Bản tin nổi bật ngày 26/02/2010

Hiệp hội Lương thực mua 1 triệu tấn gạo giúp dân

Tại cuộc họp báo hôm qua (25.2), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, Châu Phi không chịu mua mà chờ lúa đông xuân - vụ chính của Việt Nam - vào vụ thu hoạch rộ để giá xuống. Ngay từ tháng 3, VFA sẽ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để giải cứu tình thế. Theo VFA, ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân, nhưng giá lúa đang tụt dốc nhanh chóng. Giá mua tại kho lúa khô đạt chất lượng xuất khẩu hiện chỉ 4.300- 4.400 đồng/kg, nhưng giá bán nông dân tại ruộng chỉ ở mức 4.200 đồng/kg, giảm gần cả 1.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Cá biệt có nhiều địa phương, giá tụt chỉ còn 4.000 đến 4.100 đồng/kg như vùng Tứ giác Long Xuyên. Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch VFA cho hay, trong bối cảnh trên, tình hình xuất gạo lại có dấu hiệu u ám, khiến ngay cả DN và nhà quản lý cũng... chung xuồng với nông dân. Châu Phi là thị trường xuất khẩu chiếm gần 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu (gần 2 triệu tấn) của Việt Nam dù có nhu cầu lớn, nhưng lại im lìm nhằm chờ giá gạo Việt Nam xuống thấp khi vụ đông xuân thu hoạch rộ, nông dân buộc phải bán ra ồ ạt với giá hạ vì áp lực nợ ngân hàng và các Cty bán trước phân bón, thuốc BVTV... Còn Philippines hiện chưa đưa ra tiêu chuẩn cho đợt đấu thầu 600.000 tấn gạo sẽ mở thầu vào tháng 3.2010. Iraq chưa công bố Việt Nam (Tổng Cty Lương thực Miền Bắc tham gia đấu thầu) có trúng gói thầu 120.000 tấn đã đấu trước đó hay không. Trước mắt, để tránh việc làm mất giá trị gạo Việt Nam sau này, VFA sẽ kiên quyết không hạ giá gạo xuất khẩu xuống (hiện gạo Việt Nam đang được chào giá 440USD/tấn loại 5% tấm, vẫn thấp hơn Thái Lan gần 100 USD/tấn). VFA cũng quyết định kể từ nay những DN nào bán phá giá sẽ đề nghị ngành chức năng cấm xuất khẩu. (Lao Động 26/2/2010)

Việt Nam đăng cai cuộc thi khoa học công nghệ trẻ quốc tế

Cuộc thi - triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ (KHCN) trẻ lần thứ 7 sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào cuối năm 2010. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ là Chủ tịch danh dự của Hội đồng chỉ đạo quốc gia cuộc thi - triển lãm này. Đây được xem là một hoạt động lớn mà các đơn vị tham gia tổ chức tại Việt Nam bao gồm Liên hiệp các Hội KH và KT VN; Bộ KHCN; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an; Bộ Y tế; Bộ VHTT và Du lịch; UBND Thành phố Hà Nội; TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Đài Truyền hình Việt Nam để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự kiến cuộc thi sẽ có khoảng 30 - 40 nước trên toàn thế giới tham dự với khoảng 1.500 người tham gia. Các em thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 06-19 sẽ là đối tượng tham gia cuộc thi này. Các lĩnh vực dự thi bao gồm: Đồ dùng dành cho học tập; Phần mềm tin học; Đồ chơi trẻ em và đồ dùng phục vụ vui chơi giải trí; Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; Tiết kiệm năng lượng. Mô hình sản phẩm dự thi được làm từ các nguyên vật liệu sẵn có trong nước, khuyến khích sử dụng các phế liệu trong sinh hoạt gia đình, học tập, trường lớp. Các mô hình phải đạt tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng vào thực tiễn. Danh sách các đề tài tham dự phải được gửi tới cho cơ quan thường trực cuộc thi (Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, 53 Nguyễn Du, Hà Nội) trước ngày khai mạc 3 tháng.  (VnMedia 25/2/2010)

Tuấn lễ quốc gia Phụ nữ Việt Nam sắp được tổ chức

Từ 3 – 8/3/2010 tại Hà Nội, TPHCM và một số địa phương, Hội LHPN Việt Nam cùng Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các bộ ngành, địa phương sẽ tổ chức Tuần lễ quốc gia Phụ nữ Việt Nam 2010. Bà Trần Thị Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết, sự kiện này sẽ có nhiều hoạt động mà điển hình là hội thảo “Nữ trí thức Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, lễ kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ và trao cúp Bông hồng Vàng 2010. Ban tổ chức sẽ trao cúp này cho 100 nữ doanh nhân tiêu biểu trong toàn quốc. Cùng với việc đó, Ban tổ chức cũng ghi nhận và tôn vinh các vị nữ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ, tặng hoa cho các nữ bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương. (Diễn đàn Doanh nghiệp 26/2/2010)

