Bản tin nổi bật ngày 14 - 12 - 2009

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phản đối báo cáo xếp hạng ngân hàng của Công ty Thông tin Tín nhiệm và Xếp hạng Doanh nghiệp

Ngày 10/12/2009, Công ty TNHH Thông tin Tín nhiệm và Xếp hạng Doanh nghiệp Việt Nam  công bố “Báo cáo xếp hạng Ngân hàng Việt Nam năm 2009”. Ngay sau đó hàng loạt NH trong nước đã rất bức xúc trước báo cáo này do chỉ có duy nhất NHTMCP Á Châu ACB được xếp hạng A, 15 ngân hàng bị xếp hạng CCC (có mức độ rủi ro cao, nếu điều kiện kinh tế bất lợi thì ít có khả năng thực hiện các cam kết tài chính) và 1 ngân hàng xếp loại D (doanh nghiệp đã thực sự vỡ nợ). Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ( NHNN) phản ánh bức xúc về báo cáo này và yêu cầu NHNN có phương án xử lý. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các số liệu về hoạt động NH thương mại hiện chỉ có cơ quan thanh tra - giám sát thuộc NHNN được phép thực hiện, vì họ có đầy đủ chức năng và thông tin, số liệu chính xác về hoạt động của từng ngân hàng. Việc xếp hạng NH dựa trên số liệu năm 2008 là không chính xác. (Tiền Phong 13/12/2009) 

VAFI kiến nghị phát triển nhà đầu tư tổ chức

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đề xuất những giải pháp phát triển lực lượng nhà đầu tư tổ chức. Một trong những nội dung được VAFI nhấn mạnh là việc cải cách chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán. VAFI cho rằng, các loại chứng chỉ hành nghề hiện ít có tác động tích cực đến việc quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Thay vào đó là những rào cản về thủ tục cấp chứng chỉ rườm rà, nhiêu khê, phức tạp… Do đó, VAFI đề nghị nên bãi bỏ các loại chứng chỉ này vì chúng không phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Chỉ cần giữ lại một loại  chứng chỉ sau khi kiểm tra kiến thức về cập nhật các văn bản, quy phạm pháp luật về chứng khoán. Bên cạnh việc loại bỏ nhiều thủ tục, VAFI đề nghị cần có thêm nhiều biện pháp để bảo vệ nhà đầu tư từ việc chỉ cho phép các công ty quản lý quỹ có uy tín được thành lập quỹ công chúng. (Đầu Tư 14/12/2009)

 

Trao tặng Cúp vàng “Doanh nhân tâm tài” lần III
Sáng 13/12/2009, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra lễ trao tặng Cúp vàng "Doanh nhân tâm tài" lần III cho 59 doanh nhân và Cúp vàng "Thương hiệu và Nhãn hiệu" lần IV cho 57 doanh nghiệp (DN). Năm nay, hoạt động trao tặng cúp vàng do Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam), báo Nhà báo và Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam cùng một số cơ quan, đơn vị bảo trợ. Đến dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng. Các DN được vinh danh là những đơn vị kinh doanh có hiệu quả, phát triển bền vững, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, từng đoạt giải thưởng, bằng khen cấp tỉnh trở lên cho sản phẩm, tích cực làm công tác xã hội... Các doanh nhân được vinh danh là những cá nhân có thành tích xuất sắc trong kinh doanh, tham gia tích cực công tác xã hội, từ thiện. Tham gia đề cử cúp vàng năm 2009 có 1.029 đơn vị, cá nhân được UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội giới thiệu; trong đó có 529 đơn vị tham gia Cúp vàng "Thương hiệu và Nhãn hiệu", 500 cá nhân tham dự Cúp vàng "Doanh nhân tâm tài". Trong số DN, doanh nhân đoạt cúp vàng có 2 đơn vị được trao tặng Cúp vàng "Thương hiệu và Nhãn hiệu" 4 lần là Tổng Công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai. 4 đơn vị được trao tặng Cúp vàng 3 lần là Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC), Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Thuận Thảo; Công ty TNHH Việt Thắng, Công ty Cao su Việt Trung. 4 cá nhân được trao tặng Cúp vàng "Doanh nhân tâm tài" 3 lần là bà Võ Thị Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Thuận Thảo; ông Lê Văn Thùa, Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng; ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết và Dịch vụ tổng hợp Đồng Nai; ông Phạm Tiến Cảm, Giám đốc Công ty Cao su Việt Trung. Các DN đoạt cúp lần này có tổng doanh thu hàng trăm ngàn tỷ đồng và có nhiều đóng góp cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện. (Hà Nội mới 14/12/2009)

