Bản tin nổi bật ngày 4 - 12 -2009

Chúc mừng ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6-12-1989 – 6-12-2009), Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đã có thư chúc mừng TƯ Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các cấp hội, cùng toàn thể các cựu chiến binh trong cả nước. Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam luôn tự hào về cựu chiến binh Việt Nam, những người đã cống hiến xương máu, trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Huỳnh Đảm mong cựu chiến binh Việt Nam phát huy phẩm chất cách mạng “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. (SGGP 4/12/2009)

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc gặp gỡ cử tri và doanh nghiệp Thái Bình

Với tư cách là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng ông Nguyễn Thái Hùng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình vừa có các cuộc tiếp xúc với cử tri hai huyện Quỳnh Phụ và Hưng Hà. Cùng với chương trình làm việc với cử tri, TS Vũ Tiến Lộc cũng đã thăm và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình. Nhân dịp này, VCCI đã tặng Kỷ niệm chương Vì sự Phát triển Doanh nghiệp cho ông Lê Đức Hiển – Bí thư Đảng uỷ khối Doanh nghiệp tỉnh. Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, ông Trần Quốc Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình  cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.500 doanh nghiệp trong đó 140 doanh nghiệp có cơ sở Đảng. Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã cứu nhiều doanh nghiệp thoát khỏi phá sản nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp Thái Bình có thể trụ vững mà không cần đến các gói hỗ trợ tiếp theo. Tiếp sau buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, TS Vũ Tiến Lộc đã đến thăm Công ty Dệt may Thăng Long, Công ty Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hương Sen - chủ thương hiệu bia Đại Việt… (Diễn đàn Doanh nghiệp 4/12/2009)

Thuỷ sản xuất khẩu sắp phải khai báo nguồn gốc: Nước đến chân mới… “nhảy”

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa, ngày 1/1/2010, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ áp dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản sang cộng đồng này với yêu cầu nghiêm ngặt là tất cả các lô hàng khai thác phải có chứng nhận tên tàu và vùng biển đánh bắt. Những khó khăn đang hiện hữu. Điều này buộc ngành thủy sản, các doanh nghiệp và ngư dân phải ngồi lại với nhau tìm giải pháp trong hội thảo hôm qua 3/12/2009 tại Hà Nội. Báo cáo của ngành thủy sản cho biết, EU hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm 26-30% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản nước ta. Vì thế, khi EU áp dụng hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Luật IUU), ngành thủy sản nước ta chịu nhiều ảnh hưởng. Theo anh Nguyễn Hoài Nam - đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thực hiện IUU là cần thiết nhưng không hề đơn giản đối với các DN. Mấy ngày gần đây, nhiều DN trong VASEP kêu ca vì vướng trong xuất khẩu. Một số DN bị ngưng ký hợp đồng, vì phía nhập khẩu chưa thấy Việt Nam có động thái gì. Trong khi đó, bản thân các nhà nhập khẩu của EU cũng đang bị quản lý rất chặt về nguồn gốc thủy sản khai thác nên họ chưa chắc chắn để ký hợp đồng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, để giúp ngư dân và DN, hôm nay (4/12/2009), Bộ sẽ ban hành Quy chế chứng nhận thủy sản, xác nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác. Kèm theo đó, Bộ cũng in ấn tài liệu dưới dạng hỏi đáp để ngư dân và DN dễ tiếp cận và thực hiện Luật IUU. (Tiền Phong 4/12/2009)

Việt Nam có nhiều tiềm năng và thuận lợi về tái chế giấy

Ngày 3/12/2009 tại TPHCM, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) và tập đoàn Tetra Pak đã tổ chức hội thảo “Tái chế giấy và bao bì giấy đã qua sử dụng”. Theo TS Vũ Ngọc Bảo - Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, nhu cầu giấy trong nước cần tới 1,8 triệu tấn/năm nhưng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 1,13 triệu tấn. Trong số giấy sản xuất trong nước, 70% là nguyên liệu tái chế nhưng hiện chỉ có 25% giấy qua sử dụng là được thu hồi. Hơn nữa, lượng này cũng chỉ đáp ứng được 50% tổng lượng giấy phế liệu mà công nghiệp giấy trong nước cần. Như vậy, hầu hết lượng còn lại bị tiêu huỷ lãng phí trong khi ngành giấy lại phải bỏ ra một lượng ngoại tệ lớn để mua giấy phế liệu để làm nguyên liệu. TS Vũ Ngọc Bảo nhận định, việc tăng cường tái chế giấy sẽ làm giảm lượng gỗ phải chặt hạ để sản xuất bột giấy và giảm toàn bộ nhu cầu về gỗ. Ngoài ra còn rất nhiền lợi ích khác và ngành giấy Việt Nam cần có biện pháp để tăng cường tái chế giấy và bao bì giấy đã qua sử dụng. (TBKTVN 4/12/2009)

