Bản tin nổi bật ngày 1/3/2010

Ngày thơ Việt Nam 2010 tại Hà Nội: Ngàn năm mãi vọng nguồn thi hứng 

Ngày28/2/2010, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có một ngày xuân tưng bừng, hàng nghìn lượt người đã tới dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 - một lễ hội thơ đặc biệt với tiêu đề "Đại lễ hội thơ ca chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.  Từ sáng ngày Rằm tháng Giêng, tại sân Thái Miếu, ngọn lửa thiêng do Hội Nhà văn Việt Nam rước về từ đất Tổ đền Hùng đã được đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội châm lên Đài lửa lớn, chính thức mở đầu một lễ hội thơ ca đón Thăng Long - Hà Nội nghìn tuổi. Chủ đề 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nổi bật ở tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8. Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội gợi lại nghìn năm văn học chữ viết của nước Việt ta, những áng thơ đã trở thành bất hủ. Ngày thơ Việt Nam lần này đã cố gắng gợi lại nguồn thi hứng lớn lao đó, như nguồn cổ vũ, như chất xúc tác cho những vần điệu tài hoa cất cánh. Theo nhà thơ Đặng Khánh Cường, Hà Nội hiện có khoảng 109 CLB thơ. Mặt bằng chung tuy không cao, song nếu ta quan tâm thì có thể tìm thấy những tài năng thi ca thực sự cho đất nước. Người Việt Nam rất yêu thơ, nhưng mọi nỗ lực đến với công chúng đều là vô nghĩa khi nàng thơ thiếu một chữ “hay”. Ttrong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8, cũng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ hội thơ thiếu nhi do Ban Thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) và NXB Kim Đồng tổ chức. Đây là lần đầu tiên có lễ hội thơ thiếu nhi trong Ngày thơ Việt Nam. Lễ hội thơ thiếu nhi có nhiều hoạt động phong phú như thả diều thơ, biểu diễn ca khúc phổ thơ thiếu nhi; trình diễn thơ thiếu nhi, trong đó có tác phẩm mới của 7 tác giả trẻ… Tại sân thơ thiếu nhi, BTC trưng bày panô giới thiệu chân dung, tiểu sử, thơ của một số tác giả tiêu biểu như Võ Quảng, Phạm Hổ, Phan Thị Thanh Nhàn… (Hà Nội mới 1/3/2010)

Ngày thơ TPHCM: Khủng hoảng địa điểm

Người yêu thơ tại TP.HCM của Hội Nhà văn TPHCM năm nay tần ngần đứng trước Nhà hát TP, một số ngại ngần vì không nhìn được không khí thơ đang diễn ra thế nào bên trong, một số bỏ về vì không tìm được chỗ gửi xe nơi trung tâm chen chúc này. Ngày thơ VN diễn ra hôm 24-2 tại TP.HCM vì thế đã mất đi một phần không khí hội. Còn phần lễ, ngày thơ được ưu ái trình diễn tại Nhà hát TP - không gian đủ cho chương trình sân khấu hóa tái hiện khung cảnh tuyên chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ với đoàn nghệ sĩ hơn 30 người. Nhưng cũng chính không gian nhà hát đã làm các chương trình thơ diễn ra trong sự phân cách giữa người yêu thơ, nghe thơ và người làm thơ, trình diễn thơ. Nhà thơ Ngô Thị Hạnh cho rằng chương trình thơ năm nay có lễ mà không có hội, người đến dự chỉ ngồi phía dưới nhìn lên sân khấu xem trình diễn mà không có giao lưu. Cũng theo nhà thơ Ngô Thị Hạnh, một không gian dành cho thơ trong ngày thơ là rất quan trọng. Đó phải là không gian đủ mở để mọi người cùng đến với thơ, nhưng cũng đủ “đóng” để không khí ngày thơ không bị loãng. Với kinh nghiệm dự qua năm lần Ngày thơ VN, Ngô Thị Hạnh dẫn lời một số người yêu thơ cho rằng ngày thơ tại TP.HCM “đang bị khủng hoảng địa điểm”. Còn nhà thơ Trương Nam Hương có cái nhìn thực tế hơn: trong năm tới, có lẽ phải tính việc thương lượng thuyết phục chọn không gian bên hông dinh Thống Nhất để tổ chức ngày thơ. (Tuổi Trẻ 1/3/2010)

