Bản tin nổi bật ngày 5 - 1 - 2010

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia

Chiều 4/1/2009, tại TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia mở rộng nhiệm kỳ 3, lần thứ 5, nhằm tổng kết hoạt động hội năm 2009 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2010. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh đến tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân ba nước trên bán đảo Đông Dương, mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Campuchia trong đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước. Mặc dù tình hình hiện nay có thay đổi, cơ chế, thể chế hai nước có khác nhau nhưng tinh thần chung vẫn là đoàn kết hữu nghị, thể hiện sự tin cậy, hiểu biết, chia sẻ và hợp tác, đặc biệt là gần đây hợp tác về kinh tế và đầu tư đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Trong năm 2010, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo hai hội, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia đang chuẩn bị tổ chức giao lưu giữa đại diện nhân dân hai nước nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, đồng thời tiếp tục nghiên cứu mở Văn phòng đại diện của hội và Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia tại TP Hồ Chí Minh nhằm góp phần đẩy mạnh quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước có hiệu quả thiết thực hơn. (Hà Nội mới 5/1/2010)

66 giải pháp đoạt giải VIFOTEC 2009 

(HNM) - Quỹ VIFOTEC (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) vừa công bố các giải pháp đoạt giải tham dự hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X (2008-2009).

Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo KHKT Việt Nam (VIFOTEC) trực thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa công bố các giải pháp đoạt giải tham dự hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X (2008-2009). 66 trong tổng số 441 giải pháp tham dự sẽ được trao giải thưởng, trong đó có 6 giải nhất, 12 giải nhì, 18 giải ba và 30 giải khuyến khích thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông; nông - lâm - ngư nghiệp và tài nguyên - môi trường; vật liệu - hóa chất - năng lượng; cơ khí tự động hóa - xây dựng - giao thông vận tải; y dược... Được biết, trong đêm trao thưởng này, ngoài các giải chính thức do Quỹ VIFOTEC trao, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) cũng sẽ trao giải WIPO cho nhà khoa học xuất sắc nhất; cho tác giả nữ xuất sắc nhất và cho nhóm tác giả trẻ xuất sắc nhất đã đoạt giải hội thi. Đêm trao giải và tôn vinh các tác giả sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 20h ngày 19/1/2010, được truyền hình trực tiếp trên VTV2 và VTV4. (Hà Nội mới 5/1/2010)

Khả năng thiết kế trong ngành gỗ còn yếu

Phát biểu tại hội thảo “Gỗ cứng và những xu hướng thiết kế mới” do Hội Mỹ nghệ & chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức ngày 4/1/2010, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng thiết kế và phát triển sản phẩm của ngành chế biến gỗ còn nhiều hạn chế. Phần lớn sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của VN được sản xuất theo mẫu thiết kế của khách hàng. Giáo sư Rosanne Somerson của Trường thiết kế Rhode Island (Mỹ) nhận định các nhà thiết kế của VN cần chủ động nắm bắt xu hướng thiết kế mới, đưa bản sắc văn hóa vào sản phẩm cũng như đẩy mạnh quảng bá để đón đầu khi thị trường đồ gỗ đang phục hồi. Đến hết tháng 11/2009, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ VN đạt gần 2,3 tỉ USD, giảm 10,2% so với năm ngoái. (Tuổi Trẻ 5/1/2010)

Mỗi cửa hàng, đại lý gas chỉ được kinh doanh tối đa 3 thương hiệu

Từ ngày 15/1/2009, nghị định 107/2009/NĐ-CP nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh gas bắt đầu có hiệu lực với nhiều quy định mới. Theo đó, giá bán gas do các công ty kinh doanh gas đầu mối quyết định. Giá phải được niêm yết công khai tại nơi bán. Mỗi đại lý, cửa hàng chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho tối đa ba thương nhân kinh doanh gas đầu mối hoặc tổng đại lý. Theo ông Nguyễn Sĩ Thắng - chủ tịch Hiệp hội Gas VN, điều này phải được hiểu là mỗi đại lý, cửa hàng chỉ được kinh doanh tối đa ba thương hiệu gas. (Tuổi Trẻ 5/1/2010)

Việt Nam sẽ đăng cai hội nghị lần thứ 20 của Hội đồng Đồ gỗ Đông Nam Á

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ và Thủ công Mỹ nghệ TPHCM (HAWA), Hội nghị lần thứ 20 của Hội đồng Đồ gỗ Đông Nam Á (AFIC) sẽ được tổ chức ở Việt Nam vào tháng 6/2010 với sự tham gia của 7 nước thành viên trong khu vực. Ông cũng cho biết, tại hội nghị 19 vừa tổ chức ở Singapore của AFIC tháng 12/2009, AFIC đã đưa ra dự báo là ASEAN sẽ trở thành khu vực có ngành công nghiệp đồ gỗ xuất khẩu lớn nhất thế giới. Thế mạnh của các nước ASEAN là nguồn nguyên liệu, thị trường, đối tác, chiến lược và tiếp thị, lao động…. (TBKTVN 5/1/2010)

Thừa Thiên - Huế: Trồng thử nghiệm 0,5 ha cây ở vùng ngập mặn

Hội KHKT Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai đề tài Nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm tròng phục hồi cây ngặp mặn tại huyện Phú Vang và Phú Lộc với diện tích 0,5 ha. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2011. (Khoa học & Đời sống 5/1/2010)

Kon Tum: Trên 1 tỉ đồng hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật và trẻ mồ côi

Theo bà Vũ Thị Minh Huệ - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum, Hội Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã thống nhất triển khai dự án “Hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum” với tổng kinh phí trên 1 tỉ đồng, thời gian thực hiện đến tháng 6/2010. (Lao Động 5/1/2010)