Hiệp hội Gas Việt Nam tuyên chiến với gas lậu và tham gia phòng chống cháy nổ

Ngày 3/12/2009, Hiệp hội Gas Việt Nam đã ký kết với Cục Quản lý Thị trường Bộ Công thương về phối hợp hoạt động phòng chống gas lậu và ký kết với Cục Phòng cháy Chữa cháy Bộ Công an về phòng chống cháy nổ. Theo ông Nguyễn Sĩ Thắng - Chủ tịch Hiệp hội, tình trạng tăng giảm giá tuỳ tiện thời gian qua rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, Nghị định về kinh doanh khí hoá lỏng dầu mỏ vừa được Thủ tướng ký ban hành đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải niêm yết giá công khai, chịu trách nhiệm về giá trong hệ thống của mình. Cả nước hiện có khoảng 80 doanh nghiệp kinh doanh gas trong đó 60 có thương hiệu cùng hàng chục ngàn đại lý. (Tiền Phong 4/12/2009)

TPHCM: Khai mạc triển lãm ảnh về cựu chiến binh

Sáng 3/12/2009, tại công viên Lam Sơn, quận 1, TP.HCM, Hội Cựu chiến binh TP.HCM phối hợp với Trung tâm triển lãm TP tổ chức khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề “20 năm xây dựng, hoạt động và trưởng thành của Hội cựu chiến binh TP.HCM”. Hơn 100 bức ảnh màu được trưng bày theo 3 phần gồm: truyền thống, những tấm gương cựu chiến binh điển hình trong các phong trào và thành tựu 5 năm thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã giới thiệu đến người xem một cách khái quát quá trình xây dựng, hoạt động và trưởng thành của Hội Cựu chiến binh TP trong 20 năm qua. Triển lãm tiếp tục mở cửa cho đến hết ngày 13/12/2009. (Tuổi Trẻ 4/12/2009)

Ra mắt cuốn sách “Bí mật phía sau nhục thân các vị thiền sư”

Ngày 3/12/2009 tại Hà Nội, PGS TS Nguyễn Lân Cường – Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đã cho ra mắt cuốn sách “Bí mật phía sau nhục thân các vị thiền sư”. Ðây có thể coi là một sự kiện thu hút đại chúng của cổ nhân học - một ngành khoa học còn ít nhiều xa lạ và bí hiểm. Bắt đầu nghiên cứu từ thập niên 1980 (thế kỷ 20) và mất năm năm hoàn thành, cuốn sách dày 200 trang là một trong những công trình công phu nhất của ngành cổ nhân học. Nguồn tư liệu độc đáo mà tác giả sử dụng trong cuốn sách là những câu chuyện được lưu truyền hàng trăm năm trong dân gian. Hơn 200 bức ảnh chụp nhục thân các vị thiền sư, quá trình khai quật và tu bổ suốt hàng chục năm là một kỳ công của nhà khoa học PGS.TS Nguyễn Lân Cường. Ông cho biết: Có hai loại xác ướp. Một là ướp xác trong quan ngoài quách, hai là kiểu tượng táng. Ấn tượng nhất là loại tượng táng bởi vì hình thức ướp xác trong quan ngoài quách thì ở Trung Quốc cũng có. Thậm chí ướp xác trong quan ngoài quách của Trung Quốc như Mã Vương Ðôi có niên đại những 2.000 năm. Còn mộ trong quan ngoài quách của mình, tức là mộ xác ướp, có từ thời Hậu Lê, khoảng hơn 300 năm thôi. Tượng táng này cũng chỉ 300 năm nhưng độc đáo ở chỗ làm theo cách của dân tộc mình, như cách làm hoành phi câu đối. Kỹ thuật làm tượng táng cũng dùng sơn, vải màn, đất mối đùn... Nó hay ở chỗ là giữ lại được hình vẻ của người đã mất vì chỉ quét một lớp rất mỏng và quan trọng là bảo vệ được bộ xương bên trong vì sơn ta rất bền, rất tốt, kết hợp với giấy dó, vải màn nữa. Cho nên chúng tôi mới đánh giá nó rất độc đáo. Chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc có, các nước khác trên thế giới không có. (Tuổi Trẻ 4/12/2009)

Chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam: Vẫn mạnh văn xuôi

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2009 sẽ được công bố vào đầu tháng 1/2010. Đến nay, các hội đồng chuyên ngành đã đề cử 9 tác phẩm vào chung khảo, trong đó văn xuôi có nhiều hơn cả, với 4 đề cử là "Sống khó hơn là chết" (tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh), "Lời nguyền thiêng" (tập truyện ngắn - Thế Đức), "Cô bé nhìn mưa" (tự truyện - Đặng Thị Hạnh), "Trần gian nhìn từ sau lưng" (tập truyện ngắn - Nguyễn Hiệp). Lý luận phê bình có 1 đại diện là "Tản mạn nghiệp văn" (tiểu luận - Đinh Quang Tốn). Văn học dân tộc và miền núi có 3 đề cử - "Bài ca đẹp nhất trần gian" (tập thơ của Pờ Sào Mìn), "Sương chưa tan làng trăng" (tập truyện ngắn của Thu Loan), "Sau đêm" (tập thơ của Hữu Tiến). Văn học thiếu nhi chọn được 1, là "Cho tôi một vé đi tuổi thơ" của Nguyễn Nhật Ánh. Ngoài 9 đề cử trên, theo quy chế xét giải, đến nay còn có 8 tác phẩm văn xuôi, thơ, tiểu luận khác được các thành viên BCH và Ban chung khảo đề cử để xét giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2009. (Hà Nội mới 4/12/2009)

Quảng Nam: 67 tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trên địa bàn tỉnh

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp tổ chức hội nghị về tăng cường hợp tác giữa tỉnh với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO). Theo ông Lưu Văn Đạo – Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh, trong 5 năm qua đã có 67 tổ chức NGO nước ngoài có dự án tại tỉnh với hơn 400 chương trình, dự án có tổng giá trị 431,1 tỷ đồng. Ông Vũ Xuân Hồng - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đánh giá, việc tổ chức được hội nghị này là bước khởi đầu cho giai đoạn hợp tác quy mô hơn, hiệu quả hơn giữa Quảng Nam và các NGO. (Thời Đại 3/12/2009)

Người cao tuổi sẽ tăng đột biến

Theo báo cáo của Hội Y tế Công cộng Việt Nam và Uỷ ban Quốc gia về Người cao tuổi, Việt Nam sắp qua giai đoạn dân số vàng và đối mặt với sự già hoá dân số. Theo dự báo, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam sẽ tăng đột biến từ 2010, đạt tỷ lệ 15,45% vào năm 2015 và 28,45% vào năm 2050. (Gia đình & Xã hội 4/12/2009)

Xuất huyết tiêu hoá là bệnh nguy hiểm thường gặp

Hội Tiêu hoá Việt Nam và Công ty AstraZeneca vừa tổ chức hội thảo về bệnh xuất huyết tiêu hoá. Đây là bệnh nguy hiểm thường gặp với tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày khoảng 10% ở các nước phương Tây. Nguyên nhân chủ yếu do loét dạ dày tá tràng. Tần suất của bệnh này khoảng 50 – 150/100.000 dân mỗi năm và có thể cao hơn ở các nước kém phát triển. (Gia đình & Xã hội 4/12/2009)

15.000 Việt kiều tại Lào sẽ cổ vũ cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 25

Tổng hội người Việt Nam tại Lào đã lên kế hoạch tổ chức lực lượng khoảng 15.000 người để cổ vũ cho các đội tuyển thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 25. Đây sẽ là nguồn động viên lớn lao giúp các vận động viên Việt Nam cảm thấy như được thi đấu trên sân nhà. (Gia đình & Xã hội 4/12/2009)

Thái Bình: Tập huấn cho cán bộ đoàn cơ sở về nghề nghiệp, việc làm

Trong 2 ngày 2 và 3/12/2009, Tỉnh đoàn và Hội LHTN tỉnh Thái Bình đã tổ chức lớp tập huấn về nghề nghiệp và việc làm cho 286 cán bộ đoàn cơ sở. Nội dung của khoá tập huấn là về khởi sự doanh nghiệp, tự tạo việc làm, chính sách dạy nghề và giải quyết việc làm, tổng quan về hướng nghiệp - học nghề - việc làm. (Tiền Phong 4/12/2009)

Bình Định: Việt kiều tại Czech trao tặng sách giáo khoa học học sinh các trường tại Quy Nhơn bị thiệt hại do bão

Chiều 3/12/2009, Hội người Việt tại Czech cùng với Thành đoàn Quy Nhơn đã tổ chức trao tặng 238 bộ sách giáo khoa cho học sinh trường tiểu học Ngô Quyền và Nguyễn Khuyến ở thành phố Quy Nhơn bị thiệt hại do bão số 11. Tổng số sách có trị giá 40 triệu đồng do cộng đồng người Việt tại Czech quyên góp ủng hộ. (Thanh Niên 4/12/2009)

