Bản tin nổi bật ngày 7/12/2009

Hiệu quả của “đường bay vàng” Hà Nội – TPHCM: Phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng

Ngày 6/12/2009, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng Hà Nội-TPHCM theo kinh tuyến 106 độ đông” do cựu phi công quân đội Mai Trọng Tuấn đề xuất mà dư luận quan tâm thường gọi là dự án Đường bay vàng (ĐBV). Chủ trì hội thảo, GS Trần Phương - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, cuộc hội thảo này thể hiện sự dân chủ trong phản biện khoa học, nhằm làm sáng tỏ một vấn đề mà dư luận quan tâm, đây cũng được xem là diễn dàn để các nhà khoa học bày tỏ các ý kiến tranh luận, đưa ra những ý kiến phản biện, giúp cho hội hoàn tất một bản báo cáo khách quan trình Chính phủ, để Thủ tướng quyết định cho triển khai hoặc chấm dứt đề án ĐBV.

Tại hội thảo, các nhà khoa học như TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Bách khoa TPHCM, TS-LS Nguyễn Đăng Liêm, Đoàn Luật sư TPHCM… đã phát biểu trình bày các ý kiến chất vấn, yêu cầu Cục HK trả lời cụ thể, chi tiết các lý do được cho là “ĐBV không hiệu quả về kinh tế”. Sau khi được nghe các chuyên viên phụ trách chuyên ngành của Cục HK và đại diện Vietnam Airlines phân tích, giải đáp các câu hỏi chất vấn, ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục HK Việt Nam cho rằng tại hội thảo này các nhà khoa học vẫn không đưa ra được ý kiến đóng góp mới. Vì vậy Cục HK vẫn nhất quán ý kiến của mình đối với đề án này là không thực hiện ĐBV, vì dự án này không khả thi, không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn an ninh quốc gia và không hiệu quả về kinh tế…Tuy nhiên, tác giả đề án là ông Mai Trọng Tuấn và một số đại biểu khác vẫn không đồng tình với những lập luận của Cục HK. Vì vậy kết thúc hội thảo, GS Trần Phương không kết luận mà chỉ đưa ra nhận xét: Cục HK đã không tận dụng được hội thảo như một cơ hội để thuyết phục dư luận và có nhiều mâu thuẫn khi vẫn khẳng định có chiến lược thẳng hóa các đường bay song lại phản bác ý tưởng của ông Mai Trọng Tuấn. Ông Trần Phương cũng không đồng ý với các con số tính toán của Cục HK về hiệu quả kinh tế của ĐBV và đề nghị Cục HK có buổi làm việc chuyên sâu với các chuyên gia bảo vệ ĐBV để làm rõ về vấn đề này. (SGGP 7/12/2009)

Ra mắt Câu lạc bộ Tiến sĩ Trẻ

Sáng 6/12/2009 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Đoàn khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Tiến sĩ Trẻ với 120 thành viên đến từ 61 đơn vị trực thuộc Đoàn khối các cơ quan Trung ương. Câu lạc bộ Tiến sĩ trẻ ra đời tạo một mô hình sinh hoạt khoa học, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ và góp phần xây dựng các dự án khoa học mang tính liên ngành, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong cán bộ, đoàn viên. (Tiền Phong 7/12/2009)

Chung kết liên hoan âm nhạc học sinh sinh viên Việt Nam

Ngày 6/12/2009, tại Hà Nội đã diễn ra đêm chung kết và gala Liên hoan âm nhạc học sinh sinh viên Việt Nam lần thứ nhất do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn FPT và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức. Gần 3.000 tác phẩm hát, múa, khiêu vũ, biểu diễn nhạc cụ đã được gửi tham gia qua trang web của liên hoan. Ban tổ chức đã chọn ra được 11 tác phẩm xuất sắc nhất vào chung kết. Kết quả cuối cùng, có 5 giải khuyến khích, 2 giải ba, 1 giải nhì và 1 giải nhất thuộc về tiết mục đơn ca “Nếu có yêu tôi” của thí sinh Huỳnh Hà Thu Thảo, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trà Vinh. (SGGP 7/12/2009)

