Bản tin nổi bật ngày 12.05.2010

Đề xuất giao các tổ chức xã hội chuẩn bị dự án luật

Tại cuộc họp về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chiều 11-5, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết dự án Luật Biển Việt Nam đã được rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 (đã được Chính phủ trình UBTVQH cho ý kiến vào chiều 10-5).

Một số dự án luật khác cũng được rút khỏi chương trình như Luật Thủ đô, Luật Đầu tư công, Luật Công đoàn (sửa đổi), Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Tiếp cận thông tin,… để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vào đầu năm 2011 (cùng vào một ngày), đa số ý kiến ủy viên UBTVQH đồng ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay. Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cùng các dự án sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy sẽ đưa vào chương trình chuẩn bị năm 2011, sau Đại hội XI của Đảng. Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cùng nhiều ý kiến khác đã bày tỏ không hài lòng trước việc nhiều dự án luật không được chuẩn bị kỹ, đột ngột đưa vào rồi lại xin rút ra, cho đó là “không bình thường”. Trong khi đó, ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam  đề nghị Quốc hội mạnh dạn giao các tổ chức xã hội chuẩn bị dự án luật, tạo điều kiện phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ trong xã hội… (Pháp luật TPHCM 12/5/2010)

Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Lo về vốn và hiệu quả

Ngày 11/5/2010, Bộ Giao thông Vận tải và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Theo dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án lên đến hơn 55,8 tỉ USD và được đầu tư xây dựng theo từng đoạn. Trong đó, đoạn Hà Nội-Nghệ An sẽ được xây dựng và đưa vào khai thác trước, tiếp đến là đoạn Nha Trang-TP.HCM và đến năm 2035 sẽ thông toàn bộ tuyến. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đánh giá đây là một dự án lớn nhưng việc triển khai thực hiện lại rất sơ sài, thể hiện qua việc thời gian làm báo cáo dự án chỉ có sáu tháng và thẩm tra báo cáo cũng chỉ có hai tháng. “Dự án lớn sao lại làm báo cáo và thẩm tra nhanh đến vậy? Hơn nữa, vốn đầu tư cho dự án được xác định là vay ODA của Nhật Bản, trong khi đó việc lập báo cáo rồi thẩm tra cũng do phía đối tác cho vay làm nên thiếu tính khách quan, độc lập” - ông Liêm nói. Cũng theo ông Liêm, vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam là rất lớn, điều kiện cho vay thoáng nhưng thực tế dự án lại rất “đắt”. Ví dụ như để xây dựng cầu Cần Thơ chúng ta vay của Nhật Bản đến 550 triệu USD, trong khi để xây cầu Mỹ Thuận chúng ta chỉ vay của Úc có 60 triệu USD. Do đó, phải nghiên cứu thật kỹ kẻo không khéo sẽ vướng vào vòng kim cô ODA. Cạnh đó, ông Liêm cũng khá lo ngại trước việc gia tăng vốn đầu tư xây dựng của dự án. “Hai năm trước báo cáo chỉ ước tổng vốn đầu tư cho dự án là 33 tỉ USD, đến nay đã tăng lên 55 tỉ và năm năm nữa có thể sẽ lên tới 100 tỉ. Tôi hết sức lo lắng trước sự vội vã trong việc thực hiện dự án lớn này” - ông Liêm bày tỏ. Giáo sư Nguyễn Xuân Trục, Hội Cầu đường Việt Nam, lại tỏ ra nghi ngờ về những con số dự báo do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra, đặc biệt là về thời gian hoàn vốn cho dự án. “Ở nước ngoài, người ta ở cách nơi làm việc hàng trăm cây số nên đường sắt cao tốc phát triển. Nhưng ở ta, có đường cao tốc rồi, liệu người dân có chấp nhận chuyện ở Vinh nhưng sáng đi tàu cao tốc ra Hà Nội làm việc không. Nếu dân không đi thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Đơn cử, khi triển khai đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, báo cáo của chúng ta cũng đưa ra con số dự báo rất cao về phương tiện đi lại nhưng thực tế hiện nay số xe lưu thông lại thấp hơn đến hàng chục lần!” - ông Trục bày tỏ. (Pháp luật TPHCM 12/5/2010)

Doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro khi ký hợp đồng với đối tác ngoại

