Bản tin nổi bật ngày 18 - 01 - 2010

Sẽ đề xuất cho nhập khẩu đường nếu Hiệp hội Mía đường Việt Nam không điều tiết được

Chiều 14/1/2010, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã có cuộc họp với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và Hiệp hội Mía đường Việt Nam trước tình hình giá đường trong nước lại tăng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đã nhấn mạnh với các doanh nghiệp ngành đường rằng: “Các anh cứ than vãn nhưng tôi biết năm 2009 mỗi công ty thu lãi khoảng 50 tỷ đồng. Thôi các anh đừng “bóp cổ” nông dân và người tiêu dùng nữa. Tôi đề nghị các anh bán đường không được cao hơn giá đường thế giới”. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do các nhà máy đã đầu cơ. Không đồng tình với nhận định này, hầu hết các nhà máy đường lớn đã đổ lỗi cho thời tiết khắc nghiệt dẫn đến sản lượng mía giảm, nhà máy thiếu nguyên liệu, các yếu tố đầu vào tăng và cả tác động của đường nhập lậu. Ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, để tránh việc chuyển độc quyền điều tiết thị trường của Nhà nước thành độc quyền của doanh nghiệp thì cần phải xây dựng phương án nhập khẩu đường dự trữ và tiêu thụ đường theo giá chỉ đạo của Nhà nước để bình ổn thị trường như kinh nghiệm Thái Lan, Trung Quốc. Ông Đoàn Xuân Hoà – Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thuỷ sản và Nghề muối nhấn mạnh: Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần cương quyết xử lý đối với những tổ chức, cá nhân cố tình đầu cơ, tích trữ, phá giá, lũng đoạn thị trường. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần yêu cầu các nhà máy phải cam kết không bán với giá cao hơn thế giới. Giá này phải không thiệt cho ai, nông dân được lợi, doanh nghiệp cũng được lợi và người tiêu dùng cũng chấp nhận được. Theo ông, nếu Hiệp hội Mía đường Việt Nam không điều hành được thì Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị Chính phủ cho nhập đường để ổn định thị trường. Ông cũng đề nghị Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phải giám sát chặt chẽ các siêu thị, cửa hàng, không để giá bán lẻ quá cao như hiện nay. Nhà máy bán ra 16.000 – 18.000 đồng/kg nhưng người dân phải mua ở siêu thị với giá tới 22.000 đồng/kg là không hợp lý. (TBKTVN 18/1/2010)

Kỷ niệm 50 năm đội quân tóc dài

Sáng 17/1/2010, tại Hội trường Quân khu 7, TPHCM, TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã làm lễ kỷ niệm 50 năm đội quân tóc dài. Tham dự có gần 500 đại biểu đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, mẹ Việt Nam anh hùng... cùng 132 đại biểu đội quân tóc dài từ 34 tỉnh thành từ Quảng Trị trở vào. Lễ kỷ niệm 50 năm Đội quân tóc dài là dịp để mọi người ghi nhớ công lao, sự tôn vinh dành cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Tại buổi lễ, Hội LHPNVN đã trao tặng đại diện đội quân tóc dài có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 34 tỉnh, thành, mỗi tỉnh 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng. Trong hai ngày 16-17/1/2010, nhân kỷ niệm 50 năm đội quân tóc dài (17/1/1960-17/1/2010), Hội LHPNVN phối hợp với Quân khu 7 đã tổ chức hoạt động về nguồn, thăm Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định - cố Phó Chủ tịch Nước - tại xã Lương Hoà, huyện Giồng Trôm. Hội đã trao tặng 23 mái ấm tình thương trị giá 345 triệu đồng cho các chị thuộc đội quân tóc dài có hoàn cảnh khó khăn của Bến Tre. (Lao Động 18/1/2010)

Thu 23,3 tỷ đồng tác quyền âm nhạc trong năm 2009

Phát biểu trong lễ tổng kết hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam hôm 16/1/2010 tại TPHCM, nhạc sĩ Phó Đức Phương - giám đốc trung tâm - cho biết trong năm 2009 số tiền tác quyền thu được cho các tác giả là 23,3 tỉ đồng.