Giới thiệu Chương trình Vinh danh doanh nghiệp hội nhập WTO

Sáng 12/12/2009 tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã họp báo giới thiệu Chương trình vinh danh doanh nghiệp hội nhập WTO vào cuối tháng 1/2010. Ðây là sự kiện nhằm kỷ niệm ba năm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hưởng ứng các hoạt động hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chương trình sẽ diễn ra chính thức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với lễ trao Giải Quả cầu vàng, Ngôi sao Việt Nam, Tinh hoa Việt Nam cho các doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân, sản phẩm và dịch vụ đặc sắc năm 2009. Hệ thống giải thưởng này đã được các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cấp bản quyền và được thực hiện hằng năm suốt nhiều năm qua. Trong dịp này, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên truyền giáo dục và quảng bá Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Văn phòng BCÐ Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Ban tổ chức chương trình sẽ triển khai bình chọn mười doanh nghiệp hàng đầu có những đóng góp tiêu biểu vì sự phát triển của cộng đồng để trao tặng Cúp Long đầu linh vật. Lễ trao giải Long đầu linh vật, Quả cầu vàng, Ngôi sao Việt Nam, Tinh hoa Việt Nam năm 2009 sẽ được tổ chức tại Nhà hát TP Hà Nội vào 20 giờ ngày 25/1/2010 với một chương trình nghệ thuật được tổ chức khá hoành tráng. (Nhân Dân 13/12/2009)

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ được bầu làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam

Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa kết thúc và NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL giữ cương vị Chủ tịch hội. Liệu rằng Hội sẽ xoay xở ra sao với số tiền một tỷ đồng được cấp từ ngân sách hàng năm cho hoạt động của hội? NSND Lê Tiến Thọ cho biết, số tiền đầu tư này đòi hỏi phải “liệu cơm gắp mắm”. Cần đầu tư có chiều sâu và kiến nghị với Nhà nước để thực hiện những nội dung trong Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Mong rằng trong năm 2010, nghị quyết ra được đời sống. Còn về việc trong BCH khóa mới còn thiếu những gương mặt trẻ và đại diện của khu vực sân khấu xã hội hóa, đặc biệt là ở phía Nam, NSND Lê Tiến Thọ đề cập là Hội mong muốn có thêm người trẻ, nhưng (người trẻ) để được anh em bầu vào BCH thì phải có thời gian. Theo tôi, Hồng Vân cũng trẻ chứ có thiếu người trẻ đâu. BCH do các đại biểu bầu ra, dù chúng tôi đã cơ cấu vùng, miền và có đại diện diễn viên, quản lý, phê bình… Vấn đề quan trọng là uy tín cá nhân nữa. Cả Hồng Vân và Thành Lộc đều được bầu vào BCH nhưng Thành Lộc chắc thấy bận nhiều công việc nên xin rút. Sân khấu là sự nghiệp chung chứ không phải của riêng xã hội hóa hay công lập. Vấn đề là BCH đó hoạt động ra sao. (Hà Nội mới 13/12/2009)

142 tác phẩm tiêu biểu chào mừng Đại hội VII Hội Mỹ thuật Việt Nam

Chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần VII (nhiệm kỳ 2009-2014) sẽ diễn ra từ hôm nay, 14 đến 16/12/2009 tại Hà Nội, chiều 11/12/2009, triển lãm mỹ thuật các tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã khai mạc tại Nhà triển lãm mỹ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội). Triển lãm trưng bày 142 tác phẩm ở các thể loại hội họa (sơn mài, sơn dầu, bột màu), đồ họa, điêu khắc, trang trí của 131 tác giả thuộc 30 tỉnh, thành phố trong nước và 11 tác phẩm của họa sĩ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Argentina, Lào đã tham dự trại sáng tác tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm được trưng bày là một phần của bộ sưu tập gồm hơn 500 tác phẩm trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn lọc 10 năm qua. Triển lãm kéo dài đến 24/12/2009. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương cho biết sẽ có 551 đại biểu tham dự Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần VII, lễ khai mạc đại hội sẽ diễn ra vào ngày 15-12 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Hà Nội. (Tuổi Trẻ 14/12/2009)

