Bố trí 5 tỷ đồng vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố trong năm 2014

Ngày 20-8, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chủ trì buổi làm việc với Hội Nông dân thành phố, UBND huyện Hoà Van, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đà Nẵng, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và các đơn vị liên quan về việc hạ lãi suất, hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống một cách vững chắc, thiết thực.

Đề nghị nâng mức vay
 
 Một trong những kênh vay vốn hiện đang hoạt động tích cực là Quỹ hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân thành phố quản lý. Theo ông Nguyễn Phú Ban, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, từ năm 1997 đến 2013, Quỹ đã cho 1.448 lượt hộ nông dân vay vốn với số tiền hơn 12,2 tỷ đồng. Dư nợ quá hạn đến tháng 6/2013 chỉ còn 1,5%, nợ khoanh, nợ xấu khoảng 139,3 triệu đồng. Bên cạnh công tác xây dựng, tạo nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân thành phố đã ký chương trình phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH thành phố để thực hiện uỷ thác từng phần trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nông dân nghèo, đối tượng chính sách. Tính đến nay, Hội đã nhận uỷ thác vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH 185 tỷ đồng với 336 tổ tiết kiệm vay vốn; vốn ưu đãi từ Ngân hàng NN&PTNT 175 tỷ đồng với 40 tổ vay vốn. Tuy nhiên, theo ông Ban, quy mô vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân còn quá nhỏ, đa số các quận, huyện đều chưa xây dựng được Quỹ Hỗ trợ nông dân tại địa phương, tầm ảnh hưởng của Quỹ chưa thật sự sâu rộng, chưa tạo được bước đột phát đáng kể trong việc hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, trong khi đó, nhu cầu vay vốn của người nông dân là rất lớn.

 Ông Nguyễn Tài - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giải ngân 600 triệu đồng cho 60 hộ trên địa bàn huyện Hoà Vang vay vốn (mỗi hộ 10 triệu đồng), chủ yếu các hộ trồng hoa, nấm, chăn nuôi bò. Với số tiền 10 triệu đồng rất khó để người nông dân mở rộng sản xuất, đầu tư hiệu quả để nâng cao năng suất, do vậy, Hội nông dân huyện đề nghị thành phố nâng mức cho vay lên 20-30 triệu đồng.
 
 Thực tế cho thấy, trong năm 2012-2013, các hộ nuôi tôm tại thôn Trường Định đã mạnh dạn vay 4,2 tỷ đồng để đầu tư sản xuất và đem lại hiệu quả rất lớn. Năm nay, năng suất bình quân đạt 4-5 tấn/ha, giá tôm cao, sau khi trừ chi phí sản xuất, các hộ nông dân thu lãi ròng từ 150-200 triệu đồng, có hộ thu đạt 300 triệu đồng.
 
 Nông dân được vay với lãi suất 6%/năm
 
 Mặc dù là một kênh “gần” với người nông dân thành phố nhất, nhưng Quỹ Hỗ trợ nông dân lại có lãi suất cao hơn so với Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng CSXH. Hiện nay, lãi suất của Quỹ là 9,6%/năm, trong khi đó, lãi suất ưu đãi của Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng CSXH là 9%/năm. Bên cạnh đó, với nguồn vốn dồi dào, người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Đại diện Ngân hàng CSXH cho biết,
 
 tổng dư nợ cho nông dân vay tính đến nay là 193 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo là 83,5 tỷ, cho vay giải quyết việc làm hơn 20 tỷ. Ngân hàng này cũng cho biết, sắp tới, lãi suất của ngân hàng này sẽ tiếp tục giảm để hỗ trợ nông dân.
 
 Về vốn vay tại Ngân hàngNN&PTNT Đà Nẵng, ông Đoàn Phúc - Phó Giám đốc cho biết, dư nợ cho các hộ trên địa bàn Hoà Vang hiện nay là 246 tỷ đồng, trong đó 170 tỷ đồng đầu tư cho các ngành nghề phi nông nghiệp, hơn 70 tỷ đồng đầu tư sản xuất trực tiếp vào nông nghiệp. Với mức lãi suất 9%, các ngân hàng không thể giảm xuống thấp hơn nữa vì đây là mức lãi suất thấp nhất do Ngân hàng nhà nước quy định.
 
 Riêng về Quỹ Đầu tư và Phát triển hành phố, đối tượng được vay là các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị có tư cách pháp nhân, nội dung cho vay cũng là đầu tư cơ sở hạ tầng, do vậy khó có thể tham gia vào việc hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất. Bên cạnh đó, do không có mạng lưới nhân sự phủ khắp tại cơ sở nên việc thu hồi vốn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ phát sinh nợ xấu.

 Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Ngân hàng CSXH chi nhánh Đà Nẵng kiến nghị Hội sở hỗ trợ thêm nguồn vốn vay đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường, từ năm 2014, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án nông nghiệp và nông thôn, bảo đảm đến năm 2015, toàn bộ người dân vùng nông thôn của Đà Nẵng được sử dụng nước sạch. Đối với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đà Nẵng, Phó Chủ tịch đề nghị mở rộng đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua trang thiết bị, máy móc sản xuất, trong đó hướng vào các đối tượng là hộ nông dân. Nếu có vướng mắc, cần tổng hợp, báo cáo để Ngân hàng NN&PTNT khẩn trương có ý kiến, trình Chính phủ sửa đổi. Phó Chủ tịch cũng thống nhất Quỹ Đầu tư và Phát triển thành phố sẽ không tham gia vào việc cho nông dân vay vốn mà tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hiện nay của mình. Tuy nhiên, nếu các hợp tác xã có nhu cầu mua trang thiết bị, máy móc thì Quỹ sẽ xem xét, trình UBND thành phố phê duyệt theo từng dự án cụ thể.
 
 Để thiết thực hỗ trợ người nông dân mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương yêu cầu Hội Nông dân thành phố hạ lãi suất xuống 6% năm, tức là khoảng 0,5%/tháng. Thời gian vay tuỳ thuộc vào các sản phẩm sản xuất (trồng hoa, rau, chăn nuôi, nuôi tôm…), tối thiểu là 6 tháng, lâu nhất là 2 năm để quay vòng vốn nhanh; giữ nguyên mức vốn cho vay tối đa là 10 triệu đối với hộ nông dân. Lưu ý, đối với tất cả các hợp đồng vay vốn, kể cả tổ chức và hộ cá thể đều phải có vốn đối ứng để tăng cường trách nhiệm của người sử dụng vốn vay. Đối với các dự án có số vốn lớn, Quỹ Hỗ trợ nông dân sẽ cho vay một phần với lãi suất 6%, phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đà Nẵng để vay phần còn lại với lãi suất 9%/năm. Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Tài chính tiếp tục cấp vốn đối ứng 1,5 tỷ đồng còn lại của năm 2013 để bảo đảm hoạt động của Quỹ, đồng thời bố trí 5 tỷ đồng vốn uỷ thác ngân sách thành phố cho Quỹ hoạt động trong năm 2014.

 

http://techmartdanang.vn/