Bản tin nổi bật ngày 17 - 12 - 2009

Trải thảm đỏ mời dịch văn chương Việt

Hàng trăm dịch giả quốc tế sẽ có mặt tại Hà Nội dự hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam, trong khi giới văn chương chuẩn bị sẵn câu mời: Dịch tôi đi. “Dịch tác phẩm văn học không phải là chuyển ngữ đơn thuần mà là chuyển hồn một dân tộc, văn hóa của một dân tộc. Để thâm nhập cảnh quan văn hóa VN, chúng tôi mời họ tham quan bảo tàng ở Hà Nội, đi Côn Sơn và Yên Tử”- Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh nói trong họp báo 15/12/2009. Trong khuôn khổ hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (VN) từ 5 đến 10-1-2010 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình và khu biệt thự Hồ Tây, các nhà xuất bản và tổ chức nước ngoài sẽ ký kết với Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Hội Nhà văn về việc chọn và chuyển ngữ. Như một hội nghị xúc tiến đầu tư, Hội Nhà văn trải thảm đỏ chào mời hơn 100 dịch giả ngoại quốc và 34 dịch giả trong nước, chưa kể hàng trăm nhà văn đến giao lưu giới thiệu tác phẩm. Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại: Nếu hội nghị toàn dịch giả 60- 70 tuổi thì đáng sợ thật. Chúng tôi sẽ bổ sung người dịch trẻ tiêu biểu trong nước. Những người dịch văn Việt quá già rồi. Phải chăm lo những người đang học tiếng Việt tại Hà Nội và TPHCM để họ chuyển ngữ văn học Việt Nam. (Tiền Phong 17/12/2009)

EuroCham Việt Nam phản đối EC gia hạn thuế chống bán phá giá giày da Việt Nam

Về việc Uỷ ban Châu Âu (EC) đề xuất kéo dài áp thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam, ông Alain Cany - Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) đã bày tỏ quan điểm phản đối. Ông cũng khẳng định, EuroCham ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc tìm kiếm giải pháp trước khi EC đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 22/12/2009. Theo ông, trong khoảng thời gian từ nay tới lúc đó, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) để tìm kiếm sự đồng thuận, ủng hộ sớm chấm dứt áp thuế từ năm 2006. (TBKTVN 17/12/2009)

Thách thức lớn với phát triển nhân lực thương mại điện tử

Ngày 16/12/2009 tại Hà Nội, Cục Thương mại Điện tử và CNTT Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo “Thương mại điện tử và phát triển nguồn nhân lực”. Sau 3 năm thực hiện kế hoạch tổng thể về phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2006 – 2010, có 49 trường đã triển khai đào tạo về TMĐT, trong đó có 30 ĐH và 19 CĐ. Trong số này, có 2 trường đã thành lập Khoa Thương mại Điện tử, 11 trường có bộ môn TMĐT. Tuy nhiên, chỉ có 15% giảng viên là được đào tạo về chuyên ngành này, 45% là từ các ngành khác được bồi dưỡng thêm và số còn lại là tự nghiên cứu để giảng dạy. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đề nghị phải có một nghiên cứu đầy đủ nhằm dự báo được nhu cầu nhân lực TMĐT sau 2010 để có cơ sở lập kế hoạch. TS Mai Anh – một trong các thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nhận định với nhu cầu ngày càng lớn của cộng đồng doanh nghiệp thì bài toán nhân lực TMĐT tại Việt Nam quả là một thách thức lớn. Giải pháp hữu hiệu theo ông là cần khuyến cáo doanh nghiệp ứng dụng TMĐT nghiên cứu định hướng thuê ngoài với các dịch vụ liên quan đến triển khai và vận hành TMĐT. Chiến lược, chương trình, chính sách đào tạo cho TMĐT cần được định hình từ phương thức sử dụng nhân lực cho doanh nghiệp. (TBKTVN 17/12/2009)