TPHCM: Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Hữu nghị Việt - Nga

Sáng 12/12/2009, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TPHCM đã tổ chức trọng thể kỷ niệm 30 năm thành lập Hội hữu nghị Việt-Nga TPHCM, tiền thân là Hội hữu nghị Việt-Xô TPHCM (1979-2009). Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Nga TPHCM Hoàng Hữu Nghĩa cho biết trong suốt 30 năm qua, các hoạt động của hội đã đóng góp đáng kể vào hoạt động của Hội hữu nghị Việt-Nga trên cả nước, góp phần củng cố, phát triển hơn nữa những truyền thống tốt đẹp, phong phú giữa hai nước. (SGGP 13/12/2009)

Bắc Ninh: Doanh nhân trẻ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, từ thiện

Ngày 11/12/2009, Hội Doanh nhân trẻ (DNT) tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình và Tập đoàn HANAKA ký thỏa thuận hợp tác kinh tế toàn diện với Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản tại Đài Loan và China Steel Aluminium Đài Loan. Tham dự lễ ký có lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, T.Ư Hội DNT, đại diện các công ty đối tác...Phát biểu tại lễ ký, ông Mẫn Ngọc Anh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn HANAKA, bày tỏ tin tưởng, sau sự kiện này, hai tập đoàn hàng đầu thế giới kể trên sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển cho các DNT khác trên cả nước qua việc cung cấp những mặt hàng có giá cả hợp lý. Nhân dịp này, với tư cách Chủ tịch Hội DNT tỉnh Bắc Ninh, ông Mẫn Ngọc Anh đã thay mặt Hội trích Quỹ Tấm lòng vàng của hội để trao tặng từ thiện một tỷ đồng cho quỹ xây nhà cho người nghèo tỉnh Bắc Ninh. (Tiền Phong 13/12/2009)

Ra quân chương trình “Tình nguyện mùa đông” và xây dựng 2.500 “Nhà nhân ái”

Ngày 12/12/2009, tại Cao Bằng đã diễn ra lễ ra quân chương trình “Tình nguyện mùa đông” và chương trình xây dựng 2.500 “Nhà nhân ái” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ban Từ thiện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn tổ chức. Trong chương trình lễ ra quân, hơn 300 tấm chăn ấm, 2.000 quyển vở và 4 tấn quần áo đã được trao tặng cho đồng bào nghèo Cao Bằng. Bên cạnh đó, 10 bộ máy vi tính cũng được trao tặng cho tỉnh Cao Bằng để xây dựng 2 điểm truy cập internet miễn phí cho thanh niên. Hàng trăm thầy thuốc trẻ của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng đã đến các huyện nghèo khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con dân tộc vùng sâu vùng xa của tỉnh. Chương trình xây dựng nhà nhân ái đã được khởi động với lễ khởi công xây dựng 2 trong số 50 ngôi nhà nhân ái tặng cho bà con nghèo tại Cao bằng. Đó là ngôi nhà của  bà Đoàn Thị Nhẹ, xã Đề Thám và ông Hoàng Văn Hỉnh, xã Duyệt Trung (thị xã Cao Bằng). (SGGP 13/12/2009)

Đức phản đổi áp thuế với giày da Việt Nam tại thị trường EU

Hiệp hội Công nghiệp Giày dép Đức (HDS) vừa lên tiếng cảnh báo về mặt hàng giày da tại thị trường Đức có thể đắt hơn đáng kể với nguyên nhân do Uỷ ban Châu Âu (EC) đã thông qua quyết định kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Nếu tình trạng này kéo dài thì người tiêu dùng tại Đức sẽ phải chi phí thêm 400 triệu euro/năm. Được biết, hiện 50% sản phẩm giày da trên thị trường Đức được sản xuất theo đơn đặt hàng của các công ty Đức với đối tác tại Trung Quốc và Việt Nam. (Đầu Tư 14/12/2009)