Đà Nẵng: Mừng thọ 80 tuổi nhà thơ Lưu Trùng Dương

Lễ mừng thọ 80 tuổi cho nhà thơ Lưu Trùng Dương đã được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng tổ chức ngày 25/2/2010. Ông tên thật là Lưu Quang Lũy, sinh năm 1930 tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, tham gia kháng chiến từ năm 1947 và có hơn 60 năm cống hiến cho nền văn học VN, là một trong những người tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957 và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong giới văn nghệ khu V và cả nước. Anh trai ông là soạn giả Lưu Quang Thuận và cháu ruột ông là nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Trong rất nhiều tác phẩm tên tuổi của ông, nổi bật nhất là những tác phẩm thơ ca ra đời trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như Tập thơ của người lính (1949), Những người đáng yêu nhất (1960), Nỗi nhớ màu xanh (1975), Trên đỉnh Núi Thành ta hát (1979), Thơ tặng anh bộ đội Cụ Hồ (1990)... Với những tác phẩm đó, Lưu Trùng Dương được bạn đọc tôn vinh là “nhà thơ, nhà văn của nhân dân, của anh bộ đội Cụ Hồ”. Nhiều tác phẩm của ông đã được trao tặng các giải thưởng văn học có giá trị. Là một trí thức đi kháng chiến, nhà thơ Lưu Trùng Dương đã tạo ra một con đường riêng độc đáo trong sáng tác nghệ thuật. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, khó kể ra được người thứ hai như nhà thơ Lưu Trùng Dương trên văn đàn Việt Nam. (Người Lao Động 26/2/2010)

Thành lập Hội in TP.HCM

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định cho phép thành lập Hội In thành phố. Hội In thành phố là tổ chức quần chúng tự nguyện của các cá nhân và tổ chức làm ngành in nhằm tập hợp, đoàn kết hỗ trợ nhau phát triển ngành in thành phố theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hội in TP chịu sự quản lý của Sở Thông tin và Truyền thông. Hội In thành phố có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại ngân hàng Nhà nước. Biên chế, kinh phí hoạt động, trụ sở và phương tiện làm việc của Hội In thành phố do Hội tự lo liệu. Hội In thành phố hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội sau khi được Đại hội hội viên thông qua và được UBND TP quyết định phê duyệt. (ICT News 25/2/2010)

Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ chuẩn bị ra mắt

Theo ông Nguyễn Văn Dược – Phó trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ, đến nay các thủ tục pháp lý và công tác chuẩn bị thành lập Hiệp hội đã hoàn thành về cơ bản và dự kiến Đại hội thành lập sẽ được tổ chức trong tháng 3/2010. Đến thời điểm hiện tại, đã có 75 cá nhân và 45 tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia. (Đầu Tư 26/2/2010)

Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sắp họp đại hội

Vào ngày 13/3/2010 tại Hanoi Tower Center, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) sẽ tổ chức đại hội II để bầu Ban chấp hành mới và thảo luận về các chính sách cần thiết trong thời kỳ mới. Theo thông báo của Ban tổ chức, các doanh nghiệp chưa phải là thành viên của Hiệp hội cũng có thể đăng ký tham dự với Văn phòng VAFIE tại 65 Văn Miếu, Hà Nội. Tel: 04.38437925, Fax: 04.38232786, Email: hhdndtnn@fpt.vn hoặc vafie@hn.vnn.vn. Chủ tịch đương nhiệm của VAFIE là GS TS Nguyễn Mại – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư. (Đầu Tư 26/2/2010)

TPHCM: Tổng lãnh sự Indonesia tặng nạn nhân chất độc da cam 100 xe lăn

Sáng 25/2/2010, ông Dalton Sembiring - quyền Tổng lãnh sự Indonesia tại TPHCM cùng đại diện cộng đồng người Indonesia đang sinh sống và làm việc tại TPHCM đã đến trụ sở Hội Nạn nhân Chất độc Da cam TPHCM để trao tặng 100 chiếc xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam. (SGGP 26/2/2010)

Giá cà phê xuất khẩu thấp nhất kể từ năm 2008 

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu thu mua trong nước đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2008, chỉ 22 triệu đồng/tấn, giá giao dịch tại sàn Life (London) 1.250 USD/tấn, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2009. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang đứng trước những khó khăn do xuất khẩu theo phương thức trừ lùi, ký hợp đồng giao hàng với thời gian dài. Trước tình hình này, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai phương thức hỗ trợ bằng cách thu mua cà phê tạm trữ để giữ giá, đồng thời cho doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn thu mua. (Hà Nội mới 26/2/2010)

