Bản tin nổi bật ngày 30/10/2009

Phải có gạo mới được ký hợp đồng xuất khẩu

Bộ Công thương vừa đưa dự thảo nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo lần 4 cho các đơn vị liên quan để thống nhất trước khi hoàn chỉnh vào đầu tháng 11 để trình Chính phủ thông qua.

Điểm mới nhất trong điều hành xuất khẩu gạo là việc quy định xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thương nhân VN thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo nếu đáp ứng đủ điều kiện và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương. Điều kiện cấp phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là doanh nghiệp phải có ít nhất một kho chuyên dùng chứa lúa gạo với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn, có ít nhất một cơ sở xay xát với công suất tốt thiểu 10 tấn lúa/giờ. Trường hợp đi thuê thì phải có hợp đồng chứng minh và không được cho thương nhân khác thuê lại kho, cơ sở để sử dụng vào mục đích xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Ngoài quy định có kho, cơ sở xay xát thì doanh nghiệp bắt buộc phải có 50% lượng gạo tồn kho mới được đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời hạn 12 tháng liên tục, trừ trường hợp khai báo tạm ngừng kinh doanh, sẽ bị thu hồi giấy phép. Nghị định mới vẫn quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và chỉ được xuất khẩu gạo sau khi hợp đồng đó đã được đăng ký theo quy định. Ngoài ra, VFA cũng được cấp thêm quyền hạn tham gia việc ký kết các hợp đồng tập trung. (Tuổi Trẻ 30/10/2009)

TPHCM: Chưa chấp nhận phương án thu phí trạm xa lộ Hà Nội

Ngày 28/10/2009, ông Lê Toàn – Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM đã có văn bản trình UBND thành phố về việc thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội. Theo ông Toàn, phương án không thu phí các xe qua liên tỉnh lộ 25B mà Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) đưa ra đã không được sự đồng thuận của Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP HCM. Cụ thể, các thủ tục miễn thu phí mà CII đề xuất như: Hàng tháng phải đăng ký hợp đồng để đăng ký phương tiện thường xuyên ra vào liên tỉnh lộ 25B, cấp phát thẻ tạm thời không thu phí, công tác truy thu và thanh toán cước…còn phức tạp. Do đó ông Toàn đã yêu cầu CII tiếp tục hoàn thiện và trình lại phương án mới chậm nhất là 30/10 để sớm triển khai thực hiện. (Thanh Niên 30/10/2009)

Doanh nhân trẻ tìm hiểu thị trường Nam Phi

30 thành viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa có chuyến khảo sát thị trường tại Cộng hoà Nam Phi theo chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công thương. Trong khuôn khổ chuyến đi nay một hội thảo về xúc tiến đầu tư và thương mại giữa hai nước đã được tổ chức với sự phối hợp của Hiệp hội xuất khẩu các ngành sản xuất và chế biến Nam Phi. Trong thời gian này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng đã đến thăm và làm việc với Cơ quan Phát triển Thanh niên Quốc gia Nam Phi (NYDA) và thảo luận một số chương trình trao đổi, hợp tác. TS Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, Nam Phi có các chính sách ưu tiên về đầu tư và hào phóng về cải cách thuế, nới lỏng quản lý nhập khẩu. (Tiền Phong 30/10/2009)

Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò đầu mối

Ngày 28/10/2009 tại Hà Nội, BCH Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam trực thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc họp để triển khai các nhiệm vụ trong đó có việc kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2010 và trao Cúp Bông hồng vàng. Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã đến dự và đánh giá, Hội đồng không chỉ là nơi tôn vinh, hỗ trợ các doanh nhân nữ thành công mà còn là nơi hỗ trợ các doanh nhân nữ còn gặp khó khăn. Bà Trần Thị Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng cho biết, Hội đồng đã tích cực tham gia các hoạt động của VCCI và đang đẩy mạnh phát triển mạng lưới của mình. Hội đồng đang thực hiện tốt chức năng là đầu mối của các dự án quốc gia và quốc tế về giới và doanh nhân nữ. (Diễn đàn Doanh nghiệp 30/10/2009)