TPHCM: Giao lưu, tặng quà cho người khuyết tật “vượt lên số phận”

Ngày 3/12/2009, nhân Ngày Quốc tế Người Khuyết tật, Hội Cứu trợ Trẻ em Tàn tật TPHCM đã phối hợp với tạp chí Tình thương & Cuộc sống tổ chức chương trình gặp gỡ giao lưu “Vượt lên số phận” lần thứ 6 – 2009. Tham dự chương trình có hơn 500 trẻ em và một số gương mặt tiêu biểu đã vượt lên số phận. Ban tổ chức đã trao 500 phần quà cho trẻ em khuyết tật, 20 phần quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và trao học bổng cho 38 gương thanh niên vượt khó. Cùng ngày, Hội LHPN TPHCM đã họp mặt và trao quà cho 72 phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. (SGGP 4/12/2009)

Đà Nẵng: Gần 4 tỷ đồng từ chương trình “heo đất tiết kiệm”

Hội Phụ nữ TP Đà Nẵng cho biết trong năm 2009 đã nuôi được gần 40.000 con Heo đất tiết kiệm với 4 tỉ đồng, khoảng 120 Hũ gạo tình thương với gần 6,5 tấn gạo. Ngoài ra, Hội Phụ nữ TP còn tổ chức nhiều mô hình trợ giúp như Nuôi trâu vàng tiết kiệm, Tiết kiệm một ngày đầu xuân, Mái ấm đồng tâm... Tất cả số tiền và gạo thu được từ các mô hình này dùng để giúp đỡ gần 390 hộ phụ nữ nghèo và đặc biệt nghèo. Hội đã xây dựng được gần 60 nhà tình thương, 10 công trình vệ sinh và 13 công trình nước sạch cho các hộ phụ nữ nghèo. (Pháp luật TPHCM 4/12/2009)

Phí cầu đường chiếm 8 – 10% giá thành vận tải

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, phí cầu đường chiếm 8 -10% giá thành vận tải. Tuy nhiên, đây chỉ là mức bình quân. Còn ở từng trường hợp cụ thể thì có thể cao hơn. Một chủ doanh nghiệp vận tải cho biết, phí cầu đường quá nặng sẽ buộc tài xế phải bắt thêm khách để có lời. (Thanh Niên 4/12/2009)

Xuất khẩu thuỷ sản sẽ đạt 4,2 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản của cả nước tính đến cuối tháng 11/2009 ước đạt gần 3,8 tỷ USD. Dự báo cả năm 2009, xuất khẩu thuỷ sản sẽ đạt 4,2 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với dự kiến từ đầu năm. (SGGP 4/12/2009)

Khó có khả năng xảy ra sốt gạo

Theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường lúa gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất tốt khi Philippines liên tục 4 lần đấu thầu gạo trên 2 triệu tấn; Ấn Độ có khả năng nhập khẩu 3 – 5 triệu tấn gạo bắt đầu từ quý I/2010; các nước Trung Đông và Châu Phi tăng cường nhập gạo. Căn cứ vào các hợp đồng đã ký, năm 2009 Việt Nam có thể xuất khẩu được 6,1 triệu tấn gạo với giá FOB đạt xấp xỷ 2,5 tỷ USD. Hiện tại, nguồn gạo dự trữ tại các kho của doanh nghiệp trong nước còn khoảng 1,4 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, lượng giao xuất khẩu chỉ khoảng 400.000 tấn nên nguồn dự trữ còn lại vẫn đủ đảm bảo an ninh lương thực. Mặt khác, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá, Vinafood 1 và Vinafood 2 đã chỉ đạo 250 cửa hàng phân phối dự trữ sẵn nguồn hàng để phục vụ nhân dân. Vì thế, ông Phong khẳng định, dù dự báo nhu cầu tăng nhưng sẽ khó xảy ra sốt gạo, tăng giá đột biến trong thời gian tới. (Đầu Tư 4/12/2009)