Sóc Trăng: Một gia đình có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục

Theo ông Trần Việt Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết gia đình cụ Dương Kỳ Hiệp, một lão thành cách mạng của quê hương Sóc Trăng, đã có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh. Tuy các con cụ Hiệp ở TP.HCM nhưng đã gửi tiền về quê hương tặng Hội Khuyến học xã Trường Khánh và Hội Khuyến học huyện Long Phú (Sóc Trăng) nửa tỉ đồng. Ngoài ra, các con cụ Dương Kỳ Hiệp còn vận động Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cùng các công ty cao su thành viên và Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Phú An trên 2,3 tỉ đồng tặng ngành giáo dục Sóc Trăng xây trường học. Từ sự đóng góp này, tỉnh Sóc Trăng đã trích thêm ngân sách khoảng 7,7 tỉ đồng để xây Trường THCS Dương Kỳ Hiệp ở xã Trường Khánh - quê hương cụ Dương Kỳ Hiệp. (Tuổi Trẻ 14/12/2009)

Hà Nội: Khôi phục múa cổ trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long

Theo ông Nguyễn Văn Bích - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, một trong những điểm nhấn của 10 ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ là cuộc trình diễn các màn múa cổ đã được phục dựng thành công với kịch bản đã được thống nhất “Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa. Ông Bích cho biết, có khoảng 80 điệu múa thuộc 3 nhóm: múa cung đình, múa tôn giáo và múa dân gian còn được lưu giữ trong khoảng 200 – 300 năm trở lại đây song không ít điệu đã bị “tam sao thất bản”. (Bưu điện Việt Nam 14/12/2009)

Giá thép tăng 300.000 đồng/tấn

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép tại các nhà máy đã tăng khoảng 300 nghìn đồng/tấn, thép cuộn lên 12,3 triệu đồng/tấn, thép cây 12,1 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế GTGT). Nguyên nhân do giá phôi thép thế giới đang tăng 5 - 10 USD/tấn, lên 470 - 480 USD/tấn, cộng với chi phí vận chuyển, tỷ giá USD tăng cho nên giá thép bán ra cũng tăng lên. Tuy nhiên, lượng thép tồn vẫn còn khá lớn (tính đến cuối tháng 11 còn khoảng 225 nghìn tấn). Lượng thép nhập khẩu từ Malaysia, Thái-lan, Indonesia mỗi tháng khoảng 55 nghìn tấn, giá thấp hơn thép sản xuất trong nước 500 - 700 nghìn đồng/tấn. (Nhân Dân 13/12/2009)

Bình Định: 1.000 người nghèo được khám bệnh, phát thuốc miễn phí

Ngày 13/12/2009, đoàn y bác sĩ từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TPHCM cùng các nhà tài trợ đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.000 người, tặng 600 suất quà (280.000 đồng/suất) cho các gia đình nghèo, khó khăn tại xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. (Thanh Niên 14/12/2009)

Vietnam ICT Index 2009 chưa hấp dẫn doanh nghiệp

Tại hội thảo “Mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT Việt Nam” diễn ra ngày 11/12/2009, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã báo cáo xếp hạng ICT Index trong khối các ngân hàng, tổng công ty và tập đoàn kinh tế lớn. Trong khi cả 63/63 tỉnh thành, 22/26 bộ, ngành gửi báo cáo tham gia xếp hạng ICT Index thì chỉ có 31 trong tổng số 60 ngân hàng quốc doanh, ngoài quốc doanh và liên doanh tham gia (chiếm hơn 50%). Ở khối các tập đoàn, tổng công ty cũng chỉ đạt được con số khiêm tốn với 28/90 đơn vị tham gia, đạt gần 30% (trong khi đó năm 2006 có 36 doanh nghiệp, năm 2007 có 32 doanh nghiệp tham gia - tức là theo chiều hướng ngày càng giảm). Nguyên nhân của sự “khiêm tốn” về số lượng doanh nghiệp tham gia năm nay được đánh giá là vì các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến ICT Index, không kịp làm thống kê báo cáo… Về vấn đề đảm bảo tính chính xác của báo cáo ICT Index, ông Nguyễn Trọng Đường, quyền Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết: ICT Index được xây dựng dựa trên báo cáo của các đơn vị nên việc lấy số liệu một cách đầy đủ rất khó để đảm bảo tính chính xác. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ cùng VAIP đánh giá, xem xét để báo cáo ICT Index ngày càng được hoàn thiện hơn. Ông Đường cũng nhận định, trong năm 2010 Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án về CNTT nên việc xác định hiện trạng CNTT dựa trên các báo cáo là rất quan trọng. (Bưu điện Việt Nam 14/12/2009)

