Bản tin nổi bật ngày 22/02/2010

Phụ nữ Việt Nam trong di sản văn hoá dân tộc

Chiều 21/2/2010 tại Huế, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phụ nữ Việt Nam trong di sản văn hoá dân tộc”. Tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu rõ, phụ nữ Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ dựng nước, giữ nước và làm cho đất nước ngày càng phồn vinh. Từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống lại các thế lực xâm lược đến sự hy sinh quyền lợi riêng tư của Công chúa Huyền Trân để góp phần mở mang bờ cõi nước Đại Việt, người phụ nữ Việt Nam tiếp tục góp phần phát huy truyền thống góp sức không nhỏ vào đấu tranh độc lập của Tổ quốc. Phó Chủ tịch nước đề nghị các nhà khoa học cần phát hiện, nghiên cứu những vấn đề mới, những phẩm chất quý báu của người phụ nữ Việt Nam. Từ đó có những công trình nghiên cứu khẳng định vai trò của phụ nữ để tôn vinh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ trước để xây dựng đất nước. (SGGP 22/2/2010)

Sẵn sàng mua lúa của dân

Theo ông Trương Thanh Phong - chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Thủ tướng Chính phủ và VFA đã chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị vốn, kho bãi để sẵn sàng thu mua lúa tồn cho nông dân. Vụ đông xuân này các tỉnh phía Nam gieo sạ hơn 1,6 triệu ha, với năng suất trung bình khoảng 6,5 tấn/ha thì trong vòng một tháng tới sẽ có hơn 10 triệu tấn lúa (tương đương 5 triệu tấn gạo) cần tiêu thụ. Cũng theo ông Phong, nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới năm 2010 sẽ tăng cao hơn năm 2009. Tuy nhiên do hiện nay các khách hàng trả giá thấp hơn mức 440 USD/tấn gạo 5% tấm nên Việt Nam không bán. “Từ quý 2-2010 trở đi thị trường xuất khẩu gạo mới sôi động trở lại. VFA chủ trương vừa bán gạo theo các hợp đồng đã ký, vừa thu mua lúa gạo dự trữ chờ khi nào có giá tốt mới bán, không có gì phải vội” - ông Phong nói. Trong những ngày qua, thị trường lúa gạo ở ĐBSCL có vẻ yên ắng do phần lớn các nhà máy xay xát và doanh nghiệp xuất khẩu còn nghỉ tết. Ngày 21-2 giá lúa gạo đồng loạt giảm 200 đồng/kg, giá lúa còn 4.200-4.400 đồng/kg, gạo lứt còn 5.800-5.900 đồng/kg nhưng tiêu thụ chậm. (Tuổi Trẻ 22/202010)

Để Hội hoa Xuân không chỉ là nơi thưởng ngoạn

Nhân bế mạc Hội hoa Xuân TPHCM 2010, ông Trần Thiện Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TPHCM cho biết, Hội hoa Xuân TPHCM 2010 đã thu hút khoảng 700.000 lượt khách tham quan, tăng 20% so với năm 2009. Tuy nhiên, kỳ vọng của Ban tổ chức và các thành viên tham gia là Hội hoa Xuân không chỉ là nơi thưởng ngoạn mà còn phải là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân. Tại Hội hoa Xuân năm nay, lần đầu tiên Ban tổ chức đã mời một nghệ nhân người Nhật là ông Hino Satoki với 50 năm kinh nghiệm đến chia sẻ với các nghệ nhân Việt Nam. (SGGP 21/2/2010)

Thêm 13 dây chuyền xi măng đi vào hoạt động

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2010 có thêm 13 dây chuyền sản xuất xi măng đi vào hoạt động với công suất thiết kế khoảng 11,7 triệu tấn, nâng tổng công suất thiết kế toàn ngành lên gần 70 triệu tấn. Với nhu cầu dự báo tăng 10 – 15% năm nay, tương ứng với 48 – 50 triệu tấn, khả năng dư thừa xi măng trong những năm tới là rất lớn. (Gia đình & Xã hội 22/2/2010)

Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản khô sang 50 nước

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thủy sản khô đã ký nhiều hợp đồng với giá trị tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Năm 2009, các doanh nghiệp xuất khẩu gần 43.000 tấn thủy sản khô, trị giá trên 160 triệu USD, tăng 31,2% về lượng và tăng 9,9% về giá trị so với năm 2008. Mặt hàng thủy sản khô của Việt Nam đã xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới với các thị trường chính là Hàn Quốc, các nước ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản (chiếm 73,1% thị phần xuất khẩu). Trong đó, riêng thị trường Hàn Quốc đạt gần 60 triệu đôla, tăng 70,8%. Theo đánh giá của VASEP, năm 2009 dù nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn nhưng mặt hàng thủy sản khô lại thuận lợi và tăng trưởng mạnh. (Pháp luật TPHCM 20/2/2010)

Thanh Hoá: Quỹ Khuyến học Doãn Tới trao 670 học bổng

Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hoá và Quỹ Khuyến học Doãn Tới vừa tổ chức trao 670 học bổng cho HSSV nghèo. Các học bổng trị giá 1,5 triệu đồng/suất. Quỹ Khuyến học Doãn Tới được thành lập vào tháng 5/2008 với tổng số tiền 1 triệu USD, do ông Doãn Tới -  Tổng Giám đốc Công ty Nam Việt, tỉnh An Giang trao tặng. (Pháp luật TPHCM 22/2/2010)

Giá cao sau Tết là do lệ cũ

Tăng giá trước và sau Tết đã trở thành lệ khó bỏ. Theo đó, các loại thực phẩm tươi sống, hàng ăn uống, dịch vụ có mức tăng chóng mặt. Bất chấp việc tăng giá, sức mua vẫn tăng cao dù nhiều bà nội trợ đã tính đến phương án chi tiêu thông minh nhất. Ông Đỗ Gia Phan - Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dung Việt Nam cho rằng: Giá cao là do lệ cũ. Lệ tăng giá trước và sau Tết. Trong thời điểm giá cao chi tiêu cần tính toán một chút, vừa tiết kiệm vừa đảm bảo bữa ăn ngon cho gia đình, không thể ào ào như lúc giá bình thường. (Gia đình & Xã hội 22/2/2010)

Ăn trứng gà nướng có thể bị ngộ độc nếu không đảm bảo vệ sinh

Gần đây, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có một số người đẩy xe bán trứng gà nướng Sài Gòn. Những quả trứng ăn vào có vị bùi đang là món nhâm nhi ưa chuộng của người dân phố núi. Theo nhiều người dân phố núi, món trứng gà nướng này có nguồn gốc từ Sài Gòn như tên gọi của nó, giá 4.000 đồng/quả. Trứng gà nướng Sài Gòn đã được bán tại TP.HCM từ gần hai năm qua dưới cái tên trứng gà nướng Thái Lan được ăn với nước mắm hoặc muối tiêu. Dù gọi là trứng gà nướng Thái Lan nhưng đó chỉ là trứng gà VN được nướng theo kiểu món ăn người Thái. Xung quanh món khoái khẩu này, thay mặt Hội KHKT An toàn Thực phẩm Việt Nam, bác sĩ Trần Văn Ký cho biết ở vỏ trứng gà luôn chứa nhiều loại vi khuẩn do trứng thường bị dính phân gà. Trong các loại vi khuẩn có ở phân gà, có một loại vi khuẩn rất phổ biến là Salmonella. Loại vi khuẩn này chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 80-1000C. Nếu trong quá trình lấy lòng trứng ra khỏi vỏ mà vỏ quả trứng không được rửa sạch thì vi khuẩn Salmonella và nhiều loại vi khuẩn khác có thể dính vào lòng trứng. Vi khuẩn Salmonella nằm ở vùng giữa quả trứng được nướng cũng có thể không chết do nhiệt độ chưa tới 800C. Nếu ăn phải quả trứng có vi khuẩn còn sống thì người ăn có thể bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí tiêu chảy... Người tiêu dùng cần lưu ý ngoài việc cho các gia vị mà ta thấy được, có thể người chế biến còn cho thêm những chất không được phép dùng trong thực phẩm mà ta không biết được để làm người ăn có cảm giác bùi, ngọt, thơm ngon... (Tuổi Trẻ 21/2/2010)

