008, nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL thua lỗ nặng nề dẫn đến hết vốn đầu tư nên sản lượng tôm năm 2009 giảm là chuyện hiển nhiên. Vấn đề này các doanh nghiệp đều biết nhưng không thể khắc phục. Hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp lâu nay là chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, trong khi diện tích nuôi tôm theo mô hình quảng canh ở ĐBSCL quá lớn, năng suất ngày càng giảm nên lượng tôm thiếu hụt cứ tăng. Giải quyết vấn đề này, theo ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… nên tính toán lại lịch thời vụ hợp lý để áp dụng cách nuôi “rãi vụ” nhằm tránh tình trạng thừa nguyên liệu khi thu hoạch rộ và thiếu nguyên liệu vào lúc hết vụ. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên ngồi lại với chính quyền địa phương và người dân để tính toán việc bao tiêu đầu ra sản phẩm, đẩy mạnh diện tích nuôi công nghiệp nhằm tăng sản lượng cho các nhà máy. Căn cơ hơn, ông Dương Nghĩa Quốc - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho rằng vấn đề cấp bách là phải tổ chức lại sản xuất thật bài bản, nên hạn chế tình trạng nuôi tự phát, nhỏ lẻ để tiến tới nuôi tập trung quy mô lớn có đầu tư vốn, kỹ thuật, quản lý chặt đầu vào - đầu ra, kiểm soát được sản lượng để điều tiết hợp lý nguồn nguyên liệu cho các nhà máy. (SGGP 11/1/2010)

Da giày vượt khó

Cùng với việc đấu tranh với Ủy ban châu Âu (EC) để dỡ bỏ quyết định kéo dài việc áp thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp (DN) sản xuất da giày Việt Nam đang nỗ lực tìm cách vượt khó do việc áp thuế này gây ra. “Trong khó khăn nhưng vẫn có nhiều cơ hội”- Ông Diệp Thành Kiệt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso) nói. Ông phân tích: Thị trường Hoa Kỳ có ít rủi ro hơn EU vì nước này hầu như không sản xuất da giày nên nguy cơ áp thuế chống bán phá giá để bảo hộ sản xuất trong nước như EU đã và đang làm là rất thấp. Thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng da giày xuất khẩu của Việt Nam và cơ hội mở rộng thị phần còn rất lớn. Theo ghi nhận của các nhà nhập khẩu, ngành da giày Việt Nam có hai ưu thế lớn; một là lao động có tay nghề khéo léo; hai là việc thực thi các trách nhiệm xã hội rất tốt, hơn hẳn các nước khác cùng sản xuất, xuất khẩu giày trong khu vực, kể cả châu lục. Trong khi đó Hoa Kỳ đặc biệt chú trọng đến yếu tố này nên thường tìm đến Việt Nam để đặt hàng. Theo ông Kiệt, đơn hàng của Hoa Kỳ thường là của các nhãn hàng lớn và  quy mô đơn hàng cũng lớn. “Những thương hiệu lớn khi đã định vị việc đặt hàng vào nơi nào thì thường rất ít thay đổi trong ngắn hạn. Vì vậy tính ổn định trong sản xuất rất cao”- Ông Kiệt nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Kiệt, chỉ những DN lớn của Việt Nam mới đáp ứng được những đơn hàng này của Hoa Kỳ.  Mặc dù rất khó khăn và có được đơn hàng trong lúc này là rất quý, song Lefaso yêu cầu các DN liên kết giữ giá, tức không giảm giá gia công. “Việc liên kết này nhằm để các DN không bị tiếp tục rơi vào thảm họa”- Ông Kiệt nói. Theo ông, nếu để có đơn hàng mà đua nhau hạ đơn giá gia công, các DN càng dễ sa vào bẫy thuế chống bán phá giá. Tình trạng đó kéo dài, việc tiếp tục gia hạn áp thuế chống bán phá giá của EU như vừa làm là khó tránh khỏi. Mặt khác, việc hạ giá sẽ khiến các DN ngày càng khốn khó vì chi phí sản xuất ngày càng tăng. Đời sống người lao động cũng khốn khó theo vì thu nhập không tăng trong khi giá cả thị trường liên tục tăng. (Tiền Phong 11/1/2010)

Chưa làm rõ được bản chất của hiện tượng hấp dẫn sinh học

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, khả năng hút các vật vào cơ thể là hiện tượng lạ mà khoa học chưa tìm được nguyên nhân nhưng vẫn tạm gọi là lực hấp dẫn sinh học. Hiện tượng này chỉ xẩy ra trong một giai đoạn nhất định trong cuộc đời. Khi cơ thể xuất hiện một lực từ, nó có khả năng hút được các vật có từ tính vào mình. Đấy là do sự tương tác lực từ giữa vật thể và cơ thể người sinh ra, gọi là từ lực sinh học. Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể xẩy ra hiện tượng này, kể cả trẻ sơ sinh, chưa có ý thức. Chính vì thế, đây là một hiện tượng bẩm sinh và mang tính ngẫu nhiên. Tuy nhiên, một số người tập luyện dưỡng sinh, yoga, nhân điện, cũng có thể hút các vật kim loại vào người và số này không nhiều. Khi tập luyện, người ta tập trung khả năng một cách tuyệt đối, đưa cơ thể vào một trạng thái nhất định còn gọi là trạng thái xuất thần. Họ tự điều chỉnh tâm lý để không bị tác động ngoại cảnh cũng như những xáo động của nội tại, trở nên có cảm giác lâng lâng. Từ đó, họ có thể hút các vật khác vào cơ thể. Theo ông, khi phát hiện mình có khả năng này, không nên quá lo lắng vì nó không gây ảnh hưởng hay nguy hại gì đến sức khỏe, sinh hoạt và đời sống. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết thêm, những người có khả năng hút vật vào người thông thường là tự phát hiện một cách tình cờ và số lượng cũng không nhiều. Đặc biệt, những người có thể hút được các vật phi từ tính thì càng hiếm. Ông cho hay, những vật thể làm bằng gỗ, nhựa, thủy tinh, sứ, v.v, là những vật thể phi từ tính. Các dạng vật thể này không sinh ra từ tính nên cơ thể người rất khó có khả năng hút được vào. Nguyên do bởi không xảy ra lực hút tĩnh điện, từ tính hay lực hút của vũ trụ (lực hấp dẫn) giữa cơ thể và vật thể trong các trường hợp này. Ông đã trực tiếp khảo sát và ghi nhận bốn đến năm trường hợp có khả năng hút các vật phi từ tính như gỗ, cốc chén bằng sứ, thậm chí, những chai bia bằng thủy tinh, vào cơ thể. Thời gian giữ vật thể kết dính vào người có khi đến vài phút. Tuy nhiên, hầu hết mọi người phải tập trung vào trạng thái nhất định của mình. Trung tâm Tiềm năng Con người đang tìm hiểu những người có khả năng thực sự có thể hút các vật khác vào người đặc biệt là vật phi từ tính. Kể cả trường hợp phản hấp dẫn sinh học. Nếu khảo sát được nhiều trường hợp như thế, cần  có một nghiên cứu sâu về bản chất và nguyên lý.  "Tiếc là đến thời điểm này, chúng tôi chỉ mới ghi nhận hiện tượng mà chưa làm rõ được bản chất  cũng như chưa có hướng ứng dụng nó vào việc gì cả", nhà nghiên cứu Giác Hải nói.  (Tiền Phong 10/1/2010)