Họa sĩ Trần Khánh Chương tái đắc cử Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Chiều 16/12/2009, sau 3 ngày làm việc sôi nổi, Đại hội Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tín nhiệm bầu ra 11 thành viên ban chấp hành. Họa sĩ Trần Khánh Chương tái đắc cử Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2009 - 2014. Hai phó chủ tịch là nhà điêu khắc Phan Gia Hương và hoạ sĩ Vi Kiến Thành – giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đại hội cũng thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có điều khoản bãi bỏ Hội đồng nghệ thuật cấp trung ương, thay bằng Hội đồng nghệ thuật ngành, như lý luận - phê bình, trang trí, hội họa, đồ họa, điêu khắc. (SGGP 17/12/2009)

Nhạc sĩ Doãn Tiến chính thức xin lỗi nhà thơ Thế Hùng

Ngày 14/12/2009, nhà thơ Thế Hùng, Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có đơn gửi Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) khiếu nại nhạc sĩ Doãn Tiến – Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã phổ nhạc bài thơ “Cô đơn” thành ca khúc “Trong hội chùa hương” mà không ghi tên tác giả phần lời. Ngay sau khi báo Tiền Phong đăng tin này, nhạc sĩ Doãn Tiến đã chính thức có lời xin lỗi vì ông đã vô tâm không để ý là trong bìa của đĩa nhạc được phát hành đã không ghi tên tác giả phần lời. Điều này có thể do thiếu sót ở một khâu nào đó. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có lời giải thích nào từ NSND Thu Hiền - người thể hiện ca khúc và nhà phát hành là Trung tâm Băng nhạc trẻ TPHCM. (Tiền Phong 17/12/2009)

Ra mắt CLB Doanh nhân trẻ Kon Tum

Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Kon Tum vừa tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum vào đêm 15/12/2009, với sự tham dự của 22 doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh. Ban chủ nhiệm CLB đã thông qua điều lệ và quy chế tổ chức và chương trình hoạt động của CLB. Theo đó, năm 2010 sẽ thành lập tổ hỗ trợ, tư vấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên trong tỉnh và tiến tới Đại hội Doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum lần thứ I... nhân dịp này đã trao năm suất học bổng cho năm em học sinh nghèo vượt khó (mỗi suất trị giá 500.000 đồng). (Pháp luật TPHCM 17/12/2009)

TPHCM: Tôn vinh 34 doanh nhân cựu chiến binh

Ngày 16/12/2009, tại TP.HCM đã diễn ra buổi tôn vinh những người lính thành công trên mặt trận kinh tế do Hội Cựu chiến binh TP.HCM tổ chức. Đến dự ngoài các vị lãnh đạo thành phố và ban ngành còn có ông John Morrice, chủ tịch Liên đoàn Cựu chiến binh các nước Đông Nam Á. Lễ hội vinh danh 31 cựu chiến binh là những doanh nhân thành đạt, tiêu biểu, giàu lòng nhân ái. Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Để đạt được mức thành đạt so với một doanh nhân bình thường trong xã hội, người lính đã phải phấn đấu gấp hai, ba lần”. Bà cũng cho biết nhiều doanh nhân cựu chiến binh đã thể hiện tích cực nghĩa vụ với cộng đồng khi không sống cho riêng mình mà có những nghĩa cử với nhân dân nghèo, đồng đội. Dịp này, nhiều hoạt động khác cùng diễn ra: hội chợ triển lãm 150 gian hàng của các doanh nghiệp do cựu chiến binh quản lý điều hành đến từ 15 tỉnh thành từ 16 đến 20-12 tại nhà thi đấu Quân khu 7; tôn vinh các doanh nhân cựu chiến binh bộ đội đặc công, giao lưu giữa đoàn viên thanh niên với doanh nhân cựu chiến binh tiêu biểu... (Tuổi Trẻ 17/12/2009)

