Bản tin nổi bật ngày 6 - 1 - 2010

Giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài: Hành lang đã rộng mở

Ngày 5/1/2010, Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tham dự hội nghị có các đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo; Phùng Hữu Phú, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ; cùng hơn 150 đại biểu quốc tế đến từ 34 quốc gia và gần 300 nhà văn, dịch giả Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam; nằm trong chủ trương của nhà nước Việt Nam quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, trong đó có các vấn đề về văn hóa, văn học. Hội nghị cũng là dịp để các nhà văn, dịch giả nước ngoài và Việt Nam gặp gỡ, trao đổi nhiều vấn đề chuyên môn cũng như công tác xuất bản ở nước ngoài... Được biết, sau hội nghị này, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ khởi động việc thành lập Trung tâm Dịch thuật trực thuộc Hội để làm cầu nối cho các hoạt động giao lưu, trao đổi tác phẩm văn học. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2007 đã có 13.700 tác phẩm văn học của thế giới được xuất bản ở VN. Nhưng đến nay mới chỉ có 570 tác phẩm của VN được dịch. Với một cảm quan văn học bình thường cũng có thể thấy đó là sự bất tương xứng cần sớm được khắc phục một cách có tổ chức với tầm nhìn xa rộng. (Tuổi Trẻ, SGGP, Hà Nội mới 6/1/2010)

Ôn lại truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam qua các thế hệ

Sáng 5/1/2010 tại Hà Nội, Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức gặp mặt các thế hệ để ôn lại truyền thống học sinh sinh viên Việt Nam. Anh Nguyễn Đắc Vinh – Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam đã tổng kết lại các hoạt động của năm 2009 với nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả. Nhân dịp này, Hội Sinh viên Việt Nam đã ra mắt website tại địa chie www.hsvvn.com. Ông Đặng Quốc Bảo – nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhận định, HSSV ngày nay rất giỏi và năng động. Tin tưởng trong tương lai không xa, thế hệ trí thức trẻ sẽ thực hiện được sứ mạng của mình là thay đổi bộ mặt dân tộc, đưa đất nước vươn tầm với các nước lớn khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bạn trẻ phải biết làm chủ mình trước những cám dỗ của cuộc sống. (Tiền Phong 6/1/2010)

VASEP kiến nghị 5 giải pháp phát triển cá tra bền vững

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ NN&PTNT để báo cáo về tình hình xuất khẩu cá tra năm 2009 và đưa ra 5 giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu cá tra 2010. Theo đó, VASEP đề nghị ban hành các quy định cụ thể thực hiện Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL; quan tâm đến các yếu tố đầu vào nuôi cá tra xuất khẩu; căn nhắc khi cấp phép xây dựng mới hoặc mở rộng các nhà máy chế biến; có các chính sách và biện pháp quản lý cộng đồng thông qua các hiệp hội và đẩy mạnh thực hiện việc XTTM, quảng bá sản phẩm cá tra của Việt Nam. (TBKTVN 6/1/2010)

Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga: Kim ngạch nhỏ, bài học lớn