Giá đường như hiện tại là hợp lý?

Trong khi các nhà máy cùng cơ quan quản lý đều khẳng định sẽ không thiếu đường thì giá đường lại ngất ngưởng ở mức 20.000 đồng/kg. Càng vô lý hơn khi mức giá này cao hơn thế giới gần 5.000 đồng/kg. Nếu như cách đây vài tháng, Hiệp hội Mía đường VN còn tìm cách bình ổn, giữ giá đường vào khoảng 10.000 đồng/kg thì hiện nay tình thế hầu như đã xoay ngược hoàn toàn, giá đường tăng gần gấp đôi mức giá dự kiến và không ai dự báo được xu hướng sắp tới sẽ như thế nào. Các DN sản xuất đường, Hiệp hội Mía đường... thì thấy chuyện giá đường tăng một cách vô lý hiện nay là... bình thường. Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, nói: “Tôi có thể khẳng định giá đường như thời điểm hiện tại là hợp lý với chi phí mà DN, người trồng mía bỏ ra. Giờ mình thấy cao do mấy năm trước giá đường quá thấp khiến cả người trồng mía và DN sản xuất đều chịu thiệt. Cho nên giá đường cao thì nông dân được lợi để yên tâm sản xuất”. (Thanh Niên 14/12/2009)

Thị trường Nga vẫn là tiềm năng cho thuỷ sản Việt Nam

Xuất khẩu cá tra, ba sa sang thị trường Nga trong 15 ngày đầu tháng 11.2009 đạt 3.085 tấn - trị giá 5,09 triệu USD, tăng 2.429% về lượng và 2.318% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008.

Nhưng tính từ đầu năm đến giữa tháng 11.2009, Nga nhập trên 39.000 tấn cá tra, ba sa VN, trị giá 63,65 triệu USD, giảm gần 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Nga vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với cá tra, ba sa Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản VN (VASEP), XK cá tra, ba sa từ đầu năm đến ngày 15/11/2009 đạt gần 1,171 tỉ USD - giảm 10% so với cùng kỳ. Với mức ước tính kim ngạch nửa cuối tháng 11 và tháng 12 trên 100 triệu USD, dự kiến XK cá tra năm 2009 có khả năng đạt mục tiêu 1,3 tỉ USD. (Lao Động 14/12/2009)

Cạnh tranh hạ phí trên thị trường bảo hiểm đã giảm

Theo ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (VIA), tình hình cạnh tranh của thị trường bảo hiểm đã được cải thiện nhiều do phí bảo hiểm không thể giảm được nữa. Sau một thời gian dài hạ phí, nhiều doanh nghiệp đã không trụ nổi. Phí bảo hiểm hiện nay đã thấp tới mức không thể thấp hơn được nữa. Giảm được sự cạnh tranh về hạ phí nhưng thị trường bảo hiểm năm 2009 lại phải đối mặt với thách thức về tỷ lệ bồi thường tăng đột biến. VIA cho biết, một trong những nguyên nhân là do tổn thất nặng nề của các cơn bão số 9 và 11. (TBKTVN 14/12/2009)

Việt Nam có rất ít doanh nghiệp đủ năng lực đảm nhiệm trọn gói về logistics

Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, cả nước hiện có tới 800 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nhưng phần lớn mới chỉ dừng ở việc cung cấp một số công đoạn nhất định. Ông Nguyễn Thâm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận và Kho vận Việt Nam (VIFFAS) nhận xét, chúng ta có rất ít doanh nghiệp logistics có đủ năng lực để để đảm nhiệm trọn gói về logistics mà chủ yếu là nhận lại một phần từ các doanh nghiệp nước ngoài. (TBKTVN 14/12/2009)

