Bản tin nổi bật ngày 29 - 12 - 2009

Lâm Đồng: Vẫn chưa tìm thấy “tung tích” hai chiếc trống đồng Đông Sơn

Ngày 28/12/2009, sau 5 ngày điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa tìm được manh mối hai chiếc trống đồng Đông Sơn bị mất trộm vào đêm 23/12 tại đền Hạ - trong di tích đền Hùng thuộc khu du lịch Prenn, Đà Lạt, Lâm Đồng. Ông Nguyễn Ngọc Chương - GĐ Cty cổ phần dịch vụ du lịch Đà Lạt - cho biết, sáng 24/12/2009, một nữ nhân viên của khu du lịch Prenn khi mở cửa phòng đền Hạ để vào thắp nhang như thường lệ, thì phát hiện 2 chiếc trống đồng tại đây “biến mất”.  Đây là hai chiếc trống đồng (một nguyên bản và một phiên bản) do Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam tặng tỉnh Lâm Đồng vào ngày 13/12/2008. (Lao Động 29/12/2009)

Thành lập Hôi Doanh nghiệp Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg

Ngày 26/12/2009, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg đã chính thức được thành lập. Đây là tổ chức xã hội cộng đồng của các doanh nhân Việt Nam tại hai quốc gia nhỏ này ở Châu Âu. (TBKTVN 29/12/2009)

Kon Tum: Tuyên dương 7 nghệ nhân dân gian

Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum vừa tuyên dương 7 nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số. Đây là các nghệ nhân được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian trong đó có 2 nghệ nhân được truy tặng. (SGGP 29/12/2009)

TPHCM: Phát triển được gần 9.500 hội viên Hội Nông dân nhưng giảm 4.400 vì đô thị hoá

Trong năm 2009, các cấp Hội Nông dân TPHCM đã phát triển được gần 9.500 hội viên mới, vượt 104% kế hoạch do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hoá tại một số huyện ngoại thành khiến nông dân phải chuyển đổi ngành nghề, chỗ ở nên số lượng hội viên của TPHCM bị giảm 4.400. Hiện tại, Hội Nông dân TPHCM có tổng số gần 90.000 hội viên. (SGGP 29/12/2009)

Hậu Giang: Liên hiệp các hội KHKT tỉnh chỉ có 1 biên chế

Thành lập từ cuối 2007 nhưng đến nay các chức danh của Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Hậu Giang đều là kiêm nhiệm và cơ quan này chỉ có duy nhất 1 biên chế. Vì thế hoạt động của Liên hiệp hội gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, LHH chỉ thực hiện được có 2 dự án. Mong muốn của các cán bộ lãnh đạo LHH đang kiêm nhiệm là có thêm biên chế để các hoạt động hiệu quả hơn. (Đất Việt 29/12/2009)

VCCI tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự hội chợ thương mại tiểu vùng Mekong tại Chieng Mai

Nhận lời mời của tỉnh trưởng Chieng Mai (Thái Lan), Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ thương mại tiểu vùng Mekong (GMS) và kết hợp khảo sát thị trường Thái Lan từ 14-18/1/2010. (TBKTVN 29/12/2009)

Sẽ tổ chức hội chợ hàng Việt Nam tại Iran

Vào tháng 5/2009 tại thủ đô Teheran (Iran), Đại sứ quán Việt Nam tại Iran sẽ phối hợp với Cục XTTM Việt Nam (Vietrade) và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội chợ giới thiệu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong khuôn khổ hội chợ này sẽ có các hội thảo được tổ chức về hàng xuất khẩu của Việt Nam và các dự án trọng điểm của Việt Nam năm 2010. (TBKTVN 29/12/2009)