TPHCM: Triển lãm quốc tế Dầu khí Việt Nam

Sáng 29/10/2009 tại TP HCM, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Công ty cổ phần và Triển lãm Hội nghị và Quảng cáo Việt Nam , Công ty cổ phần Exhibiton Hong Kong đã khai mạc triển lãm quốc tế Dầu khí Việt Nam  năm 2009. Triển lãm thu hút sự tham gia của 150  công ty đến từ 20 nước và vùng lãnh thổ. Tổng Công ty Bay dịch vụ Việt Nam là doanh nghiệp quân đội tham gia triển lãm. Triển lãm sẽ mở cửa đến ngày 31/10. (Quân Đội Nhân Dân 30/10/2009)

Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Rumani

Sáng 29/10/2009, hội thảo “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam –Rumani” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương và Đại sứ quán Rumani phối hợp tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Là 2 nước có truyền thống hữu nghị lâu đời, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Rumani đã tăng trưởng khá nhanh trong thời gian qua với kim ngạch thương mại từ 25 triệu USD vào năm 2005 lên 90 triệu USD voà năm 2008, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng 2 bên. Rumani có thế mạnh trong các lĩnh vực dầu khí, hoá dầu, xây dựng, chế biến nông, lâm sản… và có nhu cầu nhập từ Việt Nam các sản phẩm nhiệt đới, hàng tiêu dùng. Do vậy, cuộc hội thảo với sự tham gia của 11 đại diện doanh nghiệp lớn của Rumani được xác định là cơ hội để hợp tác kinh doanh, trên cơ sở những lợi thế của cả Việt Nam và Rumani nhằm biến tiềm năng thành những kết quả cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển của hai nước. (Hà Nội Mới 30/10/2009)

Liên hoan âm nhạc lần thứ IX khu vực ĐBSCL năm 2009

Sáng 29/10, tại Nhà hát Tây Đô, thành phố Cần Thơ, Hội Nhạc sĩ  Việt Nam  đã tổ chức liên hoan âm nhạc lần thứ IX năm 2009 khu vực ĐBSCL. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam  và đại diện lãnh đạo thành phố Cần Thơ, các hội văn học nghệ thuật, hội nhạc sĩ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và TP HCM đã tham dự liên hoan. Tại buổi lễ các đại biểu đã xem 13 tiết mục văn nghệ đặc sắc của các đoàn chào mừng. Liên hoan âm nhạc là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và các tỉnh bạn giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sáng tạo, tạo nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật. Trong chương trình liên hoan còn có hội thảo về “Tính dân tộc và tính hiện đại trong âm nhạc khu vực ĐBSCL”. Lễ trao giải, tổng kết và bế mạc sẽ diễn ra vào tối 30/10 tại Hội trường Con Rùa (Trường Đại học Cần Thơ). (Quân Đội nhân Dân 30/10/2009)

Triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Ngày 29/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam  phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật và Sở Văn hoá- Thể thao- Du lịch Đăc Lắc tổ chức khai mạc triển lãm và trao giải ảnh nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 14 năm 2009. Giaỉ ảnh nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên thu hút 177 tác giả của các tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và ĐắcNông tham gia với tổng số 1.012 tác phẩm. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 105 tác phẩm đạt chất lượng để triển lãm tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Đăc Lăc và trao giải cho 24 tác phẩm xuất sắc, gồm 2 huy chương vàng , 4 huy chương bạc, 8 huy chương đồng và 10 giải khuyến khích. Tác phẩm  “Phòng cúm A (H1N1) của tác giả Phạm Dực (Gia Lai) và “Sóng khô” của tác giả Đình Chiểu (Kon Tum) giành huy chương vàng. (QĐND 30/10/2009)

Đắc Lắc: Khai mạc hội trại Kiến trúc sư trẻ Toàn quốc lần thứ 3

Ngày 29/10/2009 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội trại Kiến trúc sư Trẻ Toàn quốc lần thứ 3 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 449 kiến trúc sư trẻ cả nước. Đây là sự kiện thường niên của Hội Kiến trúc sư Việt Nam do KTS Hoàng Đạo Kính – Phó Chủ tịch chủ trì tổ chức. Hội trại sẽ kéo dài đến 31/10/2009 và là hoạt động chuẩn bị cho Đại hội VIII của Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ tổ chức tại Hà Nội tháng 4/2010. (Tiền Phong 30/10/2009)