Ngày 5/1/2010, Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nga đã họp tổng kết tại TPHCM. Nếu chỉ nhìn vào kim ngạch xuất khẩu 64 triệu USD, có thể nói đây là năm tệ hại, vì năm 2008, Nga là thị trường đột biến nhập khẩu thủy sản Việt Nam với kim ngạch lên đến 120 triệu USD và từng được xem là thị trường số 1 của con cá Việt Nam trong tương lai… Có thể nói, cùng với sự tăng đột biến của kim ngạch xuất khẩu 2008 là những bát nháo. Các doanh nghiệp (DN) cùng xuất một lượng lớn cá tra sang thị trường Nga, nhà nhập khẩu Nga cạnh tranh, giảm giá bán ra thị trường từ 60 rúp/kg xuống còn 40 rúp/kg, dẫn đến việc một số nhà nhập khẩu bị phá sản, cho đến nay còn một số nợ chưa được giải quyết. Nhà xuất khẩu Việt Nam giảm giá bán từ 1,7 USD/kg (cá nguyên con) xuống 1,3 USD/kg, nhưng lại tăng tỷ lệ mạ băng từ 20% lên 30% làm chất lượng cá bị giảm xuống, mất uy tín cá tra. Trước tình hình này, cuối năm 2008, phía Nga đóng cửa thị trường nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam (chủ yếu cá tra). Cùng lúc với việc ra đời Ban Điều hành (BĐH) nhập khẩu Nga, BĐH xuất khẩu vào thị trường Nga từ Việt Nam cũng được thành lập và 10 công ty đã được phía Nga chấp nhận hàng xuất khẩu sau khi được kiểm tra về khả năng đáp ứng về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc kiểm soát chất lượng đáp ứng yêu cầu thú y Nga… Mãi đến tháng 5/2009, cá tra mới được trở lại thị trường Nga. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ với 7 tháng, xuất khẩu vào thị trường này đạt 80 triệu USD, trong đó cá tra hơn 39.000 tấn với 64 triệu USD. Dù giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch, nhưng với ngần ấy thời gian và bấy nhiêu DN đã cho thấy nỗ lực của BĐH những tháng qua. Câu hỏi không chỉ Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương mà cả VASEP và nhiều DN đặt ra là khi nào thì mở rộng số lượng DN xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga? Con số 10 DN được xuất khẩu sang Nga là quá ít so với cộng đồng DN chế biến cá tra. Nhiều DN hàng đầu trong xuất khẩu cá tra, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu từ phía Nga về an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng hiện vẫn chưa được vào thị trường này mặc dù Việt Nam đã nhiều lần đề xuất, nhưng phía Nga vẫn chưa sẵn sàng khi thị trường chưa được mở rộng. Trong trường hợp này, chúng ta không phải thụ động mà là bị động, vì quyết định là ở người mua. Tuy nhiên, BĐH xuất khẩu vào thị trường Nga là mô hình có thể được nhân rộng, nhưng tùy theo từng thị trường. Thứ trưởng Lương Lê Phương cho rằng, có thể rút ra 3 bài học từ việc lập BĐH xuất khẩu sang Nga. Đó là sự hợp tác, liên kết giữa các DN trong việc giao hàng bao nhiêu, khi nào… để không xảy ra tình trạng ứ động hàng hóa nhiều, tránh bị ép giá. Điều này có thể áp dụng vào những thị trường lớn khác như Mỹ, dù không thể lập BĐH, nhưng vẫn có thể là câu lạc bộ hay nhóm những nhà xuất khẩu vì cũng chỉ có khoảng 10 DN xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ. Cần có thủ lĩnh, người sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng cho lợi ích chung. Và cuối cùng là vai trò của Bộ NN-PTNT tham gia giải quyết khi gặp khó khăn, không phải chỉ huy hay ra lệnh. 3 bài học này hoàn toàn có thể áp dụng những thị trường khác. (SGGP 6/1/2010)

TPHCM: Tuyên dương 122 cá nhân và tập thể phụ nữ

Ngày 5/1/2010, Hội LHPN TPHCM đã tổ chức tuyên dương 122 cá nhân và 35 tập thể điển hình của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. (SGGP 6/1/2010)

Ông Nguyễn Thanh Hải được bầu làm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Hải Dương

Trong 2 ngày 4 và 5/1/2010, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương đã tổ chức đại hội III (nhiệm kỳ 2009 – 2012). Hiện tại, hội có 110 hội viên, chiếm 75% tổng số doanh nhân trong toàn tỉnh. Đại hội đã bầu ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Tiên Sơn làm Chủ tịch nhiệm kỳ mới. Ông Hải cho biết, Hội đã lên kế hoạch về đào tạo và quản trị kinh doanh cho các hội viên nhằm giúp doanh nghiệp trẻ theo kịp với những bước chuyển mạnh mẽ của đất nước và hội nhập quốc tế. (Tiền Phong 6/1/2010)

