Trong hai ngày 26 và 27/3/2010 tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo Quốc tế về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng mới và cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Hội thảo Do Viện Vật lý - Viện KHCN Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Mặt trời Quốc tế, Hiệp hội Năng lượng Quốc tế và công ty RCEE tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia đến từ 10 nước. Theo Quy hoạch Tổng thể về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), đến năm 2020, 50% lượng điện năng của Việt Nam phải là từ các nguồn NLTT. Tuy nhiên hiện nay thì điện làm từ NLTT của Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn có 1,8%. TS Cao Minh Thì - Chủ tịch Hội Vật lý TPHCM cho biết, phát triển năng lượng gió tốn kém rất nhiều và Chính phủ cần cho phép nhập khẩu thiết bị với thuế suất bằng 0 với các thiết bị chưa sản xuất được trong nước. Thứ hai là không thể bán điện gió với giá chỉ gấp đôi như nhiều ý kiến đề xuất vì sẽ chưa thể đủ để tái đầu tư. Theo ông, ở các nước phát triển thì Chính phủ tài trợ rất lớn cho ngành này. Vì vậy, Nhà nước cần có một Quỹ Năng lượng Sạch để nhà nước mua điện từ NLTT và bán lại cho người dân với giá ưu đãi. (TBKTVN 29/3/2010)
Ngày 27/3/2010, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đã có cuộc họp thống nhất ý kiến đề nghị Quốc hội và Chính phủ chưa nên thông qua đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hội cho rằng quy hoạch thủ đô Hà Nội là quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, cần lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và báo cáo này phải được trình Hội đồng thẩm duyệt môi trường quốc gia thẩm định trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Hội cũng cho rằng việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc, Ba Vì là phủ định ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, là sự “dời đô” lần thứ hai. Việc quy hoạch thành phố sông Hồng là mạo hiểm và rủi ro, việc giảm dân cư ở bốn quận nội thành cũ đến năm 2030 còn 80 vạn người là không khả thi trong khi thực tế hiện nay đã tăng lên gần 1,2 triệu người... Về sự việc này, KTS Ngô Trung Hải - quyền Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn cho biết, có lẽ có sự nhầm lẫn về việc nhìn nhận vai trò và vị trí của trung tâm hành chính quốc gia ở đây. Trong tương lai xa, dự kiến một khu vực xung quanh núi Ba Vì sẽ dành để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia. Còn nhiều cơ quan đầu não về chính trị và cơ quan lập hiến vẫn ở trung tâm lịch sử Ba Đình. Lịch sử các nước cũng đã nhiều lần di dời bộ máy quản lý nhà nước tách khỏi trung tâm chính trị bởi vì đó là sự minh bạch cần thiết để quản lý. Di dời các bộ phận quản lý nhà nước cũng là chất xúc tác phát triển các khu vực khác tạo sự cân bằng khu vực và không quá dồn nén các cơ quan chủ chốt quốc gia vào một khu vực. Khu vực nội ô đang quá tải, muốn có được tiêu chuẩn xanh cần di dời và tập trung các bộ ngành ra khỏi nội ô, dành nhiều chỗ đất còn lại cho phát triển công trình phục vụ công cộng và cây xanh là đúng đắn. Điều này đã được các tư vấn phản biện nước ngoài đánh giá cao. Ông khẳng định là trung tâm đầu não về chính trị và lập hiến vẫn ở Ba Đình. Đây không phải là dời đô vì dời đô thì dời cả Quốc hội và trung tâm đầu não chính trị là Văn phòng Trung ương Đảng, ở đây chỉ là dời bộ máy hành chính, cơ quan quản lý nhà nước mà thôi. (Tuổi Trẻ 39/3/2020)
Trao đổi về việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) không khởi tố vụ án để điều tra vụ nhà báo Trần Thế Dũng (phóng viên báo Người Lao Động) bị hành hung khi đang tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho biết sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn bày tỏ quan điểm phản đối về kết quả điều tra vụ án. Ngày 22/3/2010, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cao Lộc có công văn thông báo kết quả điều tra vụ việc, xác định người đánh nhà báo Trần Thế Dũng là Phan Bình An, ngoài ra không làm rõ được người nào khác. Trong khi đó nhà báo Trần Thế Dũng khẳng định trong buổi đối chất giữa anh và Phan Bình An vào ngày 4/3/2010, chính An thừa nhận có nhiều người đánh anh Dũng. Tuy nhiên, nội dung này đã không được nhắc đến trong thông báo kết quả điều tra. (Tuổi Trẻ 29/3/2010)
Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai vừa gửi tờ trình tới Thường trực Tỉnh uỷ xin ý kiến chỉ đạo về việc đàm phán với Vedan. Theo tờ trình, ngày 18/3/2010 phía Vedan đã đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho người dân hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch thêm 8 tỷ đồng, nâng tổng mức hỗ trợ lên 15 tỷ đồng (chưa tính 5 tỷ đồng mà Vedan đang thương lượng với cả 3 Hội Nông dân Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM). Ông Trần Văn Quang – Phó Chủ tịch Hội cho biết, tổng thiệt hại thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh với trên 5.000 hộ dân là trên 1.600 tỷ đồng, lớn gấp rất nhiều lần con số mà Vedan đề nghị. (Thanh Niên 29/3/2010)
Ngày 28/3/2010, Hội Nhạc sĩ Việt Nam chính thức xác nhận thông tin: nhạc sĩ Xuân Oanh, tác giả ca khúc bất hủ 19 tháng tám, đã qua đời ngày 27/3/2010 tại Hà Nội sau thời gian dài lâm trọng bệnh, thọ 87 tuổi. Nhạc sĩ Xuân Oanh sinh tại thị trấn Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Xuân Oanh là một trong hai người Việt đầu tiên thực hiện bản tin tiếng Anh trên Đài Tiếng nói VN, làm báo Cứu Quốc ở chiến khu Việt Bắc. Sau đó ông công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và hòa bình... Ông đã được trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Nhắc tới nhạc sĩ Xuân Oanh, không ai có thể quên được ca khúc “19 tháng tám” bất hủ của ông. Ca khúc ra đời vào đúng ngày 19/8/1945, giữa không khí sục sôi, tinh thần quật khởi của những người dân đứng lên giành độc lập và sau này trở thành một ca khúc sống mãi với thời gian. (Tuổi Trẻ 29/3/2010)
Ngày 26/3/2010 tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Thương hiệu với các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam". Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực về chính sách thương mại cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam” được EU tài trợ. Theo ông Matthias Duhn – giám đốc Phòng Thương mại Châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, để thương hiệu của mình vượt trội lên hơn so với các đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng được một thương hiệu truyền tải thông điệp ấn tượng và độc đáo tạo các khách hàng hiện tại và tiềm năng. (TBKTVN 29/3/2010)
Mới đây, một số lượng lớn bột ăn liền AGUSA quá hạn sử dụng đã được tặng cho một số cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em khuyết tật nhân danh Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Theo điều tra của báo Gia đình & Xã hội, chủ của những lô hàng này là Công ty TNHH Nguyễn Hồng có trụ sở tại 489/7 đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội với ngành nghề là kinh doanh thực phẩm, quà lưu niệm. Tháng 12/2009, công ty đã mang những lô hàng này từ Trung Quốc về đề làm từ thiện. Câu trả lời xin chờ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là vì sao lô hàng này được tiếp nhận từ tháng 12/2009 mà mãi đến đầu tháng 3/2010 mới được cấp phát? (Gia đình & Xã hội 29/3/2010)
Theo khảo sát của Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh Dược Việt Nam (VNPCA) tháng 3/2010 tại Hà Nội, tỷ lệ tăng giá các mặt hàng dược phẩm tăng gần 1,1% và cá biệt có những mặt hàng tăng 5,2%. Với thuốc ngoại có 22/11.817 mặt hàng tăng giá với tỷ lệ gần 0,19%. (TBKTVN 29/3/2010)
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm đang là mặt hàng triển vọng của ngành thuỷ sản. Chỉ riêng tôm sú dự kiến sẽ thu được không dưới 1,4 tỷ USD cho năm 2010. Tuy nhiên, vấn đề đang tồn tại và trở ngại là phát triển bền vững. (TBKTVN 29/3/2010)
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), hiện giá cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã tăng thêm từ 600-1.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 3/2010. Tại Đắk Lắk, giá cà phê từ 22.300 đồng/kg lên mức 24.300 đồng/kg, do đó giá cà phê xuất khẩu cũng đã tăng cao, đạt 1.342 USD/tấn, tăng 55 USD/tấn so với đầu tháng 3. Dự báo trong 2 tháng tới, giá cà phê sẽ tiếp tục tăng cao, bởi cà phê trong dân hầu như không còn mà chủ yếu được ký gửi ở các đại lý. Nguyên nhân đẩy giá cà phê tăng mạnh trở lại là do VICOFA đang đề xuất Chính phủ hỗ trợ thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê trong năm nay. Việc này sẽ có tác động lớn đến cán cân cung - cầu trên các sàn giao dịch cà phê thế giới và trong nước. (Hà Nội mới 29/3/2010)