TPHCM: Hiệp hội Vận tải yêu cầu đặt máy ghi hình cuối đường Điện Biên Phủ

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) sớm lắp đặt hệ thống giám sát điện tử (camera) tại vị trí cuối đường Điện Biên Phủ (khúc cầu vượt Văn Thánh) để đảm bảo thu phí giao thông đúng phương tiện sử dụng dịch vụ đường Điện Biên Phủ. Theo Hiệp hội, trạm thu phí xa lộ Hà Nội phải thực hiện cả việc không thu phí giao thông đối với phương tiện không đi qua đường Điện Biên Phủ (tức những phương tiện từ đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm lên cầu Sài Gòn). Trước đó, CII đề nghị với Sở GTVT sẽ đầu tư hơn 3 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống camera quan sát các loại xe không đi qua cầu Sài Gòn để thay thế việc hoàn phí cho các loại xe chạy vào liên tỉnh lộ 25B (qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội quẹo vào liên tỉnh lộ 25B nhưng chưa chạy qua cầu Sài Gòn). Ngoài ra, Hiệp hội cũng yêu cầu Sở GTVT tháo bỏ các dải phân cách bằng nhựa trên xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến trạm thu phí. Hiệp hội cho rằng dải phân cách này vô tình đã khiến nhiều xe tải, xe container lấy hàng tại các cảng ICD nằm dọc xa lộ Hà Nội không lưu thông vào liên tỉnh lộ 25B cũng như không đi qua cầu Sài Gòn vẫn bị thu phí giao thông tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội. (Tuổi Trẻ 7/12/2009)

Kính an toàn và tiết kiệm năng lượng

“Kính an toàn và tiết kiệm năng lượng – hoàn thiện hệ thống quy phạm và định hướng phát triển” là chủ đề hội thảo quốc tế do Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Kính và Thủy tinh VN, Viglacera tổ chức ngày 4/12/2009 tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế (Tập đoàn NSG - Nhật Bản, Von Ardene - Đức, PSB – Singapore....) và các chuyên gia trong nước. (Lao Động 7/12/2009)

Sắp có Hiệp hội Cá tra Việt Nam

Chiều 6/12/2009, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiêm Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết đến nay mọi công tác chuẩn bị thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã sẵn sàng. Dự kiến cuối tháng 12-2009 hoặc đầu tháng 1-2010 sẽ tổ chức đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Hiệp hội sẽ quy tụ các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất thức ăn, người nuôi, các hiệp hội địa phương… cùng tham gia. Hiệp hội được kỳ vọng là sẽ giải quyết những vấn đề tồn tại hiện nay của nghề cá. Quan điểm chung của hiệp hội là tới đây sẽ không phát triển thêm sản lượng mà tập trung nâng cao chất lượng. Chất lượng sẽ là yếu tố hàng đầu, quyết định sự “sống còn” của nghề nuôi và xuất khẩu cá tra ĐBSCL. (SGGP 7/12/2009) 

TPHCM: Họp mặt Câu lạc bộ các Tổng giám đốc

Các thành viên CLB Tổng giám đốc điều hành (CEO) - Hội LHTN TP.HCM đã có đêm hội mừng bốn năm thành lập câu lạc bộ tối 4/12/2009. Với tinh thần “chia sẻ tri thức, gia tăng giá trị”, trong bốn năm hoạt động, CLB là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm thực tế kinh doanh giữa những CEO thành công với các thành viên mới. Dịp này, câu lạc bộ CEO đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại VN (CanCham), Hiệp hội Gỗ và mỹ nghệ TP.HCM (Hawa), tạo cơ hội gặp gỡ giao thương giữa các thành viên... (Tuổi Trẻ 7/12/2009)

 

Hà Nội: Ngày hội "Trái tim tình nguyện"