Đó là ý kiến của đại diện Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tại buổi tọa đàm “Việt Nam và Công ước viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 11/5/2010. Theo Trung tâm thương mại trọng tài quốc tế, từ năm 2002 đến nay đã thụ lý khoảng 500 vụ kiện nhưng đến 80% số vụ có yếu tố nước ngoài. Bản thân doanh nghiệp (DN) nước ngoài thì muốn áp dụng luật nước ngoài, còn các DN Việt Nam muốn bán được hàng đành phải miễn cưỡng chấp nhận những điều khoản mà bạn hàng đưa ra. Do vậy, phía DN của chúng ta luôn phải chịu phần rủi ro khi ký hợp đồng mua bán hàng hóa với các đối tác ngoại. Còn theo ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, trong mua bán quốc tế, năm 1980, Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Đến năm 1988, CISG chính thức được áp dụng và đến nay có 74 nước tham gia tổ chức này. Nếu Việt Nam tham gia tổ chức này, CISG sẽ mang lại những lợi ích rất lớn cho các DN Việt Nam. Khi đó DN sẽ tiết kiệm chi phí và tránh được các tranh chấp trong hợp đồng mua bán quốc tế. Bởi lẽ CISG xây dựng một khung pháp lý thống nhất được áp dụng một cách tự động cho các thành viên tham gia như thời gian giao hàng, thời điểm hợp đồng có hiệu lực… chắc chắn sẽ hạn chế được rất lớn những rủi ro cho các DN của ta. Đại diện khối DN, ông Nguyễn Tôn Quyền, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay nghe giới thiệu về CISG thì thấy rất có lợi cho cộng đồng DN Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hầu hết các DN Việt Nam, như ngành gỗ có bạn hàng với 120 nước trên thế giới, cũng chưa biết CISG là gì. Chính vì vậy, Việt Nam nên sớm tham gia vào CISG để giúp hạn chế được những rủi ro cho các DN xuất khẩu. Đồng thời, cơ quan nhà nước cần có chiến lược tuyên truyền tới cộng đồng DN về CISG. (Pháp luật TPHCM 12/5/2010)

BSA chưa có bình luận gì về những kết luận của Hội Tin học Việt Nam

Ngày 11/5/2010, Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) đã công bố báo cáo vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) toàn cầu năm 2009, khẳng định Việt Nam đã có bước tiến dài trong việc thực thi BQPM. Theo báo cáo của BSA, tỷ lệ vi phạm BQPM của Việt Nam vẫn không thay đổi sau 3 năm, giữ mức 85% mặc dù đầu tư cho BQPM tăng lên 62 triệu USD trong năm 2009 so với 45 triệu USD của năm trước đó. Việt Nam cũng bị liệt vào nhóm các quốc gia có mức độ và tốc độ tăng giá trị vi phạm BQPM cao. Cụ thể, thiệt hại từ vi phạm BQPM của Việt Nam tăng lên tới 353 triệu USD trong năm 2009 (so với 257 triệu USD của năm 2008), đứng thứ 24 trong số 30 quốc gia có giá trị vi phạm BQPM cao nhất và là nước đứng thứ 11 về tốc độ tăng giá trị vi phạm bản quyền. Mặc dù đánh giá tỷ lệ vi phạm BQPM của Việt Nam vẫn không thay đổi nhưng trong thông cáo công bố trên website (www.bsa.org), ông Đào Anh Tuấn, người phát ngôn của BSA Việt Nam thừa nhận: “Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc chống vi phạm BQPM trong khối doanh nghiệp, chính phủ cũng như trong so sánh với các nền kinh tế khác”. Theo ông Tuấn, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc chống vi phạm BQPM, từ việc Thủ tướng Chính phủ đã có tầm nhìn rõ ràng coi việc bảo vệ bản quyền là cách thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tăng hình phạt hành chính với vi phạm bản quyền lên 500 triệu đồng, sửa đổi luật để phạt hình sự vi phạm bản quyền trong hoạt động thương mại, cho tới cơ quan chức năng cũng rất tích cực thanh tra BQPM để phát hiện và xử lý các sai phạm. Thông cáo của BSA trích ý kiến của ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – cơ quan đã thực hiện 27 vụ thanh tra BQPM năm 2009 - nhận xét: “mức độ vi phạm BQPM ở Việt Nam đã có những tiến bộ rất rõ rệt, nhất là trong các doanh nghiệp lớn. Nhiều cuộc thanh tra bản quyền tại các doanh nghiệp lớn đã không phát hiện được một phần mềm nào vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm BQPM tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như ở người dùng cá thể và các đại lý Internet vẫn đáng ngại”. Lý do tỷ lệ vi phạm BQPM của Việt Nam trong năm 2009 không giảm, theo đại diện của BSA, là do sự tăng trưởng mạnh của tiêu thụ máy tính ở nhóm người tiêu dùng cá nhân - thường có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao - trong năm 2009, tăng 52% so với năm 2008. Một số báo chí đã đề nghị đại diện BSA trả lời những bất cập về phương pháp tính vi phạm BQPM trong báo cáo của tổ chức này thực hiện cùng với hãng nghiên cứu thị trường IDC nhưng chưa nhận được phản hồi. Theo đánh giá của Hội Tin học Việt Nam cũng như đại diện một số doanh nghiệp tin học, những thiếu sót trên có thể ảnh hưởng đến tính chính xác trong kết quả báo cáo của BSA và IDC. (Bưu điện Việt Nam 12/5/2010)

