Bản tin nổi bật ngày 13 - 08 - 2009

Xây dựng Luật Bảo vệ Người tiêu dùng

Ngày 12/8/2009 tại Hà Nội, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo lần 4 của dự thảo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng. Dự kiến, luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua năm 2010. Ông Trần Hữu Huỳnh – Trưởng ban pháp chế của VCCI khuyến cáo: Theo quy định của luật, nghĩa vụ chứng minh mình trong sạch lại không thuộc về doanh nghiệp. Còn theo ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường bên cạnh những sản phẩm có chất lượng tốt vẫn có cả những sản phẩm giá rẻ hơn nhưng chất lượng không đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn có những người mua những sản phẩm đó mà không cần biết đến tác hại. Vì thế, khi họ bị thiệt hại thì không thể hoàn toàn đổ cho doanh nghiệp. Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để xuất, người tiêu dùng cần được hiểu theo nghĩa rộng và không chỉ là người sử dụng sản phẩm cuối cùng. Và cũng không nên giới hạn đối tượng cung cấp là thương nhân vì thực tế còn có nhiều đối tượng khác. (TBKTVN 13/8/2009)

Hội Nông dân Việt Nam đề nghị có biện pháp để Vedan hỗ trợ thoả đáng

Hội Nông dân Việt Nam sẽ cử nhóm đại diện cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giám sát kết quả quá trình sử lý ô nhiễm môi trường của công ty VEDAN. Thông tin này do đại diện Hội Nông Dân Việt Nam cho biết ngày 12/8/2009. Hội cũng đề nghị Bộ TN&MT có biện pháp đẻ phía bên công ty VEDAN và Hội Nông dân thương lượng giải quyết trong việc hỗ trợ thoả đáng cho nông dân bị thiệt hại. Bộ cần tiếp tục có ý kiến với các đơn vị chức năng tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, TPHCM làm việc với công ty VEDAN đẻ sớm giải quyết hỗ trợ thiệt hại cho nông dân, không để tình trạng kéo dài. (Pháp Luật TPHCM 13/8/2009)

Sẽ thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng xã hội học tập

Ngày 12/8/2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ ngành và Hội Khuyến học Việt Nam về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về Xây dựng Xã hội Học tập. Đánh giá cao những đóng góp của Hội Khuyến học Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng đề án thành lập Ban chỉ đạo trước ngày 20/10/2009. (Hà Nội mới 13/8/2009)

Động vật hoang dã bị “săn lùng làm đồ nhậu”

Ngày 12/8/2009 tại Ninh Bình, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức hội thảo “Bảo vệ động thực vật hoang dã góp phần bảo tồn bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam”. Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, trước năm 1990, việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã chỉ mới ở mức sử dụng trong phạm vi địa phương miền núi. Kể từ sau năm 1990 đến nay, xu hướng mở rộng thị trường tiêu thụ cho “ khách hạng sang” ngày càng tăng, khiến việc sử dụng động vật hoang dã lan rộng toàn quốc. Hiện có khoảng 200 loài động vật hoang dã, trong có trên 80 loài  động vật quý hiếm đang  được kinh doanh, sử dụng trên thị trường Việt Nam. Ông cảnh báo: “với tốc độ giăng bẫy như hiện nay để phục vụ các nhà hàng sang trọng ở các thành phố, khu nghỉ mát  thì dù có đến hàng trăm hàng nghàn nhà bảo tồn cứ ngày đêm miệt mài tận tâm cho công tác bảo tồn cũng không đuổi kịp việc tiêu sài lãng phí các loài động vật hoang dã đang xẩy ra hàng ngày”. Trên thực tế, theo ông Huỳnh, tê giác 2 sừng, heo vòi, vượn tay trắng, cầy nước gần như đã bị diệt vong, trong khi một số loài khác, số lượng còn quá ít, rất dễ bị tuyệt chủng như: hổ, tê giác một sừng, bò xám, bò tót, hươu vàng….Vì vậy cần có chính sách đời sống người dân khu vực bảo tồn, giảm bớt sự phụ thuộc vào việc khai thác, săn bắt động thực vật hoang dã từ rừng, tạo điều kiện cho họ tham gia và có thu nhập từ hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, để họ trở thành lực lượng chính trong việc bảo tồn động vật hoang dã. (Thanh Niên 13/8/2009)