50.000 chữ ký “không sử dụng các sản phẩm từ gấu”

“Hãy trả lại sự bình yên cho loài gấu!” là thông điệp của nhóm tình nguyện viên “Giáo dục môi trường lưu động” thuộc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) Hội Bảo vệ thiên nhiên VN. Nhóm này đang tổ chức ký tên cam kết không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào từ gấu tại Trường ĐH Khoa học Huế ngày 15/12/2009. Anh Mai Đức Thọ, nhóm trưởng của chương trình “giáo dục môi trường lưu động”, cho biết sau ba năm tuyên truyền trong cả nước đã thu thập chữ ký của hơn 50.000 người cam kết không sử dụng các sản phẩm từ gấu. (Tuổi Trẻ 17/12/2009)

Hoàn thành đánh giá biến đổi khí hậu ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Trung tâm Phát triển Xã hội và Môi trường trực thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam vừa hoàn  thành đề án đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng lên tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo cảnh báo, từ nay đến 2050, nước biển sẽ dâng cao thêm 33 cm. Trong khi đó tại thành phố Vũng Tàu có nơi đã bị nước biển lấn vào tới 100 m. Nếu không có biện pháp thì nguy cơ nhiễm mặn, thu hẹp nguồn nước ngọt sẽ là rất nguy hiểm. (Khoa học & Đời sống 17/12/2009)

Kon Tum: 60 xe lăn được trao tặng cho người tàn tật

Sáng 16/12/2009, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum đã tổ chức trao tặng 60 xe lăn cho người tàn tận ở 2 huyện Đắc Tô, Đắc Hà và thành phố Kon Tum. Bên cạnh đó, mỗi người còn được tặng 100.000 đồng tiền mặt và quà trị giá 100.000 đồng. Chương trình được thực hiện với sự tài trợ của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam. (Thanh Niên 17/12/2009)

Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: Dở khóc dở cười... chờ đại hội

