Bình Dương: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất cây điều ở huyện Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo

Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt một số mục tiêu đề ra: đã xây dựng được các mô hình trình diễn thử nghiệm (mô hình tỉa cành tạo tán; mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên vườn điều; mô hình bón phân và xử lý ra hoa đồng loạt; mô hình thâm canh tổng hợp và mô hình trồng mới và thâm canh tổng hợp). Các mô hình này được so sánh với các mô hình đối chứng (là mô hình sử dụng phương pháp thâm canh cây điều theo truyền thống). Kết quả cho thấy, các mô hình mà lô có tác động kỹ thuật đều cho kết quả tốt hơn các lô đối chứng. Đối với quá trình sinh trưởng và phát triển, cây ra chồi non nhiều và đồng đều; khả năng đậu trái cao; hạn chế sâu bệnh gây hại và cho năng suất cao hơn lô đối chứng… Từ thành công đó, dự án đã tiến hành tổ chức 9 lớp tập huấn trên địa bàn tỉnh với 360 lượt nhà vườn tham dự; đào tạo được 6 kỹ thuật viên về nhân giống và chăm sóc quản lý vườn điều; tổ chức 7 đợt hội thảo đầu bờ, với 210 lượt nhà vườn tham dự và 35 cán bộ địa phương. Bên cạnh đó, dự án cũng đề xuất thêm một số giải pháp khắc phục những hạn chế mà cây điều mắc phải như: đưa ra giống điều cao sản PN1 (PN1 là giống cây điều có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh, cho năng suất cao, ổn định và chất lượng nhân tốt đáp ứng yêu cầu của các nhà máy chế biến hạt điều, hạt lớn (147,5 hạt/kg) tỷ lệ nhân cao (32,3%)).

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những kết quả mà dự án thực hiện và nhất trí xếp loại Khá.