Phát động Triển lãm VietNam games show 2009

Ngày 12/8/2009, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) cùng câu lạc bộ Doanh nghiệp Game và Nội dung số (VGB) đã chính thức phát động chuỗi 2 sự kiện gồm Triển lãm VietNam games show 2009 và giải thi đấu VietGames Tournament 2009. Đây là các hoạt động nhằm góp phần xây dựng và phát triển  ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số và giải trí diện tử Việt Nam. Cả 2 sự kiện đều được tổ chức tại TP. HCM từ ngày 27-29/11/2009 tại nhà thi đấu quân khu 7 và khách sạn Parkroyal Saigon. Triển lãm VietNam games show chính là triển lãm Quốc tế phần mềm và giải trí điện tử (ISGAF) trước đây, nay được tách riêng phần nội dung giải trí điện tử để trở thành triển lãm chuyên ngành về game. VietNam games show 2009 tập trung vào 4 nội dung chính là Triển lãm game, máy tính, các thiết bị giải trí; vòng chung kết giải thi đấu Vietgames Tournament 2009; Các họat động hội thảo về game và ngành công nghiệp nội dung thông tin số Việt Nam; Kết nối doanh nghiệp (Business Matching) cho các doanh nghiệp... (Lao Động 13/8/2009)

Sinh viên quá yếu về kỹ năng

Sinh viên (SV) chưa được quan tâm phát triển kỹ năng,đặc biệt là các kỹ năng phần mềm như tue duy, phân tích, tổng hợp, thuyết trình, giao tiếp hay làm việc đồng đội, thiếu quy trình và công cụ để chuyển những kiến thức được học trong trường thành những sản phẩm phục vụ xã hội. Anh Nguyễn Đắc Vinh- Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội SV Việt Nam cho hay nhân kết thúc hội nghị BCH Hội SVVN lần thứ 3, khoá VIII tại Đà Nẵng. Theo anh, tính năng động trong môi trường giao tiếp của SV còn yếu. Thực trạng về trình độ tiếng Anh cũng là điều đáng bàn. Kỹ năng tự học, tự nghiên cứu còn hạn chế. Anh Lê Quốc Phong - Chủ tịch Hội SV TPHCM cũng đưa ra thực trạng, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp , ứng xử, làm việc theo nhóm, kỹ năng vận dụng vào thực tế của sinh viên còn thấp. Thực tế, các SV tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, trường TCCN và dạy nghề quá yếu về kỹ năng nhất là kỹ năng phần mềm, CNTT và thái độ lao động. (Tiền Phong 13/8/2009)

Khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực phân phối

Ngày 12/8/2009, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã tổ chức hội thảo về khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực phân phối và một số kinh nghiệm quốc tế. Tại hội thảo, các chuyên gia của EU đã trình bày những đặc điểm của lĩnh vực phân phối trên phạm vi toàn cầu và việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, xu hướng điều chỉnh pháp luật… (Hà Nội mới 13/8/2009)

Phát động cuộc thi ảnh toàn quốc về môi trường

Sáng 12/8/2009 tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) phát động Cuộc thi ảnh toàn quốc chủ đề: “Môi trường và cuộc sống người nghèo” năm 2009. TS Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, giám đốc Hợp phần PCDA (Hợp phần Kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực đông dân nghèo) nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc thi đối với việc ngăn chặn khả năng tiếp tục xuống cấp về môi trường tại các vùng dân cư nghèo, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Ảnh dự thi là ảnh mầu hoặc đen trắng,  không chắp ghép, sử dụng kỹ xảo làm sai lệch sự thật. Tác phẩm đã đoạt  giải thưởng, trưng bày trong cuộc triển lãm trước đây do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức hoặc phối hợp tổ chức cũng không hợp lệ tại cuộc thi lần này.