Đây là mức kỷ lục so với con số 15 tỉ thu được vào năm 2008, trong đó có 10-15% cho các tác giả thế giới. Như vậy, sau hành trình gần tám năm thành lập và hoạt động, VCPMC đã thu được gần 55 tỉ đồng phí tác quyền để phân phối lại cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. VCPMC cho biết kể từ năm 2010 sẽ giảm tỉ lệ phần trăm trích lại cho hoạt động của trung tâm ở các lĩnh vực biểu diễn, nhạc trực tuyến, nhạc chuông, nhạc chờ. Chỉ còn 20% thay vì 25% như hiện nay. Ở lĩnh vực băng đĩa nhạc, tỉ lệ trích lại là 5%, sách nhạc là 15% và các lĩnh vực còn lại vẫn giữ mức 25%. Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - giám đốc chi nhánh phía Nam của VCPMC, ưu tiên hàng đầu của VCPMC trong năm 2010 là thu phí tác quyền ở các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke. VCPMC hiện là đại diện tác quyền cho 1.602 tác giả VN và hơn 2,5 triệu tác giả quốc tế theo các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc nước ngoài. (Tuổi Trẻ 18/1/2010)

Hỗ trợ giống bò cho người nghèo

Ông Đoàn Văn Thái - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cho biết dự án “Ngân hàng bò” nhằm hỗ trợ các hộ nghèo ở 62 huyện nghèo trên cả nước đã chính thức được triển khai, với việc cấp 500 triệu đồng cho Hội Chữ thập đỏ huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) để hỗ trợ mua bò giống cho các hộ nghèo trong huyện. Với dự án này Hội Chữ thập đỏ VN sẽ hỗ trợ 3.400 bò giống cho các hộ nghèo ngay trong quý I/2010. Trước mắt, dự án sẽ triển khai ở các tỉnh phía Bắc, hỗ trợ 1.400 con bò cho 14 huyện nghèo ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. 2.000 con bò giống còn lại sẽ tiếp tục triển khai sau tết đến các huyện nghèo khác. (Tuổi Trẻ 18/1/2010)

Ra mắt Hội Cổ vật TPHCM

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định công nhận ban chấp hành Hội Cổ vật TP.HCM nhiệm kỳ 1 (2009 - 2011) với 7 thành viên do đại hội đại biểu bầu ra, gồm: ông Nguyễn Văn Quỳnh (chủ tịch), ông Cao Đức Trường và ông Nguyễn Văn Phẩm (phó chủ tịch) và 4 ủy viên: ông Phạm Phi Long, ông Ung Thanh Dũng, ông Nguyễn Đỗ Như Anh và bà Nguyễn Thị Lệ. Hội là tổ chức quần chúng tự nguyện của các cá nhân, các tổ chức, nhằm hoạt động phục vụ việc bảo vệ, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản những cổ vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, đấu tranh chống việc mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép cổ vật, giới thiệu giá trị cổ vật, theo đúng chủ trương của Nhà nước và Luật Di sản văn hóa. (Thanh Niên 18/1/2010)

Hà Nội: Ra mắt tập 6 ấn phẩm "Kỷ niệm một thời làm báo" 

Mừng năm mới Canh Dần, "Kỷ niệm một thời làm báo" - ấn phẩm hằng năm của Ban Liên lạc nhà báo cao tuổi Hội Nhà báo thành phố Hà Nội (NXB Hà Nội ấn hành) đã ra mắt tập thứ 6. "Kỷ niệm một thời làm báo" năm nay đông vui hơn vì có sự góp mặt của các nhà báo cao tuổi Hà Tây (cũ). Qua gần 40 tác phẩm hồi ức, hồi ký… của 28 tác giả, có thể nhận ra các nhà báo cao tuổi sức vẫn trường, chí vẫn sáng. Những tác phẩm trong tập sách đã phản ánh một thời làm báo của thế hệ trước: tác nghiệp cẩn trọng và chuyên nghiệp, tư liệu ngồn ngộn, cảm xúc xanh nguyên. Đó cũng là những trải nghiệm về nghề, những kỹ năng tác nghiệp quý giá đã đúc kết nhiều chục năm, nay chia sẻ lại với lớp trẻ. (Hà Nội mới 18/1/2010)

