Bản tin nổi bật ngày 13.05.2010

Nông dân quá khó tiếp cận vốn vay

Sáng 12/5/2010, Bộ Công thương tổ chức hội nghị tổng kết Quyết định 497 và sơ kết Quyết định 2213 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hỗ trợ lãi suất mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), thủ tục vay vốn chặt chẽ hơn so với điều kiện của vay thông thường khiến hộ nông dân khó, thậm chí không thể tiếp cận được chính sách này. Đồng tình, ông Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, nói: Nhiều hồ sơ vay vốn bị đình lại vì thủ tục vay yêu cầu phải có giấy đỏ để thế chấp cho ngân hàng. Họ phải mất đến vài tháng mới làm xong được giấy đỏ. Mặt khác, khi hồ sơ vay vốn mua máy móc đã được duyệt nhưng ngân hàng thông báo… hết tiền và phải chờ, chờ đến bao lâu thì ngân hàng không trả lời chính xác. Bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, đề xuất nên kéo dài thời hạn vay hỗ trợ lãi suất từ ba năm trở lên. Ông Nguyễn Duy Lượng thì đề xuất thời hạn này ít nhất năm năm. Mức vốn vay cũng nên được nâng lên như đối với mua vật liệu xây nhà là 100 triệu đồng/hộ thay vì tối đa là 50 triệu đồng như hiện nay. Chính sách hỗ trợ lãi suất cũng nên mở rộng với một số ngành nghề khác: thủy sản, chăn nuôi… Ông Nguyễn Danh Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho hay hiện nhiều ngân hàng vẫn loay hoay trong việc xác định loại máy móc nào thuộc diện được vay vốn hỗ trợ lãi suất. Do vậy, Bộ Công thương cần sớm ban hành danh mục sản phẩm máy móc, thiết bị thuộc đối tượng được hỗ trợ.  Liên quan đến phản ánh việc các ngân hàng thiếu vốn, ông Trọng cam kết sẽ báo cáo với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ cho nông dân. “Cho đến thời điểm này, tổng các gói hỗ trợ lãi suất mới chỉ sử dụng 10.000 tỉ đồng trong số 17.000 tỉ đồng được thực hiện từ năm 2009. Chủ trương của Chính phủ tiếp tục hỗ trợ hết khoản tiền đã công bố này. Do vậy, các ngân hàng nói thiếu vốn là không được” - ông Trọng nhấn mạnh. (Pháp luật TPHCM 13/5/2010)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng CNTT còn hạn chế  

(HNM) - Ngày 12-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố Chỉ số và Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) trong các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa năm 2009 dựa trên cơ sở điều tra tại 1.060 DN thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Ngày 12/5/2010, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số và Thực trạng ứng dụng CNTT-TT trong các DN nhỏ và vừa năm 2009 dựa trên cơ sở điều tra tại 1.060 DN thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước. Có 2/3 số DN thường xuyên sử dụng các phần mềm soạn thảo văn bản, phần mềm kế toán; 58% số DN sử dụng kết nối mạng nội bộ; gần 90% DN sử dụng internet và hơn 50% DN có ban lãnh đạo sử dụng email hằng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng các dịch vụ CNTT-TT cũng như việc ứng dụng thương mại điện tử còn hạn chế, khi chỉ có khoảng 15% số DN có sử dụng dịch vụ tư vấn CNTT-TT; 19,4% số DN có website riêng, trong đó 91% chỉ sử dụng website để giới thiệu hình ảnh, sản phẩm mà chưa tận dụng được những lợi ích khác. TPHCM dẫn đầu cả nước về mức độ ứng dụng CNTT-TT, cả về chỉ số tổng thể, chỉ số phần cứng, chỉ số internet và chỉ số phần mềm. Hà Nội đứng thứ 11. (Hà Nội mới 13/5/2010)

Sẽ rút nhiều quyền của Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Thông tin tại phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/5/2010 cho biết, Giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri về vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Ban Dân nguyện đã kết luận: Bộ Nội vụ, Bộ Công thương đã không làm đầy đủ trách nhiệm khi phê duyệt điều lệ của VFA, trao cho hội này những nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, không phù hợp với tính chất là hiệp hội thương mại như: hướng dẫn giá các loại gạo xuất khẩu; tổ chức thực hiện việc đăng ký, thống kê xuất nhập khẩu; hướng dẫn và điều hành xuất nhập khẩu mặt hàng gạo. Theo đó, VFA đã được phép hoạt động không phù hợp với Luật Thương mại. Ông Lê Quang Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định: “Điều lệ của VFA không phải “không phù hợp” mà là trái luật. Đã là trái thì theo luật, đoàn giám sát có quyền tạm đình chỉ hành vi vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục”. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên ngay sau đó cho biết những nhiệm vụ, quyền hạn nói trên sẽ được chuyển về cho Bộ Công thương, thể hiện trong nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo Bộ đang dự thảo. (Pháp luật TPHCM, Đất Việt 13/5/2010)