Thép buộc phải tăng giá vì tỷ giá ngoại tệ

Theo ông Đinh Huy Tam - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, tỉ giá tiền đồng/USD tăng cao tác động rất lớn tới ngành thép khi phần lớn nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay, 50% phôi thép, 60%-70% thép phế liệu, nguyên liệu điện cực, vật liệu chịu lửa… đều phải nhập từ nước ngoài. Ngoài ra, phần lớn thép sản xuất đều tiêu thụ ở thị trường nội địa thu bằng tiền VND, trong khi đó mua nguyên liệu bằng USD thì thiệt hại cho DN càng lớn. Trước mắt, hiệp hội đang lấy ý kiến DN xem mức độ thiệt hại đến đâu, cũng như kêu gọi DN tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, cùng một lúc nhiều thứ tăng dồn dập như giá điện, than, tín dụng ngân hàng, cộng với tỉ giá đồng USD tăng thì buộc DN thép phải tăng giá bán để bù đắp chi phí. (Pháp luật TPHCM 26/2/2010)

Điện Biên: Nông dân dạy nghề trồng ngô cho nhau đã trở thành một phong trào có kết quả tốt

Tại tỉnh Điện Biên, việc nông dân dạy nghề trồng ngô cho nhau đã trở thành một phong trào sâu rộng và thu được nhiều kết quả tích cực. Đây là hoạt động của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và dự án ADDA (Đan Mạch). Đến nay đã có 540 nông dân tự nguyện đứng ra với 30 nhóm phát triển cộng đồng và có ít nhất gần 3.000 nông dân được hưởng lợi. Nhờ vậy mà năng suất ngô đã tăng từ 30 tạ/ha lên 42 – 45 tạ/ha. Với 3.800 ha trồng ngô và nhờ biết khai thác thông tin qua Internet, mỗi năm nông dân toàn tỉnh thu được giá trị hàng trăm tỷ đồng. Mức thu lợi trung bình khoảng 5 triệu đồng/ha. (TBKTVN 26/2/2010)

Ngành xăng dầu cần có giải thích thoả đáng về giá cả

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, ngành vận tải rất muốn ngành xăng dầu phải giải thích thoả đáng vì sao giá dầu thế giới ở mức 140 USD/thùng năm 2008 thì xăng bán giá 19.000 đồng/lít. Còn nay, giá dầu chỉ khoảng 80 USD/thùng thì giá xăng vẫn bán xấp xỉ 17.000 đồng/lít. Việc để một doanh nghiệp như Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm tới 60% thị phần là độc quyền và Chính phủ cần sớm xoá bỏ độc quyền này. Ông cũng đề cập về tình trạng phát sinh quá nhiều trạm thu phí và cho rằng Chính phủ cần rà soát lại để điều chỉnh cho hợp lý. Bên cạnh đó là tình trạng phát sinh những chi phí ngoài luồng và đôi khi nó lớn gấp nhiều lần những chi phí chính thức mà doanh nghiệp và lái xe phải bỏ ra. Trong một phát biểu khác, ông đề cập một thực tế về việc cần thiết phải có Quỹ Bình ổn giá Xăng dầu để có thể điều tiết nếu thị trường biến động. Điều đáng tiếc là việc trích thu phí đã thực hiện nhưng đến nay Quỹ này vẫn chưa đi vào hoạt động. (Diễn đàn Doanh nghiệp, Đầu Tư 26/2/2010)

Viện Nghiên cứu Công nghệ Gốm sứ ra đời là vì lợi ích chung của toàn ngành

Mới đây, Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam đã cho ra mắt Viện Nghiên cứu Công nghệ Gốm sứ. Với tư cách là nhà đầu tư thành lập Viện, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime Group cho biết, hơn 74 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội hầu như chưa có sự phối hợp  trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ. Và nếu tự làm thì chi phí sẽ rất cao mà hiệu quả mang lại không tương xứng, không tận dụng được nguồn chất xám trong nước. Vì thế, Hiệp hội và Prime Group quyết định phải đầu tư ra Viện nghiên cứu này. (Đầu Tư 26/2/2010)

