Bản tin nổi bật ngày 28 - 12- 2009

Giá điện năm 2010 chỉ nên tăng 6 – 7% là hợp lý

Trước yêu cầu tăng gấp đôi giá than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), giá điện có thể sẽ tăng 17%. Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, mức tăng này sẽ ảnh hưởng nặng nề không chỉ với người dân mà cả với nền kinh tế. Ông thừa nhận, giá điện sẽ phải tăng và mức tăng hợp lý là 6 – 7%. Giá than có thể tăng nhưng không thể chấp nhận mức tăng giá than cho điện như TKV đề xuất được. (Tuổi Trẻ 28/12/2009)

Hiệp hội Thực phẩm Chứng năng Việt Nam kỷ niệm 2 năm thành lập

Ngày 27/12/2009 tại Hà Nội, Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam đã tổ chức mít tinh kỷ niệm 2 năm thành lập với sự tham gia của hơn 100 hội viên tập thể và gần 2.000 hội viên cá nhân. Theo PGS TS Trần Đáng - Chủ tịch Hội, mặc dù mới ra đời được 2 năm nhưng Hiệp hội đã tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm cho hơn 5.000 người và phát hành được nhiều tài liệu hướng dẫn về TPCN, tư vấn cho nhiều nhà đầu tư về sản xuất, kinh doanh thực TPCN. Tinh đến nay, cả nước đã có 1.114 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN trong đó, sản phẩm nhập khẩu chiếm 44,6%. (Hà Nội mới 28/12/2009)

Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển Đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu nhận nhận cúp vàng đặc biệt của Hàn Quốc

Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo KHKT Việt Nam (VIFOTEC) vừa cấp giấy xác nhận cho kỹ sư Hoàng Đức Thảo – giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển Đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu (BUSADCO) về cúp vàng đặc biệt và bằng chứng nhận của Tổ chức Sáng tạo Quốc tế (SIIF) tại Seoul (Hàn Quốc) tháng 12/2009. Được biết, công ty BUSADCO do KS. Hoàng Đức Thảo làm giám đốc cũng đã được nhận nhiều giải thưởng của SIIF và VIFOTEC. Ông đã được VIFOTEC đề cử vào Sách Kỷ lục Việt Nam. (Tiền Phong 28/12/2009)

 

Thành lập Hội Nhân ái Đà Nẵng

Sáng 27/12/2009, Hội Nhân ái Đà Nẵng đã tổ chức đại hội thành lập, nhiệm kỳ 2010 – 2014 với 185 hội viên ban đầu. Hội sẽ hoạt động với phương châm gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để giúp đỡ người nghèo… Đại hội đã bầu Ban chấp hành với 17 thành viên và bầu ông Nguyễn Hoàng Long làm Chủ tịch Hội. (SGGP 28/12/2009)

Hà Nội: Tăng cường giới thiệu phụ nữ tham gia cấp uỷ

Tại buổi toạ đàm “Thực trạng và giải pháp tăng cường đội ngũ cán bộ nữ nhiệm kỳ 2010 – 2015”, bà Nguyễn Minh Hà - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đã đề nghị tăng cường giới thiệu cán bộ nữ tham gia cấp uỷ. Thực tế tại Hà Nội, một số cấp uỷ chỉ có 10% cán bộ nữ nhiệm kỳ 2005 – 2010 và công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo cũng chưa quan tâm nhiều đến phụ nữ. Như vậy, khi tiến hành Đại hội Đảng sẽ rất khó đạt tỷ lệ chỉ tiêu 15% trở lên, nhất là với khu vực Hà Tây cũ. (Hà Nội mới 28/12/2009)

68 tác phẩm được trao giải thưởng Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam 2009

Ngày 27/12/2009 tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã tổ chức tổng kết và trao tặng giải thưởng của hội năm 2009 cho những tác phẩm, tác giả, đơn vị có nhiều thành tích xuất sắc trong việc sáng tác, đào tạo, phát triển sự nghiệp múa trong năm qua. Theo đó, 4 tác phẩm được trao giải A năm 2009 thuộc về “Khèn núi” - Nguyễn Trung Hưng; “Những người đàn ông của biển” - Nguyễn Hồng Phong; “Lập trình”- NSƯT Nguyễn Hữu Từ và chùm tiểu luận của tác giả Bùi Đình Phiên. Về hạng mục Tổ khúc - cảnh múa - Thơ múa, giải hạng B duy nhất được trao cho nhóm tác giả thực hiện ca cảnh múa “Tiếng vọng núi rừng”. Hội nghệ sĩ múa cũng trao tặng 63 giải thưởng khác cho các tác giả, nghệ sĩ đã có những tác phẩm, công trình nghiên cứu, đào tạo múa tốt trong năm như “Lửa thiêng Inưga”- NSƯT Mai Trung Kiên; “Vũ khúc con cò”- Nguyễn Quỳnh Lan; “Hồng hạc Tây hồ”- NSƯT Lữ Kiều Lê… (SGGP 28/12/2009)