Có thể khởi tố hành vi côn đồ của kẻ đã hành hung phóng viên báo Tiền Phong

Về sự việc nhà báo Vũ Minh Châu – phóng viên báo Tiền Phong bị hành hung, Luật sư Nguyễn Trọng Điệp – Phó Chủ tịch Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An cho biết, Dùng vật cứng là mũ bảo hiểm đánh nhiều nhát vào đầu nhà báo, khiến người bị hại phải đi cấp cứu, là hành vi côn đồ. Do đó, kể cả khi nhà báo Võ Minh Châu có kết quả giám định thương tích dưới 11%, thì cũng có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can! Pháp luật quy định tỷ lệ thương tích trên 11% mới khởi tố. Nhưng nếu người bị hại có thương tích dưới 11%, hung thủ dùng hung khí nguy hiểm, hoặc hành vi có tính chất côn đồ, thì cũng đủ điều kiện để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Trong vụ việc phóng viên báo Tiền Phong bị hành hung tại xã Kỹ Thọ, huyện Kỳ Anh vào ngày 6/1/2010, với hành vi có tính chất côn đồ như tôi đã khẳng định ở trên, thì kể cả khi nhà báo Võ Minh Châu thương tích dưới 11% cũng có thể khởi tố. (Tiền Phong 17/1/2010)

Hà Nội: Sắp tổ chức hội chợ kích cầu vì quyền lợi người tiêu dùng

Chiều ngày 16/1/2010, Hội LHPN Hà Nội, CLB Nữ doanh nghiệp thủ đô và Cty tổ chức các sự kiện và quảng cáo thương mại THC đã họp báo giới thiệu về hội chợ "Kích cầu hàng hoá vì quyền lợi người tiêu dùng". Với tiêu chí là người tiêu dùng sẽ được mua nhiều mặt hàng khác nhau với giá gốc, giá khuyến mãi kèm quà tặng từ các doanh nghiệp, hội chợ lần này sẽ diễn ra từ ngày 19 – 24/1/2010 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm VN với sự tham gia của 400 gian hàng đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sẽ giới thiệu và bán nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thời trang, thực phẩm, điện tử...Đặc biệt, doanh nghiệp khi tham gia hội chợ còn được hỗ trợ 50% phí thuê gian hàng từ nguồn ngân sách kích cầu của TP và Quỹ Xúc tiến thương mại HN. Ngoài ra, trong khuôn khổ hội chợ, Hội LHPN Hà Nội còn tổ chức nhiều hội thảo với các chủ đề như: Chất lượng hàng hoá và bảo vệ người tiêu dùng, nhằm nâng cao hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về việc lựa chọn, sử dụng hàng hoá có chất lượng tốt... (Lao Động 18/1/2010)

Bắc Giang: Hơn 400 công nhân nữ được khám sức khoẻ miễn phí

Hội LHTN tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với Ban vận động thành lập Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang tổ chức khám, tư vấn miễn phí cho hơn 400 nữ công nhân của Công ty cổ phần May Bắc Giang. Các nữ công nhân đã được các bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bắc Giang khám, siêu âm phát hiện và tư vấn các bệnh lý về sản, phụ khoa, sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và các bệnh lý về ung thư cổ tử cung. (Tiền Phong 18/1/2010)

Quảng Nam: Việt kiều tại Colorado hỗ trợ người nghèo ăn Tết

Ngày 17/1/2010, Hội Đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng bang Colorado (Mỹ) đã đi thăm và tặng 140 suất quà (200.000 đồng/suất) hỗ trợ người nghèo ăn Tết tại thôn 8 xã Đại Cường và xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc. Trước đó, Hội cũng đã trao 170 suất quà gồm tiền mặt, lương thực cho hội viên Hội Người mù và tàn tật huyện Duy Xuyên và người nghèo tại đảo Cù Lao Chàm. Tổng số tiền trong đợt từ thiện này là hơn 60 triệu đồng. (Thanh Niên 18/1/2010)

Triển lãm quốc tế Thiết bị và Công nghệ Quảng cáo sẽ tổ chức tại TPHCM vào tháng 8

Từ 5 – 7/8/2010 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TPHCM sẽ diễn ra Triển lãm Quốc tế về Thiết bị và Công nghệ Quảng cáo VietAd 2010 do Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam,  Hội Quảng cáo TPHCM và Công ty Quảng cáo & Xúc tiến Thương mại Đông Nam tổ chức. (TBKTVN 18/1/2010)

“Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa” 

(HNM) - NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, tổng đạo diễn chương trình múa cổ sẽ diễn ra vào tối 3-10 năm nay dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho biết: Chương trình sẽ gồm ba phần chính với chủ đề "Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa".

NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, tổng đạo diễn chương trình múa cổ sẽ diễn ra vào tối 3/10 năm nay dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho biết: Chương trình sẽ gồm ba phần chính với chủ đề "Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa". Phần một là "Lửa thiêng Hà Nội - mở hội ngàn năm" kể câu chuyện chàng trai cứu công chúa khỏi ác thú, được vua ban cho vùng đất phía Tây thành Thăng Long để trồng cây, phát triển thành Thập Tam Trại thông qua ngôn ngữ múa. Phần hai sẽ có sự tham gia của các làng còn lưu giữ các điệu múa cổ truyền thống trên đất Thăng Long như: Múa Trống bồng, làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì); múa Bài Bông, làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung (Phú Xuyên); múa Giảo Long, xã Việt Hưng (Gia Lâm)… với chủ đề "Những dấu xưa". "Mừng Thăng Long chiến thắng" là chủ đề của phần ba với màn múa chạy cờ, múa rồng… tượng trưng cho sức mạnh linh thiêng của Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. (Hà Nội mới 18/1/2010)

Nên sớm bãi bỏ “3 chung” và việc giao chỉ tiêu cho các trường ngoài công lập

Theo GS Trần Phương - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, chừng nào còn tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học thống nhất trên phạm vi cả nước thì điểm sàn vẫn được xem là tiêu chuẩn tuyển chọn. Tuy nhiên, ông khuyến nghị:

  1. Trong điều kiện còn tổ chức tuyển sinh “3 chung”, Bộ GD-ĐT nên cho phép các trường ở các vùng miền có điều kiện kém hơn được tuyển sinh theo những điểm sàn riêng, thấp hơn điểm sàn chung của cả nước. Những điểm sàn này cần được tính toán sao cho học sinh xuất thân từ các vùng miền này được tiếp nhận tối đa.
  2. Nên sớm bãi bỏ tuyển sinh “3 chung” sang xét tuyển theo kết quả tốt nghiệp THPT. Đầu vào không phải là yếu tố quyết định tất cả. Kiểm soát chặt đầu ra mới là yếu tố quyết định nhất đối với chất lượng đào tạo.
  3. Khi đã giao việc tuyển sinh cho các trường, Bộ cần tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm đảm bảo sự công minh, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh.
  4. Bộ nên sớm bãi bỏ việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ngoài công lập, cũng như tuyển sinh hệ B cho các trường công lập. Chỉ tiêu tuyển sinh chỉ nên giới hạn trong phạm vi số sinh viên được ngân sách Nhà nước trợ cấp. (TBKTVN 18/1/2010)

Ngành da giày cần được tháo thế bí để đầu tư sản xuất nguyên liệu da

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), năm 2009 ngành da giày Việt Nam xuất khẩu được gần 4,1 tỷ USD, giảm khoảng 13% so với 2008. Năm 2010, toàn ngành đề ra kế hoạch tăng trưởng 10 – 15%, đảm bảo doanh số xuất khẩu 4,5 – 5 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì Lefaso kiến nghị Bộ Công thương nghiên cứu hỗ trợ giống như với ngành dệt may là xây dựng một thương hiệu công nghiệp thời trang da giày, trong  đó chủ yếu nhất là khâu đào tạo lực lượng thiết kế. Bên cạnh đó, Lefaso cũng đề nghị Bộ Công thương can thiệp để có thể hình thành các trung tâm về nguyên liệu bởi thực tế các địa phương đều rất ngại, hầu như không tiếp đón các dự án thành lập khu, cụm công nghiệp dệt, nhuộm và thuộc da. Hiện tại, công nghiệp da giày Việt Nam mới chủ động được 65% nguyên liệu. Số còn lại vẫn phải nhập khẩu. Muốn có được những nguyên liệu này, chúng ta phải có những cụm công nghiệp chuyên ngành và những khu công nghiệp chuyên về ô nhiễm. Vì vậy, ngành da giày đang rất “bí” và nhiều đối tác muốn đầu tư cũng gặp ách tắc. Việt Nam hiện mới thuộc da được chưa tới 20% trong tổng số nhu cầu nên vẫn phải nhập khẩu lớn. (TBKTVN 18/1/2010)

