Cắt giảm đầu tư công: Đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân

Thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011, dự kiến kế hoạch năm 2012 và giai đoạn 2011 - 2015, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đưa ra nhận xét, “việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP chưa triệt để”.

picture



Chưa nghiêm túc cắt giảm

Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước là một trong 6 nhóm giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội năm nay, các ý kiến tại phiên họp chiều 1/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về kết quả tích cực của các giải pháp này.

Tuy nhiên, hiệu quả của cắt giảm đầu tư công vẫn là vấn đề còn nhiều băn khoăn.

Qua giám sát, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc rà soát cắt, giảm các dự án đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chưa nghiêm túc, quyết liệt do thiếu các quy định, tiêu chí cụ thể. Thực chất mới chỉ giãn tiến độ thực hiện trong ngắn hạn, chưa loại khỏi danh mục các dự án kém hiệu quả, không thật sự cấp bách.

Kết quả giám sát cũng cho thấy, còn tình trạng điều chỉnh mục tiêu, tăng quy mô và tổng mức đầu tư của một số dự án, tiếp tục làm tăng tổng mức đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ, vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn ở một số bộ, ngành, địa phương dẫn đến dự án bị đình trệ, kéo dài do thiếu vốn.

Đặc biệt, vẫn còn nhiều dự án khởi công mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu năm 2011.

Năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép bổ sung 40 dự án mới vào danh mục. Song, theo báo cáo của Chính phủ, đã có tới “333 dự án được khởi công mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ”, báo cáo chỉ rõ. 

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số dự án này, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, địa phương. Nếu vi phạm các quy định về thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng vốn thì phải kiên quyết thu hồi, chuyển trả nguồn vốn bố trí sai về ngân sách Trung ương, đồng thời xử lý nghiêm minh trách nhiệm cá nhân, cơ quan thẩm tra thể hiện thái độ kiên quyết.

Không đồng ý tăng

Thêm một lần thái độ kiên quyết của Thường trực cơ quan thẩm tra lại được thể hiện qua các con số.

Tại báo cáo ngày 26/9 Chính phủ ước tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 405.000 tỷ đồng, tăng 90.000 tỷ đồng, nếu tính cả trượt giá khoảng 500.000 tỷ đồng, tăng 185.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội vào cuối năm 2010.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban thống nhất với Chính phủ chỉ bố trí vốn trái phiếu cho cả giai đoạn 2011 - 2015 tối đa là 225.000 tỷ đồng, tương ứng với 45.000 tỷ đồng mỗi năm. 

Bởi, các cân đối vĩ mô còn rất căng thẳng, tình hình nợ công ngày một tăng cao gần sát với mức an toàn, việc huy động, phát hành trái phiếu ngày càng khó khăn. 

“Nếu tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ như ước tính nêu trên là vượt quá khả năng của nền kinh tế, không thể cân đối đủ nguồn lực thực hiện, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô, đe dọa an ninh tài chính quốc gia”,  cơ quan thẩm tra nhấn mạnh lý do không “nhượng bộ”.

Đồng thời cũng nêu rõ nguyên tắc phân bổ vốn là, quy mô vốn, tổng mức đầu tư cho dự án không được phép tăng trong toàn bộ quá trình triển khai, trừ khoản tăng do điều chỉnh chính sách về giá nguyên, nhiên vật liệu, nhân công. Đến năm 2015 dự án được đưa vào danh mục phải được bố trí đủ tối thiểu 70% yêu cầu từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. 

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị, chỉ thực hiện phát hành trái phiếu công trình cho từng công trình, dự án cụ thể khi có nhu cầu, đưa nguồn vốn  trái phiếu Chính phủ vào trong cân đối ngân sách nhà nước từ năm 2013. 

Đây cũng là ý kiến được đưa ra tại không ít diễn đàn về kinh tế vĩ mô, khi đề cập đến nội dung quản lý ngân sách, và tiếp tục nhận được sự đồng thuận cao của các ý kiến tại phiên  họp.

Trong khi chờ sửa đổi Luật Ngân sách thì Quốc hội có thể ra nghị quyết để đưa nguồn vốn  trái phiếu Chính phủ vào trong cân đối ngân sách nhà nước từ năm 2013, ông Hiển đề nghị giải pháp.