Bản tin nổi bật ngày 13 - 01 -2010

VCCI họp thành viên Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Việt Nam lần thứ 2

Ngày 11/01/2010 tại Hà Nội, VCCI phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc họp Mạng lưới thành viên hiệp ước Toàn cầu Việt Nam (GCNV) lần thứ 2 với sự tham dự của hơn 100 DN và các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam. Cuộc họp lần này đã cung cấp và trao đổi với các DN về các kiến thức, kinh nghiệm của vấn đề và các sáng kiến về Trách nhiệm Xã hội doanh nghiệp, Phát triển bền vững cũng như tạo diễn đàn cho thành viên kết nối và trao đổi các kinh nghiệm về thực hiện và áp dụng các Nguyên tắc của Hiệp ước Toàn cầu. Nhiều DN tham gia thành viên đánh giá rất cao các hoạt động hỗ trợ của mạng lưới trong việc phát triển bền vững của DN. Tại cuộc họp nhiều DN cũng đã trao đổi kinh nghiệm về thực hiện trách nhiệm xã hội của DN cũng như những vấn đề mà DN Việt Nam cần quan tâm khi thực hiện Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp (CSR). Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc được hình thành từ năm 1999 và trở thành sáng kiến lớn nhất trên thế giới nhằm thúc đẩy CSR với sự tham gia của trên 7.000 thành viên từ 130 quốc gia tham gia mạng lưới, bao gồm các DN, tổ chức phi chính phủ, học viện, công đoàn. Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Việt Nam được thành lập năm 2007. GCNV là cơ quan điều phối được thành lập để xây dựng và triển khai các chiến lược và giải pháp cụ thể để khuyến khích cộng đồng DN VN tăng cường đối thoại và tuân thủ 10 nguyên tắc về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực: quyền con người, tiêu chuẩn lao động, môi trường và chống tham nhũng. (Diễn đàn Doanh nghiệp 13/1/2010)

Tổng biên tập phải là doanh nhân giỏi?

Yếu tố kinh tế có làm báo chí bị thương mại hóa, tổng biên tập có nhất thiết là doanh nhân giỏi… là những vấn đề được bàn luận tại buổi nghiệm thu đề tài Phát triển kinh tế báo chí Hà Nội trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN của Hội Nhà báo Hà Nội ngày 12/1/2010. Theo đại diện Sở TTTT Hà Nội, kinh tế khó khăn và cạnh tranh gay gắt, ngoài sản phẩm thông tin truyền thống, các báo còn mở rộng kinh doanh nhiều lĩnh vực khác. Còn PGS-TS Nguyễn Tất Viễn cho rằng cân đối nhiệm vụ kinh tế và chính trị như thế nào để báo chí không bị thương mại hóa là điều rất khó. Ông Nguyễn Gia Quý - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội  thì cho rằng trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo báo, đặc biệt là tổng biên tập phải là giám đốc kinh doanh giỏi. “Ở ta ngay từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, Bác Hồ đã nói: Báo chí cũng là một ngành kinh tế. Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình chính là các doanh nghiệp sản xuất tin tức của ngành công nghiệp truyền thông”. Theo ông, hiện 100% cơ quan báo chí của Hà Nội không còn bao cấp, một số kinh doanh có lãi, đóng góp cho ngân sách nhà nước… GS-TS Lương Xuân Quỳ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài, kết luận: Hoạt động kinh tế của báo chí đang rất sôi động. Phải có điều tra thực tế các sản phẩm kinh doanh của các loại hình báo chí, đánh giá báo chí làm kinh tế có chệch hướng nhiệm vụ chính trị không… để từ đó có kiến nghị tạo điều kiện cho hoạt động báo chí, cũng như góp ý, bổ sung vào Luật Báo chí (sửa đổi). (Pháp luật TPHCM 13/1/2010)