Các tác giả có thể gửi số lượng ảnh không hạn chế, phản ánh trung thực mối liên hệ giữa dân số, nghèo đói với môi trường và ngược lại; những hoạt động bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế; hành vi, hiện tượng gây ô nhiễm môi trường…  Bên cạnh ảnh đoạt giải, Ban tổ chức sẽ chọn 50 tác phẩm chất lượng tốt để phục vụ công tác tuyên truyền. Thời hạn nhận ảnh kể từ ngày phát động đến hết ngày 30/10/2009. Cuộc thi được sự hỗ trợ của chương trình hợp tác phát triển Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực môi trường - Hợp phần Kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực đông dân nghèo (PCDA). (Nhân Dân 13/8/2009)

“Ngôi nhà xưa bên suối” dự Giải thưởng Văn học ASEAN 2009

Tập chuyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối của nhà văn Cao Huy Sơn vừa được Hội Nhà văn Việt Nam chọn gửi tham dự Giải thưởng Văn học ASEAN 2009, tổ chức tại Thái Lan. Tác phẩm khai thác đề tài cuộc sống và những bi kịch số phận của những người dân miền núi này cũng từng nhận được Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2008. Cao Duy Sơn được xem là nhà văn chuyên về đề tài miền núi, ông luôn thổi vào tác phẩm của mình những chăn trở đau đáu về cuộc mưu sinh và cả những cảm xúc khốc liệt của những con người ở vùng cao. Gần như những tác phẩm nào của ông cũng váng vất hình ảnh quê nhà ở Cô Sầu (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Ông viết Ngôi nhà xa bên suối bằng giọng văn mộc mạc, chân chất và thể hiện đậm nét văn hoá, lối sống của đồng bào người dân tộc. Cao Duy Sơn còn là tác giả của những tác phẩm gây ấn tượng với bạn đọc: Đàn trời, Chuyện ở lũng Cô Sầu … ( Người Lao Động 13/8/2009)

An Giang: Hợp tác chống buôn bán phụ nữ và trẻ em với hai tỉnh của Campuchia

Ngày 12/8/2008 tại thị trấn Tịnh Biên, Hội LHPN tỉnh An Giang và Hội Phụ nữ vì Hoà bình và Phát triển của hai tỉnh Ta Keo, Kan Dal (Campuchia) đã ra quân chiến dịch truyền thông chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Được biết, trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, đã có 11 vụ nghi vấn buôn bán phụ nữ và trẻ em được phát hiện. (SGGP 13/8/2009)

TPHCM: Việc làm cho người tái hoà nhập cộng đồng

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề “nghề nghiệp và việc làm” của CLB Sức sống mới do Thành Đoàn TPHCM tổ chức, đại diện cụm công nghiệp – dân cư Nhị Xuân(TPHCM) cho biết trong năm 2009, cum sẽ tiếp nhận khoàng 1.000 lao động vào làm việc. Đây là cụm công nghiệp đặc thù hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người tái hoà nhập cộng đồng với các loại hình sản xuất: cơ khí , may mặc, đồ gỗ, bao bì….  Dịp này, Hội LHTN TPHCM đã tặng giấy khen cho 10 bạn trẻ đang làm việc tại cum công nghiệp - dân cư Nhị Xuân, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã trao 24 CLB Sức sống mới với kinh phí sinh hoạt năm 2009 là 2 triệu đồng/câu lạc bộ. Buổi sinh hoạt là cơ hội cho các  bạn thanh niên sau cai nghiện, có tiền án, tiền sự của 24 quận huyện của TPHCM gặp gỡ và chia sẻ và hỗ trợ nhau trong quá trình xây dựng cuộc sống mới ở địa phương. ( Thanh Niên 13/8/2009)

Việt – Hàn đánh giá tác động của môi trường

Ngày 20 và 21/8/2009 tại TPHCM, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Hội Đánh giá tác động môi trường Hàn Quốc sẽ tiến hành hội thảo lần 2 về đánh giá của tác động môi trường lần thứ hai. Trong khuôn khổ hoạt động này, hai bên sẽ ký kết hợp tác song phương. Hội thảo lần 1 đã được tổ chức tại Hà Nội tháng 12/2007. (Khoa học & Đời sống 13/8/2009)