Hà Nội: Phát động cuộc thi sáng tác múa hướng tới 1.000 năm Thăng Long

Ngày 26/12/2009, Sở VH-TT-DL Hà Nội phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, phát động cuộc thi sáng tác các điệu nhảy, múa hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cuộc thi nhằm tìm ra những điệu nhảy, múa mang bản sắc văn hóa dân tộc, hấp dẫn, dễ học, dễ nhớ, dễ vào cộng đồng, qua đó tạo nên hình thức sinh hoạt tập thể lành mạnh. Thời gian nhận danh sách biên đạo và nhạc sĩ đăng ký tham dự cuộc thi là từ 10 đến 12/2/2010. (SGGP 27/12/2009)

Bàn giao 21 hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong về các tỉnh, thành phố

Sáng 26/12/2009, tại Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Đồi 82 huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Hội cựu TNXP TPHCM đã tổ chức lễ bàn giao 21 hài cốt liệt sĩ, TNXP giải phóng miền Nam hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước về các tỉnh thành: Cà Mau, Bình Thuận, Vĩnh Long, Tiền Giang, TPHCM, Hải Phòng, Long An, Tây Ninh. Theo Hội cựu TNXP TPHCM, từ năm 2007 đến nay, hội đã huy động 356 lượt TNXP, tổ chức 110 lần khảo sát, tìm kiếm điểm chôn cất liệt sĩ TNXP giải phóng miền Nam ở trong nước và ở nước bạn Campuchia. Tuy nhiên, so với số liệt sĩ của Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, số hài cốt liệt sĩ được quy tập chỉ đạt 32%”. (SGGP 27/12/2009)

VN Help trao 100 học bổng cho sinh viên Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng

Ngày 27/12/2009, Quỹ Y tế Giáo dục và Văn hoá Việt Nam (VN Help) tại bang California (Mỹ) đã phối hợp với Hội LHTN tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức trao tặng 100 suất học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, mỗi suất trị giá 100 USD với 70 suất cho Thừa Thiên - Huế và 30 cho Đà Nẵng. (Thanh Niên 28/12/2009)

Đà Nẵng: Vận động “Tết vì nạn nhân chất độc da cam”

Ngày 26/12/2009, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc vận động “Tết vì nạn nhân chất độc da cam”. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch hội cho biết: Việt Nam có khoảng 3 triệu nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đà Nẵng có 5.000 đối tượng đang được chăm sóc. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã nhận trợ dưỡng thường xuyên cho 900 nạn nhân; tổ chức tặng quà các ngày lễ cho 3.000 lượt nạn nhân; khám chữa bệnh miễn phí cho 4.000 trẻ khuyết tật; xây mới và sửa chữa 80 ngôi nhà cho các nạn nhân… Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng có 1.600 hội viên; trong đó có 27 người nước ngoài. (SGGP 27/12/2009)

Kiên Giang: Gần 1.900 người nghèo được khám bênh, phát thuốc miễn phí

Sáng 26/12/2009, Chi hội Bác sĩ Từ thiện Tâm Việt, Hội Từ thiện chùa Giác Nguyên (quận 4 TPHCM) và Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang đã tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 1.890 bệnh nhân và tặng 500 phần quà cùng 50 suất học bổng cho học sinh nghèo tại huyện Vĩnh Thuận. Ngoài ra, đoàn còn tặng 25 giếng nước sạch cho bà con tại huyện. Tổng kinh phí của các hoạt động này là 250 triệu đồng cho các Việt kiều và nhà hảo tâm tại Canada giúp đỡ. (Thanh Niên 28/12/2009)