Mục tiêu 30 tỷ quyền tác giả âm nhạc 2010 là trong tầm tay

Gần 8 năm, thu được 55 tỉ đồng tiền tác quyền là con số chưa phải lớn so với những gì thực tế giới nhạc sĩ sáng tác được hưởng nhưng đó cũng là con số không nhỏ so với trước đây - gần như mất trắng. Nhìn con số thu tác quyền âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) năm 2009 lên đến 23,3 tỉ đồng (trong đó có khoảng 10%-15% là tiền tác quyền của các tác giả âm nhạc quốc tế) mới thấy việc thực thi quyền tác giả âm nhạc tại VN ngày càng khả thi. Mục tiêu 30 tỉ đồng mà VCPMC đặt ra trong năm 2010 là việc trong tầm tay.  Tính đến nay, có khoảng 1.602 tác giả ủy quyền cho VCPMC thu hộ tiền tác quyền. Theo kế hoạch của VCPMC, trong năm 2010, thu nhập của nhạc sĩ từ tiền tác quyền chắc chắn sẽ tăng cao hơn năm 2009. Điều này được khẳng định bằng  hàng loạt kế hoạch thu tác quyền một cách triệt để ở diện rộng (không chỉ ở lĩnh vực biểu diễn, đài phát thanh truyền hình  mà còn ở lĩnh vực băng đĩa, karaoke file midi (các đơn vị sản xuất karaoke), các điểm kinh doanh, dịch vụ karaoke, nhà hàng, khách sạn, quán bar, siêu thị và đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc trên internet; không chỉ ở TP mà còn ở các tỉnh, thành). Và quan trọng nhất, trong năm nay (năm cuối cùng của mục tiêu 2007-2010), việc thu tiền tác quyền không chỉ dừng lại ở đề nghị mà còn có sự trợ giúp từ các cơ quan thực thi pháp luật. Hiện nay, VCPMC đã hoàn tất hồ sơ, đồng thời ủy quyền cho Văn phòng luật sư Lê Quang Vy tiến hành khởi kiện những đơn vị, cá nhân từ chối hợp tác trong việc đóng tiền tác quyền. Theo ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam, những đơn vị, tổ chức, nằm trong danh sách kiện lần này là  các kênh truyền hình cáp, một vài đài phát thanh truyền hình tỉnh, các tụ điểm kinh doanh karaoke... (Người Lao Động 26/2/2010)

“Tầm nhìn 2010” của Hội Văn nghệ Dân gian là sưu tầm tối đa để giữ gìn cho con cháu

Theo GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, ở nước ta, văn nghệ dân gian (VNDG) vốn được sáng tạo và lưu truyền chủ yếu từ Cách mạng Tháng Tám trở về trước, khi đó những nghệ nhân có hiểu biết hoặc nắm được vốn đó ít nhất đã 15 tuổi. Đến năm 2000 thì họ đã ở vào độ tuổi "nguy cơ cao" 60-70. Muốn lưu giữ vốn di sản văn hóa ấy thì không chỉ phải nhờ cậy các nghệ nhân dân gian (NNDG) mà còn phải biết khẩn trương. Hội VNDG Việt Nam  đặt ra "Tầm nhìn 2010", mục đích là sưu tầm tối đa những gì còn có thể sưu tầm được để giữ gìn lại cho con cháu. "Tầm nhìn 2010" cho kết quả đáng quý. Thứ nhất, là kịp cứu nhiều vốn quý ví như hát dô ở Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Khi chúng tôi đến, ở đó chỉ còn một cụ 94 tuổi, rồi nhờ cụ truyền dạy mà tạo nên một lớp nghệ nhân mới ở độ tuổi 40-50. Đến nay, đã 10 năm rồi, ở đó vẫn duy trì việc truyền dạy, lớp trẻ cứ 15 tuổi là vào lớp ấy, rất chủ động và nền nếp. Với nhiều loại hình khác cũng thế, đó là cách thức hữu hiệu để bảo tồn VNDG. Thứ hai, là tôn vinh, động viên các cụ lưu giữ vốn di sản. Đến nay, chúng tôi đã có 128 nghệ nhân khắp các vùng miền, đại diện cho các lĩnh vực khác nhau. Tới Đại hội lần thứ VI (5-2010) số nghệ nhân được phong tặng có thể lên tới 150 người. Thứ ba, là nâng cao ý thức chăm sóc nghệ nhân, điều này cho kết quả đáng mừng ghê lắm. Biểu hiện rõ nhất là các xã có nghệ nhân quý các cụ lắm, thường xuyên thăm nom, có chế độ vào dịp lễ, tết. Đặc biệt, giữa các địa phương có sự thi đua nhau trong việc chăm sóc nghệ nhân, truyền dạy vốn cổ. Để làm được những việc này, chúng tôi dành một khoản tiền của Hội cùng với nguồn kinh phí của Quỹ Ford - khoảng 5 tỷ đồng cho giai đoạn từ năm 2005 đến nay. Ông cũng cho biết, NNDG là những người thầy lớn với không chỉ riêng ông. Con người ông hôm nay chỉ có 1/4 là kiến thức nhà trường, còn 3/4 là do đã được biết bao nghệ nhân dạy. Danh hiệu NNDG được trao cho người giỏi nhất về một ngành nào đó, những người có học trò và sẵn sàng cống hiến hiểu biết của mình cho việc sưu tầm, nghiên cứu. Các nghệ nhân sẽ có một bằng công nhận danh hiệu, một kỷ niệm chương và 600.000 đồng theo quy chế khen thưởng. (Hà Nội mới 26/2/2010)