Chuyển cánh diều vàng 2010 ra Hà Nội

Ông Trần Kim Luân, Chủ tịch Hội Điện ảnh vừa cho biết, theo kế hoạch luân phiên thì lẽ ra năm tới, Giải Cánh diều Vàng sẽ được tổ chức tại TP HCM. Tuy nhiên do ý nghĩa của Ngày Điện ảnh đầu tiên tổ chức vào 15/3/2010 nên Hội đã quyết định thay đổi địa điểm ra Hà Nội. Để đánh dấu dịp kỷ niệm lần thứ nhất, Hội sẽ lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong đó có việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu về điện ảnh Việt Nam trên trang web của Thế giới điện ảnh. (Gia Đình & Xã Hội 30/10/2009)

Thứ trưởng Nguyễn Bá Thuỷ được bầu làm Chủ tịch Hội Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam

Tại Đại hội IV Hội Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam (VINAFPA) vừa được tổ chức ở Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/10/2009, TS Nguyễn Bá Thuỷ - Thứ trưởng Bộ Y tế đã được bầu làm Chủ tịch. Trên cương vị được bầu, ông cho biết, VINAFPA sẽ nhanh chóng xây dựng các kế hoạch hoạt động phù hợp khi Chiến lược Dân số - Sức khoẻ Sinh sản giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng phê duyệt. (Gia đình & Xã hội 30/10/2009)

Hỗ trợ mổ tim cho 50-60 bệnh nhân nghèo ở miền Trung – Tây Nguyên.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM sẽ hỗ trợ 70% chi phí cho số bệnh nhân  từ 6-21 tuổi phẫu thuật tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Chi phí còn lại do địa phương, gia đình hoặc bảo hiểm y tế chi trả.  Chương trình hỗ trợ phẫu thuật được thực hiện từ nay đến cuối năm 2009. Bệnh nhân có nhu cầu liên hệ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng (161 Nguyễn Văn linh, P. Thạc Gián, quận Thanh khê, TP Đà Nẵng – ĐT 0511650676) hoặc Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM (24 Nguyễn Thị diệu , quận 3 –ĐT: 0822110224). (Tuổi Trẻ 30/10/2009)

TPHCM: Viễn thông A khai giảng lớp dạy nghề sửa chữa điện thoại di động cho người khuyết tật

Ngày 29/10/2009, Công ty Viễn thông A đã phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi khai giảng lớp dạy nghề sửa chữa điện thoại di động tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM). Đây là lớp dạy sửa chữa điện thoại di động đầu tiên dành cho người khuyết tật tại TP HCM. (Tiền Phong 30/10/2009)

Bình Thuận: Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Sài Gòn tạng quà cho hơn 400 hộ nghèo, người khuyết tật.

Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Sài Gòn và nhóm từ thiện Mai Vàng phối hợp cùng Hội phụ nữ tỉnh Bình Thuận tổ chức khám bệnh, phát thuốc và tặng quà trị giá 200.000 đồng, gồm những nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày cho hơn 400 hộ nghèo, người khuyết tật ở xã La Dạ, huyện Hàn Thuận Bắc (Bình Thuận). (Nhân Dân 30/10/2009)

MasterCard ủng hộ 50.000 USD cho đồng bào chịu hậu quả cơn bão số 9

MasterCard Worldwide đã công bố đóng góp 50.000 USD thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để trợ giúp các nạn nhân của cơn bão số 9. Khoản cứu trợ này là một phần trong khoản tiền trị giá 200.000 USD được MasterCard gửi đến Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam để hỗ trợ. (TBKTVN  30/10/2009)