Sẽ thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Viễn thông  Việt Nam

Bộ TTTT cho biết, Bộ đã giao các vụ Tổ chức cán bộ, Viễn thông chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hoàn thành thủ tục thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam và ra mắt vào quý II/2010. Liên quan đến vấn đề quản lý kho số, Bộ đang xây dựng phương án kéo dài đuôi số, tiết kiệm đầu số để giữ thương hiệu của các doanh nghiệp. Thanh tra Bộ sẽ kiểm tra các đại lý cung cấp thẻ, sim trả trước và hoạt động khuyến mãi của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, từ đó có biện pháp chấn chỉnh các vi phạm và đề xuất chế tài xử phạt phù hợp với thực tế. (Hà Nội mới 22/2/2010)

Hội Ca sĩ Việt Nam sẽ ra đời trong tháng 5/2010

Theo NSND Thanh Hoa, hiện đa phần ca sĩ không ở đoàn thể nào cả. Các đoàn chuyên nghiệp không quản lý được ca sĩ. Đó cũng không phải là đất rộng để thực hiện khát vọng nghệ thuật lớn.

Gần như mọi người không lường được, ca sĩ có tầm ảnh hưởng xã hội rất lớn - nhất là với lớp trẻ về nhiều mặt: Phong cách sống, ngôn từ, ý thức. Vì thế cần có một đơn vị quản lý để giúp các em hiểu được trách nhiệm của nghệ sĩ. Không phải chỉ chờ đợi ở tiếng hoan hô và tiền, họ phải biết chia sẻ, cộng hưởng với xã hội họ đang sống; Biết thấm những nỗi vất vả đau khổ nghèo khó của cộng đồng thì mới trân trọng tiếng hoan hô của khán giả dành cho mình. Dự kiến, tháng 5/2010 sẽ chính thức ra đời Hội Ca sĩ Việt Nam. (Tiền Phong 22/2/2010)

Hoa Đạt Lạt hiện mới chỉ là sản phẩm phụ trợ của du lịch

Theo ông Trương Trổ - Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Lâm Đồng, có rất nhiều người yêu thích hoa Đà Lạt song họ đến Đà Lạt cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Trong các tour du lịch đến Đà Lạt đều có sự dự phần của hoa nhưng hoa mới chỉ là sản phẩm phụ trợ và giá trị mà nó mang lại cũng chưa rõ ràng. (Thanh niên 22/2/2010)

Lễ hội cũng cần phải thay đổi theo hướng tiến bộ

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước mỗi năm có đến hàng vạn lễ hội. Phần lớn lễ hội bắt nguồn trong nếp sống của xã hội nông nghiệp. Khi xã hội còn là hàng vạn làng xã, hàng vạn lễ hội đã diễn ra phù hợp với tâm thức đó, thỏa mãn nhu cầu cả tâm linh lẫn giải trí cho cư dân làng xã đó, khách thập phương nghe tiếng thì ghé chơi. Nhưng xã hội hiện đại đã và đang phát triển theo một phương thức và tốc độ hoàn toàn khác. Và lễ hội cũng cần phải thay đổi theo hướng tiến bộ. Việc phục hồi hàng loạt lễ hội trong hơn 10 năm gần đây có nhiều lý do chính đáng và có nhiều mặt tốt, nhưng thật sự vẫn còn một số lễ hội và các phong tục cũ được phục hồi không còn phù hợp với nhịp sống, với tinh thần thời đại, thậm chí bảo thủ, nặng màu sắc mê tín dị đoan, gây lãng phí, tốn kém tài sản cá nhân và của cải vật chất xã hội. Thiết nghĩ các nhà hoạch định chính sách và các nhà văn hóa cần có những quyết sách và tiếng nói kịp thời để định hướng cho lễ hội phát triển. (Tuổi Trẻ 21/2/2010)