Hiệp hội Xi măng Việt Nam sẽ có kiến nghị về giá than

Trong khi ngành điện phản ứng mạnh với phương án tăng giá bán than của Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV) thì ngành xi măng “đành” chấp nhận cơ chế điều hành giá than theo thị trường, chấp nhận tăng giá. Tuy nhiên, xi măng lại kêu cứu vì theo phương thức vận chuyển than mà TKV đang áp dụng thì ngành xi măng mỗi năm có thể mất thêm 450 tỷ đồng. Không ít DN sản xuất xi măng kêu rằng TKV đã áp giá vận chuyển than một cách không... thị trường trong khi Thủ tướng cho phép bán than cho ngành xi măng căn cứ theo giá thị trường. Hiệp hội Xi măng VN cho rằng cách làm của TKV hiện chỉ là thị trường một cách nửa vời. Trước đây xi măng là một trong những ngành được mua than với giá ưu đãi. Tuy nhiên phương thức tính giá ưu đãi dần dần được dỡ bỏ và hiện nay, xi măng, phân bón, giấy và cả điện đều phải mua than theo giá thị trường. Chính vì có sự ưu đãi về giá nên TKV cho rằng việc TKV vận chuyển than tới tận nhà máy bên mua để chống thất thoát trên đường vận chuyển là điều cần thiết. Về phía các DN có nhu cầu tiêu thụ than, do được ưu đãi nên "chấp nhận" việc chỉ có TKV được vận chuyển than là điều không thể có phương án khác. Việc TKV để các DN xi măng tự vận chuyển than là điều rất nên và không thể không làm. Chính vì vậy, nhiều DN xi măng lại đang kêu cứu và ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng VN cho biết: Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị tới Chính phủ và các ngành liên quan để tìm cách tháo gỡ bớt khó khăn cho các DN. (Diễn đàn Doanh nghiệp 13/1/2010)

Các doanh nghiệp kiến nghị cho nhập tôm sú nguyên liệu

Theo ông Trần Thiện Hải – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tình trạng thiếu tôm sú nguyên liệu đã xuất hiện từ tháng 12/2009 và kéo dài đến nay. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị cho nhập khẩu tôm sú nguyên liệu để duy trì sản xuất. Ước tính 60 nhà máy tại ĐBSCL đang phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu. (TBKTVN 13/1/2010)

Tuần lễ Phụ nữ Quốc gia 2010 sẽ tổ chức đầu tháng 3/2010

Ngày 12/1/2010, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã họp báo giới thiệu Tuần lễ Quốc gia Phụ nữ Việt Nam 2010 diễn ra đầu tháng 3/2010. Sự kiện này nhằm tôn vinh phụ nữ Việt Nam nói chung, doanh nhân nữ Việt Nam nói riêng có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp tích cực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.  (Tiền Phong 13/1/2010)

62 đơn vị được trao tặng giải thưởng “Thương hiệu kinh tế đối ngoại uy tín” 

Nhằm tôn vinh những tập thể và cá nhân tiêu biểu có đóng góp to lớn, hiệu quả trong hoạt động kinh tế đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy ban Quốc gia hợp tác kinh tế quốc tế, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam, Công ty cổ phần Tư vấn Giáo dục và Văn hóa - Truyền thông Hà Thành... đã phối hợp tổ chức chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng "Thương hiệu kinh tế đối ngoại hàng đầu Việt Nam" và "Nhà hoạt động kinh tế đối ngoại tiêu biểu". Chương trình bình chọn lần thứ 1 đã diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12-2009. Kết quả có 62 đơn vị được trao tặng giải thưởng "Thương hiệu kinh tế đối ngoại uy tín" trong đó 10 đơn vị được vinh danh giải thưởng "Top 10 - Thương hiệu kinh tế đối ngoại uy tín" và 34 cá nhân được trao tặng giải thưởng "Nhà hoạt động kinh tế đối ngoại tiêu biểu". Lễ vinh danh trao tặng các giải thưởng trên sẽ được tổ chức vào 9h30 ngày 23/1/2010, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. (Hà Nội mới 13/1/2010)