Xúc tiến thương mại trong nước: Cần dựng hàng rào bảo vệ người tiêu dùng

Theo TS. Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, hàng nội đang chịu sức ép rất lớn từ hàng nhập lậu. Đã đến lúc cần dựng các hàng rào kỹ thuật cho thương mại để bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện chúng ta quản lý chưa tốt hàng nhập khẩu và chưa có biện pháp hữu hiệu kiểm soát hàng nhập lậu qua biên giới. Cũng là hàng Trung Quốc nhưng vào thị trường châu Âu, Mỹ thì chất lượng hoàn toàn khác. Trong khi nhiều loại hàng có xuất xứ từ Trung Quốc vào Việt Nam chất lượng thường không bảo đảm. Sự khác biệt rõ ràng xuất phát từ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và cách thức kiểm soát chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu. Ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp trong nước sản xuất luôn bị đe dọa bởi hàng của nước ngoài giá rẻ, chất lượng thấp, mất an toàn, hàng ế thừa hay gần hết hạn sử dụng tràn vào chiếm lĩnh thị trường. Có thực tế Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang Mỹ, châu Âu và luôn bị ràng buộc bởi một hệ thống các tiêu chuẩn rất khắt khe, từ nhãn mác, xuất xứ nguồn gốc. Trong khi đó, Luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc có hiệu lực thi hành từ 1/6/2009 sẽ là rào cản lớn cho thực phẩm Việt Nam. Các nhà nhập khẩu đòi hỏi Việt Nam phải thông báo xuất xứ các loại hoa quả, thủy sản đông lạnh. Họ làm vậy đối với hàng Việt Nam, tại sao chúng ta không làm điều ngược lại?

Theo ông Thắng, chúng ta quá dễ dãi với hàng nhập khẩu, nhiều mặt hàng vào Việt Nam việc xử lý thông tin chậm, hậu quả là người tiêu dùng lãnh đủ vì mua hàng kém chất lượng, không an toàn, điển hình là vụ sữa, sản phẩm từ sữa có chứa melamine và hàng dệt may, đồ chơi trẻ em chứa phormadehite. Ở các nước khi có thông tin về hàng kém chất lượng, không an toàn, các cơ quan chức năng vào cuộc rất nhanh và thường thì họ đưa thông tin cảnh báo trước khi người dân phát hiện.Có người lo ngại nếu xây dựng hàng rào kỹ thuật chính hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu tác động đầu tiên chứ không phải là hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này chỉ đáng lo ngại với cơ sở làm ăn chộp giật, chạy theo lợi nhuận, còn đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính, sản xuất bền vững thì rất thuận lợi, tránh được sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng kém chất lượng. Doanh nghiệp tạo được niềm tin cho người tiêu dùng với hàng trong nước đó mới thực sự là kích cầu nội. "Đã gần hai năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn chưa có hàng rào chặt chẽ để bảo vệ hàng trong nước cũng như ngăn hàng kém chất lượng vào Việt Nam. Việt Nam đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong vòng 40 năm qua và hiện tại chúng ta có khoảng 6.000- 7.000 tiêu chuẩn quốc gia, tuy nhiên cần hiểu rằng hệ thống tiêu chuẩn đó chỉ mang tính định hướng"- Ông Thắng nói. (Tiền Phong 18/1/2010)

