Bản tin nổi bật ngày 19/03/2010

Xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: không để nhà doanh nghiệp bị xét xử oan

Tại TPHCM, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo về Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước. Việc soạn thảo bộ luật này được thực hiện với sự hỗ trợ, tư vấn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Ông Ito - Cố vấn trưởng của dự án cho rằng, cần bổ sung thêm một số điểm để Luật thích nghi với thực tế cuộc sống. Theo ông, ở Nhật Bản, người bị thiệt hải phải chứng minh nhiều yếu tố bị phạm lỗi. Trong khi đó, yếu tố này ở Việt Nam ít được chú trọng. Ông Trần Văn Hai – Ban pháp chế của VCCI đề cập là các doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại rất lớn nếu người đứng đầu bị truy tố, xét xử. Khi đó, doanh nghiệp của họ sẽ có thể đứng bên bờ vực phá sản. Nếu họ bị oan thì thương hiệu doanh nghiệp cũng không còn. (Đầu Tư 19/3/2010)

Đối thoại nhân dân thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ

Chiều 16/3/2010 tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt - Mỹ và Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng với tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VAA) đã tổ chức buổi toạ đàm “Đối thoại nhân dân và quan hệ Việt - Mỹ: nhìn lại quá khứ, hướng đến tương lai”. Tại buổi toạ đàm, hai bên đã trao đổi về vai trò của ngoại giao nhân dân trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, các hoạt động nhân đạo, trao đổi văn hoá giáo dục phi chính phủ, vai trò của cựu chiến binh... (Thời Đại 18/3/2010)

CNTT và cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam - Phần Lan

Ngày 18/3/2010, Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA) và Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo (IPP) của Bộ KHCN đã tổ chức hội thảo “CNTT – cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Phần Lan và Việt Nam". Bà Merja Sjoblom – chuyên gia Trung tâm Phát triển Xã hội Thông tin (TIEKE) cho biết, Chính phủ Phần Lan đang có một số chương trình hỗ trợ cho các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam về đổi mới sáng tạo (Innovation Partnership Programs), hỗ trợ tìm kiếm đối tác, chuyển giao công nghệ... (TBKTVN 19/3/2010)

Nhật Bản đánh giá cao kiểm soát thuỷ sản của Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đoàn thanh tra của Cục Y - Dược và Thực phẩm Nhật Bản hiện đang có mặt ở Việt Nam để thanh tra về hệ thống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản (từ ngày 14-19/3/2010). Mục tiêu là nhằm đánh giá về hoạt động quản lý phân phối thuốc thú y và kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm trong các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam XK vào Nhật Bản, kiểm tra 5 nhà máy chế biến và cảng cá ở các tỉnh Phan Thiết, Bình Thuận. Tại buổi làm việc với đại diện Cục Y - Dược và Thực phẩm Nhật Bản, đại diện Cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thuỷ sản (Nafiqad) đã đề xuất hợp tác trong việc đánh giá năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm và thừa nhận kết quả kiểm nghiệm của Nafiqad, tránh kiểm tra hai lần đối với các lô hàng thuỷ sản của Việt Nam XK vào Nhật; đồng thời tiến tới ký kết thoả thuận hợp tác kiểm soát chất lượng thuỷ sản XNK giữa hai nước. Được biết, trong lần thanh tra trước tại Việt Nam, Cục Y - Dược và Thực phẩm Nhật Bản đánh giá cao công tác quản lý, kiểm tra kiểm soát về an toàn vệ sinh thuỷ sản tại các nhà máy chế biến.
Kể từ khi thực hiện Quyết định 06/2007 về áp dụng những biện pháp cấp bách kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm trong thuỷ sản XK vào Nhật Bản, tỉ lệ lô hàng của Việt Nam bị cảnh báo dư lượng kháng sinh cấm tại thị trường này đã giảm đáng kể, từ 4,6% trong 6 tháng cuối năm 2006 xuống còn 0,39% trong cả năm 2009. (Lao Động 19/3/2010)


Nuôi con bằng sữa mẹ giảm tỷ lệ tử vong

Thông tin hữu ích này được Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết trong một chương trình hội thảo Nuôi con bằng sữa mẹ vừa phối hợp tổ chức với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Công Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học đã khẳng định tính ưu việt của việc nuôi con bằng sữa mẹ qua các bằng chứng cơ sở khoa học. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm được 13% tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi, đồng nghĩa với việc cứu sống được 6 triệu trẻ chết do các bệnh nhiễm khuẩn hàng năm. (Gia đình & Xã hội 19/3/2010)

Giá thép còn tăng khi các công trình xây dựng đẩy nhanh tiến độ

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép xây dựng tháng 2/2010 đã tăng hơn 10% so với tháng 1/2010. Nguyên nhân theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA vì giá nguyên liệu đầu vào tăng và tỷ giá USD được điều chỉnh tăng. Mức giá này dự báo còn tăng tiếp khi các công trình xây dựng đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa 2010. (Đầu Tư 19/3/2010)

Xuất khẩu thuỷ sản phấn đấu 4,5 tỷ USD

Theo ông Trương Đình Hoè - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), dự báo năm 2010, Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 500.000 tấn cá tra và hơn 200.000 tấn tôm. Ngoài ra, thị trường cũng có thể mở rộng sang Đông Âu, Bắc Phi, Ấn Độ... VASEP cũng khẳng định năm 2010 ngành thuỷ sản sẽ phấn đấu xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD. (Diễn đàn Doanh nghiệp 19/3/2010)