Ngày hội "Trái tim tình nguyện" đã diễn ra ngày 5/12/2009, tại Nhà hát Quân đội để hưởng ứng "Ngày Quốc tế người tình nguyện". Ngày hội do Hội Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo TP.Hà Nội và Hội Thanh niên tình nguyện TP.Hà Nội phối hợp tổ chức. Cty dịch vụ viễn thông Hà Nội đã tài trợ và tặng quà cho những người tham gia hiến máu tại ngày hội. Em Đặng Hồng Tùng - sinh viên khoa Thú y Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội - cho biết: "Trong 4 năm qua, em đã 12 lần tham gia hiến máu tình nguyện, nhưng đây là lần đầu tiên em được tiếp xúc và nghe các anh chị ở tổng đài 1080 (Cty DVVTHN) tư vấn và tặng quà. Theo BTC, đã có khoảng 1.500 tình nguyện viên được tổng đài 1080 tặng quà và tư vấn. Hầu hết họ là những sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng trong thành phố. Được biết, tổng đài 1080 là nơi giải đáp các thông tin liên quan đến chương trình hiến máu tình nguyện, đây là một kênh thông tin tuyên truyền rất tiện ích nhằm giải thích, vận động các tầng lớp xã hội hiểu và tích cực tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện. (Lao Động 7/12/2009)

Cà Mau: 50 nông dân học viết báo

Ngày 6/12/2009, ông Phạm Văn Tri - chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau - cho biết vừa tổ chức thành công lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho 50 nông dân trong tỉnh. Đây là lớp học giúp nông dân tiếp cận kỹ năng viết báo để gửi thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về sáng kiến kinh nghiệm, phương pháp trồng trọt, chăn nuôi hay những mô hình sản xuất hiệu quả của nông dân cho chính nông dân học tập qua báo, đài. Lớp học cũng phát huy được vai trò của nông dân trong việc thực hiện nghị quyết của trung ương về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Theo ông Tri, từ lớp học này Hội Nhà báo và Hội Nông dân tỉnh Cà Mau sẽ mở cuộc thi báo chí với chủ đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, trong đó dành riêng giải nhất, nhì, ba cho nhóm tác giả là nông dân ở vùng cực Nam Tổ quốc. (Tuổi Trẻ 7/12/2009)

TPHCM: Lớp tiếng Anh miễn phí cho trẻ khó khăn

Hệ thống Anh văn Hội Việt - Mỹ vừa phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tổ chức lễ khai giảng lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đây là hoạt động nằm trong dự án giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được học tiếng Anh, toàn bộ kinh phí do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Dự án này tạo điều kiện học tiếng Anh cho hơn 5.000 học sinh của 50 quốc gia trên thế giới. Đợt khai giảng đầu tiên này có 20 học sinh từ 14-16 tuổi đang sống tại các mái ấm, nhà mở trên địa bàn TP.HCM được học tiếng Anh tại Hội Việt - Mỹ miễn phí trong thời gian hai năm. (Tuổi Trẻ 7/12/2009)

Ninh Thuận: Anh Lê Thanh Hùng tái đắc cử Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh

Ngày 4/12/2009 tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức đại hội IV, nhiệm kỳ 2009 – 2014 với sự tham dự của 250 đại biểu đại diện cho hơn 59.000 hội viên trên toàn tỉnh. Anh Lê Thành Hùng – Phó bí thư tỉnh Đoàn đã tái đắc cử Chủ tịch Hội. (Tiền Phong 6/12/2009)

Bình Dương: Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đón nhận Huân chương Lao động hạng ba

Trong các ngày 5 và 6/12/2009, Hội LHTN tỉnh Bình Dương đã họp đại hội V nhiệm kỳ 2009 – 2014 với sự tham gia của 180 đại biểu, đại diện cho hơn 400.000 thanh niên toàn tỉnh. Nhân dịp này, Hội đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. (Tiền Phong 7/12/2009)

TPHCM: 90 sinh viên sẽ được nhận học bổng của các doanh nghiệp Nhật Bản

Hôm nay 7/12/2009, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JBAH) và Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) sẽ tổ chức trao học bổng “phát triển nguồn nhân lực Việt - Nhật 2009 – 2010” cho 90 sinh viên hai trường ĐH Bách khoa và ĐH KHXH&NV TPHCM, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng. (Đầu Tư 7/12/2009)