Hà Nội: Tạm dừng thi công tuyến đường Hoàng Hoa Thám – Văn Cao để nghiên cứu khảo cổ

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản 3229/UBND-VHKG để đồng ý với đề nghị của Sở VH-TT-DL là tạm dừng thi công nút giao thông Hoàng Hoa Thám - Liễu Giai để nghiên cứu khảo cổ. GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng đường Hoàng Hoa Thám là một con đường được xây dựng trên một đoạn Hoàng thành Thăng Long xưa và thực tế trong quá trình thi công đã phát hiện nhiều cổ vật. Theo tư liệu lịch sử, đây là đoạn thành cổ duy nhất phục vụ nghiên cứu lịch sử nhiều mặt của Thăng Long – Hà Nội. (Gia đình & Xã hội 12/5/2010)

GS Tô Ngọc Thanh được bầu lại làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

Ngày 11/5/2010, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, gần 300 đại biểu đại diện hơn 1.000 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ VI (2010 - 2015). Tại đại hội, Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đánh giá cao những cố gắng và thành quả của Hội Văn nghệ dân gian đạt được trong thời gian qua. Đồng chí chỉ rõ, Hội cần phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần dân chủ, nêu cao trách nhiệm tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng và cao quý là bảo tồn và phát huy các di sản văn nghệ dân gian của dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện việc tổng kiểm kê vốn di sản văn hóa dân gian các dân tộc; thực hiện tốt và có hiệu quả tiến độ của dự án: “Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”; đặc biệt là phổ biến và truyền dạy cho lớp trẻ ở địa phương nơi di sản ra đời và tồn tại. Đồng chí Trương Tấn Sang đã thay mặt Ban Bí thư, trao tặng Hội Văn nghệ dân gian bức trướng “Đoàn kết - Dân chủ - Xây dựng - Sáng tạo”. Đại hội kết thúc với việc bầu ra 13 thành viên vào Ban chấp hành nhiệm kỳ mới, GS-TS Tô Ngọc Thanh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội. (SGGP 12/5/2010)

Vận động sáng tác bài hát cho ngành tòa án

Ngày 11/5/2010, TAND Tối cao phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành TAND (từ ngày 1/5 đến 10/8/2010). Cơ cấu giải thưởng gồm một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và năm giải khuyến khích. Giá trị giải thưởng cao nhất là 30 triệu đồng, thấp nhất là 5 triệu đồng. Việc tổng kết, trao giải thưởng sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành (13/9/1945 – 13/9/2010). (Pháp luật TPHCM 12/5/2010)

4,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường 

Báo cáo trong Hội thảo khoa học về bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tổ chức tại TP.HCM ngày 11/5/2010, PGS-TS Nguyễn Thy Khuê - Chủ tịch Hội Nội tiết và ĐTĐ VN - cho biết hiện trong nước có 4,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, tập trung nhiều ở thành thị - nơi có chế độ dinh dưỡng dư thừa (khoảng 4% dân số thành thị mắc bệnh này). Đáng lo ngại, ngày càng có xu hướng trẻ hóa ở bệnh này (trước đây thường bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, nay trẻ nhỏ, thanh niên cũng mắc bệnh); khoảng 65% người có bệnh ĐTĐ không biết đang mắc bệnh và 60% bệnh nhân phát hiện bệnh và vào viện chữa trị ở giai đoạn muộn, khi đã có biến chứng. (Thanh Niên 12/5/2010)

Thành lập CLB 20 nhà xuất khẩu điều hàng đầu VN

Ngày 11/5/2010, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết Vinacas đang xúc tiến thành lập câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu điều hàng đầu VN (gọi tắt là G20). Dự kiến câu lạc bộ chính thức ra mắt vào đầu tháng 6 tới. Theo ông Giang, 20 doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ hiện chiếm hơn 80% (144.000 tấn/177.000 tấn) lượng điều nhân xuất khẩu của cả nước. Câu lạc bộ G20 sẽ hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, chế biến và giữ vai trò điều phối thị trường điều xuất khẩu. (Pháp luật TPHCM 12/5/2010)