Cần lập sàn giao dịch cà phê ở TP.HCM

Ngày 12/5/2010, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ cà phê niên vụ 2009-2010 và giải pháp phát triển bền vững trong thời gian tới. Liên quan đến việc lên xuống thất thường của giá cà phê, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết giá cà phê thế giới không phụ thuộc vào cung cầu mà bị chi phối bởi nhà đầu tư, đầu cơ và hai thị trường chính là London và New York. Lượng cà phê giao dịch thật chỉ 2%, giao dịch “giấy” chiếm tới 98%. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam ra sức tranh giành khách hàng bằng cách hạ giá thành sản phẩm, trong khi ở các nước khác họ chú trọng chất lượng sản phẩm và dịch vụ để thu hút khách hàng. Tại hội nghị, ông Đỗ Văn Nam - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (VinaCafe) cho rằng Chính phủ nên lập sàn giao dịch cà phê ở TPHCM để kết nối được với sàn giao dịch ở London. Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài tham gia, đảm bảo được tính công khai và minh bạch trong quá trình hoạt động. Ông Lê Xuân Cục trưởng Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thuỷ sản và nghề muối cũng nhìn nhận việc ra đời sàn giao dịch ở TP.HCM, người mua được đảm bảo an toàn về vốn, chất lượng, giá cả; người bán được lợi nhuận cao nhất, giá cả bình đẳng; ngân hàng cũng bảo toàn được nguồn vốn cho vay. Hiện đề án đang triển khai và sàn giao dịch sẽ ra đời trong khoảng tháng 6 nhưng để sàn giao dịch vật chất hoạt động theo lộ trình phải đến năm 2011. (Pháp luật TPHCM 13/5/2010)

Liên đoàn Luật sư Việt Nam kỷ niệm 1 năm thành lập

Sau một năm ra đời, Liên đoàn Luật sư Việt Nam - tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư cả nước - đã làm được một số việc như thành lập trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư, xây dựng đề án thành lập trường đào tạo luật sư Việt Nam… Liên đoàn cũng bắt đầu phối hợp với Bộ Công an để ban hành quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong việc bảo đảm quyền, nghĩa vụ của luật sư tham gia tố tụng, làm việc với TAND Tối cao, VKSND Tối cao để xây dựng quy chế tương tự. Liên đoàn cũng đang triển khai đổi thẻ luật sư trên toàn quốc để từ ngày 1-8, thẻ của Liên đoàn sẽ thay thế tất cả thẻ do từng đoàn luật sư cấp trước đây…Phát biểu trong lễ “thôi nôi” ngày12/5/2010, ông Lê Thúc Anh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam  cho biết trong thời gian tới, Liên đoàn tiếp tục chủ động tham gia xây dựng các chính sách phát triển đội ngũ luật sư, sớm ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư… (Pháp luật TPHCM 13/5/2010)