Có rất nhiều hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN (NSNAVN) đang rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 do Hội NSNAVN tổ chức, dự kiến diễn ra tại Hà Nội từ ngày 21 đến 23/12/2009, nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức... Theo , NSNA Chu Chí Thành -chủ tịch Hội, Thông báo 121/TB-NA chỉ là dự kiến chứ muốn đại hội phải có giấy triệu tập hội viên”. Tuy nhiên, ông nói thêm là chưa thể trả lời ngày 21/12/2009 có tiến hành đại hội được hay không, nhưng tinh thần là luôn chuẩn bị trước đại hội... Mấu chốt của vấn đề nằm ở thông báo 121/TB-NA gửi ngày 20/7/2009, trong đó ghi rõ: “Đại hội diễn ra từ ngày 21 đến 23/12/2009. Từ ngày 1 đến 5-12 ra thông báo triệu tập đại hội”. Thế là trong khi chờ giấy triệu tập và để tránh lỡ dịp về dự ngày hội của mình, nhiều NSNA ở các tỉnh thành đã tự khăn gói ra Hà Nội. NSNA Hồ Xuân Bổn - Chi hội NSNA Đà Nẵng - cho biết: “Nếu bây giờ chưa có thông báo triệu tập thì ngày 21-12 không thể kịp tiến hành đại hội đại biểu toàn quốc được, vì để cùng lúc hàng trăm con người ở nhiều tỉnh thành về thủ đô thật không dễ dàng”. NSNA Hồ Xuân Bổn cũng là ủy viên ban chấp hành Hội NSNAVN nên ông nắm khá kỹ công tác hội: “Tôi biết là ngày 17 hoặc 18-12 mới có thông báo chính thức đại hội có diễn ra vào ngày 21-12 hay không, mà lúc đó có đại hội thì việc gửi giấy triệu tập đến tay hội viên đã muộn hơn ngày 21-12, chưa nói hội viên còn phải di chuyển về Hà Nội”. Ông Bổn cho biết thêm Chi hội Đà Nẵng đã thuê xe từ hơn một tháng trước, giờ hủy hợp đồng thuê xe và chịu phạt 1 triệu đồng do đơn phương chấm dứt hợp đồng. Được biết, kinh phí để các NSNA dự đại hội sẽ được địa phương hỗ trợ. Nhưng trước mắt rất nhiều nghệ sĩ phải móc hầu bao ứng trước mua vé tàu, xe, máy bay để kịp mốc ngày 21/12/2009. NSNA Lại Khánh (Chi hội Khánh Hòa) cho hay: “Tôi trầy vi tróc vẩy mới xin được 2 triệu đồng của tỉnh mua vé máy bay giá rẻ cả tháng nay rồi. Đó là ở Khánh Hòa, chứ nhiều đồng nghiệp các địa phương khó khăn xin hỗ trợ kinh phí không dễ”. Nhiều NSNA bức xúc nói: "Hội NSNAVN có trang web chính thức của mình (vapa.org.vn) sao không thấy thông báo gì hết nếu có thay đổi ngày đại hội". Xin nói thêm là để tham dự đại hội này, hầu hết mỗi NSNA được tỉnh hỗ trợ khoảng 2 triệu chi phí di chuyển, còn lại họ phải tự bỏ tiền túi. Nhiều NSNA cho biết: “Nếu đại hội diễn ra không đúng ngày 21-12 thì lần sau có đại hội chúng tôi cũng khó đi dự được, vì tỉnh không thể hỗ trợ kinh phí hai lần cho cùng một việc và chúng tôi cũng không dư tiền để xài sang như thế". Thông tin mới nhất  là chiều 16/12/2009, ông Chu Chí Thành khẳng định: "Sẽ không có chuyện hoãn lại đại hội, chúng tôi đợi ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Có thể trong ngày 18-12 chúng tôi sẽ có thông báo chính thức”. Tuy nhiên, nếu ngày 18/12/2009 mới có thông báo, khả năng nhiều NSNA ở tỉnh xa không về Hà Nội tham dự đại hội kịp. (Tuổi Trẻ 17/12/2009)

Không ai tự dưng thành thiên tài được

Theo GS Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, không ai tự dưng trở thành người giỏi được. Thiên tài phải là sự tổng hợp của nhiều yếu tố: năng lực bẩm sinh, môi trường xã hội, sự nỗ lực của bản thân… Điều này lý giải thực tế nhiều đứa trẻ sớm biết đọc biết viết nhưng sau này lại lặn mất tăm. Tương tự, nhiều người lúc còn nhỏ không có biểu hiện đặc biệt nhưng vì nỗ lực nên khi trưởng thành vẫn có những phát kiến vĩ đại. Sự phấn đấu và nỗ lực là điểm quan trọng nhất quyết định sự thành đạt của mỗi người. (Giáo dục & Thời đại 17/12/2009)

Có còn gạo cho an ninh lương thực?