Đất nước cần những người quản lý, lãnh đạo 4 tốt

Theo ông Vũ Oanh – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Danh dự Hội Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khoẻ Cộng đồng Việt Nam, đất nước cần những người quản lý lãnh đạo 4 tốt có bản lĩnh sáng tạo vận dụng tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng con người Việt Nam hiện đại làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cụ thể của 4 tốt đó là: Sức khoẻ tốt; Học tốt; Làm tốt và Sống tốt. (Lao Động 22/2/2010)

Khoa học công nghệ Việt Nam nếu không có thay đổi cơ bản thì không thể tăng trưởng cao

Theo GS TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, năm 2010 khi mức tăng trưởng được Quốc hội đề ra thấp hơn so với các năm trước, chỉ khoảng 6,5% trong khi tổng đầu tư xã hội vẫn ở mức 41% GDP, thách thức lớn nhất với điều hành và cuộc sống người dân sẽ vẫn là đầu tư nóng và tái lạm phát cao. Thách thức thứ hai, giữa kiềm chế tín dụng như thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói ở mức 25% và tăng trưởng năm 2010 sẽ khó vì như thế vốn sẽ bị hạn chế và lãi suất đã ở mức khá cao rồi, doanh nghiệp sẽ phải vay vốn đắt đỏ hơn. Vấn đề tỉ giá cũng gây khó khăn. Từ năm 2009 đến nay Việt Nam đã phá giá tiền đồng gần 20%, nhưng hiện vẫn có hai tỉ giá. Nếu không có chính sách nhất quán về tỉ giá hối đoái mà cứ làm nhất thời, thi thoảng có một cú sốc thì sẽ khó khăn chung cho tất cả. Qua khủng hoảng, tất cả các nước đều phải tái cơ cấu và cơ hội của VN sẽ nằm nhiều trong tái cơ cấu, cải cách. Ông cho rằng chúng ta tăng trưởng nhưng chưa làm cho mình giàu đến mức cần thiết. Lý do bởi ta cơ cấu không kịp thời nên hiệu quả thấp. Khoa học công nghệ của Việt Nam nếu không có thay đổi cơ bản thì không thể có tăng trưởng chất lượng cao. Nếu không có thay đổi về đào tạo để có nhân lực cao mà chỉ tận dụng lao động giá rẻ thì khó giàu được. Thứ ba là cải cách thể chế. Vào WTO chúng ta mong cải cách thể chế một cách căn bản. Không chỉ cải cách hành chính mà phải rộng hơn. Năm 2010 sẽ là năm nhiều thách thức và nhiều cơ hội cho các nhà quản lý trổ tài để biến thách thức thành cơ hội của dân, cho doanh nghiệp. (Tuổi Trẻ 22/2/2010)

Cần xây dựng khung pháp lý cho thị trường logistics

Theo cam kết tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau 5- 7 năm được kết nạp thì Việt Nam phải cho nước ngoài tham gia thị trường logistics (Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao) với hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm này Việt Nam vẫn chưa có nghị định hướng dẫn về điều kiện kinh doanh logistics. Ông Trần Huy Hiền - Tổng thư ký Hiệp hội Kho vận Việt Nam (VIFFAS) cho rằng, đã đến lúc phải chuẩn hoá quy trình dịch vụ logistics. Khung pháp lý này cần đảm bảo tính thống nhất, thông thoáng để tạo lập một thị trường minh bạch. Theo đó, phải cải các khâu thủ tục quản lý hành chính nhà nước mà dịch vụ này phải trải qua. Cụ thể là cải tiến quy trình thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, thủ tục về thuế và kiểm định… (TBKTVN 22/2/2010)