Sửa đổi Bộ luật Lao động cần hướng tới mục tiêu hài hoà mối quan hệ

Theo ông Phùng Quang Huy – giám đốc Văn phòng Sử dụng Lao động của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ) vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện. Mục tiêu hàng đầu cần hướng tới là hài hoà mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Ban soạn thảo cần thiết kế lại chương về quy trình tranh chấp lao động. Chương này cần chú trọng tới quy định của cơ quan 3 bên. Mỗi tỉnh nên thanh lập một uỷ ban 3 bên để giải quyết tranh chấp lao động. (Diễn đàn Doanh nghiệp 19/3/2010)

Không ai bảo vệ khách hàng Việt Nam?

Vụ việc hàng loạt các hãng xe ôtô ở nhiều nước phải triệu hồi xe (recall) để khắc phục, sửa chữa thời gian gần đây, khiến người tiêu dùng tại VN đặc biệt lo ngại. Tuy nhiên, theo TS Dư Quốc Thịnh - Tổng thư ký Hội Kỹ sư Ô tô Việt Nam (VSAE), chỉ trừ một số hãng xe sản xuất ở VN có vốn góp của Cty mẹ thì Cty mẹ có nghĩa vụ chính thức, còn các doanh nghiệp XNK ôtô đa phần đều không phải là đại lý chính thức của nhà sản xuất. Vì vậy, nhiều DN thường lẩn tránh trách nhiệm, lờ đi việc bồi thường cho khách hàng nếu có thiệt hại. Thêm vào đó, quy định đối với việc NK xe chưa chặt chẽ, phải có quy định buộc nhà NK công bố tình trạng xe để người sử dụng biết và đòi quyền lợi. Hoặc, đối với những mẫu xe đang có sự cố kỹ thuật thì phải quy định nhà NK không được NK vào VN. Nếu vẫn NK thì nhà NK phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Trên thực tế, hiện không có cơ quan nào giám sát việc này. Nhà NK cũng không công khai tình trạng xe và nên khi xảy ra sự cố kỹ thuật, người tiêu dùng cũng không nhận được sự trợ giúp. (Lao Động 19/3/2010)

“Hàng hiệu” Việt Nam trên thị trường vẫn là bài toàn khó

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, với dân số gần 90 triệu người, và là một nước có dân số trẻ, xu hướng tiêu dùng cũng đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây. Việc các DN đầu tư thiết bị, công nghệ và nhân lực để đưa ra thị trường các sản phẩm cao cấp thể hiện tư duy nhạy bén và tuy nhiên để tạo dựng được vị thế vững chắc cho “hàng hiệu” VN trên thị trường vẫn là bài toán khó. Cần có thời gian kiểm chứng và sự đầu tư nhiều hơn nữa của các DN. Bởi hàng hiệu không chỉ thuần túy là quảng bá rùm beng hay giá thật cao, bán thật đắt? mà đòi hỏi có một chiến lược rõ ràng vừa tránh đối đầu trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài vừa đưa ra được các sản phẩm chất lượng cao giá hợp lý và  phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt. Dẫu sao đây cũng là một hướng đi cần được khuyến khích nhằm nâng cao giá trị cho hàng Việt không chỉ ở trong nước mà còn hướng tới chinh phục thị trường thế giới (Diễn đàn Doanh nghiệp 19/3/2010)

Giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh là sự bổ sung, hỗ trợ, thúc  đẩy, tôn vinh tri thức Việt

Theo GS Chu Hảo – Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh, kể từ năm nay, Giải thưởng VHPCT sẽ được tổ chức trọng thể vào ngày 24-3 - ngày giỗ của nhà yêu nước, nhà văn hóa lớn Phan Châu Trinh. Tất cả những thay đổi trên của Quỹ VHPCT nhằm xây dựng một hệ thống giải thưởng uy tín, cổ vũ trí thức Việt trong hành trình cách tân văn hóa. Theo quy chế xét giải, người được đề cử buộc phải có một người giới thiệu là thành viên Hội đồng khoa học hoặc người từng được Giải thưởng VHPCT. Sau khi giới thiệu, Ban thư ký của Hội đồng khoa học mới thu thập tài liệu, làm lý lịch khoa học của người được đề cử, kèm ý kiến nhận xét của hai phản biện độc lập. Cuối cùng là quyết định của Chủ tịch quỹ. Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh là sự bổ sung, hỗ trợ, cùng thúc đẩy, tôn vinh trí thức Việt. Nó góp phần không nhỏ cùng với các cơ quan nhà nước tìm kiếm, cổ vũ kịp thời những tài năng, tâm huyết trong một số lĩnh vực nhất định. Dự định tới đây, Quỹ sẽ đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền để tìm kiếm nguồn kinh phí ổn định hơn. Thực tế, mỗi năm chỉ cần có 3 tỷ đồng, chúng tôi sẽ vừa đào tạo dịch giả, vừa xuất bản khoảng 50 cuốn. 10 năm sẽ có khoảng 500 cuốn - vốn sách kinh điển tối thiểu cần thiết cho nước nhà. (Hà Nội mới 19/3/2010)