Bắt đầu Tuần lễ Quốc gia Phụ nữ Việt Nam

“Tuần lễ quốc gia phụ nữ Việt Nam” lần đầu tiên sẽ bắt đầu từ hôm nay (1/3/2010) và kéo dài đến hết ngày 8-3 để kỷ niệm 100 năm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Sự kiện này do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), Hội Liên hiệp phụ nữ VN phối hợp tổ chức. Theo bà Trần Thị Thủy - phó chủ tịch VCCI, sẽ có hàng loạt hoạt động được tổ chức trong tuần lễ này. Trong đó sẽ có sáu huy hiệu “Bông hồng vàng” tặng sáu phụ nữ đã và đang giữ các cương vị trọng trách gồm các bà Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa - nguyên phó chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, bà Nguyễn Thị Doan - phó chủ tịch nước, bà Tòng Thị Phóng - phó chủ tịch Quốc hội và bà Hà Thị Khiết - trưởng Ban Dân vận trung ương. Tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có hai diễn đàn dành riêng cho các doanh nhân nữ. Ngày 6-3 tổ chức lễ trao giải Bông hồng vàng cho 100 nữ doanh nhân tiêu biểu. (Tuổi Trẻ 1/3/2010)

Sẽ xây dựng nghị định mới về quản lý vàng và sàn vàng

Theo một chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, quy trình cấp quota nhập khẩu vàng hiện tại là doanh nghiệp phải làm tờ trình xin phép Ngân hàng Nhà nước. Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước phải trả lời bằng văn bản là cho hay không, giải thích rõ lý do trong một thời gian chứ không thể “im lặng suy nghĩ” như hiện nay. Thực tế là Ngân hàng Nhà nước vẫn coi vàng là hàng hoá đặc biệt và cần có sự quản lý về giá của Bộ Tài chính. Điều này dẫn đến sự bị động của doanh nghiệp và khó đưa thị trường vào ổn định. Được biết, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam và Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xây dựng nghị định mới về quản lý vàng và sàn vàng cho phù hợp. (Pháp luật TPHCM 1/3/2010)

Hạn chế xuất khẩu cà phê theo phương thức giao xa

Theo ông Đoàn Triệu Nhạn - Chủ tịch Hiệp hội Cafe Cacao Việt Nam (VICOFA), giá cà phê trên thị trường thế giới đang diễn biến phức tạp và đang bị thấp hơn cùng kỳ năm trước tới 30%. Có nhiều nguyên nhân và một số nhà nhập khẩu, chế biến đã tung ra các thủ thuật để ép giá thị trường. Ông cũng cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện có 2 phương thức bán hàng là bán hàng giao ngay và giao hàng từ xa nhưng không chốt giá. Với những hợp đồng giao xa, nhà nhập khẩu phải ứng trước 70% và bên bán hàng dễ bị thua lỗ, thậm chí bị đối tác kiện vì giao hàng không đúng với hợp đồng. Liên tục trong 3 năm qua, VICOFA đã cảnh báo các hội viên của mình về sự rủi ro đó. Tuy nhiên, khuyến cáo đó đã không được tuân thủ. VICOFA cũng đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có biện pháp hỗ trợ vốn để mua trữ và cần phải có quỹ cho việc này để tránh tổn thất do biến động thị trường. VICOFA cũng đã kiến nghị cần ổn định diện tích trồng cà phê khoảng 500.000 ha, tập trung nâng cao chất lượng và không khuyến khích quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. (Đầu Tư 1/3/2010)

Triển vọng hợp tác giữa CNTT và Ngôn ngữ học phải được mở ra

Hội Trí thức KH&CN Trẻ Việt Nam (VAYSE) vừa có buổi tiếp xúc với một số nhà khoa học để mạn đàm về hợp tác giữa CNTT và Ngôn ngữ học. Theo ông Nguyễn Đức Hoàng - Chánh văn phòng VAYSE, những ý kiến đóng góp của VAYSE cho Đề án Tăng tốc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT bước đầu đã có những tác động tốt. Cụ thể là nhân chuyến thăm và làm việc với công ty Naiscorp - chủ sở hữu trang web tìm kiếm Socbay.com, Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp đã khẳng định việc doanh nghiệp này phát triển công nghệ lõi về tìm kiếm và xử lý dữ liệu tiếng Việt là phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp CNTT của Chính phủ hiện nay. TS Nguyễn Ái Việt - Phó Viện trưởng Viện CNTT -  ĐHQG Hà Nội cũng cho biết, ông đã đề xuất với Ban chủ nhiệm Chương trình KHCN về CNTT-TT do Bộ KH-CN chủ trì là từ nay các đề tài về xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ có cả sự tham gia của ngành ngôn ngữ học. TS Dương Kỳ Đức - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thì cho biết trong năm 2010 Hội sẽ tổ chức một hội thảo quốc gia về ngôn ngữ học tại Hà Nội và mời các chuyên gia tin học cùng tham gia. VAYSE cũng đề nghị phải xúc tiến một hội thảo quốc gia về CNTT với Ngôn ngữ học và Dịch thuật. Hội thảo cần được đăng ký vào chương trình chính thức của Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA), và do VAYSE, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam đồng tổ chức. (Đất Việt 1/3/2010, website VAYSE)

