Cầu Rồng, cầu mới Trần Thị Lý: Những cái nhất Việt Nam và thế giới

Hôm nay (29-3) tròn 38 năm Ngày giải phóng thành phố,  lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành cùng lúc hai cây cầu độc đáo bắc qua sông Hàn là cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý.

 

 

Như vậy, cùng với cầu Thuận Phước - cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam và cầu Sông Hàn - cầu quay duy nhất của Việt Nam, nay với cầu Rồng - đang trong giai đoạn làm thủ tục để được công nhận con rồng lớn nhất thế giới và cầu Trần Thị Lý - cầu có gối trụ cầu lớn nhất thế giới để chính thức hoàn tất bộ sưu tập những cây cầu “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Thậm chí, nhiều hạng mục của hai cây cầu này còn được xếp vào vị trí  số 1 của thế giới về quy mô lẫn công nghệ thi công.

Cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý.  									Ảnh: VĂN NỞ
Cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý. Ảnh: VĂN NỞ

Rồng thép lớn nhất thế giới

Với vị trí khá đắc địa là nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Linh nối Sân bay Quốc tế Đà Nẵng với đường Võ Văn Kiệt để gắn kết với các khu du lịch biển 5 sao của thành phố và kéo dài đến phố cổ Hội An, thế nhưng dự án cầu Rồng lại khiến cho công tác thiết kế vấp phải một thách thức rất lớn, đó là làm sao cây cầu không che khuất Bảo tàng Điêu khắc Chăm và chùa An Long. Vì vậy, giải pháp kỹ thuật duy nhất là cây cầu phải bắt đầu ngay từ mép nước phía bờ Tây, nhằm hạ thấp độ cao của cầu để tránh phá vỡ cảnh quan nơi đây. Một bài toán quá khó!

Thế nhưng bộ ba gồm tư vấn Louis Berger Group (Mỹ), Ammann Whitney (Mỹ) với sự tham gia của TDIC 533 (Việt Nam) đã  đưa ra giải pháp thiết kế rất xuất sắc: kết hợp giữa kết cấu dầm thép và dầm bê-tông trung tâm có kết cấu vòm thép. Độc đáo hơn là sự kết hợp này được “hóa thân” thành hình một con rồng mạnh mẽ, phóng khoáng “bay” qua sông Hàn, hướng ra biển Đông rộng lớn. Một ý tưởng quá hay ngay lập tức nhận được cái gật đầu của lãnh đạo thành phố, cũng như sự đồng tình của người dân. Xuất sắc hơn của ý tưởng thiết kế này là đạt được yêu cầu kỹ thuật căn bản trong thi công cầu là độ tĩnh không thông thuyền lớn hơn 7 mét và khoảng cách hai trụ chính lên đến 150 mét - thỏa mãn tất cả yêu cầu về hàng hải trong việc lưu thông tàu thuyền trên sông.

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận chính là sự nỗ lực rất lớn từ đơn vị thi công là CIENCO 1, Ban điều hành dự án cầu Rồng và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố đã có rất nhiều sáng kiến hay để vượt qua những thách thức về mặt kỹ thuật. Điển hình là thi công hạng mục bịt đáy mố trụ với khối lượng lên đến 6.000 mét khối, nhà thầu đã xử lý tốt việc hạn chế ứng suất nhiệt phát sinh do chênh lệch nhiệt  giữa mặt ngoài và mặt trong khối bê-tông trong quá trình đóng rắn bằng hàng loạt giải pháp như chọn đổ bê-tông vào buổi tối, sử dụng cốt-pha có tính năng làm mát, lắp đặt hệ thống thoát dẫn nước ra khỏi khối bê-tông...