Sắp có hội thảo về sử dụng nhiên liệu gas cho giao thông và chung cư

Để tìm giải pháp phát triển gas trong giao thông đô thị và chung cư, ngày 11/12/2009, Hiệp hội gas VN phối hợp với Bộ Công thương, Bộ KHCN, Bộ TNMT, Bộ GTVT và Bộ XD sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về ''Ứng dụng LPG/CNG trong gas đô thị và giao thông vận tải''. Theo ông Trần Việt Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam, ôtô sử dụng nhiên liệu gas (Autogas) xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng phải tới những năm gần đây, thị trường AutoGas mới thực sự có những bước phát triển ban đầu. Ước tính cả nước có khoảng 1.000 ôtô sử dụng LPG, chủ yếu là xe taxi tập trung tại các thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Đối với hệ thống gas trung tâm, một số nhà đầu tư khu đô thị mới đã lựa chọn sử dụng, tuy nhiên do suất đầu tư hệ thống gas cho một căn hộ khá cao (1%/tổng giá trị căn hộ), thêm vào đó, chưa có quy định nào trong tiêu chuẩn Việt Nam yêu cầu các nhà cao tầng (trên 5 tầng) phải bố trí hệ thống gas trung tâm, do đó một số nhà đầu tư còn chưa mặn mà với hệ thống gas trung tâm. Về độ an toàn của hệ thống gas trung tâm, ông Tuấn khẳng định: "Độ an toàn là gần như tuyệt đối, vì trên toàn bộ hệ thống được bố trí các thiết bị an toàn, thiết bị cảnh báo, khi có sự cố rò rỉ hoặc cháy nổ có thể cô lập từng đoạn, từng khu vực hoặc toàn bộ hệ thống thông qua các thiết bị điều khiển tại trạm trung tâm". (Lao Động 7/12/2009)

Các doanh nghiệp ngành thép lại lo vì thép cán nguội nhập khẩu

Theo ông Nguyễn Tiến Nghị - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp ngành thép vừa đề nghị VSA có biện pháp để hạn chế thép ngoại nhập khẩu nhất là với sản phẩm thép cán nguội. Trong 15 ngày đầu tháng 11/2009, đã có 32.000 tấn thép cán nguội được nhập về. Nếu tính từ đầu năm thì lượng thép này đã lên tới 620.410 tấn. Vì giá rẻ hơn nên cứu đà này, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn rất lớn. Trước mắt, các doanh nghiệp đề nghị VSA kiến nghị các cơ quan quản lý có biện pháp can thiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm sức ép cạnh tranh trên thị trường. Vẫn theo ông Nghi, biện pháp tăng thuế nhập khẩu không thể áp dụng được nữa bởi Việt Nam đang áp dụng mức thuế cao 8%. Do đó, cách làm là phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật để hạn chế. (Đầu Tư 7/12/2009)

 

Ý thức tôn trọng bản quyền phần mềm của doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt

Theo ông Phạm Tấn Công - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA), ý thức tôn trọng bản quyền phần mềm của doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã dành chi phí mua phần mềm trong ngân sách hàng năm. (Đầu Tư 7/12/2009)

Mỗi năm Việt Nam có 75.000 người tử vong vì ung thư

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng – Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 150.000 ca bệnh mới về ung thư và khoảng 75.000 ca tử vong. Dự báo đến 2010, Việt Nam sẽ có thêm 200.000 người mắc bệnh mới và con số này sẽ gia tăng 33,33%/năm. (TBKTVN 7/12/2009)

Giao cho Ngân hàng Thương mại quản lý sàn vàng là hợp lý

Theo ông Huỳnh Trung Khánh - cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng giao cho ngân hàng thương mại (NHTM) quản lý sàn vàng là hợp lý, vì so với doanh nghiệp thì tính thanh khoản của ngân hàng cao hơn (vốn cao hơn) và cũng ít rủi ro hơn do hàng ngày các NHTM đều phải báo cáo lượng dư mua, dư bán về cho NHNN. Cùng với đó, nếu như ngay trong đêm giá vàng biến động thất thường mà NĐT có trạng thái ở mức cảnh báo và cần nộp tiền vào tài khoản để giao dịch bình thường thì NĐT “chơi” ở các sàn vàng của NHTM sẽ không gặp trở ngại gì trong việc chuyển tiền. (SGGP 7/12/2009)