Hội Tin học TPHCM khẳng định vai trò hỗ trợ doanh nghiệp

Hội Tin học TPHCM (HCA) vừa tổ chức gặp mặt đầu xuân và công bố chương trình hành động 2010. Đầu năm 2010, HCA đã tổ chức đoàn doanh nghiệp đi tham dự Hội chợ Triển lãm Hàng tiêu dùng CES 2010 tại Mỹ và sẽ tiếp tục tổ chức đoàn doanh nghiệp đi dự hội chợ CNTT CeBIT 2010 tại Hanover (Đức) vào đầu tháng 3/2010; tổ chức đoàn doanh nghiệp đi Myanmar để xúc tiến xuất khẩu sản phẩm CNTT và điện tử theo mời của Bộ Thương mại Myanmar vào tháng 5/2010. HCA cũng sẽ phối hợp với thành phố Cần Thơ để tổ chức Hội thảo CNTT-TT khu vực phía Nam vào tháng 5/2010. Hai sự kiện thường niên là Vietnam Computer & Electronics World 2010 và Facit 2010 vẫn được tổ chức vào tháng 7 và tháng 10/2010. Nhân dịp này, HCA đã ký kết hợp tác với Sở TTTT TPHCM, Tổng lãnh sự quán Myanmar và LG Việt Nam. (TBKTVN 1/3/2010)

Hội Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam hạnh phúc về những nỗ lực đã đạt được

Cuối tuần qua, Hội Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam (VINAFPA) đã tổ chức gặp mặt đầu xuân Canh Dần với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thuỷ trên cương vị Chủ tịch VINAFPA. Tổng kết lại về những việc mà VINAFPA đã thực hiện được năm 2009, TS Nguyễn Bá Thuỷ đã nói: “Chúng ta thật hạnh phúc bởi thời gian qua đã nỗ lực đóng góp phần nhỏ bé của mình vào thành tích chung về Dân số - Kế hoạch hoá gia đình. Niềm hạnh phúc này còn nhân lên gấp bội khi được thế giới, Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận”. (Gia đình & Xã hội 1/3/2010)

TPHCM: Trung tâm Nhân đạo Quê Hương hoạt động chưa hợp lệ

Văn phòng đại diện Trung tâm nhân đạo (TTNĐ) Quê Hương là một trong 28 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập chưa có quyết định thành lập trên địa bàn TP.HCM vừa bị Sở LĐ-TB&XH TP.HCM kiến nghị UBND TP xử lý. Theo Sở, quyết định thành lập TTNĐ Quê Hương của Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật VN không phù hợp với quy định mới. Nguyên do thời điểm hội này quyết định thành lập TTNĐ Quê Hương (tháng 12/2001), nghị định 25 về việc thành lập và hoạt động cơ sở bảo trợ xã hội đã ra đời. Theo đó, việc thành lập cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên đến nay văn phòng đại diện TTNĐ Quê Hương tại TP.HCM chưa làm thủ tục bổ sung để hoạt động nhưng vẫn nuôi dưỡng 11 trẻ, tổ chức quyên góp từ thiện, không có sổ sách chứng từ thu chi tài chính, không có sổ ghi chép theo dõi xuất nhập trẻ. Ngoài TTNĐ Quê Hương còn có nhiều cơ sở chưa đăng ký hoạt động, chưa thực hiện báo cáo tài chính. Từ những vi phạm trên, sở này kiến nghị UBND TP tăng cường quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội, đặc biệt đối với các cơ sở chưa có giấy phép hoạt động đã tập trung nuôi dưỡng đối tượng. (Tuổi Trẻ 1/3/2010)