Về thực trạng có nhiều kẻ đã thu lời từ việc bán tăm tre với danh nghĩa của người mù, ông Đào Soát đã bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ và bất bình. Ông cũng cho biết, Trung ương Hội đã ban hành quy định tuyện đối cấm các đơn vị hội viên lấy tăm của người sáng mắt, của cơ sở khác và đóng nhãn mác của mình đem bán. Sản xuất ở địa phương nào thì chỉ được tiêu thụ ở địa phương đó. Cấm tuyệt đối việc cấp giấy xác nhận cho người ngoài đi bán, vận động quyên góp tiền cho Hội. (Gia đình & Xã hội 29/3/2010)
Theo ông Đàm Quang Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Đà Nẵng, thành công lớn nhất của Đà Nẵng là đã thu hút được những dự án tầm cỡ với những dự án có quy mô rất lớn như Khu đô thị Đa Phước, Vĩnh Trung Plaza hay Furama... Tuy nhiên, sự bùng nổ của các dự án bất động sản và hạ tầng du lịch cũng là thách thức lớn của các nhà đầu tư và chính quyền. Nếu các dự án đồng loạt triển khai thì trong vòng 5 năm tới sẽ có thể thừa nguồn cung. (Đầu Tư 29/3/2010)
Sau các sự kiện như tăng thuế, các thông tin về xe nhập khẩu Toyota bị lỗi… thị trường xe ôtô trong nước đã có nhiều biến động. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), mặc dù lượng xe bán ra thị trường không ồ ạt như thời điểm cuối năm nhưng tính chung cả hai tháng đầu năm 2010, lượng xe của VAMA tiêu thụ đạt 11.355 xe, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2009. Trái ngược với viễn cảnh tươi đẹp của các dòng xe trong nước lắp ráp, các dòng xe ngoại ít nhiều bị chi phối bởi hàng loạt sự kiện như thuế nhập khẩu tăng và lỗi kỹ thuật, đặc biệt là một dòng xe nhập của Toyota khá hút hàng thời gian trước nay lâm vào cảnh khá ế ẩm. Xe Toyota Mỹ vẫn được tiếng là “xịn” hơn so với xe Toyota Đài Loan hay liên doanh trong nước. Nhưng tại các showroom ôtô Mỹ hiện nay rất ít khách hàng hỏi mua. Từ đầu năm đến nay, nhiều showroom ở TP.HCM và Hà Nội lượng khách giảm hẳn, riêng hai dòng Venza và Camry của Mỹ rất ít người mua. Tại thị trường Biên Hòa, rất nhiều salon và đại lý phân phối các dòng xe nhập khẩu đều khẳng định vì nhiều lý do, lượng xe tiêu thụ trong ba tháng đầu năm 2010 không như mong đợi so với cùng kỳ năm trước, lượng tiêu thụ giảm đến 50%-60%. Thuế VAT và thuế trước bạ đã làm giá xe tăng khoảng 10% so với năm 2009, ngoài ra tỉ giá USD/VND đầu năm tăng mạnh cũng khiến giá xe đội lên đáng kể. Theo tính toán của một số doanh nghiệp, 10% thuế giá trị gia tăng, 10% phí trước bạ, cộng thêm một số phí nữa thì người mua ôtô phải tốn hơn 20% tiền chi phí. Ví dụ, một chiếc xe Santa Fe của Hyundai có giá 1 tỉ đồng, với mức chịu thuế và phí trước bạ như hiện tại khách hàng phải tốn thêm trên 200 triệu đồng. Trong bối cảnh trên, các dòng Toyota Việt Nam lại bứt phá ngoạn mục. Theo VAMA, thị phần của Toyota Việt Nam vẫn chiếm mức cao, tăng 40% dù lượng bán giảm nhiều so với tháng 1 do nghỉ tết Nguyên đán và người tiêu dùng đã dốc toàn lực mua xe để né thuế trong tháng 12-2009. Phát biểu trên báo chí, ông Akito Tachibana, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (ông còn là Chủ tịch của VAMA), cho biết trong chiến lược phát triển của Toyota Việt Nam, mục tiêu nội địa hóa để tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm luôn gắn liền với yêu cầu bảo đảm nghiêm ngặt tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu của Toyota. “Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu thực hiện chúng tôi đã chú trọng vào việc thiết lập hệ thống tiêu chuẩn và đào tạo nguồn nhân lực không chỉ riêng ở Toyota Việt Nam mà ở cả các nhà cung cấp linh kiện của mình” - ông Akito Tachibana nói. Theo ông Đỗ Minh Hồ Hải, quản trị Diễn đàn Ôtô Sài Gòn, nguyên nhân sự thay đổi trên thực chất là do tâm lý khách hàng lo sợ các sự cố nhưng quan trọng hơn chính là các chính sách thuế đẩy các dòng xe nhập khẩu có mức cao hơn. Bên cạnh đó là thời điểm trước tết nhiều người tiêu dùng đã mua một lượng xe lớn nên thị trường có phần bão hòa. Tuy nhiên, cũng theo anh Hải, ngoài Toyota, các dòng xe ngoại bị ảnh hưởng là do thuế. (Pháp luật TPHCM 29/3/2010)