VAFI kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng hàng hoá niêm yết

Ngày 11/5/2010, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có ý kiến nhận xét về tiềm năng tăng cung hàng hoá chất lượng cho TTCK. Theo VAFI, xét theo cơ cấu sở hữu vốn, hiện tại khu vực tư nhân trong nước (ngoài ngân hàng) không còn nhiều DN lớn kinh doanh hiệu quả mà chưa niêm yết. Đối với DN đầu tư nước ngoài, khối thành lập tại Việt Nam trên cơ sở góp vốn của các thể nhân hay các DN nhỏ của nước ngoài thì thường không phải là những Cty kinh doanh hiệu quả như DN trong nước, trong khi Cty trực thuộc các tập đoàn đa quốc gia không có thông lệ niêm yết tại thị trường kém phát triển. Khu vực DNNN được CPH, nhưng chưa niêm yết cũng khó tìm DN hiệu quả. VAFI cho rằng việc chậm trễ CPH các “đại gia” như MobiFone, VinaPhone... có thể sẽ không gây sự chú ý cho giới đầu tư khi các DN này lên sàn vì sức hấp dẫn khi thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông đã gần tới điểm bão hoà, tốc độ tăng trưởng của ngành chậm cộng với vốn điều lệ lớn khi thực hiện CPH. Việc CPH các tập đoàn lớn như TKV hay PVN khó có thể làm ngay. Do đó, VAFI kiến nghị nâng cao chất lượng hàng hoá đang niêm yết bằng nhiều giải pháp. Thứ nhất, nâng cao tiêu chuẩn niêm yết tại sàn Hose, HNX. Sẽ có một bộ phận DN niêm yết từ sàn Hose không đủ tiêu chuẩn phải được chuyển sang sàn HNX, một bộ phận DN đang niêm yết tại sàn HNX chuyển sang sàn Upcom. Thứ hai, đẩy nhanh việc bán bớt cổ phần nhà nước tại nhiều DN niêm yết bằng nhiều hình thức: Bán dần theo lộ trình, bán toàn bộ cho NĐT chiến lược hoặc thực hiện phương án hợp nhất sáp nhập với những DN mạnh... Thứ ba, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, Nhà nước cần có chính sách không cho phép thành lập mới, đồng thời nâng tiêu chuẩn vốn điều lệ tại các tổ chức tài chính trên để giảm đáng kể số tổ chức tài chính, tập trung nguồn lực, giảm thiểu tình trạng cạnh tranh gay gắt và không lành mạnh... Đề án tăng dần vốn điều lệ (vốn pháp định) tại các NHTM đang đi đúng hướng và phù hợp với thông lệ thế giới. (Lao Động 12/5/2010)

Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam 2010

Được sự tài trợ của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Thế giới (FAO) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Nông nghiệp Tây Ban Nha, ngày 12/5/2010 tại TPHCM, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (ISARP) đã tổ chức hội thảo về triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam 2010. Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu và các hiệp hội ngành hàng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phan Lê Phương đã giới thiệu về sự tăng trưởng bền vững các nhóm ngành nông lâm thuỷ sản Việt Nam và đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ để các doanh nghiệp có chứng nhận về chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế, mở rộng xuất khẩu... (TBKTVN 13/5/2010)

Hà Nội: Bắt kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dự án của Báo Thanh Niên 

Chiều 10/5/2010, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội (PC16) thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can Ngô Văn Quảng, nguyên thiếu tá công an thuộc Công an quận Ba Đình (Hà Nội), về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn đã ký quyết định tước danh hiệu công an nhân dân đối với Quảng.Năm 1999, UBND TP Hà Nội có quyết định cấp cho Báo Thanh Niên (cơ quan của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) 3.745,5m2 đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ - phóng viên, đồng thời cho thuê 171,5m2 khác để xây dựng nhà khách và trung tâm truyền số liệu (thuộc địa bàn P.Ô Chợ Dừa và P.Quang Trung, Q.Đống Đa). Thực hiện quyết định, UBND Q.Đống Đa thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng. Sau đó, bằng tiền huy động đóng góp vào dự án của CB, PV tại tòa soạn Hà Nội, Báo Thanh Niên đã trả tiền đền bù hoa màu cho HTX Minh Khai (đơn vị có quyền sử dụng khu đất trước đó) cũng như nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều hộ dân khu vực lân cận đã lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ lấn chiếm đất và xây dựng nhà tạm trái phép. Chính quyền địa phương phải nhiều lần cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng trái phép, nhưng khi lực lượng chức năng rút đi thì tình hình lại tiếp tục diễn biến phức tạp, mà người cầm đầu là Ngô Văn Quảng. Diễn biến này lặp đi lặp lại, khiến cho việc giải phóng mặt bằng kéo dài suốt 10 năm không thực hiện được. Cơ quan điều tra xác định, trong vụ việc này Ngô Văn Quảng cùng đồng bọn đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của cán bộ phóng viên Báo Thanh Niên. Cụ thể, Quảng đã lập danh sách nhiều hộ không có thật, không có đất, vào diện nhận tiền đền bù. Quảng còn cùng người thân chiếm đoạt từ dự án 180m2 đất và ngang nhiên xây dựng chung cư 6 tầng trái phép. Chưa hết, lợi dụng chủ trương tái định cư tại chỗ của UBND TP Hà Nội cho những hộ dân có đất hợp pháp trong diện giải phóng mặt bằng, Quảng đã tổ chức cho 8 người, trong đó có mẹ vợ, em vợ cùng 6 đàn em chiếm 497m2 và xây dựng 8 ngôi nhà từ 3-4 tầng trái phép... (Thanh Niên 13/5/2010)

