Chế tạo vật liệu lai nano làm cảm biến khí

Nhóm nghiên cứu Trương Thị Hiên, Vũ Anh Minh, Vũ Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Văn Quy, Viện đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu đã nghiên cứu chế tạo vật liệu lai ống nano cacbon và cột nano zno ứng dụng làm cảm biến khí.

Các loại cảm biến dựa trên vật liệu ô xýt bán dẫn hiện nay thường dựa trên sự thay đổi độ dẫn của vật liệu đối với môi trường khí xung quanh. Chính vì vậy, chúng thường hoạt động ở nhiệt độ khá cao, nhược điểm là tiêu tốn năng lượng, kém ổn định và đôi khi gây nguy hiểm khi hoạt động trong môi trường khí dễ cháy nổ. Để khắc phục, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào nghiên cứu phát triển một loại cảm biến mới dựa trên sự thay đổi khối lượng khi tiếp xúc với môi trường khí thử. Cấu tạo của cảm biến này là sự kết hợp của linh kiện vi cân thạch anh với vật liệu lai ống nano các bon (CNT) - cột nano ZnO. Ưu điểm của nó là hoạt động ở nhiệt độ phòng, có khả năng nhận biết các loại khí ở nồng độ rất thấp.

Nhóm đã thành công trong việc làm sạch và biến tính vật liệu CNT; điều khiển được nồng độ CNT phân tán trong dung dịch DMF theo hàm lượng CNT đưa vào; tạo ra được màng mỏng CNT với các mật độ mong muốn; tổng hợp thành công vật liệu lai ống nano các bon và cột nano ZnO sử dụng phương pháp thuỷ nhiệt; chế tạo được cảm biến kiểu thay đổi khối lượng dựa trên linh kiện vi cân thạch anh và vật liệu lai CNT- cột nano ZnO. Bước đầu đã khảo sát được đặc trưng nhạy khí của cảm biến đối với các nồng độ khí NH3 . Kết quả thể hiện khả năng hoạt động của cảm biến khá tốt, độ hồi đáp và hồi phục nhanh và ổn định.