TPHCM: Sắp tổ chức hội thảo doanh nhân với tranh chấp thương mại quốc tế

Ngày 23/1/2010 tại khách sạn Oscar ở 68 Nguyễn Huệ, quận 1 TPHCM, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM sẽ tổ chức hội thảo doanh nhân với tranh chấp thương mại quốc tế. Diễn giả là bà Trương Thị Hoà - thạc sĩ luật, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TPHCM và đại diện của Đoàn Luật sư TPHCM. Các doanh nhân quan tâm muốn tham dự xin gọi tới số máy 0983858713. (Tiền Phong 29/12/2009)

Tiêu thụ thép tăng gần 30%

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết lượng thép xây dựng tiêu thụ cả năm 2009 ước đạt 5,3 triệu tấn, tăng xấp xỉ 30%, bất chấp nhiều dự báo kinh tế gặp khó trong thời gian qua. Lượng thép xây dựng nhập khẩu cũng được VSA ghi nhận tăng khá mạnh trong năm nay, ước nhập khoảng 500.000 tấn, tăng hơn 100.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước chỉ chủ động được 53% lượng phôi thép phục vụ sản xuất. (Tuổi Trẻ 29/12/2009)

Khó khăn của trí thức trẻ Việt kiều khi về nước lập nghiệp là hạn chế về tiếng Việt

Theo TS Lương Bạch Vân - Trưởng ban Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV): Kiều bào thế hệ 2 - 3 (tầm tuổi 35 - 50) mong muốn về quê lập nghiệp là những trí thức trẻ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm làm việc trong các công ty đa quốc gia. Đây là nguồn nhân lực năng động, nhưng một số người do vốn liếng tiếng Việt có hạn, nên ban đầu họ gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường làm việc mới tại quê hương... Trong các hoạt động chung, 3 năm qua, ALOV dành riêng một số hoạt động cho thanh - thiếu niên kiều bào như: “Bạn trẻ với văn hóa Việt”, “Du lịch về nguồn”, “Về nguồn học tiếng Việt”... Bà cho biết thêm, hiện nay trong công tác Việt kiều nói chung và thu hút Việt kiều trẻ về quê cống hiến, làm việc, kinh doanh nói riêng, quan điểm nên tập trung thu hút Việt kiều có tuổi, đã về hưu, bởi họ “ít đòi hỏi” là một chiến lược khiếm khuyết; cần thay đổi cách nhìn nhận mang tính phân biệt Việt kiều theo vị trí địa lý (đất nước họ hiện đang sinh sống, làm việc); cần nhìn nhận những đóng góp của Việt kiều trong công cuộc phát triển của TPHCM nói riêng và đất nước nói chung một cách chính xác, công bằng hơn, bởi những năm qua có nhiều Việt kiều đóng góp âm thầm nhưng hiệu quả trong việc giúp đất nước mở cửa ra với thế giới... (Lao Động 29/12/2009)

Phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân là động lực cho nền kinh tế

Theo ông Trần Anh Vương – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân là động lực giúp nền kinh tế có nhiều đầu kéo hiệu quả hơn. Nhất là trong điều kiện mà các số liệu đều chỉ ra là hiệu quả của các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện đều thấp hơn các doanh nghiệp dân doanh cùng ngành nghề, thậm chí 45% số tập đoàn kinh tế nhà nước bị thua lỗ. Việc ra đời một đạo luật hay chí ít là một nghị định công nhận hình thức tập đoàn kinh tế tư nhân là mong muốn cháy bỏng của tầng lớp doanh nhân trẻ. (Sài gòn Tiếp thị 28/12/2009)

Chất lượng của thực phẩm chức năng cần được quản lý chặt chẽ

Theo PGS TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam (VADS), dự báo trong 10 năm tới, TPCN sẽ phát triển rất mạnh với mức tăng trưởng  20 – 30%/năm. Trong thế kỷ 21, con người có xu hướng phòng bệnh hơn chữa bệnh nên nhu cầu tiêu dùng về TPCN sẽ tăng nhanh. Chất lượng TPCN là vấn đề cần được quản lý chặt chẽ. VADS đang tiến hành hoàn chỉnh tiêu chuẩn GPM để các cơ sở sản xuất áp dụng. VADS cũng hỗ trợ đánh giá tính an toàn và chất lượng sản phẩm thông qua Viện nghiên cứu và các đơn vị thành viên của mình nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của người tiêu dùng. (Khoa học & Đời sống 29/12/2009)