Theo ông Nguyễn Bảo, Phó Tổng giám đốc CIENCO 1, mặc dù là đơn vị có gần 50 năm trong nghề xây dựng cầu đường, thế nhưng nhiều thời điểm công việc tưởng chừng như bế tắc vì gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tất cả đã được giải quyết ổn thỏa khi đơn vị đã huy động được trí tuệ tập thể, sự hỗ trợ hết mình từ chính quyền thành phố cũng như Sở GTVT, vì vậy rất nhiều sáng kiến “độc” đã ra đời để giải quyết bài toán công nghệ. Cụ thể như trong việc thi công dầm, vòm thép có khẩu độ lên đến 500 mét, nhà thầu phải đối đầu với thách thức là gần như tất cả công nghệ và thiết bị đang sử dụng tại Việt Nam đều không thể thực hiện được. Qua tìm tòi nghiên cứu, cuối cùng nhà thầu đã tự chế ra giá long môn có khả năng nâng đỡ lên đến 200 tấn. Nhờ giá long môn này mà đơn vị thi công đã hoàn toàn làm chủ được việc bốc dỡ dầm, vòm thép từ xưởng chế tạo cách xa công trình để nâng và lắp đặt chính xác vào vị trí với yêu cầu sai số cho phép cực nhỏ là trong phạm vi 3milimet...

Gần 1.000 ngày làm việc không ngừng nghỉ, nhà thầu CIENCO 1 trình làng một bộ sưu tập về những cái nhất Việt Nam, thậm chí là thế giới, vô cùng ấn tượng. Đến nay, cầu Rồng là công trình thuộc loại có một không hai trên thế giới về kết cấu chịu lực kết hợp giữa vòm thép, dầm thép và bê-tông tạo nên một con rồng bằng thép lớn nhất thế giới với các “chỉ số khủng” như chiều dài toàn thân rồng 540 mét, nặng 2.000 tấn, phần đuôi nặng 40 tấn, phần đầu 90 tấn; kết cấu vòm từ tổ hợp 5 ống thép đơn có đường kính 1,2 mét tạo hình thành thân rồng vừa có tính năng “gánh vác” các nhịp cầu đặc biệt nhất trên thế giới; cầu có mặt cắt ngang rộng nhất Việt Nam với 6 làn xe, 2 làn dành đi bộ và dải phân cách với tổng cộng 37,5 mét; hố móng trụ với diện tích 37 x 47 x 47 mét lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam; khối bê-tông cho một lần đổ nhiều nhất hiện nay với 6.700m3, được thực hiện liên tục trong vòng 36 giờ; các mối liên kết dầm có số lượng bu-lông lớn nhất Việt Nam với 3600 bu-lông/một kết nối dầm.

Cây cầu có gối trụ lớn nhất thế giới

Giải bài toán của thành phố đưa ra là chiếc cầu mới Trần Thị Lý để thay thế cho cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi vốn đã xuống cấp, là phải bảo đảm cây cầu tạo điểm nhấn độc đáo về kiến trúc trên sông Hàn, thể hiện sự năng động và ước vọng vươn cao của thành phố cũng là một đơn vị tư vấn thiết kế đến từ nước ngoài: Công ty WSP Finland của Phần Lan.

Cầu mới Trần Thị Lý thiết kế khá độc đáo với tạo hình và định vị cho trụ tháp chính cao 145 mét nghiêng 12 độ về phía Tây  gồm 3 mặt dây phẳng. Trong đó, mặt phẳng dây phía Đông được neo từ thân trụ xuống dầm cầu giữa, mặt phẳng dây phía Tây được bố trí xoắn và rẽ ra hai nhánh tạo hình thành một cánh buồm căng gió hướng ra biển Đông. Chính thiết kế táo bạo này đã đặt ra cho nhà thầu CIENCO 1 một thách thức rất lớn nữa là công nghệ thi công tháp trụ và dầm đúc đẩy. Để thi công tháp trụ chính có chiều cao 145 mét và nghiêng 12 độ về hướng Tây, đơn vị thi công phải thuê từ Phần Lan sang hai chiếc máy đo đạc chuyên dụng cùng một chuyên gia giám sát để theo dõi suốt quá trình xây và căng mặt phẳng dây.