VCCI nên khẳng định hơn nữa vai trò của mình đối với doanh nghiệp

Tuần qua, Ban chấp Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã họp hội nghị thường kỳ lần thứ 5. Tại hội nghị, rất nhiều vấn đề nóng như quan hệ lao động, lãi suất ngân hàng, quy hoạch đô thị... đã được thảo luận và lãnh đạo VCCI mong muốn sẽ cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, kiến nghị với Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Linh Dương (Lào Cai) mong muốn VCCI khẳng định hơn nữa vai trò, tiếng nói của mình đối với các tỉnh biên giới trong đó có Lào Cai. VCCI nên kết hợp với Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ để kết nối cộng đồng doanh nghiệp ở các tỉnh biên giới. Ông Trần Quốc Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết qua khảo sát các doanh nghiệp tại tỉnh Thái Bình, đa số các doanh nghiệp đều có chung ý kiến là hiện nay công việc kinh doanh rất thuận lợi vì được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên ông có một số đề nghị trước thực trạng hiện doanh nghiệp đang bị trượt giá về vật tư, không có chính sách bù giá nên rất khó khăn. “Đây là vấn đề vượt ra khỏi tầm địa phương nên đề nghị VCCI có tiếng nói…” – ông Khoa đề nghị. (Diễn đàn Doanh nghiệp Online 13/5/2010)

Sẽ có nghị định về sản xuất và tiêu thụ cá tra

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản VN (VASEP), Bộ NN&PTNT vừa ra quyết định thành lập Ban soạn thảo dự thảo nghị định của Chính phủ về sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL.

Ban soạn thảo gồm 17 thành viên, do ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản làm Trưởng ban. Tham gia ban soạn thảo có đại diện của các bộ: NN&PTNT, Tài Chính, Công Thương, KHĐT, Ngân hàng Nhà nước, Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, VASEP... (Lao Động 13/5/2010) 

Trách nhiệm với an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà sản xuất?

Ngày 12/5/2010 tại Hà Nội, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, Hội KHKT An toàn Vệ sinh Thực phẩm Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam và Hội KHKT Lương thực Thực phẩm Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Giữ vững cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp với an toàn vệ sinh thực phẩm”. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã có nhiều tham luận về hàng loạt vấn đề như sử dụng phụ gia thực phẩm, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân sản xuất thực phẩm... (Khoa học & Đời sống 13/5/2010)

Vĩnh Long: Hội Nhà báo tỉnh vận động xã hội 20 tỷ đồng

Trong 2 ngày 10 và 11/5/2010, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long đã họp đại hội nhiệm kỳ mới. Trong nhiệm kỳ 2004 – 2009, Hội đã kết nạp thêm 54 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 164, đạt hơn 30 giải báo chí của trung ương và hơn 100 giải địa phương, vận động xã hội được hơn 20 tỷ đồng. Đại hội đã bầu BCH nhiệm kỳ 2010 – 2015 gồm 13 thành viên do nhà báo Nguyễn Kiệt làm Chủ tịch. (Lao Động 13/5/2010)

TPHCM: Tuyên dương 54 gương điển hình cựu chiến binh

Ngày 12/5/2010, Hội Cựu chiến binh TPHCM đã tổng kết phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ và tuyên dương các điển hình tiên tiến. Từ 2005 đến nay, 100% các cơ sở hội viên CCB đều đạt danh hiệu trong sạch và vững mạnh, kết nạp thêm 10.000 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn thành phố lên trên 60.000. 89% hội viên đã vượt qua chuẩn nghèo, 5 quận huyện đã nhận Huân chương Lao động và 3 cá nhân đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhân dịp này, 54 CCB đã được nhận bằng khen vì thành tích xuất sắc trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. (SGGP 13/5/2010)

Samsung tặng 100 xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi

Sáng 12/5/2010 tại Phòng GD-ĐT huyện Triệu Phong, Quỹ Khuyến học Việt Nam và Công ty Điện tử Samsung Vina và Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị đã tổ chức trao tặng 15 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi của huyện. Nhân dịp này, đoàn đã trao tặng tổng số 100 chiếc xe đạp cho học sinh của 5 tỉnh Hà Nam, Tuyên Quang, Hoà Bình, Quảng Bình và Quảng Trị. (Thanh Niên 13/5/2010)