Đại hội đại biểu Hội Sinh viên TP.HCM lần IV khai mạc phiên trù bị

Chiều nay 6/1/2009, phiên thứ nhất Đại hội đại biểu Hội Sinh viên TP.HCM lần IV, nhiệm kỳ 2010-2015 chính thức khai mạc tại nhà hát Hòa Bình (Q.10, TP.HCM). 500 đại biểu chính thức được triệu tập tham dự đại hội bước vào phiên làm việc đầu tiên bằng việc hiệp thương đoàn chủ tịch, thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu điều hành đại hội do BCH Hội SV TP.HCM nhiệm kỳ III giới thiệu, cũng như thông qua chương trình, nội quy, quy chế làm việc của đại hội. Dự kiến đại hội có bốn phiên làm việc, trước khi kết thúc vào trưa 8/1/2010. Trong đó, lãnh đạo Thành đoàn TP.HCM, T.Ư Hội Sinh viên VN, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM sẽ có phát biểu định hướng cho hoạt động Hội và phong trào SV TP.HCM giai đoạn sắp tới. Ngay trước khi bế mạc, các đại biểu tham dự đại hội sẽ có buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo TP cùng một số sở ngành. Sáng mai 7/1/2010, sau lễ dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ trước trụ sở UBND TP, đại hội sẽ chính thức được khai mạc (dự kiến HTV9 truyền hình trực tiếp từ 8g) và bước vào các phiên làm việc chính thức của đại hội. (Tuổi Trẻ 6/1/2010)

Nguyên nhân chính khiến hàng hoá tăng giá vì giá USD trong nước tăng

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên nhân chính khiến hàng hoá tăng giá tại thời điểm này là do giá USD trong nước tăng đã khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp bị đội lên lên. Giá xăng dầu từ 1/4/2009 đã tăng 9 lần và giảm rất nhẹ. Riêng trong tháng 11, giá gas tăng 3 lần. Do đó Tết sẽ có mặt hàng tăng giá tới 20% như gà trống, chuối xanh, hải sản… nhưng sẽ không có đột biến (tăng giá từ 1,5 – 2 lần) vì hiện nay nhiều hàng hoá đã đứng giá ở mức cao. (Gia đình & Xã hội 6/1/2010)

Hầu hết thuốc lá Jet và Hero nhập hợp pháp vào Campuchia được nhập lậu vào Việt Nam

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và Hải quan Campuchia, năm 2009 đã có khoảng 750 triệu bao thuốc lá Jet và Hero được nhập hợp pháp vào Campuchia và hầu hết số này được nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới. Năm 2009, thuốc lá nhập lậu đã gây thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng do bị thất thu thuế. (Tiền Phong 6/1/2010)

Thép phế nhập khẩu sẽ tăng mạnh

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dự kiến lượng thép phế nhập khẩu năm 2010 sẽ tăng mạnh vì lượng thép phế trong nước chỉ đáp ứng được tối đa 30%. Dự kiến lượng thép phôi vuông cho các nhà máy thép cũng sẽ tăng khoảng 60%. (Hà Nội mới 6/1/2010)

Mazut tăng giá kéo giá kính và thép tăng

Với thông tin về giá dầu mazut tăng, các doanh nghiệp ngành kính và thép đều khẳng định giá các mặt hàng này sẽ tăng vì mazut là nhiên liệu chính để sản xuất thép và kính xây dựng. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) khẳng định, mỗi tấn thép sẽ tăng ít nhất 20.000 đồng. Ngoài ra, chi phí vận chuyển cũng đội lên bởi mazut cũng là nhiên liệu để chạy tàu thuỷ và ô tô. Ông cũng cho biết, từ 4/1/2010 giá thép xây dựng đã được bán 12 triệu đồng/tấn chưa bao gồm thuế GTGT. Tuy nhiên, chắc chắn giá sẽ còn tăng vì tới 1/3/2010 giá điện sẽ tăng. Đối với kính, ông Trần Quốc Thái - Chủ tịch Hiệp hội Kính Xây dựng và Thuỷ tinh Việt Nam cho biết, mazut đang chiếm 40% giá thành và giá mazut tăng 400 đồng/kg chắc chắn sẽ tác động. Tuy nhiên, giá dầu mazut tại Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực 20 – 30%. Vì thế, các doanh nghiệp ngành kính đề nghị giảm thuế nhập khẩu dầu mazut. Hiện tại, mức thuế này đang là 30%. (TBKTVN 6/1/2010)