Sắp diễn ra Lễ hội du học sinh Việt Nam tại Hà Nội

Ngày 29/12/2009, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội sẽ diễn ra “Lễ hội du học sinh đón chào năm mới 2010” nhân dịp du học sinh Việt Nam về nước đón năm mới 2010 và Ngày Sinh viên Việt Nam 9/1/2010. Chương trình do Hội Sinh viên Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, Báo Giáo dục & Thời đại, Đài Truyền hình VN, Báo Tiền Phong và Công ty tư vấn du học IEC Quốc Anh phối hợp tổ chức. Du học sinh Việt Nam từ các nước Mỹ, Anh, Úc, Ukraina, Đức, Singapore, New Zealand, Malaysia, Thụy Sĩ, Pháp... về dự ngày hội này. Lễ hội là dịp giao lưu giữa các thế hệ học sinh, giữa những học sinh chuẩn bị đi du học, các du học sinh đang học tập ở nước ngoài về Việt Nam đón năm mới và các du học sinh đã về nước, hiện đang làm việc và thành đạt ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các du học sinh cũng được giao lưu với các nhà hoạch định chính sách và quản lý nhà nước về giáo dục. (Lao Động 28/12/2009)

Giá giấy sẽ có biến động năm 2010

Theo dự báo của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPA), trong năm 2010 năng lực của toàn ngành giấy sẽ tăng đáng kể do nhiều dự án đi vào sản xuất. Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Bảo - Tổng thư ký VPA khuyến cáo, thị trường giấy in và giấy viết sẽ có nhiều biến động so với các mặt hàng khác. Vì thế, các doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm trong việc xử lý giá bán ở những thời điểm có nhiều biến động. (TBKTVN 28/12/2009)

Tăng thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi - Nỗi lo tăng giá thực phẩm

Theo chính sách mới của Bộ Tài chính, bắt đầu từ 1/1/2010 sẽ tăng thuế đối với một loạt nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Mặc dù hiện chưa chính thức áp dụng biểu mẫu thuế mới nhưng trên thị trường, giá bán thức ăn chăn nuôi đã bắt đầu rục rịch tăng, đẩy giá một số mặt hàng thực phẩm tiêu dùng tăng theo. Nông dân bắt đầu lo lắng, người tiêu dùng cũng lo ngại. Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết hiện giá thực phẩm trong nước đã ở mức cao so với thực phẩm nhập ngoại. Bởi vậy, nếu giá thực phẩm tiếp tục tăng cao thì sức mua của người tiêu dùng sẽ giảm, nguồn thịt ngoại nhập sẽ lại vào nhiều, nguy cơ về mất an toàn thực phẩm tăng trở lại, người nông dân lại rơi vào vòng luẩn quẩn là không cạnh tranh được với thịt ngoại, lại nhanh chóng bỏ chuồng trại, các doanh nghiệp bán thức ăn chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng theo. Ông Lịch dự báo, với chính sách tăng thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thì vào các tháng đầu năm 2010, giá thức ăn chăn nuôi còn tiếp tục tăng và rất có thể sẽ có một đợt tăng giá bán mới bởi bản thân các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đang đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu không buộc phải đẩy giá lên cao. Do đó, theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, không nên áp dụng chính sách tăng thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi vào thời điểm đầu năm 2010 hoặc phải điều chỉnh lại mức thuế suất. Hiệp hội đang cân nhắc kiến nghị Bộ Tài chính cân đối lại mức thuế, đặc biệt đối với thuế VAT. (SGGP 28/12/2009)

Thanh khoản qua ngân hàng vẫn ổn định

Theo bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong mấy ngày gần đây, các ngân hàng thương mại đã thiếu tiền VND do nhu cầu thanh toán tăng cao cùng việc hỗ trợ lãi suất bị dừng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời can thiệp và an toàn hệ thống vẫn được đảm bảo. Bà cũng cho biết, mỗi lần đấu thầu tín phiếu kho bạc, trái phiếu Chính phủ… thì các NHTM quy mô nhỏ chỉ có thể mua được cỡ vài chục tỷ đồng chứ không thể vài trăm, vài ngàn tỷ đồng như các NHTM quốc doanh. VNBA vẫn gọi đó là “lương khô” để các NHTM phòng khi “trái nắng trở trời”. (TBKTVN 28/12/2009)

Thị trường ô tô Việt Nam vẫn “cháy” hàng

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong quý IV/2009 thị trường ô tô Việt Nam đã xảy ra tình trạng “cháy” hàng, không đủ cung ứng. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm, lượng xe bán ra thị trường đã tăng gần 1,5 lần so với mức tiêu thụ cả năm 2007 và gấp 3 lần 2006. Trong tháng 11/2009, các thành viên của VAMA đã bán được 12.259 xe, tăng 132% so với cùng kỳ 2008. Nếu mức tăng trưởng này được duy trì thì mục tiêu  120.000 xe cả năm là hoàn toàn khả thi. (TBKTVN 28/12/2009)

