Con cá nhám voi sa lưới ngư dân. Ảnh: Tienphong. |
Sáng 6/4, ngư dân xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị phát hiện một con cá lạ mắc lưới. Theo miêu tả của ngư dân, con cá nặng hơn một tấn, có hình dáng rất lạ, đầu dẹt giống cá voi, đuôi lại giống cá mập, toàn thân màu đen xen đốm trắng, dài hơn 4 m, đường kính thân khoảng một m, miệng rộng 0,8 m.
Con cá này được đưa về Viện Hải dương học để nghiên cứu, xác định tên loài.
Theo ông Võ Văn Quang, Phòng động vật có xương sống, Viện Hải dương học, con cá trên là cá nhám voi, hay còn gọi là cá mập voi, nhám sứa, tên khoa học của nó là Rhincodon typus Smith.
"Cá nhám voi là loài có kích thước lớn nhất trong lớp cá sụn, chiều dài có thể lên tới 18 m, nhưng không gây hại cho người. Loài này là nguồn gen quý, cần bảo vệ, và được đưa vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng cao", ông Quang nói.
Cá nhám voi là loài ăn lọc, thức ăn chủ yếu là động vật phù du như giáp xác nhỏ như moi, ruốc, các loại mực và cá nhỏ như cá cơm, cá trích con.
Chúng sống ở vùng nước biển khơi ở Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, thường bơi vào ven bờ kiếm mồi. Ở Việt Nam, chúng phân bố chủ yếu của loài cá này là ở vịnh Bắc Bộ, Biển Đông và vùng biển Tây Nam.