Gạo xuất khẩu được nhiều đã làm không ít người quan ngại: việc này liệu có làm mất cân đối lương thực trong nước và làm cho giá gạo trong nước tăng cao như những ngày qua? Ngày 15/12/2009, Việt Nam lại trúng thầu bán cho Philippines thêm 600.000 tấn gạo, nâng tổng số lượng gạo xuất cho nước này lên 1,3 triệu tấn. Đây là đợt gạo Việt Nam trúng thầu với số lượng lớn nhất trong 3 đợt thầu Philippines mở gần đây. Được biết, tổng cộng bốn lần tham gia bỏ thầu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiêu thụ được trên 1,3 tấn gạo cho thị trường Philippines. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thế giới đang có xu hướng tăng, có lợi cho Việt Nam đẩy nhanh tiến độ XK gạo. Trước thời điểm Việt Nam liên tiếp trúng những gói thầu cung cấp số lượng gạo lớn cho Philippines (ngày 10/11/2009), VFA đã công bố số lượng hợp đồng XK gạo đã ký lên đến 6,453 triệu tấn, lượng gạo XK ra thế giới lớn nhất từ trước đến nay. Cũng theo VFA, khả năng XK được 6 triệu tấn gạo trong năm 2009 đã trong tầm tay, và nếu so với năm 2007 XK được 4,5 triệu tấn gạo; năm 2008 XK được 4,6 triệu tấn thì lượng gạo Việt Nam tiêu thụ ra thị trường thế giới  của năm 2009 đáng được coi là một kỷ lục. Giải thích về nguyên nhân giá gạo thị trường nội địa tăng, các chuyên gia đều chung nhận định: Đang có tình trạng DN đẩy mạnh thu mua lúa để thực hiện hợp đồng XK, đã đẩy giá lúa gạo tăng. Được biết, hệ thống kho trữ lúa gạo ở ĐBSCL rất thiếu, các DN phải quay vòng mua vào - bán ra mới có chỗ chứa gạo. Không ít DN ký hợp đồng XK lúc giá gạo còn thấp, tới thời điểm giao hàng dù giá gạo tăng cao vẫn phải mua vào để thực hiện hợp đồng, đã tác động tới giá cả lương thực trên thị trường nội địa. (Lao Động 17/12/2009)

600 triệu USD có vực dậy nổi ngành công nghiệp vi sinh vật học?