Không loại trừ khả năng các nhà đầu tư nước ngoài về da giày sẽ dịch chuyển sang các nước láng giềng

Về việc Uỷ ban Châu Âu (EC) vừa quyết định gia hạn đánh thuế chống bán phá giá 10% cho giày mũ da Việt Nam thêm 15 tháng, bà Nguyễn Thị Tòng - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, thực tế 3 năm qua lệnh chống bán phá giá này đã khiến không ít doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Đã có hơn 50.000 lao động nữ bị mất việc làm. Tình hình năm 2010 sẽ tiếp tục khó khăn cho toàn ngành và không loại trừ khả năng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn trong nước sẽ dịch chuyển sang các nước láng giềng gây tổn thất lớn đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của toàn ngành. (Đầu Tư 28/12/2009)

Quản lý sàn vàng không phải là việc quá khó

Theo ông Trần Quốc Quýnh - chuyên gia cao cấp Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Việc xây dựng hành lang pháp lý cho quản lý sàn vàng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Còn xét về rủi ro, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong bất cứ hoạt động kinh doanh nào cũng khó tránh. Điều quan trọng là, có cơ chế kiểm soát, quản lý của Nhà nước đảm bảo các hoạt động kinh doanh đó tuân thủ đúng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đó là cách bảo vệ nhà đầu tư tốt nhất, chứ không phải là cấm. Ông thừa nhận, kinh doanh vàng qua tài khoản là hình thức còn khá mới ở Việt Nam, nhưng hình thức này đã phổ biến trên thế giới và là một kênh đầu tư thu hút nhiều người tham gia. Quan điểm của ông là, cần phải nghiên cứu, phân tích và xem xét một cách toàn diện về hoạt động của sàn giao dịch vàng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Việt Nam đã tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế của chúng ta cũng đã liên thông với thế giới và không có lý do gì để phủ nhận hay cấm. Theo ông, bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, nếu thiếu cơ chế quản lý rõ ràng, cũng đều dễ dẫn đến phát sinh các vấn đề tiêu cực. Khi xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động này, Ban soạn thảo nên tham khảo mô hình quản lý của các nước lân cận đã triển khai thành công như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore... Đây không phải là vấn đề quá khó và quá phức tạp, chúng ta nên áp dụng các thông lệ cũng như các chuẩn mực quốc tế. Hiện các hình thức giao dịch vàng qua tài khoản của Việt Nam mới chỉ là những giao dịch đơn giản, nhưng trên thế giới các nhà đầu tư có thể đầu tư theo kỳ hạn. Tức là họ có thể đăng ký mua vàng trước thời hạn vài tháng. Với những hình thức kinh doanh như thế nếu nhà đầu tư nào có kiến thức, có khả năng phán đoán thị trường thì có thể thu lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với những yêu cầu cao hơn, chuyên nghiệp hơn trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này. (Đầu Tư 28/12/2009)

Việt Nam chưa có quốc sách rõ ràng về năng lượng tái tạo

Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong chiến lược năng lượng quốc gia đến 2020 và tầm nhìn đến 2050, Chính phủ đã đề ra những chủ trương và mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy nhiên, có thể nói là hiện nay chúng ta chưa có quốc sách rõ ràng, cụ thể nhằm tập trung đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Nhà nước khuyến khích nhưng khuyến khích bằng những chính sách cụ thể như thế nào thì mới là điều quan trọng và cái này chúng ta đang thiếu. Ông cho rằng, để phát triển nguồn NLTT, cần giải quyết ngay 3 vấn đề:

-          Chấp nhận suất đầu tư cao và bù giá cho điện gió, điện mặt trời.

-          Không tính thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp 10 năm cho các nhà đầu tư về NLTT.

-          Có chủ trương đầu tư rõ ràng theo hướng BOT (xây dựng – khai thác - chuyển giao) và IPP (nhà máy điện độc lập), không nên áp dụng phương thức đấu thầu.