Nhà nước không nên trực tiếp tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá

Theo GSTS Võ Thanh Thu – thành viên Hội đồng Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nếu bị dính vào các vụ kiện chống bán phá giá, Nhà nước không nên trực tiếp tham gia vì đây là chuyện giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Các hiệp hội ngành hàng đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết việc này. Vai trò của Nhà nước là điều tiết thị trường vì đó là việc mà bản thân doanh nghiệp không làm được. (TBKTVN 13/8/2009)

300 tấn lúa từ Campuchia vào Việt Nam mỗi ngày qua cửa khẩu Dinh Cố

Theo ông Nguyễn Tiến Thọ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trung bình mỗi ngày có đến 300 tấn lúa từ Campuchia vào Việt Nam qua cửa khẩu Dinh Cố (Đồng Tháp). Tổng lượng lúa Campuchia vào Việt Nam thời gian qua tại các tỉnh biên giới Tây Nam đã lên tới gần 2 triệu tấn. (Sài gòn Tiếp thị 12/8/2009)

Bán sữa trong phòng y tá tại bệnh viện: Vi phạm nghiêm trọng các quy định

Việc một số nhân viên Bệnh viện Nhi T.Ư bán sữa trong phòng y tá trưởng theo dư luận  là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng giành cho trẻ nhỏ. Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, muốn kinh doanh bất cứ sản phẩm gì phải đăng ký và có địa điểm đủ điều kiện đẻ mua bán. Họ có thể đăng ký mở một quầy ăn trong bệnh viện và có thể bán sữa. Còn việc bán sữa trong bệnh viện mà không đăng ký kinh doanh còn vi phạm pháp luật về thương mại. Ông Hồ Tất Thắng- Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, bức xúc: “Bán sữa ngay trong phòng y tá trưởng là không  thể chấp nhận”. Quy định hiện hành cấm các cơ quan nhà nước quảng cáo, tiếp thị khuyến mại, bán thực phẩm chức năng trong đó có sữa ở trong các bệnh viện, trường học, nhà trẻ. Việc đưa sữa vào trong bệnh viện kinh doanh, làm cho người tiêu dùng bị áp đặt và hai quyền quan trọng của người tiêu dùng là quyền được thông tin và lựa chọn sản phẩm đã bị xâm phạm. Việc bán sữa ngoại trong bệnh viện cũng vi phạm Luật Cán bộ, Công chức. (Tiền Phong 13/8/2009)

Các nhà đầu tư Đài Loan còn chần chừ vì chưa tìm được nguồn nhân lực có tay nghề cao tại Việt Nam

Theo ông Richard Tang – Chủ tịch Hiệp hội Máy tính Đài Bắc (TCA), các doanh nghiệp Đài Loan đã rất thành công khi đầu tư vào Trung Quốc đại lục với phần cứng máy tính, điện thoại, sản phẩm tiết kiệm năng lượng… Bối cảnh của Trung Quốc đại lục và Việt Nam cũng gần giống nhau. Do vậy, khi đầu tư vào Việt Nam thì chỉ cần mang những kinh nghiệm đó vào thì chắc chắn sẽ thành công. Ông cũng cho biết, hiện tại chưa tới 1% trong số 5.000 thành viên của CTA đầu tư vào Việt Nam nhưng tất cả đến nay đã thành công. Phần lớn các thành viên của CTA đã đầu tư vào phần cứng và phần mềm đang phát triển dần, các lĩnh vực khác cũng sẽ phát triển trong tương lai. Ngoài các yếu tố về chính sách và hạ tầng, ông cho rằng yếu tố con người là rất quan trọng và Việt Nam hiện chưa đáp ứng được nguồn nhân lực như ở Trung Quốc đại lục. Các thương gia Đài Loan còn chần chừ đầu tư về thiết kế và sản xuất ĐTDĐ vì chưa tìm được lực lượng lao động có tay nghề như yêu cầu. (TBKTVN 13/8/2009)