Doanh nghiệp nên mua bảo hiểm lũ lụt

Theo ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, rút kinh nghiệm nhiều cơn bão trước, khi có dự báo cơn bão số 11 đổ vào miền Trung, các công ty bảo hiểm tại Phú Yên và Bình Định đã có tư vấn, khuyến cáo khách hàng. Tuy nhiên, vì sức tàn phá là quá lớn nên thiệt hại là không tránh khỏi. Giá trị mà các công ty bảo hiểm phải chi trả là rất lớn nhưng vì có sự tham gia của các nhà tái bảo hiểm nước ngoài nên thiệt hại này cũng không ảnh hưởng nhiều và có thể nói là thị trường vẫn đảm bảo an toàn, hoạt động bình thường. Ông đề nghị các doanh nghiệp nên mua bảo hiểm lũ lụt hoặc tham gia bảo hiểm rủi ro để bảo toàn tài sản của mình trước thiên tai. (TBKTVN 7/12/2009)

Xuất khẩu da giầy: Phải tìm được sản phẩm chủ lực và phân khúc thị trường phù hợp

Trong bối cảnh thị trường nhập khẩu bị thu hẹp và lại phải chịu tác động từ các rào cản thương mại, sức ép về giá… bà Nguyễn Thị Tòng - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, không còn cách nào khác là mỗi doanh nghiệp phải tự tìm được sản phẩm chủ lực và phân khúc thị trường phù hợp. Các doanh nghiệp nên nghiên cứu đầu tư những công nghệ cao trong sản xuất các loại giầy đặc chủng, giày thể thao chuyên dụng đẳng cấp cao, giày y tế và giày thời trang cao cấp. (Đầu Tư 7/12/2009)

Không thể vì nghèo mà coi thường an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo GS TS Bùi Minh Đức – Phó Chủ tịch Hội Vệ sinh An toàn Thực phẩm Việt Nam, Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nói đúng ra phải được coi trọng như dinh dưỡng. Nếu đảm bảo dinh dưỡng mà ngộ độc thực phẩm thì cái hại sẽ theo mình cả đời, vì các chất độc hại không được đào thải hết sẽ tích tụ trong cơ thể, đặc biệt ở gan. Quốc hội, toàn dân đều lo lắng về vấn đề vệ sinh thực phẩm. Quan điểm của chúng tôi là vệ sinh thực phẩm phải ngay từ gia đình, mà cả những gia đình nghèo, ở vùng sâu vùng xa. Người sản xuất, chế biến, mua bán thực phẩm phải học để biết các kiến thức về thực phẩm, Chính phủ phải có lớp học cho những người như vậy. Bao nhiêu chuyện mình chi được, cái này liên quan đến ăn uống, đến sức khỏe, đến giống nòi. Trước đây, cơ quan quản lý thực phẩm kêu ít người, nay thì có chi cục ở địa phương rồi, có người đi kiểm soát chuyện này rồi. Đặc biệt, phải có cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính... (Tuổi Trẻ 7/12/2009)