Số lượng gene được phân tích càng nhiều thì độ chính xác càng cao

Theo GS.TS Lê Đình Lương, phó chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, tổng thư ký Hội Di truyền học Việt Nam, Trong giám định ADN xác định quan hệ huyết thống, số lượng gen phân tích càng nhiều thì độ chính xác càng cao. Theo tôi được biết, hiện nay một số nơi chỉ làm bộ 9 gen hoặc bộ 12 gen mà thôi. Trong khi đó những trường hợp nghi vấn một trong hai anh em ruột là bố của một đứa trẻ nào đó hoặc như trường hợp ông Tho thì nên làm 16 gen như Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) mới cho kết quả chính xác nhất. Vì nếu chênh nhau 1 gen, độ chính xác sẽ khác nhau 10 lần, chênh 2 gen độ chính xác khác nhau đến 100 lần... (Tuổi Trẻ 14/12/2009)

 

Cần có tòa án riêng về sở hữu trí tuệ
Đây là một trong những kiến nghị của Hội Trí thức KH&CN trẻ Việt Nam (VAYSE) gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, góp ý cho đề án "Tăng tốc đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT”. VAYSE cho rằng, là một nước đang phát triển, chính sách về sở hữu trí tuệ (SHTT) cần có sự uyển chuyển trong việc bảo hộ, thực thi với nhiều lĩnh vực, trong đó có CNTT. Việc xử lý các vi phạm, tranh chấp cũng cần có tòa án riêng về SHTT theo đúng thông lệ quốc tế... Ngoài ra, đề án của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phải nghiên cứu và cụ thể hóa một lĩnh vực mới của CNTT là công nghệ tin - sinh học (Bio-infomatics). Công nghệ này có ý nghĩa lớn cho sự phát triển một nền nông nghiệp năng suất cao, y học hiện đại điều trị bệnh bằng giải pháp gen... và cả cho sự phát triển của CNTT trên cơ sở tiếp thu các thành tựu của công nghệ sinh học. (Hà Nội mới 14/12/2009)

 

“Sốt” giá phân bón do đầu cơ
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nay Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam tồn kho và sản xuất mới trong tháng 12-2009 với tổng số khoảng hơn 600.000 tấn phân bón các loại; Tổng Công ty Hóa chất dầu khí tồn hơn 200.000 tấn và sản xuất thêm 120.000 tấn; Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao còn tồn 400.000 tấn và 50.000 tấn sản xuất mới.   

Lượng phân bón này so với nhu cầu sản xuất vụ đông xuân vẫn còn dồi dào, nên từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp không phải nhập thêm mà chỉ tập trung điều tiết phục vụ thị trường, bảo đảm cho sản xuất trên toàn quốc. Vừa qua có việc tăng giá phân bón là do hiện tượng đầu cơ, tạo cơn "sốt ảo". Tại thời điểm này ở Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích gieo sạ dự kiến khoảng 1,5 triệu hécta, lượng phân bón cần dùng khoảng hơn 2 triệu tấn. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên cuối tháng 12/2009 mới bắt đầu vào vụ, hiện nay miền Bắc chủ yếu trồng rau màu nên lượng phân bón vẫn đủ phục vụ sản xuất trên phạm vi toàn quốc. (Hà Nội mới 14/12/2009)