Sự phát triển của các nhà máy công nghiệp vi sinh vật học (industrial microbiology), một ngành công nghiệp ứng dụng nhằm sử dụng vi sinh vật tạo ra các sản phẩm có ích sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể cho nền sản xuất nông nghiệp. Việt Nam đã có rất nhiều nghiên cứu sản phẩm phục vụ nông nghiệp nhưng không ra được thị trường chỉ vì thiếu công nghệ vi sinh vật học. GS.TS Nguyễn Lân Dũng, uỷ viên uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, chủ tịch hội Các ngành sinh học Việt Nam cho biết, cũng như các nước châu Á khác, viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học thuộc đại học Quốc gia Hà Nội mà ông đứng đầu thường xuyên hợp tác với Nhật để phân lập, định tên, xác định hoạt tính các loài vi sinh vật phân lập từ đất. Đã tìm thấy được rất nhiều loài mới (đã công bố trên các tạp chí quốc tế), trong đó có không ít những chủng thuộc các loài (cũ và mới) có hoạt tính sinh học rất cao, kể cả khả năng sinh ra các chất kháng sinh quý giá. Nhưng biết rồi để đấy vì chúng ta đâu có các nhà máy CNVSVH ngoài ba lĩnh vực nói trên. Viện đã được biết Nhà nước đang đầu tư 44 tỉ đồng cho viện Công nghiệp thực phẩm để xây dựng một nhà máy dạng pilot (thử nghiệm) chủ yếu phục vụ cho công nghiệp thực phẩm. Viện cũng đang cố gắng tự xây dựng tại Hoà Lạc một xưởng pilot nhằm hợp tác quốc tế sản xuất các chế phẩm có giá trị cao. Nhưng như vậy là quá ít, quá nhỏ bé và không thể đáp ứng cho nhu cầu thay thế nhập khẩu rất lớn về các sản phẩm CNVSVH. Đặc biệt là thuốc kháng sinh và vitamin. Thật khó tưởng tượng được một nước trên 86 triệu dân vậy mà cho đến nay trên thị trường chưa có một miligram của bất kỳ chất kháng sinh hay vitamin nào được sản xuất trong nước (!) Sản phẩm của CNVSVH đâu chỉ có kháng sinh và vitamin mà còn biết bao nhiêu sản phẩm có giá trị cao khác nữa. Theo ông, chúng ta hiểu biết chưa đầy đủ về công nghệ sinh học. Chẳng hạn chúng ta đầu tư cho mỗi tỉnh một phòng nuôi cấy mô rất tốn kém mà nhiều nơi chẳng biết dùng làm gì? Chúng ta đầu tư rất đúng cho một số phòng thí nghiệm trọng điểm để nghiên cứu công nghệ di truyền, nghiên cứu điều tra vi sinh vật, nhưng nếu có thành công thì các sản phẩm thu được sẽ sản xuất tại đâu và với quy mô nào để có thể đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chúng ta sử dụng quá dàn trải kinh phí mà Quốc hội đã dành cho khoa học và công nghệ. Một lãnh đạo uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết năm tới ngân sách dành cho lĩnh vực này lên đến 600 triệu USD. So với nước ngoài là nhỏ nhưng với nước ta là rất lớn nếu chúng ta biết đầu tư tập trung cho các cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất có khả năng tạo ra các sản phẩm cụ thể trên cơ sở các thành tựu của kỷ nguyên công nghệ sinh học hiện đại với các chủng vi sinh vật mang gen tái tổ hợp. Ông vừa dự lễ kỷ niệm 10 năm viện Sinh học nông nghiệp thuộc trường đại học Nông nghiệp Hà Nội và thấy với số lượng cán bộ không nhiều nhưng thành tựu nghiên cứu và phục vụ sản xuất của viện thật đáng kể. Vậy mà toàn bộ thiết bị nghiên cứu của cả viện chưa đến được một triệu USD. Cụ thể, chúng ta nên làm gì trong tình hình hiện nay? Ông nhắc lại nguyên liệu cho ngành CNVSVH chủ yếu chỉ là tinh bột, rỉ đường và một ít phân khoáng. Đầu tư cho ngành này bên cạnh việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu vi sinh vật và công nghệ gen thì chỉ là việc xây dựng các nhà máy với các nồi lên men và các thiết bị thu hồi sản phẩm. Không nên đấu thầu tràn lan các đề tài, mà nên giao nhiệm vụ cụ thể trước nhu cầu xã hội đang cần hoặc sẽ cần với quy mô lớn cho các đơn vị có đủ khả năng thực hiện và giúp đỡ một cách thiết thực, ít nhất cũng như đã từng đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vắcxin. Chúng ta cần có tầm nhìn quốc tế về CNVSVH và có thể phát triển rất nhanh trong lĩnh vực này vì chúng ta có một sự đa dạng vi sinh vật rất phong phú, có nguồn nông sản phẩm dồi dào và đã có một đội ngũ nghiên cứu trẻ tuy chưa đông nhưng không kém tài và nhiệt tình với sự nghiệp khoa học phục vụ đất nước, trước khi họ bỏ đi làm thuê cho các viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp nước ngoài vì không có đất dụng võ! (Sài gòn Tiếp thị 16/12/2009)

Phá sản chiến lược nội địa hóa ô tô: Quy trình ngược!