Để Thủ tướng quyết định việc thành lập đại học thì không còn cấp nào giám sát

Bên lề kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, vấn đề trao quyền thành lập trường cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có các suy nghĩ khác nhau. Một cách suy nghĩ cho rằng, Thủ tướng ra văn bản còn để tình trạng các trường thành lập ồ ạt, chất lượng không đảm bảo như thế, thì để quyền thành lập trường cho Bộ trưởng còn khó hơn. Đấy là một cách nhìn theo logic hình thức. Nhưng mặt khác, nếu Bộ trưởng ký thì Bộ trưởng quyết định trực tiếp hơn, và lại có cấp trên là Thủ tướng có thể giám sát được thì về cơ chế sẽ chặt chẽ hơn. Chúng ta cũng biết, khi Thủ tướng ký quyết định thành lập trường thì cơ quan tham mưu chủ yếu vẫn là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế cho nên, ở đây có sự tin cậy lẫn nhau, hay có sự quan liêu hay không tôi không bàn đến, nhưng có vấn đề là nếu trao quyền cho ai người đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp và lại có một cơ chế giám sát cao hơn thì bao giờ tính hiệu quả cũng cao hơn. Theo ông, nên giao quyền cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập trường đại học, và Thủ tướng Chính phủ phải đồng chịu trách nhiệm với thành viên của mình. Như thế sẽ có hai cấp đều phải chịu trách nhiệm, nhưng lại có một cấp ở trên giám sát trực tiếp, như vậy tính hiệu quả sẽ cao hơn. Nếu không, Thủ tướng có thể bị cấp dưới tham mưu theo cách làm của họ, và khi sa lầy vào đấy sẽ không còn cấp nào để giám sát Thủ tướng cả. (Giáo dục & Thời đại 29/10/2009)

Nên để các hiệp hội đứng ra tổ chức giải thưởng cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Chí Nguyện - Phó Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM, hằng năm mỗi doanh nghiệp nhận ít nhất là 10 hồ sơ mời chào tham dự giải thưởng các loại. Hầu hết là do các đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức nhưng lấy danh nghĩa một bộ, ngành nào đó để mời doanh nghiệp tham gia. Có thể nói đây là hình thức biến tướng, kinh doanh giải thưởng. Bởi lẽ, các bộ, ngành chỉ ký tên mời tham dự chứ không kiểm soát được hết quy trình thực hiện, quy chế xét thưởng của giải ra sao. Để chữa căn bệnh này, bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng với các giải thưởng, danh hiệu do các tổ chức, doanh nghiệp làm riêng thì các cơ quan quản lý không nên nhúng tay vào bảo trợ hay tham gia tổ chức. Đừng tham gia các giải thưởng kiểu một nửa là nhà nước bảo trợ, một nửa là “kinh doanh” như giải vừa rồi mà Vedan có được. Tham gia như vậy thì cũng chỉ mang tiếng thêm thôi! Do đó, nhà nước không nên tham gia vào các giải thưởng mà doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà nước cung cấp. Bà cũng cho rằng về phần các giải thưởng do doanh nghiệp, đơn vị tự tổ chức thì chủ yếu là để các hiệp hội đứng ra làm và xét giải cho hội viên của họ. Việc này có mấy cái lợi: Thứ nhất là hiệp hội sẽ cùng bàn với doanh nghiệp về các tiêu chí minh bạch, rõ ràng. Các tiêu chí này sẽ phù hợp và dễ được doanh nghiệp trong hội, trong ngành đồng tình với nhau. Thứ hai là hiệp hội do hội viên bầu ra nên cũng bị hội viên giám sát chặt chẽ. Do đó mà hiệp hội sẽ phải công tâm, minh bạch khi xét giải thưởng. Nếu hiệp hội lơ mơ làm không tốt thì hội viên sẽ có ý kiến ngay. Bà Lan nói: “Tôi không tán thành cách để cho những trung tâm này nọ tổ chức giải thưởng vì một trung tâm không đại diện cho loại doanh nghiệp nào cả và cũng không có ràng buộc trách nhiệm gì được”. Đương nhiên, dù đơn vị nào làm thì cũng cần sự đóng góp tài chính của doanh nghiệp nhưng nếu là hiệp hội tổ chức, thu phí thì dù sao cũng sòng phẳng hơn, chi tiêu ra sao cũng minh bạch hơn. Ông Nguyễn Chí Nguyện cũng có ý kiến tương tự, rằng nên để các hiệp hội ngành nghề tổ chức giải thưởng hoặc ít ra cũng phải có sự tham gia của hiệp hội ngành nghề trong quá trình thẩm định doanh nghiệp đạt giải. Bởi lẽ hiệp hội là đơn vị nắm rõ hội viên của mình mạnh yếu ra sao, kinh doanh tốt xấu như thế nào. (Pháp luật TPHCM 30/10/2009)