Xuất khẩu dệt may sẽ thoát cảnh ăn đong

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), “Năm tới, ngành dệt may Việt Nam sẽ thoát cảnh ăn đong đơn hàng”. Từ quý 3/2009 trở lại đây, đơn hàng nhiều hơn so với nửa năm về trước. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam 2009 có phần nhỉnh hơn so với con số 9,1 tỷ USD của năm 2008.  Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đã nhận được đơn hàng sản xuất đến hết quý 1 và nhiều DN khác nhận được đơn hàng đến hết quý 2 năm 2010. Riêng Cty CP May Sài Gòn 3, DN do ông Hồng làm tổng giám đốc nhận được đơn hàng sản xuất đến hết quý 2 năm 2010 với tổng trị giá gần 40 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo các DN, đặc điểm chung nhất của những đơn hàng mới là lớn hơn về số lượng sản phẩm và giá đơn giá tăng lên đáng kể so với những đơn hàng trong năm 2008 và 2009. Về đơn giá, bà Phi cho biết ví dụ, một áo sơ mi đơn giá gia công trước đây là 1,3 USD, nay tăng lên 1,4 hoặc 1,5 USD/sản phẩm. Ông Hồng cũng xác nhận, đơn giá có khi tăng lên khoảng 10% so với giữa năm 2009. Ông Hồng cho biết có DN trước đây có 500 lao động nhưng đã cắt giảm còn một nửa. Nhiều DN đã nhận nhiều đơn hàng với mục đích chia lại cho các cơ sở gia công vệ tinh, nhưng do không nắm bắt được đầy đủ thông tin về tình hình nhân lực, năng lực sản xuất hiện tại của các cơ sở vệ tinh nên vô tình DN tự đưa mình vào thế kẹt. Cũng do không có sự chuẩn bị thấu đáo nên theo ông Hồng, nhiều lúc DN phải từ chối bớt đơn hàng. Thông thường đó là những đơn hàng mà năng lực của DN không đáp ứng được cả về yêu cầu kỹ thuật, số lượng lẫn thời gian giao hàng. Vẫn theo ông Phạm Xuân Hồng, Có hai yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự chuyển biến tích cực của ngành dệt may Việt Nam trong sáu tháng cuối năm 2009 và thời gian tới: Một là các thị trường xuất khẩu lớn, nhất là Hoa Kỳ, có phần phục hồi. Hai là, Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) được thực thi với nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu giữa hai nước có thuế suất bằng không (0%), trong đó có hàng dệt may. Ngoài ra, do có sự dịch chuyển đơn hàng dệt may từ các nước có giá cả tăng cao như Trung Quốc và Pakistan về Việt Nam. Chính vì vậy, có nhiều cơ sở để tin rằng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ đạt được con số 10,5 tỷ USD trong năm 2010. (Tiền Phong 13/12/2009)

Thi ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận: Cần lộ trình thực hiện

Cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận" do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức đã thu được nhiều sáng kiến của giới kiến trúc sư. Tuy nhiên, kết quả có nguy cơ bị xếp vào ngăn kéo. Tại sao lại có tình trạng này ở một cuộc thi lớn chi phí lên đến trên 3 tỷ đồng? Kiến trúc sư (KTS) Ngô Huy Giao cho biết cá nhân ông tham gia cuộc thi với tư cách là một tác giả có đồ án dự thi. Việc đặt ra yêu cầu quy hoạch, cải tạo lại Hồ Gươm và phụ cận là việc làm cần thiết. Ông và KTS Nguyễn Trực Luyện – nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam (KTSVN) đã nhiều lần đến làm việc với một số cơ quan xây dựng công trình ven Hồ Gươm để đề nghị họ dừng xây lại vì làm xấu Hồ Gươm nhưng cuối cùng vẫn không cản được. Theo ông, cuộc thi lần này có dấu hiệu rơi vào đầu voi đuôi chuột. Cũng theo ông Giao, đã xuất hiện những suy nghĩ sai lệch về mục tiêu cuộc thi lần này, có thể do ngại đụng chạm vào vấn đề này kia nên có chuyện chậm trễ trong trao giải (từ khi hoàn thành chấm giải đến lúc trao giải là gần một năm) và tổ chức tiếp thu. Sau khi chấm giải, các tác giả cứ chạy vòng quanh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam sang thúc UBND TP, thành phố trả lời là qua hỏi Sở Quy hoạch Kiến trúc, sở này lại bảo lên trình Ủy ban. KTS Ngô Huy Giao nhấn mạnh: “Nhiều điều có thể tiếp thu vào thực tế. Đây là cuộc thi ý tưởng, không phải cuộc thi công trình. Nếu thấy có điểm gì chưa phù hợp thì Hà Nội có thể điều chỉnh. Quan trọng là phải có lộ trình thực hiện”. (Tiền Phong 14/12/2009)

Đề xuất dòng xe chiến lược của Bộ Công Thương: Sự bất đồng được dự báo trước!