Năm 2010: Có thể đạt gần 7 triệu tấn gạo hàng hóa 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo hàng hóa năm 2010 có khả năng đạt gần 7 triệu tấn và lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn, tương đương năm 2009. Dự báo giá gạo thế giới tăng, nên kim ngạch xuất khẩu có thể đạt hơn 3 tỷ USD. Hiện nay, ngoài lượng gạo tồn kho năm 2009 chuyển sang là 1,5 triệu tấn còn có 3 triệu tấn gạo hàng hóa từ vụ đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 2,4 triệu tấn gạo hàng hóa từ vụ hè thu và vụ 3 dành cho xuất khẩu. VFA cũng cho biết, căn cứ vào các thông tin quốc tế, sản xuất gạo của thế giới năm 2010 sẽ giảm 3%, trong khi tiêu thụ gạo toàn cầu vào khoảng 437 đến 438 triệu tấn, tăng từ 2 đến 3 triệu tấn so với năm ngoái. Vì vậy, nhu cầu mua bán gạo trên thế giới dự báo có thể đạt mức 30,5 đến 31 triệu tấn, tăng 6% so năm 2009. (Hà Nội mới 13/1/2010)

Việc các nhà máy đường tăng giá là do không còn bức xúc về vốn

Giải thích về việc các nhà máy đường tăng giá bán trở lại, ông Hà Hữu Phái - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 12/2009 các nhà máy bước vào niên vụ mới. Đây cũng là thời điểm gặp nhiều khó khăn do đến hạn phải trả nợ vốn vay ngân hàng. Lượng hàng còn tồn chưa tiêu thụ được của niên vụ trước khá lớn trong khi nhu cầu về vốn là rất cấp bách nên phải giảm giá để giải phóng hàng, thu hồi vốn. Hiện các nhà máy đã tiếp cận được nguồn vốn và lượng tồn kho không nhiều nên giá bán tăng trở lại. (Đầu Tư 13/1/2010)

Giá vàng về đâu?

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng đã tăng năm thứ 9 liên tiếp và thiết lập kỷ lúc 1.226,56 USD/ounce. Chỉ riêng trong năm 2009, giá vàng đã tăng trên 25%. Có thể trong năm 2010, giá vàng sẽ lên tới trên 1.400 USD/ounce. Hiện giá vàng trong nước đã khá cao và nhu cầu về vàng vẫn tăng. Tuy nhiên, nghịch lý là giá vàng tăng cao luôn tỷ lệ thuận với nhu cầu mua vào. Chính vì vậy, sự chênh lệch giá trong và ngoài nước sẽ phụ thuộc rất lớn vào tâm lý của người dân. Đặc biệt, khi sàn vàng đóng cửa thì các nhà đầu tư sẽ dồn sức cho thị trường vàng vật chất. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, giá vàng trong nước năm 2010 sẽ dao động 26 – 30 triệu đồng/lượng. (Diễn đàn Doanh nghiệp 13/1/2010)

Việt Nam nên ưu tiên phát triển cảng biển

Tham gia loạt bài “Để trở thành cường quốc biển”, ông Hồ Kim Lân - Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, nếu Việt Nam chọn vận tải biển thì chắc chắn thua vì 80% thị phần đang do nước ngoài nắm giữ. Còn chọn cảng biển thì đó là thế mạnh vì cạnh tranh trên sân nhà luôn có ưu thế. Nhà nước nên đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng kết nối cảng biển và là “nhạc trưởng” thông qua cơ chế “chính quyền cảng” để giải quyết những bất cập. Nếu không có cơ chế “Chính quyền cảng” thì sẽ khó cạnh tranh được với Singapore hay Hồng Kông. (Thanh Niên 13/1/2010)

Muốn bán được hàng ở trong nước cũng phải cạnh tranh với nước ngoài

Theo ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, cũng giống như dệt may,  không phải khi thị trường thế giới suy thoái thì ngành da giày mới tính chuyện quay về thị trường nội địa. Thế giới đã phẳng thì muốn bán được hàng trong nước cũng phải cạnh tranh với hàng nước ngoài. Khâu đầu tiên phải làm là thương hiệu và lợi thế là hàng giày dép ngoài khối ASEAN vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 40  - 50%. Đây chính là cơ hội cho da giày Việt Nam và trong vòng 5 nữa sẽ không thể đứng vững được khi mức thuế chỉ còn 5%. (Diễn đàn Doanh nghiệp 13/1/2010)