Da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 4,4 tỉ USD

Dù không đạt chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2009 nhưng ngành da giày vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2010 tăng khoảng 10% so với năm ngoái, ước đạt khoảng 4,4 tỉ USD. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), bất chấp thuế chống phá giá giày mũ da tiếp tục bị áp 10% ở thị trường EU, đây vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của VN với tỉ trọng chiếm 50% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là thị trường Mỹ với tỉ trọng phân bổ khoảng 30%, phần còn lại dành cho các thị trường khác. (Tuổi Trẻ 5/1/2010)

Nhu cầu nhân lực CNTT tiếp tục là ngành “nóng”

Bước sang năm 2010, CNTT tiếp tục là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực rất lớn. Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA), tổng nhân lực CNTT Việt Nam hiện vào khoảng 250.000, trong đó có khoảng 50.000 về phần mềm và nội dung số. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch VINASA thì số lượng này vẫn còn quá ít. Sự phát triển của kinh tế - xã hội đã và đang đòi hỏi ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực ngày càng nhiều khiến nguồn nhân lực CNTT luôn ở top trên. Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TPHCM cũng cho biết, qua khảo sát tại 27.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề tại TPHCM, nhu cầu nhân lực CNTT năm 2010 là cao nhất với 7,75%. (Lao Động 5/1/2010)

Sinh viên tiếp cận nhiều luồng thông tin là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ

Theo anh Nguyễn Đắc Vinh – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, sinh viên tiếp cận nhiều luồng thông tin là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ. Cán bộ Hội Sinh viên cũng phải tăng cường hoạt động thông qua Internet. Ngày 5/1/2010, Hội Sinh viên Việt Nam sẽ ra mắt trang web www.hsnvn.com. Từ đây, một số hoạt động, ý kiến trao đổi sẽ được truyền tải qua trang web chung này. Anh cũng cho biết, Hội đang có đề án liên kết với một số doanh nghiệp và ĐH về đào tạo và tuyển dụng nhân lực. Hội có trách nhiệm đào tạo, trang bị kỹ năng cần và đủ cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Theo kế hoạch, Hội sẽ thí điểm mô hình mới này từ tháng 3/2010. Nếu đạt kết quả tốt thì sẽ nhân rộng. (Tiền Phong 5/1/2010)

Gạo năng suất cao vẫn thơm ngon?

Theo GS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, chất lượng luôn tỷ lệ nghịch với năng suất nếu căn cứ theo quy luật tự nhiên. Những giống lúa lai năng suất cao thường không có được chất lượng như các giống lúa đặc sản địa phương. Tuy nhiên, theo theo PGS Nguyễn Kim Vũ – Phó Chủ tịch Hội KHKT Lương thực Thực phẩm Việt Nam thì công nghệ cao đang xoá nhoà ranh giới giữa năng suất và chất lượng. Giờ đây, nhiều giống lúa chuyển gien đã có năng suất cao và chất lượng thơm ngon. Đồng quan điểm này nhưng GS Trần Đình Long cho rằng chất lượng ở đây không thể đạt được ở mức tuyệt hảo. (Khoa học & Đời sống 5/1/2010)

Ý thức chấp hành luật giao thông của người dân vẫn là trên hết

Về “sáng kiến” bịt ngã tư mới thực hiện tại một số điểm giao thông ở Hà Nội thời gian qua, PGS TS Phạm Sĩ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng đây là một hình thức của “đảo giao thông” mà chúng ta đã từng áp dụng. Tuy nhiên, thành công ở điểm này đôi khi không thể áp dụng cho điểm kia vì thực tế lại xảy ra ùn tắc kiểu khác. Theo ông, nên có đúc rút kinh nghiệm, khảo sát kỹ lưỡng sau một thời gian áp dụng. Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân vẫn là trên hết, không có giải pháp nào hữu hiệu bằng. (Khoa học & Đời sống 5/1/2010)

Hội Nhà văn Việt Nam sẽ kiến nghị một số chính sách lớn về quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài

Trước thềm Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam sẽ khai mạc tại Hà Nội hôm nay, nhà văn Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, tính đến nay đã có hơn 13.000 tác phẩm văn học của thế giới được dịch ra tiếng Việt, và hầu hết các tác phẩm lớn của nhân loại đều đã được giới thiệu một cách có hệ thống ở Việt Nam. Trong khi đó, số lượng các tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch và giới thiệu ra nước ngoài mới chỉ có hơn 570 tác phẩm (từ văn học cổ cho đến nay). Với thống kê này, chỉ cần một người có cảm quan bình thường cũng có thể nhận thấy việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài chưa hề tương xứng với những tiềm năng của chúng ta, chưa hề tương xứng với những giá trị của văn học Việt Nam. Theo ông, từ hội nghị lần này, chúng ta sẽ giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài một cách hệ thống và bài bản. Hội Nhà văn Việt Nam đang triển khai 3 việc: Phải nắm được toàn bộ đội ngũ dịch giả trong nước, quốc tế; phải xác định một kế hoạch dài hạn cho việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài và cứ 5 năm lại định kỳ tổ chức Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam. Qua hội nghị này, Hội Nhà văn sẽ kiến nghị với Đảng và Nhà nước một số chính sách lớn như thành lập một trung tâm hay viện dịch thuật văn học Việt Nam và cơ chế chính sách. Ở Hàn Quốc và Trung Quốc, người ta không chỉ đầu tư cho nhà văn mà còn đầu tư rất lớn cho các nhà xuất bản để dịch các tác phẩm văn học của nước họ ra nước ngoài. Chúng ta sẽ triển khai cả việc đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho một số nhà xuất bản trong và ngoài nước để họ xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam, đây cũng là một trang mới trong hoạt động giao lưu văn học quốc tế của chúng ta. (Thanh Niên 5/1/2010)