Im lặng không lâu, Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) đã chính thức có văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Tinh thần chung của VAMA là chưa đồng thuận với đề xuất của Bộ Công Thương trong việc chọn dòng xe đa dụng 6-9 chỗ (dung tích xilanh dưới 1,5 lít, tiêu chuẩn khí thải Euro 2) làm dòng xe chiến lược (DXCL). Đề xuất của Bộ Công Thương về DXCL, như báo Lao Động đã đề cập, là “hợp lý và... lấn cấn”. Tuy nhiên, sự lấn cấn không đến mức trở thành vấn đề lớn như trong cách nhìn của VAMA. Song sự bất đồng của VAMA đối với đề xuất của Bộ Công Thương lại không trùng với góp ý của dư luận người tiêu dùng (NTD) như đề cập ở trên. VAMA muốn Chính phủ lập ra một nhóm nghiên cứu cùng với các bộ ngành và VAMA tìm để tìm ra DXCL tối ưu nhất. Trên thực tế, vào ngày 8/10/2009, liên bộ Công Thương - Tài chính đã tổ chức một buổi gặp gỡ các liên doanh và DN sản xuất ôtô trong nước đóng góp ý kiến về việc chọn DXCL. Khi ấy, mỗi DN một phách theo hướng có lợi cho mình. Toyota đề xuất dòng xe từ 4-9 chỗ. Trường Hải đề xuất dòng xe dưới 5 chỗ ngồi và dung tích dưới 1,5 lít. Xuân Kiên lại chọn dòng xe dưới 5 chỗ và dung tích dưới 1 lít. Còn đại diện Mercedes-Benz đề xuất dòng xe 5 chỗ ngồi... Vậy thì sự bất đồng của VAMA đối với đề xuất của Bộ Công Thương, thực ra như là điều đã được dự báo trước. Từ buổi họp ngày hồi tháng 10/2009, nếu nghe theo những đề xuất của các thành viên VAMA, thì tất cả các dòng ôtô du lịch hiện có tại VN đều cần đưa vào danh sách DXCL để ưu đãi(!). Điều này cũng có nghĩa, cứ để trôi tuột như hiện nay, chẳng cần chọn lựa DXCL để làm gì nữa. Bởi mỗi lựa chọn đều phải có phần thiệt và phần lợi, không chỉ đối với DN sản xuất mà NTD cũng thế. Lúc đầu chịu thiệt, nhưng nếu đầu tư sâu bài bản theo DXCL đã được chọn, sẽ được hưởng lợi từ chính sách. Muốn thế, bản thân các thành viên trong VAMA phải cạnh tranh nhau khốc liệt để tồn tại và khẳng định vị thế; chứ không phải thấy cái gì mình mạnh thì đưa ra đề xuất thành DXCL, còn cái gì mình yếu, thì lờ. Và nếu cơ quan quản lý chọn vào chỗ yếu, thì giãy nảy, bất chấp quyền lợi của số đông NTD và cao hơn, là lợi ích quốc gia-một tương lai tỉ lệ nội địa hoá được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp ôtô VN phát triển. Đưa ra bàn rộng về chọn lựa DXCL cũng cần thiết. Nghe rộng thì có nhiều thông tin, đặc biệt là cần thêm các kênh từ NTD, chuyên gia thị trường, giới khoa học. Còn nghe VAMA, liệu có thể tin? Bằng chứng là cuộc họp ngày 8.10 đã rành rành mỗi DN chạy theo lợi ích riêng... Cũng cần nhắc lại, ngày 8/10/2009 đại diện Toyota đề xuất chọn dòng xe từ 4-9 chỗ. Thế nhưng trước đó, vào tháng 5/2009, VAMA có văn bản gửi Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó thể hiện rất rõ sự hậu thuẫn của VAMA trong việc chọn dòng xe từ 6-9 chỗ làm DXCL. Hơn nửa năm sau, VAMA gửi văn bản khác bất đồng với phương án chọn lựa của Bộ Công Thương, như xối một gáo nước lạnh. (Lao Động 14/12/2009)