Đã đến lúc Hội Nông dân Việt Nam cần tính đến những giải pháp mới cho vụ kiện Vedan

Theo các luật sư ở Văn phòng luật Vì người nghèo, nhìn lại diễn biến suốt 14 năm Vedan bức tử con sông Thị Vải, với nhiều lần từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xả chất thải gây ô nhiễm môi trường (lần gần đây nhất là tháng 9 năm 2008), nhiều chuyên gia pháp luật đã đánh giá, tính chất và mức độ vi phạm của Vedan là vô cùng nghiêm trọng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, không loại trừ ý thức vi phạm pháp luật của Vedan đã có từ trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam? Trong bối cảnh ấy, Hội Nông dân Việt Nam đã chọn phương châm giải quyết là hoà giải, và chỉ khi các bên hoà giải không đạt được kết quả thì mới khởi kiện yêu cầu toà án phân xử. Phương án này chẳng những phù hợp với quy định của pháp luật mà còn phù hợp trong đối nhân xử thế của người Việt, nhất là trong bối cảnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của ta trước đây còn nhiều mặt hạn chế. Tuy nhiên kể từ lần vi phạm gần nhất, tính đến nay đã một năm có lẻ, Vedan luôn tỏ thái độ né tránh trong trách nhiệm bồi thường.

Điều đáng nói ở đây là, trong khi việc thương lượng, hoà giải tiếp theo giữa hai bên chưa thấy dấu hiệu khả quan, chưa đưa ra hoặc tăng thêm được số tiền bồi thường cụ thể nào, thì thời hạn để gửi đơn khởi kiện Vedan ra toà là hai năm cũng đã sắp hết, quá thời hạn trên bà con nông dân sẽ mất quyền khởi kiện. Nhiều người quan tâm đến vụ án đã giật mình tự hỏi: Liệu Vedan có thật lòng muốn hoà giải hay đó chỉ một cách “hoãn binh” chờ hết thời hạn giải quyết vụ án?

Vì thế, đã đến lúc Hội Nông dân Việt Nam cần tính đến những giải pháp mới, sao cho phù hợp với diễn biến của sự vụ, nhằm bảo đảm quyền lợi cho bà con nông dân. Theo đó, rất có thể sẽ có nhiều giải pháp khác nhau, nhưng một giải pháp khởi kiện Vedan ra toà đồng thời hoà giải với Vedan ngay trong quá trình giải quyết vụ án cũng không phải là không khả thi. Đi theo hướng này, bà con nông dân vừa tránh được thế bị động về mặt thời hiệu giải quyết vụ án, lại vừa chủ động được quyền yêu cầu toà án áp dụng các biện pháp như: hoà giải với Vedan, thu thập chứng cứ, trưng cầu giám định,… thậm chí, ngay cả công tác thi hành án sau này, nếu các bên hoà giải thành hoặc buộc phải nhờ toà phân xử cũng sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.

Giả sử, ngay ở thời điểm này, vụ kiện nổ ra, thì chỉ tính riêng việc soạn đơn khởi kiện, kèm theo công tác hướng dẫn thu thập các chứng cứ gửi tòa án có thẩm quyền thôi, thì đó đã là công việc khổng lồ, mà với các Hội Nông dân các tỉnh – một tổ chức không chuyên sâu về pháp luật, cũng phải nỗ lực bội phần mới hy vọng đáp ứng kịp… Xem ra để giải quyết dứt điểm vụ Vedan, trách nhiệm không đơn thuần thuộc về Hội Nông dân Việt Nam, mà nó còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nhưng dù đi theo phương án nào, nhất định không được để bà con nông dân rơi vào tình cảnh “nước đến chân mới nhảy”…  (Sài gòn Tiếp thị 28/12/2009)