Đà Nẵng: Sẽ thưởng 300.000 cho việc tố giác hành vi bạo lực gia đình

Tại cuộc họp liên tịch giữa Hội LHPN và UBND thành phố Đà Nẵng mới đây, Hội LHPN đã kiến nghị xúc tiến thành lập bộ phận chuyên trách về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và có chính sách khen thưởng, động viên những người tham gia tố giác. Ông Trần Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Uỷ ban sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn và sẽ có chỉ đạo với công an, toà án. UBND thành phố sẽ khen thưởng tối thiểu 300.000 đồng với những người đã phát hiện, tố giác. (Gia đình & Xã hội 1/3/2010)

Hiệp hội Lương thực sẽ hỗ trợ máy tính nối mạng cho nông dân

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đang có kế hoạch trang bị máy tính kết nối internet đến tận các xã để giúp nông dân truy cập thông tin, tránh bị thương lái ép giá. Những biện pháp như vậy cần được triển khai ngay để người trồng lúa không phải chịu thiệt thòi lâu thêm nữa. (Thanh Niên 1/3/2010)

Khai trương Dự án hỗ trợ sinh kế cho người nhiễm HIV

Hội LHPN Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) vừa tổ chức khai trương Dự án hỗ trợ sinh kế cho người nhiễm HIV và người nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Dự án có tổng giá trị 300.000 USD. (Hà Nội mới 1/3/2010)

Bình Định: 350 đoàn viên tham gia hiến máu nhân đạo

Ngày 28/2/2010, Hội LHTN tỉnh Bình Định đã tổ chức hiến máu nhân đạo với sự tham gia của 350 đoàn viên thanh niên. Chương trình đã thu được 192 đơn vị máu, tương đương với 48 lít. (Thanh Niên 1/3/2010)

TPHCM: Kêu gọi Việt kiều đầu tư vào bất động sản

Ngày 3/3/2010, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM sẽ phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) và công ty Novaland tổ chức gặp mặt với Việt kiều. Một trong các nội dung chính được dự kiến là kêu gọi Việt kiều đầu tư vào bất động sản tại TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tại buổi gặp mặt, TS Đỗ Thị Loan - Tổng thư ký HoREA sẽ giới thiệu và phân tích về các cơ hội đầu tư. (Đầu Tư 1/3/2010)

Sắp diễn ra Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ tại TPHCM

Hội Mỹ nghệ & chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) vừa công bố sẽ khai mạc Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu (VIFFA 2010) diễn ra từ 11 đến 14/3/2010, tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM). Theo ban tổ chức, hiện đã có gần 1.000 nhà nhập khẩu đồ gỗ của 67 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia và tìm nguồn cung ứng hàng. Theo HAWA, VIFFA 2010 đã được chi tới 180.000 USD để quảng bá qua các kênh truyền thông trong nước và quốc tế. (Tuổi Trẻ 1/3/2010)

Giá điện tăng tác động mạnh tới ngành thép

Cùng với giá xăng dầu, giá điện đã tăng từ 1/3/2010. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá điện tăng đã tác động mạnh tới ngành thép, nhất là với sản xuất phôi thép vì điện chiếm tới 10% giá thành. (Gia đình & Xã hội 1/3/2010)

Tình hình gian lận nhập khẩu ô tô là nghiêm trọng

Hơn 1.000 ô tô nhập khẩu cả cũ và mới 100% vừa được Tổng cục Hải quan cập nhật bổ sung thuế theo hướng điều chỉnh tăng. Tình trạng này theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) là đã trở nên nghiêm trọng. Khảo sát của VAMA tháng 6/2009 cho thấy nhiều dòng xe loại hot trên thị trường đều có giá với mức khai báo khi làm thủ tục nhập cảnh chỉ bằng một nửa so với giá thị trường ở quốc gia sản xuất và nhập khẩu. (Đầu Tư 1/3/2010)

Thị trường bất động sản 2010: Giá sẽ thấp nhất trong 3 năm?