PGS.TS Dương Quốc Thịnh - Tổng Thư ký Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, khẳng định. “Chúng ta đã sai lầm khi dựa vào những nhà tư bản để mong có được một nền công nghiệp ô tô Việt Nam, vì với họ, lợi nhuận là điều quan trọng nhất. Đừng nghĩ họ đến đây để dạy ta làm ô tô”.  Đến nay Việt Nam có hơn chục liên doanh ô tô. Khi nói đến công nghiệp ô tô VN, không chỉ có liên doanh, còn có doanh nghiệp nội, họ đóng góp không ít cho Nhà nước, từ sản xuất xe ca, buýt, xe tải…  Hiện có khoảng 40 DN ô tô VN, đóng vai trò khá lớn trong việc cung cấp cho thị trường loại ô tô tải nhẹ, xe ca, xe buýt, giúp giảm bớt việc nhập khẩu. Vì thế, nói đến công nghiệp ô tô, chúng ta nên soi xét cả hai mảng như thế. Có một thực tế là các doanh nghiệp nội đạt tỷ lệ NĐH khá cao, khoảng trên 40%, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh đăng ký tỷ lệ NĐH khá cao nhưng không thực hiện được. Ông Thịnh nhắc lại: Với các nhà tư bản đừng bao giờ mơ tưởng họ sẽ giúp ta xây dựng ngành công nghiệp ô tô. Cái mà họ quan tâm là lợi nhuận. Vì thế, khi xin giấy phép, họ cam kết đạt tỷ lệ NĐH (sau 10 năm đầu tư đạt khoảng 30-40%) là để không bị gạt ra, nhưng ta lại chưa có chế tài để xử phạt, rút giấy phép khi họ không thực hiện được cam kết. Còn nói rút giấy phép, đây đều là những tập đoàn đa quốc gia, có ảnh hưởng và quan hệ khá chặt chẽ với chính phủ của nước họ, không phải nói rút là rút được.  Ô tô là ngành công nghiệp đòi hỏi sự kiên trì, tăng trưởng dần, không thể có ngay được. Nếu muốn nhanh, như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, họ phải bỏ ra hàng tỷ đô la để góp vốn với đối tác, thậm chí góp nhiều tiền hơn để chi phối. Chứ không phải như ở ta, vào liên doanh, chủ yếu chỉ góp vốn bằng quyền sử dụng đất... Theo ông, cũng chưa hiểu vì sao  Bộ Công Thương lại đặt vấn đề  sản xuất dòng xe chiến lược. Chúng ta kỳ vọng gì và tiến tới đâu khi đặt ra dòng xe chiến lược? Về mặt thuật ngữ, xe chiến lược, tức là lâu dài, nhiều người dùng, do Việt Nam sản xuất là chính. Xe này là xe tải hay là xe buýt? Theo thống kê, xe chuyên dụng ở ta là xe buýt, xe tải, xe con. Ở VN, mỗi năm quy mô thị trường khoảng 100.000 xe, cho khoảng 50 DN, nếu chia đều mỗi DN sản xuất khoảng 2.000 xe với nhiều mẫu xe. Như vậy, mỗi mẫu chỉ vài trăm xe. Mà đã là xe chiến lược thì không nằm trong số này được, vì nó quá ít. Mặt khác, về nguyên tắc, chúng ta phải có nền công nghiệp sản xuất ô tô rồi thì mới nghĩ đến dòng xe chiến lược, chứ không phải là làm ngược lại. (Tiền Phong 17/12/2009)

Nở rộ phong trào tự làm ICT Index

Tại hội thảo trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Tin học Việt Nam lần thứ 18, Bộ NN&PTNT lần đầu tiên công bố báo cáo hiện trạng CNTT của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (gọi là MARD ICT Index 2009) dựa trên mô hình xếp hạng của Việt Nam ICT Index. Ông Trần Anh Phương, Trưởng phòng quản lý và phát triển mạng máy tính, Trung tâm Tin học & Thống kê của Bộ này cho biết mục tiêu của báo cáo này là nhằm đánh giá lại hiện trạng hạ tầng và ứng dụng CNTT của toàn ngành, từ các cơ quan quản lý trong Bộ, các viện nghiên cứu đến các Sở NN&PTNT. Theo ông, báo cáo ICT Index này sẽ được dùng làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và chính sách phát triển CNTT của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng thời cũng là thước đo đánh giá xếp hạng giữa các đơn vị nhằm động viên khuyến khích các đơn vị yếu kém đẩy mạnh ứng dụng CNTT hơn nữa. Trước khi làm báo cáo ICT Index của ngành, Trung tâm Tin học & Thống kê đang triển khai dự án nâng cấp hạ tầng CNTT của Bộ. Qua kết quả từ báo cáo cho thấy việc đầu tư cho hạ tầng là rất chính xác. Hạ tầng là một trong những điểm yếu nhất trong bức tranh toàn cảnh về CNTT của toàn ngành nông nghiệp. Được biết, Bộ NN&PTNT không phải là bộ đầu tiên tiến hành xây dựng báo cáo ICT Index cho riêng ngành mình. Từ năm 2008, Bộ Tài chính đã xây dựng báo cáo ICT Index của toàn ngành tài chính và năm nay là năm thứ hai ngành này có báo cáo ICT Index riêng. Ông Đặng Đức Mai - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính cho biết, ngoài mục tiêu có được số liệu của ngành, việc xây dựng ICT Index còn nhằm tạo không khí thi đua giữa các đơn vị trong ngành. Một số bộ ngành khác như Bộ Công thương; Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cũng có kế hoạch làm ICT Index của riêng mình. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công Thương cũng cho biết là đang cân nhắc xây dựng bộ chỉ số ICT Index của ngành vào năm tới, Bên cạnh đó, một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hoà cũng đã xây dựng các báo cáo thực trạng CNTT trên địa bàn tỉnh dựa trên mô hình của Việt Nam ICT Index.