Để nhà không biến thành hầm khi nâng đường

Tại TPHCM, không ít căn nhà “bỗng dưng” trở thành hầm khi phần lớn nhà lọt thỏm xuống so với mặt đường sau mỗi lần các cơ quan chức năng tiến hành nâng đường, làm cầu. Cứ thế, "cuộc rượt đuổi" nâng đường - nâng nhà như câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, mãi vẫn chưa thấy hồi kết... Về thực tế này,  KS Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM cho biết, để sửa đường nhựa ở đô thị, ở ta thường áp dụng các biện pháp sau: Một, phương pháp đơn giản, nhanh và rẻ nhất là xử lý những nơi bị lún rồi trải lên đường cũ lớp bê tông nhựa đường mới, lu lèn, cốt nền đường nâng cao làm cho nền nhà ở hai bên đường trở nên thấp, buộc hàng trăm gia đình phải nâng cao nền nhà của mình, nếu không tầng trệt nhà sẽ trở thành ao. Cách này làm mất lòng dân, hết sức tốn kém, nhà ngày càng thấp. Hai, bóc hết lớp mặt đường cũ, xử lý những nơi bị lún rồi trải lại lớp bê tông nhựa đường mới, lu lèn theo yêu cầu của thiết kế. Phương pháp này tốn rất nhiều thời gian và tiền của, lại gây ô nhiễm môi trường, song không làm tăng cốt nền đường. Tuy nhiên, hai phương pháp nói trên đều có hạn chế. Một phương pháp mới là ứng dụng công nghệ tái tạo Fortress (Mỹ) vào việc sửa chữa đường nhựa cũ ở đô thị. Theo đó, cần bóc hết lớp mặt đường cũ đến độ sâu theo yêu cầu thiết kế, xử lý những nơi bị lún. Đá, đất, xi măng, nhựa đường... bị bóc lên sẽ được nghiền đạt kích thước theo yêu cầu, pha trộn với một chất nhũ tương đặc biệt trở thành hỗn hợp được tái chế sử dụng lại. Ưu việt của công nghệ này là không làm tăng cốt nền đường nên nhà dân hai bên đường sẽ không phải lo thành ao chứa nước; sử dụng lại toàn bộ vật liệu cũ giúp tiết kiệm tài nguyên; thời gian thi công nhanh, sau khi lu lèn, đường đạt cường độ sớm và thông xe ngay sau khi xây dựng. Để ứng dụng được công nghệ này cùng với một số công nghệ tiên tiến khác của Mỹ về làm đường thì cần phải có sự hợp tác, hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài và phải có đầy đủ thiết bị chuyên dùng. (Thanh Niên 30/10/2009)

Công nghiệp chế biến cao su trong nước chưa phát triển tương xứng

Theo số liệu của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), mặc dù sản lượng cao su trong 5 tháng gần đây tăng do thời tiết thuận lợi nhưng do nhu cầu lớn của thị trường Trung Quốc nên lượng dự trữ bị giảm. Xuất khẩu cao su Việt Nam đang lệ thuộc rất lớn vào Trung Quốc và việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu lốp ô tô Trung Quốc từ 4 lên 35% cuối tháng 9 vừa qua đã tác động rất lớn đến Việt Nam. Để đối phó với những biến động của thị trường, VRA đã đề ra nhiều giải pháp trong đó có nâng cao chất lượng thông tin và đẩy mạnh tư vấn. VRA cũng cho biết là công nghiệp chế biến cao su trong nước còn chưa tương xứng và có phần phát triển chậm. Hiện tại, trong nước chỉ chế biến được 80.000 – 100.000 tấn/năm, tương đương 12 – 15% tổng sản lượng. (TBKTVN 30/10/2009)