Có những chính sách này, các chủ đầu tư sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn. (TBKTVN 28/12/2009)

Hơn 9.000 tác giả trong nước đã uỷ quyền cho VLCC

Trước sự kiện “Google”, rất nhiều người, nhất là các tác giả đều không mấy quan tâm đến bản quyền số. Tuy nhiên, chính nhờ vụ Google mà họ đã quan tâm hơn và kết quả là Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) đã được nhiều tác giả uỷ quyền. Theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến – giám đốc VLCC, đến nay đã có hơn 9.000 tác giả trong nước uỷ quyền cho VLCC giao dịch về bản quyền. Cần lưu ý rằng, đúng vào thời điểm nổ ra sự việc với Google thì Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt đã ký kết thoả thuận hợp tác với VLCC về số hoá tác phẩm trên website www.vietgle.vn của họ. Vì thế, sự việc Google đã vô tình giúp Vietgle thuận lợi khi nhanh chóng có được uỷ quyền của một số lượng lớn tác giả. Theo hợp đồng giữa Lạc Việt và VLCC, 40% doanh thu bán tác phẩm sẽ thuộc về chủ sở hữu bản quyền, 20% thuộc về VLCC. Tuy nhiên, giá bán một tác phẩm số là khá rẻ, nhưng cũng chính vì thế nên số lượng mua sẽ được nhiều hơn sách truyền thống và đem lại doanh thu không nhỏ cho các tác giả. (SGGP 27/12/2009)

Nhà nước cần đầu tư cho việc dịch tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài

Trước thềm Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 5 – 10/1/2010, dịch giả Thuý Toàn - Chủ tịch Hội đồng Văn học Dịch, Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, một tác phẩm dù có nổi tiếng, có hay đến mấy nhưng nếu chưa chuyển ngữ, chưa dịch thì việc tiếp cận bạn đọc trong nước cũng rất khó khăn. Tác phẩm nổi tiếng còn thế huống gì các tác phẩm của chúng ta vốn vẫn chưa được bạn đọc nước ngoài biết đến nhiều. Theo ông, cần phải chú ý rằng, các tác phẩm văn học nước ngoài hay, được giới thiệu với bạn đọc trong nước từ trước đến nay, thì dịch giả đều là người trong nước. Các dịch giả đó có trình độ ngoại ngữ tốt, trình độ tiếng Việt giỏi và nhất là am hiểu văn hóa của đất nước mình. Chính vì thế, khi dịch họ có thể biến chuyển một số chi tiết của nguyên tác sao cho bạn đọc trong nước có thể hiểu được, đồng thời giữ nguyên cái hồn của tác phẩm gốc. Đối với việc đưa tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài tình hình cũng y như thế. Dĩ nhiên, dịch giả của chúng ta cũng có người làm được nhưng nhiều vấn đề văn hóa ta không thể bằng được chính bản thân những người bản xứ, nhất là khi dịch giả bản xứ đó cũng làm văn học. Trước mắt việc dịch các tác phẩm văn học trong nước sang tiếng nước ngoài thì một số dịch giả trong nước vẫn có thể làm tốt. Nhưng để quảng bá rộng rãi văn học nước nhà trên thế giới, chúng ta lại rất cần tới sự quan tâm của dịch giả các nước đối với tác phẩm Việt Nam. Dù chưa có một hoạt động cụ thể nào để khuyến khích dịch giả nước ngoài dịch văn học trong nước, nhưng bằng tình yêu đối với đất nước, con người Việt Nam, nhiều dịch giả đã tự dịch các tác phẩm Việt như Hàn Quốc, Rumani dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật Bản dịch một số truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh… Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tình yêu không thì lại chưa đủ. Các dịch giả dù yêu quý Việt Nam nhưng họ cũng phải sống, việc dịch vì yêu mến họ chỉ có thể làm những lúc rảnh rỗi, mang tính thời vụ hơn là một công việc thực sự.Để thay đổi tình hình này rất cần đến một sự đầu tư thiết thực của Nhà nước. Một sự đầu tư đúng đắn sẽ tạo điều kiện để các dịch giả thế giới có cơ hội thể hiện nhiều hơn tình cảm của họ đối với các tác phẩm văn học Việt Nam. Ở lĩnh vực dịch thuật cánh cửa đã mở, chỉ còn thiếu một lối đi để tác phẩm trong nước đi ra với thế giới. (SGGP 27/12/2009)