Để có game Việt phải đầu tư lâu dài

Theo ông Trương Hoài Trang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA), Game Việt mới hình thành và đang thử nghiệm để hoàn chỉnh nên chưa thể có doanh thu từ đây. Ban đầu cần phải biết cách vận hành và các yêu cầu của một game online để làm chủ công nghệ, sau đó cần thời gian để thiết kế và thực hiện. Việc tạo lập được ngành công nghiệp game và nội dung số đòi hỏi cả một quá trình đầu tư lâu dài, không chỉ ngành công nghiệp game mà nhiều ngành nghề khác liên quan tới công nghệ thông tin cũng ở tình trạng tương tự.  Để điều tiết tình trạng chia sẻ doanh thu với nước ngoài, chúng ta cần đẩy mạnh các chương trình game Việt, gia tăng việc phát triển nội dung trong nước. Ông cũng cho biết, thị trường game với chúng ta là mới mẻ và chịu nhiều áp lực. Bản thân đánh giá của xã hội với game cũng có nhiều ý kiến khác nhau, một số ủng hộ và số khác chưa ủng hộ. Nhưng để ngành game thực sự phát triển chắc chắn cần sự ủng hộ của xã hội, sự kiểm soát game thủ từ gia đình và các cơ quan truyền thông. Việc đào tạo cũng là một điểm mấu chốt vì hiện các DN chưa đủ đội ngũ để có thể tạo ra các game thuần Việt hấp dẫn cũng như đáp ứng nhu cầu gia công game cho nước ngoài trên diện rộng. Game online phát triển đòi hỏi chất lượng dịch vụ Internet phải nâng cao và cũng giúp các ngành phát triển. Con số hơn 50% người dùng Internet chơi game, nhưng không phải số người đó chỉ chơi game, mà còn có các hoạt động sử dụng thông tin và công nghệ khác nữa. (Lao động Cuối tuần 5/12/2009)

Đưa tiếng Việt vào máy tính: Phải là ưu tiên trong “Đề án Tăng tốc”

Thời gian qua, rất nhiều hội thảo góp ý cho dự thảo “Đề án Tăng tốc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT” đã được tổ chức. Theo các nhà khoa học, đây là một đề án có ý nghĩa xã hội lớn và khi thực hiện thành công sẽ có tác động lớn trong việc  thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, có một nội dung nhỏ ít thấy ai đề cập nhưng nó lại mang tính quyết định trong việc người Việt Nam có làm chủ được CNTT hay không? Đó là từ khi CNTT bắt đầu hiện diện thì việc đầu tiên mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác phải thực hiện là làm sau đưa được chữ quốc ngữ của mình vào máy tính. Để giải quyết được bài toán này, đó là việc mà Việt Nam phải tự làm chứ không thể trông chờ nước ngoài. Theo ông Nguyễn Đức Hoàng - Chánh văn phòng Hội Trí thức KH&CN Trẻ Việt Nam (VAYSE), đây là câu chuyện của “bóng tối dưới chân cột đèn” không được ai nhìn vào nên Chiến lược Quốc gia về CNTT-TT giai đoạn 2005  -2010 đã bị thiếu sót. Nay trong bối cảnh công nghệ dịch thuật bắt đầu bùng nổ trước nhu cầu hội nhập quốc tế và ngoại giao số thì vấn đề này càng phải được làm rõ, thậm chí phải là ưu tiên trong “Đề án Tăng tốc”. TS Đào Hồng Thu - giảng viên Khoa Ngoại ngữ ĐH Bách khoa Hà Nội thì thừa nhận một thực tế là ngành ngôn ngữ học Việt Nam dường như chưa mấy tiếp cận được với CNTT và các nghiên cứu theo định hướng này chủ yếu là của các chuyên gia tin học. Theo bà, mở ra được sự hợp tác, CNTT mới có thể xâm nhập vào mọi lĩnh vực và như thế, Việt Nam mới có thể trở thành quốc gia mạnh về ứng dụng CNTT. Phải chăng vấn đề ngôn ngữ tiếng Việt trong ứng dụng CNTT bấy lâu nay bị lãng quên? Có lẽ vì “ánh sáng” của CNTT quá lớn nên không mấy ai nhìn thấy được góc khuất này. Vẫn biết ngôn ngữ thông dụng chính cho CNTT là tiếng Anh nhưng rất nhiều quốc gia khác đã thành công trong việc đưa ngôn ngữ của mình vào môi trường CNTT và được cả thế giới thừa nhận. Ngoài những ứng dụng đơn giản, thiết nghĩ chúng ta cần có một chiến lược lớn hơn, mạnh hơn trong việc đưa chữ quốc ngữ Việt Nam vào trong môi trường CNTT. Làm được điều này, đồng nghĩa với việc người Việt Nam nắm vững và làm chủ được CNTT, cho dù đó là ứng dụng hay nghiên cứu, sáng tạo… (SGGP 7/12/2009)