Sự kiện Google đóng vai trò quyết định để các nhà văn chú ý đến bản quyền

Mùa hè năm 2009, Sự kiện Google Books bị kiện ở Mỹ vì sao chép sách chưa có bản quyền và đề nghị thương lượng với các nhà văn Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng đối với việc các nhà văn chú ý đến bản quyền. Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam cũng vì thế mà được chú ý hơn dù thực tế chưa làm hết vai trò của mình. Nhiều nhà văn vốn ít quan tâm đến bản quyền cũng lục tục kéo đến để đề nghị uỷ quyền.  Tuy nhiên, bản quyền xuất bản cũng bắt đầu gặp những vấn đề gây tranh cãi. Nổi bật có 2 vấn đề lớn là khái niệm “Giấy uỷ quyền tập thể và bản quyền xuất bản qua mạng. “Giấy uỷ quyền tập thể” là thuật ngữ được dùng trong sự kiện Google Books và lúc đó do thời gian mà Google dành cho Việt Nam quá eo hẹp nên VLCC đã đề nghị Chính phủ cấp ra một giấy phép đặc biệt để tạm thời đại diện cho các tác giả trong nước thương lượng với Google. Tuy là ý tưởng tốt nhưng lại nảy sinh yếu tố giá trị pháp lý và cho đến dự án Google Books đã bị giới hạn thì VLCC cũng đã phải quên đi khái niệm “Giấy uỷ quyền tập thể”. Xuất bản qua mạng thì lại là một khái niệm vừa mới, vừa cũ. Nó đã xuất hiện ngay từ khi Internet có mặt tại Việt Nam và những vụ vi phạm bản quyền qua mạng ngày càng có quy mô ảnh hưởng lớn hơn. Trong bối cảnh đó, Nghị định 11/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 10/2/2009 đã sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2005/NĐ-CP, trong đó có quy định cụ thể về vấn đề xuất bản qua mạng. Một Hiệp hội nhằm bảo vệ quyền lợi của tác giả có tác phẩm bị sao chép là Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRO) do ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản làm trưởng ban vận động thành lập cũng đã được công nhận. Dự kiến mọi hành vi sao chụp tác phẩm bằng máy tính và công nghệ số đang lan tràn tại Việt Nam sẽ bị ngăn chặn bởi VIETRO. Gần 6 năm bước chân vào sân chơi bản quyền quốc tế, không thể nói là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sách, xuất bản tại Việt Nam là tuyệt đối thành công, nhưng ít nhất việc tôn trọng bản quyền đã đem lại những thay đổi tích cực đáng ghi nhận. (SGGP 18/1/2010)

Xu hướng đầu tư của Việt kiều trong những năm tới sẽ vẫn là bất động sản, du lịch và chuyển giao công nghệ

Theo ông Phạm Thiếu Hoa - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, xu hướng đầu tư của kiều bào trong những năm tới vẫn sẽ là bất động sản, du lịch và chuyển giao công nghệ.  Còn theo ông Lê Trường Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội các Doanh nghiệp VN tại LB Nga, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Nga đã về nước đầu tư. Họ là cổ đông chính trong một số ngân hàng lớn tại VN như Techcombank, VIBBANK v.v., hay các trung tâm thương mại như Melinh plaza, khách sạn Furama, Kim Túc, cửa sổ Eurowindow. Đầu tư của các doanh nghiệp Việt kiều còn gia tăng nhiều hơn nữa nếu họ được thông tin rộng rãi hơn về các chính sách ưu đãi đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư của các bộ ngành, cũng như của chính quyền các tỉnh thành. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch hội doanh nhân Việt kiều tại Canada, lại bày tỏ sự lo lắng, một số lượng lớn kiều hối từ Mỹ, Canada, Australia gửi về nước chủ yếu để giúp cho bà con họ hàng của họ ở trong nước, mà không có cơ sở đầu tư. Sự hỗ trợ này có thể kéo dài thêm từ 10 cho đến 20 năm, càng ngày càng giảm dần, cho đến khi thế hệ có liên hệ trực tiếp với bà con, bạn bè ở Việt Nam không còn nữa. Thế hệ con cháu của kiều bào ở hải ngoại sẽ không còn gửi tiền về Việt Nam như cha mẹ họ đã và đang làm. Ông Thành cho biết thêm, số kiều bào triệu phú ở nước ngoài không nhiều, nhưng số kiều bào có tài sản từ 500.000 USD cho đến một triệu thì khá lớn. Những người này muốn đầu tư mua nhà sinh sống ở Việt Nam hoặc mở doanh nghiệp nhỏ nhưng vẫn còn một số e ngại. Ông kiến nghị, nếu muốn thu hút đầu tư của kiều bào, cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích hơn nữa, chẳng hạn như cần có chính sách bảo đảm cho kiều bào có thể rút lại vốn đầu tư và chuyển ngược về nước sở tại nếu không còn muốn ở Việt Nam. (Tiền Phong 17/1/2010)