Ông Lê Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, người phụ trách phân tích báo cáo Việt Nam ICT Index cho biết sự quan tâm của xã hội và các cơ quan với báo cáo này ngày càng tăng. Ông Hà dẫn chứng ngay trên web tìm kiếm Google, số lượng người dùng tìm kiếm cụm từ “Vietnam ICT Index” cũng năm sau lớn hơn năm trước, từ 143.000 lượt tìm kiếm với cụm từ “Vietnam ICT Index 2003” (năm đầu tiên công bố báo cáo) tăng lên 225.000 lượt với cụm từ “Vietnam ICT Index 2007”. Khác với các báo cáo về CNTT khác, ICT Index phản ánh được toàn bộ thực trạng ứng dụng và phát triển CNTT từ vấn đề hạ tầng, nhân lực, ứng dụng đến chính sách cho CNTT, trên cơ sở đó để đưa ra xếp hạng. Chính vì vậy, báo cáo này còn tạo ra hiệu ứng tích cực ở những nơi bị đánh giá là yếu kém trong bảng xếp hạng. Ông Hà cho biết việc công bố Việt Nam ICT Index cũng đã chứng kiến không ít hiệu ứng tích cực từ việc bị “bêu gương”, bị xếp hạng thấp. Sau khi công bố chỉ số ICT Index năm 2006 tại Thanh Hoá, khi đó Nghệ An xếp thứ 37 trong số 64 tỉnh thành trong cả nước. Báo chí Nghệ An đã có nhiều bài viết đánh giá về xếp hạng của tỉnh. UBND tỉnh Nghệ An cũng tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân. Một năm sau đó, chỉ số ICT Index của Nghệ An đã tăng lên vị trí 17/64 tỉnh thành. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thay đổi trong chỉ số ICT Index, có thể do những thay đổi cách tính chỉ số hay do các đơn vị trước đây công bố số liệu chưa chính xác. Nhưng theo ông Hà, thay đổi vị trí trong chỉ số ICT Index của Nghệ An có tác động rất lớn từ việc công bố chỉ số, từ việc họ bị đánh giá thấp. Không chỉ Nghệ An, theo ông Hà, sự lên ngôi mạnh mẽ của Bộ Thương mại và Bộ NN&PTNT trong chỉ số ICT Index những năm gần đây cũng có tác động không từ việc bị đánh giá thấp trong những năm trước đó. Không ai vì bị đánh giá thấp mà mất chức hay bị phê bình khiển trách nhưng họ có động lực đầu tư hơn khi nhận thấy mình yếu kém. Có lẽ đó là những lý do ngày càng nhiều bộ ngành và các địa phương muốn tự xây dựng bộ chỉ số ICT Index cho riêng mình. (Bưu điện Việt Nam 16/12/2009)