Thế giới còn biết đến quá ít về mỹ thuật Việt Nam

Theo hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, có thể khẳng định nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam là một trong vài nước khá của khu vực, ở châu lục chúng ta còn khiêm tốn, còn thế giới thì biết quá ít về chúng ta. Nhưng có một thực tế, bức tranh mỹ thuật thế giới từ năm 1950 đến nay, ở nhiều quốc gia có nền mỹ thuật nổi tiếng cũng khó có thể kể ra tên tuổi những họa sĩ nào thật xuất sắc... Điều này phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân và yếu tố, tựu chung sự sáng tạo không phải bao giờ và lúc nào cũng tỏa sáng một cách rực rỡ. Hiện nay, đời sống đang theo quy luật của kinh tế thị trường thì ắt sẽ có những người đáp ứng tiêu chí của kinh tế thị trường, không riêng gì lĩnh vực mỹ thuật. Đây là điều bình thường, nhưng cũng phải thấy rằng thời gian này là cơ hội vô cùng thuận lợi cho sức sáng tạo, sự sáng tạo của mỹ thuật Việt Nam. Chúng ta biết thế giới đang đi đến đâu, chúng ta đang ở đâu; qua đó bản thân người nghệ sĩ phải tự mình vượt lên chính mình để có những tác phẩm xuất sắc. Hiện nay đa số họa sĩ hoạt động độc lập, nghệ sĩ công chức giảm đi rất nhiều; đó chẳng phải điều kiện rất tốt cho sự sáng tạo vốn mang tính độc lập của mỹ thuật đó sao? Không sáng tạo thì anh không có gì hết. Không ai có thể làm thay thiên chức của nghệ sĩ. Ông cũng đề cập, đối với một quốc gia thì bảo tàng mỹ thuật là một trong những nơi thể hiện văn hóa của quốc gia đó. Bảo tàng mỹ thuật là nơi lưu giữ những tác phẩm xuất sắc, giúp người dân tìm hiểu và nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật, thẩm mỹ... Ở ta, hệ thống nhà văn hóa đến tận xã, phường; nhưng như báo chí phản ánh, nhà văn hóa không phát huy được tác dụng, thậm chí bị biến tướng, bỏ hoang. Trong khi ấy bảo tàng mỹ thuật hay một số bảo tàng nghệ thuật khác hầu như quá thiếu. Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia tôi cho rằng đang khoác chiếc áo quá chật, nên tách ra thành các bảo tàng theo chủ đề lớn: bảo tàng mỹ thuật Việt Nam hiện đại, bảo tàng mỹ thuật ứng dụng và truyền thống, bảo tàng mỹ thuật thế giới. Ở một số quốc gia người ta dành hẳn cung điện của nhà vua hay những tòa lâu đài sang trọng... để làm bảo tàng hội họa; điều này chứng tỏ giá trị của mỹ thuật đối với văn hóa dân tộc có ảnh hưởng rất lớn và không thể thay thế. Sở hữu những tác phẩm mỹ thuật là sở hữu tài sản nhiều khi vô giá của quốc gia, quốc tế. Vậy nên, một hệ thống bảo tàng mỹ thuật của Việt Nam hội tụ và lưu giữ được các tác phẩm mỹ thuật xuất sắc của người Việt Nam là mong mỏi không chỉ của riêng những nghệ sĩ sáng tạo trong mỹ thuật. Thật đáng buồn nếu các thế hệ sau này phải đi mua lại các kiệt tác hội họa do người Việt Nam sáng tạo, đang được lưu giữ ở đâu đó trên thế giới... (SGGP 21/2/2010)