Quay quắt huy động vốn
Trong các thông báo gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng thương mại với nhau trên thị trường liên ngân hàng đã liên tục tăng và đã lên tới trên 12%, thậm chí lãi suất qua đêm cũng đã lên đến trên 10%. Đây là dấu hiệu cho thấy, các ngân hàng đang gặp khó khăn về huy động vốn từ dân cư và buộc phải tìm vốn trên thị trường liên ngân hàng. Bởi vì, trong điều kiện thông thường, lãi suất liên ngân hàng chỉ ở mức ngang bằng lãi suất tái cấp vốn, hiện là 9%.
Căng thẳng nguồn vốn vào, ngân hàng tìm cách tăng lãi suất. (Ảnh:VCG) |
Chính vì thế, dù quan chức Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc bơm hay hút tiền qua thị trường mở là một nghiệp vụ bình thường nhưng việc bơm khối lượng tiền lớn cũng gây ra những tác động tâm lý xung quanh lo ngại thanh khoản các ngân hàng đang được đồn đoán trên thị trường.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng”, thực tế mà ông biết thì các ngân hàng nhỏ thiếu vốn đang phải vay với lãi suất cao hơn nhiều, không ít trường hợp lên đến trên 20%. Vì thế, trong tình trạng hạn chế cho vay tín dụng nhưng nhiều ngân hàng vẫn kiếm lãi lớn vì có sẵn tiền mặt, hoặc trái phiếu có thể chiết khấu lấy nguồn tiền mặt rồi cho vay lại với lãi suất cao.
Không phải chờ đến khi Ngân hàng Nhà nước có động thái bơm tiền thì vấn đề thanh khoản mới được cảnh báo. Tuy nhiên, dù cơ quan quản lý nhắc nhở nhiều nhưng tình hình có vẻ như không khả quan hơn.
Thực tế trên thị trường những ngày gần đây cho thấy, các ngân hàng thương mại đã đẩy lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn lên sát trần huy động tối đa là 10,50%. Các lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất huy động dài hạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn thực hiện các chương trình khuyến mãi để đẩy lãi suất thực lên cao hơn. Thậm chí, không thiếu trường hợp, các ngân hàng phải thỏa thuận với các khách hàng lớn về lãi suất để có được nguồn vốn nhiều hơn. Đây là những biểu hiện đã từng có từ hồi đầu năm 2008 khi ngân hàng khủng hoảng thanh khoản do bị siết chặt tiền tệ để chống lạm phát.
Vay ngắn hạn đem cho vay dài hạn
Trao đổi về các nguyên nhân có thể gây khó khăn về thanh khoản cho các ngân hàng, ông Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, có hai lý do lớn khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản.
Thứ nhất là do quản lý danh mục tài sản rất kém. Hầu hết các ngân hàng thương mại nhỏ đều không có trái phiếu chính phủ để dự phòng cho thanh khoản. Thực tế, các ngân hàng nhỏ, ít vốn nên việc bỏ tiền vào tài sản dưới dạng trái phiếu chính phủ có lợi nhuận thấp trong khi mà cho vay có lợi nhuận cao hơn, lợi ích lớn hơn. Tất nhiên, khi đầu tư, danh mục đầu tư có lợi nhuận cao tất nhiên sẽ có rủi ro cao.
| ||
Họ chỉ quan tâm nhiều đến lợi nhuận trước mắt mà không quan tâm rằng, trái phiếu chính phủ ngoài lợi nhuận là một tài sản đảm bảo thanh khoản của ngân hàng. Nó còn là một vật cầm cố vay Ngân hàng Nhà nước bất cứ lúc nào để đảm bảo thanh khoản. Những ngân hàng lớn, ngoài nguồn tiền dồi dào, họ còn nắm nhiều trái phiếu chính phủ nên họ khá ổn định về thanh khoản. Khi cần, họ có thể chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước để lấy tiền.
Thứ hai, các ngân hàng đã dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn hơi nhiều. Điều này dẫn đến thực tế tín dụng quá lớn so với luồng vốn vào thì khó khăn. Tăng trưởng tín dụng quá cao so với huy động lớn. Thực tế, xét trên tổng nguồn tiền huy động vốn và tổng cho vay thì sự chênh lệch này không lớn. Cho nên có thể nói, để xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản, lỗi lớn nhất thuộc về quản lý tín dụng. Đấy chính là yếu kém trong quản lý của các ngân hàng.
Thực tế, vấn đề thanh khoản đã được Ngân hàng Nhà nước nhận ra và nhắc nhở các ngân hàng thương mại từ cuối quý 2/2009. Sau đó, đã có rất nhiều công văn nhắc nhở và các biện pháp điều chỉnh. Thậm chí đã có những cuộc làm việc với những ngân hàng trong diện cảnh báo… Nhưng cuối cùng thì vấn đề vẫn chưa được rốt ráo. Đây thực sự là vấn đề đáng cảnh báo trong điều hành và kiểm soát hoạt động của các ngân hàng.