Cần thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Viễn thông để điều tiết thị trường

Theo ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ TTTT, trong năm 2009 các doanh nghiệp đã cạnh tranh mạnh về giá thông qua khuyến mãi, dẫn đến sự phát triển không bền vững trong thời gian tới. Nguy cơ này là hoàn toàn có thật chứ không phải là việc lo xa. Ông Phạm Hồng Hải cho biết thêm, trong năm 2010 sẽ phải có những chính sách quản lý tốt hơn với khuyến mãi. Bộ TTTT sẽ quy định phương pháp tính giá thành đồng thời đưa ra những quy định cụ thể về quản lý cước viễn thông để tránh tình trạng các doanh nghiệp phá giá hoặc ép giá. Bà Trịnh Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom), chủ sở hữu mạng Vietnammobile cũng cho rằng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn là quá khốc liệt. Các anh lớn đã phá giá thị trường và không biết đến nỗi khổ của các em nhỏ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) thì cho rằng Bộ TTTT cần ban hành giá sàn và các doanh nghiệp không được bán dưới mức giá này. Ngoài những kiến nghị đó, các nhà mạng cho rằng, Bộ TTTT cần giúp đã thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Viễn thông để cơ quan này là nơi trực tiếp giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp. (Đầu Tư 13/1/2010)

Thị trường thép chờ hàng rào kỹ thuật

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để ngành thép rơi vào tình trạng như hiện nay có rất nhiều nguyên nhân. Song cũng phải thừa nhận rằng, nếu ngay từ đầu chúng ta có một chiến lược bài bản về đầu tư và sản xuất thép, thì các DN không rơi vào tình cảnh lao đao như hiện nay. Chính vì thế, Hiệp hội Thép Việt Nam đã cảnh báo, năm 2010 sẽ là năm nhiều “chông gai”cho DN ngành này, thậm chí, nếu không có những giải pháp cấp thiết và triệt để, ngành thép sẽ tự đánh mất sân nhà. Chỉ trong vài ngày trở lại đây, giá thép phế tăng rất cao, lên tới mấy chục USD/tấn so với cuối năm 2009, trong khi đó, giá phôi lại không tăng. Sự thay đổi của thị trường nguyên liệu trong thời gian qua cộng với cảnh báo trên của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, một lần nữa câu chuyện ngành thép "kêu cứu" có thể có thêm những “tập”" mới nếu các DN, hiệp hội và các cơ quan hữu quan không sớm đưa ra được những giải pháp hữu hiệu. Theo dự báo của Hiệp hội Thép, năm 2010 sẽ có rất nhiều nhà máy thép đi vào hoạt động. Dự kiến tăng trên 60%, trong khi lượng thép phế nhập khẩu cũng tăng mạnh vì thép phế trong nước chỉ đáp ứng tối đa 30%. Chính vì vậy, theo ông Sơn, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các DN thép về vốn để tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, rất cần các biện pháp tự vệ, đặc biệt là phôi thép. Nếu nhìn xa hơn, khi phôi ổn, các DN trong nước có bảo vệ để phát triển, ngành thép là ngành liên tục phát triển. Vài năm gần đây, nhiều DN thép đã đầu tư rất bài bản và chuyên nghiệp, nếu có được sự hỗ trợ tốt về mặt chính sách chắc chắn các DN sẽ ổn định và phát triển. Hiệp hội Thép cũng kiến nghị Chính phủ nên sử dụng tối đa những điều Luật Thương mại quốc tế cho phép để hỗ trợ sản xuất trong nước, kể cả biện pháp tự vệ cần thiết khi hàng nước ngoài ồ ạt nhập VN. Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư mới, các thủ tục cấp phép đầu tư ngoài quy hoạch để đảm bảo cân đối cung cầu các sản phẩm thép trong nước. (Diễn đàn Doanh nghiệp 13/1/2010)