Ông Lê Văn Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT, ví von hai chiếc máy này giống như máy đo “huyết áp” để theo dõi sức khỏe người bệnh. Suốt trong quá trình thi công, cứ một tiếng đồng hồ là đo một lần tất cả thông số về việc thi công tháp trụ, để có cơ sở tính toán thông số tiếp theo cho công việc kế tiếp. Đây là điều bắt buộc và phải thực hiện rất nghiêm ngặt, vì công nghệ thi công tháp trụ cầu Trần Thị Lý mới nhất hiện nay trên thế giới, tức là tháp trụ không được đúc dính liền vào phần móng trụ mà lại được đặt trên một gối trụ nặng 3,2 tấn. Đặc biệt, do tháp trụ được đặt lên gối trụ và được định dạng trên 3 mặt phẳng dây nên cho phép tháp trụ có sự dịch chuyển nhất định nhằm “nương” theo sức gió trên sông để tăng tuổi thọ công trình. Trong khi đó, phần đúc dầm cầu cũng rất độc đáo, tức là không đúc dầm cầu và sau đó dùng cẩu để lắp ghép vào vị trí mà toàn bộ mặt cầu được đúc trực tiếp trên một dàn giáo có thể trượt đẩy. Cứ sau mỗi lần đổ bê-tông, sẽ tiến hành căng cáp ứng lực, tháo ván khuôn đáy, tách ván khuôn thành và dùng kích thủy lực loại 30 tấn và con lăn xích đẩy toàn bộ hệ sàn cầu đến vị trí tiếp theo. Nhờ cách thi công này đã rút ngắn được 50% thời gian so với cách truyền thống, vừa tiết kiệm đáng kể vật tư, vừa bảo đảm tính bền vững cho mặt cầu.

Cũng giống như cầu Rồng, sự kỳ công này đã giúp cầu mới Trần Thị Lý trình làng khá nhiều cái nhất Việt Nam cũng như thế giới tính đến thời điểm hiện nay. Kỷ lục đầu tiên thuộc về gối trụ cầu nặng 3,2 tấn, với sức chịu lực cho tháp trụ lên đến 32.000 tấn - lớn nhất thế giới hiện nay (kỹ lục cũ thuộc về một cây cầu ở Trung Quốc với gối trụ chịu lực 17.800 tấn); kết cấu một mặt phẳng dây rộng 34,5 mét lớn nhất Đông Nam Á. Lần đầu tiên tại Việt Nam, CIENCO 1 nghiên cứu chế tạo và áp dụng thành công công nghệ đà giáo đúc đẩy lên đến 1.100 tấn, nhờ vậy rút ngắn được gần 50% thời gian thi công cho mỗi nhịp cầu.

Chính những cái nhất Việt Nam và thế giới này, ngay từ giai đoạn đi vào hoàn thiện, cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý trở thành điểm nhấn độc đáo cho cảnh quan đô thị thành phố Đà Nẵng. Hai cây cầu này đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút du khách xa gần đến Đà Nẵng để một lần được chiêm ngưỡng con rồng lớn nhất, lung linh nhất và một “cánh buồm” lớn nhất, huyền ảo nhất trên dòng sông Hàn thơ mộng mỗi khi thành phố lên đèn.

- Cầu Rồng khởi công xây dựng vào ngày 19-7-2009, hoàn thành ngày 29-3-2013, do liên danh  Louis Berger Group (Mỹ),  Ammann Whitney (Mỹ) và TDIC 533 (Việt Nam) thiết kế, tổng kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài 666 mét, trong đó phần đầu, thân và đuôi rồng dài 540 mét, khổ cầu rộng 37,5 mét, quy mô vĩnh cửu.

- Cầu mới Trần Thị Lý khởi công vào ngày 22-4-2010, hoàn thành ngày 29-3-2013, do Công ty WSP Finland (Phần Lan) thiết kế, tổng kinh phí trên 1.700 tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài 759,6 mét, khổ rộng cầu 34,5 mét, quy mô vĩnh cửu.

Cả hai công trình này đều do Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (CIENCO 1) thi công.


http://techmartdanang.vn/