Nhìn lại các hội diễn chuyên nghiệp: Bệnh thành tích, háo danh ngày càng nặng

Nhìn lại một số hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra trong thời gian gần đây, có thể thấy việc chấm giải thiếu công bằng, tình trạng "mưa" huy chương diễn ra phổ biến và điều đáng nói các vấn đề trên bắt nguồn từ bệnh háo danh, ham thành tích. Thực chất, dù nhiều nghệ sĩ, vở diễn có được nhận huy chương (HC), thì về mặt nghệ thuật, sân khấu nói chung, kịch nói và cải lương nói riêng đều ọp ẹp trong "cơ thể ốm yếu". NSƯT Trần Ngọc Giàu - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, người tự động rút khỏi ban giám khảo để làm nghề và chịu tiếng oan dựng quá nhiều vở diễn đã nói về bản chất hội diễn và căn bệnh đáng sợ nói trên: "Khi tổ chức HD, người ta muốn tạo không khí cho các đoàn nghệ thuật tìm tòi cái mới. Nhưng thực tế cho thấy, HD tạo áp lực khác. Đơn vị nào cũng cầm tiền của địa phương dựng vở đi thi, phải mang về một kết quả nào đó. Gần đây, một số địa phương hiểu ra, không buộc phải có giải và cũng khẳng định, chỉ cần tạo điều kiện cho nghệ sĩ có HC để thuận lợi cho việc xét danh hiệu. Nhiều HD gần đây cho thấy sự lúng túng của những người có trách nhiệm, trước hết ở việc hạn chế đơn vị này không được mượn diễn viên của đơn vị kia. Sài Gòn có cơ chế mở, các đoàn chỉ giữ diễn viên hạng chính, còn lại hợp đồng theo vở diễn. Nhiều nghệ sĩ bươn chải đi các nơi, dịp hội diễn mới trở về với đoàn. Thứ hai, có thể thấy, thiếu hụt đội ngũ làm nên bộ mặt sân khấu đó là đạo diễn. Vì thế, các đoàn chạy đôn đáo khắp nơi. Ồng được nhiều nơi mời, chẳng qua vì không ai cáng đáng giúp họ (nhiều tỉnh nghèo, nên mãi mới xoay đủ tiền dựng vở, chỉ có thể ký hợp đồng cho đạo diễn ngay khi vở đã phúc khảo). Thứ ba, ngay ở quy chế HD đặt ra mỗi tác giả, đạo diễn chỉ được có 3 vở, cũng đã chỉ ra tình trạng thiếu hụt đội ngũ đạo diễn trẻ, nên người già phải làm thay. Lẽ ra, trách nhiệm của Nhà nước là phải nghĩ đến chuyện đào tạo một lực lượng có tài lực từ đầu, chứ không đợi đến HD mới "phát hiện" ra đạo diễn trẻ. Cũng cần phải kể đến sự lúng túng của ban giám khảo khi phải trả lời trước công luận việc chấm giải thiếu công bằng, ưu ái cho thành viên ban giám khảo là chuyện thường ngày... Thiếu hụt lớn nhất của HD là đề tài. Sân khấu hiện chỉ mới đáp ứng nhu cầu giải trí, không còn khả năng làm nhiệm vụ phản ánh, dự báo, giáo dục, nâng cao nhận thức thẩm mỹ của khán giả". Vậy nên chuyển hướng hội diễn sang hình thức hoạt động nào, một khi chính mô hình này không còn phù hợp nữa?". NSƯT Trần Ngọc Giàu cho hay: "Làm sao để vở diễn có đời sống sau HD là điều quan trọng nhất. Nhiều đơn vị huy động tiền mướn nghệ sĩ, mà cuối cùng ấm ức vì không có giải gì, lãng phí lớn. Tâm lý 5 năm mới có một lần HD, phải làm địa phương mở mặt nay đã nhạt dần, vì nhiều nơi bắt đầu không dự thi, hoặc dựng vở cho chính họ, chứ không vì giải thưởng. Cải lương khác kịch nói, vì hầu hết đều lấy tiền nhà nước dựng vở, còn kịch nói thì nhiều đoàn đã xã hội hoá, nên chú ý cả mặt doanh thu. Việc thi thố, giành giải dẫn đến chuyện cho điểm không chính xác, không công bằng, khiến nhiều người cho rằng khi họ lên nhận giải vàng, họ cảm thấy xấu hổ khi đứng cùng đối tượng không xứng đáng. Danh hiệu NSƯT, NSND cũng phải đổi một cái gì đó, như một công cụ để đạt được cái khác. Ngay cả chuyện ai sẽ nhận HC để lên NSƯT, NSND cũng đã được tính trước. Vậy nên mới có chuyện trong một HD, có nghệ sĩ đoạt 2 HC ở cả 2 vở. Bệnh thành tích, chạy giải ngày càng nặng là vì vậy. Theo ông, nên bỏ HD, chỉ nên tổ chức liên hoan cho nghệ sĩ học hỏi lẫn nhau. (Lao Động 4/12/2009)