Theo Chi hội Bất động sản Du lịch Việt Nam, năm 2010 sẽ có khoảng 20 tỷ USD được đổ vào thị trường bất động sản. Năm 2010 cũng được dự báo về sự lên ngôi của nhà giá thấp. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định sẽ không xuất hiện tình trạng bong bóng nhà đất như trước đây. Thị trường TPHCM và cả nước sẽ đi vào ổn định. Mức giá nhà hợp lý sẽ dao động 12 – 15 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với 2 năm trước. (Gia đình & Xã hội 1/3/2010)

Bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng khá

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (VIA), doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới toàn quốc năm 2009 đạt 4.326 tỷ đồng, tăng 36,28% so với 2008. Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký VIA cho biết, thành công này có được nhờ những chính sách mới và quyết tâm của các cơ quan quản lý. Bộ Tài chính và Bộ Công an đã đẩy mạnh tuyên truyền và xử phạt các chủ xe vi phạm. (TBKTVN 1/3/2010)

Cần Thơ: Thiếu máu dự trữ cho cấp cứu, điều trị

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh - giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu khu vực Cần Thơ, trong những ngày Tết Canh Dần vừa qua đã không xảy ra tình trạng thiếu máu và chế phẩm máu phục vụ điều trị tại các bệnh viện ở Cần Thơ và các tỉnh được trung tâm cung cấp máu. Tuy nhiên, hiện nay trong tủ dự trữ của trung tâm chỉ còn khoảng 1.000 đơn vị máu, dự kiến chỉ đủ cung cấp cho các bệnh viện trên địa bàn trong mười ngày. Trung tâm đang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ vận động các đơn vị tiếp tục hiến máu để duy trì nguồn máu cho các bệnh viện phục vụ điều trị bệnh nhân. Dự kiến chỉ tiêu vận động hiến máu nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ trong năm 2010 là gần 14.000 đơn vị máu. Trong khi đó theo kế hoạch, nhu cầu sử dụng máu của Trung tâm Huyết học và truyền máu Cần Thơ trong năm nay sẽ tăng khoảng 40.000 đơn vị (bao gồm cả năm tỉnh trong khu vực bao phủ của trung tâm). (Tuổi Trẻ 1/3/2010)

Nên biết điểm dừng khi lễ chùa mưu cầu vật chất

Theo GS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học vn1, nguyên Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam, việc hành lễ, bày tỏ tín ngưỡng, mong ước, nguyện vọng cũng như sự ban tặng với hình thức nào, mức độ nào thì gọi là phù hợp, được xã hội chấp thuận, tán đồng? Theo tôi, quan trọng nhất là biết điểm dừng. Nếu không có điểm dừng, thật sự đó là một cuộc mua bán, dùng tiền để mua sự may mắn, mua tài mua lộc. Điểm dừng không thể là một rào cản có tính hành chính, nó chỉ có thể được xác định bởi tự thân mỗi con người đặt niềm tin vào tín ngưỡng và những người làm nghề truyền tải niềm tin. Hãy nhìn sang các ngôi chùa ở các nước láng giềng: Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Lào... người mộ đạo rất đông nhưng không có hiện tượng buôn thần bán thánh, nhét tiền vào tượng Phật và cũng không có những mâm lễ đầy tú ụ. Đó là do người dân thật sự giác ngộ tín ngưỡng và biết điểm dừng. Giúp người hành lễ, cả người cầu xin và người làm nghề trung gian nhận thức được điều đó là một quá trình giáo dục lâu dài và bền bỉ của xã hội. Nó cũng quan trọng và bức xúc không kém việc chống tham nhũng. (Tuổi Trẻ 1/3/2010)

Cải lương phải làm lại từ đầu

Về sự vắng khách của các sân khấu cải lương hiện nay, soạn giả Lê Duy Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho biết, nếu muốn thay đổi, sân khấu cải lương phải được làm lại từ đầu, ngay cả các khâu tổ chức. Hiện nay, có một nghịch lý là tại sao kịch nói thành phố xã hội hóa mạnh mà cải lương thì không thể? Theo tôi, nguyên nhân chính là con người. Việc quản lý một đơn vị nghệ thuật đòi hỏi người vừa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vừa biết quản lý. Về điều này, ở kịch nói, có được những người như thế như Hồng Vân, Thành Lộc, Ái Như, Thành Hội, Phước Sang… Nhìn lại cải lương, về tác giả có thể đáp ứng được từ 3 – 5 sân khấu, nhưng còn những người có thể làm quản lý giỏi như ở lĩnh vực kịch là gần như không có. Hiện nay, tất cả đang tập trung vào Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Trong khi đó, ở nhà hát này lại song song cùng tồn tại hai mô hình, một là nhà nước, hai là xã hội hóa. Cả hai cùng chung một mái nhà, nhưng lại không cùng chung tiếng nói. Cho nên, trong tương lai, phải tính toán thế nào để xây dựng cho được từ 3 – 5 đơn vị nghệ thuật cải lương. Từ đó, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng phải cạnh tranh với các đơn vị nghệ thuật khác. (SGGP 28/2/2010)