Nguyễn Thị Ngọc Anh – “bà nghị” trẻ nhất Quốc hội

Bảy năm trước, ở tuổi 23, chị là nữ nghị sĩ trẻ nhất Quốc hội (QH) khóa XI. Gặp lại chị giữa cuộc sống đời thường, Nguyễn Thị Ngọc Anh đã là mẹ của hai con và đang là Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Dương. Làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân nên hằng ngày chị cũng phải xắn quần đi thăm đồng với bà con như một nông dân. “Nhiều người bảo tôi, học đại học, rồi làm đại biểu QH mà về quê làm cái nghề chẳng khác gì nông dân. Tuy nhiên, với tôi, được làm đúng sở trường, được cống hiến cho nơi mình yêu quí là hạnh phúc và thành công”, chị Ngọc Anh nói. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội với tấm bằng giỏi duy nhất của lớp, Ngọc Anh được Sở NN & PTNT Hải Dương nhận thẳng vào làm việc. Làm kỹ sư của phòng chế biến nông lâm sản và nông nghiệp chưa đầy năm thì bất ngờ được bầu làm đại biểu QH.  “Trẻ, kinh nghiệm làm việc, trải nghiệm cuộc sống còn quá ít nên những ngày đầu làm đại biểu QH với tôi là một cái gì đó thật to tát, quá sức”, Ngọc Anh kể. Bên cạnh đó, chị cũng không tránh khỏi những dèm pha, hoài nghi về khả năng của bà nghị trẻ...  Gạt bỏ áp lực, lo lắng, Ngọc Anh lao vào học hỏi, trang bị kiến thức và xác định rõ trách nhiệm khi được cử tri tin tưởng. Hồi đó, internet chưa phổ biến nên kiến thức chủ yếu thu thập qua sách, báo, thực tế cuộc sống và học hỏi người đi trước. Điểm yếu nhất của chị, theo Ngọc Anh, là khả năng thuyết trình trước đám đông. Chị kể, trước đây, mỗi lần đứng trước đám đông mà thoát ly khỏi văn bản là tịt ngay. Tuy nhiên, sau thời gian làm đại biểu QH, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri nhiều, khả năng diễn thuyết của Ngọc Anh được cải thiện. Theo chị, đại biểu ai cũng muốn mang nguyện vọng của cử tri đến QH, nhưng không phải cái gì cũng giải quyết được ngay. Vì thế đại biểu thường nghe cử tri trách là nhiều. Trong suốt bảy năm chung sống với chồng, Ngọc Anh lúc nào cũng bận và xa gia đình. Lấy chồng chưa đầy bốn tháng thì trúng cử đại biểu QH, suốt 5 năm làm bà nghị, phải đi đi về về giữa Hà Nội và Hải Dương để làm việc ở cơ quan, làm công tác đoàn thể. Hết nhiệm kỳ làm đại biểu QH, chị thi vào cao học luôn (hôm tôi đến chị mới bảo vệ xong luận án thạc sĩ). Vì thế, thời gian mà chị dành cho chồng con là một sự chắt chiu. Hồi làm đại biểu QH, có thời gian chị cứ sáng đón xe lên Hà Nội, chiều tối đón xe về nhà. Còn thời học cao học trên Hà Nội, chị quyết định không ở trọ mà đi về trong ngày. Chị quan niệm, đối với phụ nữ quan trọng nhất vẫn là gia đình, nếu mải mê sự nghiệp quá mà coi nhẹ gia đình sẽ đánh mất nhiều thứ. Vì thế, sự nghiệp và gia đình luôn phải được sẻ đều hai vai.Hai đứa con của chị đều được sinh vào những thời điểm đặc biệt. Mang bầu đứa con đầu vào lúc diễn ra kỳ họp thứ nhất. Chị ục ịch mang bụng bầu đi họp, chỉ nghỉ dưỡng thai được đúng ba ngày là sinh con. Sinh được hơn bốn tháng, mẹ con lại bồng bế nhau lên Hà Nội để tiếp tục làm bà nghị. Bà ngoại, bà nội ở tận Nghệ An đều được huy động lên Hà Nội thay nhau trông cháu để mẹ nó đi họp QH. Còn đứa con thứ hai, được sinh ra trong thời điểm chị chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ. Vất vả, nhưng phải gồng mình vượt qua, vì theo chị việc sinh con là thiên chức của người phụ nữ, để đảm bảo hạnh phúc gia đình, không nên hoãn vì công việc. Với chị, tất cả những gì đạt được là nhờ tình yêu lớn của chồng. Anh chị yêu nhau từ thời sinh viên, anh quê tận Nghệ An. Chiều ý chị, quyết định không về Nghệ An, anh theo chị về Hải Dương xây dựng hạnh phúc gia đình. (Tiền Phong 28/12/2009)