Vẫn chưa vay được vốn mua cà phê tạm trữ

Theo ông Đỗ Hà Nam - phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn vay mua tạm trữ cà phê. Hiện các doanh nghiệp vẫn đợi hướng dẫn từ các địa phương cũng như từ ngân hàng để mua tạm trữ cà phê theo quy định. Theo quyết định ngày 13/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc mua tạm trữ tối đa 200.000 tấn cà phê sản xuất niên vụ 2009-2010. Các khoản cho vay thu mua tạm trữ cà phê được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất 6%/năm, trong thời hạn tối đa sáu tháng (tính từ ngày 15/4 đến 15/10/2010) và thời gian cho vay thu mua tạm trữ cà phê được hỗ trợ lãi suất là ba tháng (từ ngày 15/4 đến 15/7/2010). Như vậy, gần một tháng đã qua từ khi thời hạn mua tạm trữ cà phê của Chính phủ có hiệu lực (15/4), các doanh nghiệp vẫn chưa thể vay vốn mua tạm trữ mà chỉ mua bán kinh doanh thông thường. (Tuổi Trẻ 12/5/2010)

Thanh Hoá: Hướng nghiệp cho gần 1.000 thanh niên miền núi

Ngày 9/5/2010, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã tổ chức chương trình “Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm năm 2010” tại huyện biên giới Quan Hóa. Gần 1.000 bạn trẻ miền núi của huyện đã tham gia chương trình. Tỉnh đoàn và Hội Dạy nghề - xuất khẩu lao động tỉnh Thanh Hóa đã cung cấp cho ĐVTN địa phương những chủ trương, chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng là người dân tộc ít người khi học nghề, đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Đại diện Công ty Demcovina (Long An) sẵn sàng tuyển dụng khoảng 1.000 công nhân may mặc tại công ty, với mức lương 1,5-3,5 triệu đồng/tháng. (Tuổi Trẻ 12/5/2010)

Thành lập ngân hàng giác mạc nhân đạo TPHCM

Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM vừa thành lập ngân hàng giác mạc nhân đạo và bước đầu đã thu hút được 400 người đăng ký hiến tặng sau khi qua đời. (Thanh Niên 12/5/2010)

Khánh thành nhà tưởng niệm 9.000 liệt sĩ

Ngày 11/5/2010, Hội Cựu chiến binh TPHCM phối hợp với Ban Liên lạc truyền thống quân y miền Đông Nam bộ khánh thành nhà tưởng niệm trên 9.000 liệt sĩ quân y và thương bệnh binh hy sinh tại chiến trường miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hài cốt chưa quy tập được. Công trình do Binh đoàn 11 (Bộ quốc phòng) thiết kế, thi công tại ấp Hiệp Hoàng, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, trong cụm lịch sử truyền thống hậu cần Miền. (SGGP 12/5/2010)

Việt Nam cần đầu tư nhà máy kéo sợi tại Châu Phi

Là một trong 10 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu dệt may. Năm 2009, Việt Nam phải nhập khẩu 90,2 triệu USD nguyên liệu dệt may trong đó 58% là từ Châu Phi và Trung Đông. Trong 10 năm tới, nhu cầu sẽ cần 1 triệu tấn bông/năm. Hiện tại, việc nhập khẩu bông Châu Phi phải qua nhiều trung gian gây bất lợi cho cả Việt Nam và các nước Châu Phi. Để khắc phục, ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất cần tạo ra kênh phân phối trực tiếp và có thể đầu tư nhà máy kéo sợi tại Châu Phi. (TBKTVN 12/5/2010)

Bi hài chuyện... nâng ngực

Vợ giấu chồng, thiếu nữ mới lớn trộm tiền cha mẹ… đi nâng đôi gò bồng đảo. Rủi gặp những trường hợp này, bác sĩ thẩm mỹ phải đối mặt với nguy cơ khiếu nại, kiện tụng. Làm xấu, không đúng hợp đồng với khách hàng bị kiện đã đành, đằng này làm đẹp cũng… bị khiếu nại. Lý do khiếu nại nhiều khi không đâu vào đâu làm các bác sĩ tức đến nghẹn cổ. Về chuyện này, PGS-TS TRẦN THIẾT SƠN, Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật, tạo hình thẩm mỹ Hà Nội cho biết, Việt Nam hiện không có một tỉ lệ chung hay cái chuẩn nào trong phẫu thuật nâng ngực, khó có thể nói phải đạt yêu cầu 80%, 90%, hoặc 100%, bởi nó phụ thuộc vào tay nghề phẫu thuật viên, thiết bị máy móc, cơ thể con người, lối sống văn hóa… Ở nước ngoài, các bác sĩ được đào tạo cùng một chương trình và phẫu thuật nâng ngực của họ cũng giống như sản xuất công nghiệp, kỹ thuật chất lượng cao hàng loạt. Còn ở Việt Nam, các bác sĩ học du kích, học lóm là phần nhiều nên phẫu thuật nâng ngực cũng giống như làm thủ công nên mỗi người mỗi khác. (Pháp luật TPHCM 12/5/2010)