Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với các rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Ngoài yếu tố nội lực của đội ngũ doanh nghiệp, chuyển đổi số cũng cần sự hỗ trợ và dẫn dắt từ chính quyền thành phố.
Chuyển đổi số ngoài nội lực của doanh nghiệp còn cần sự giúp đỡ của chính quyền thành phố. |
Nhớ lại thời điểm cách đây 2 năm khi công ty vẫn nhận gia công ống thông gió thủ công cho khách hàng, anh Trần Đức Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và kỹ thuật Thọ Trần vẫn chưa quên được sự vất vả từ khâu lên khuôn giấy đến phụ thuộc vào người thợ tuy tay nghề cao, nhưng… đầy ngẫu hứng, lúc liên hệ được, lúc lại không. Giờ đây, sau thời gian chuyển đổi bằng cách ứng dụng phần mềm thiết kế mô hình trên máy tính, anh Thọ chỉ cần sử dụng yếu tố con người ở khâu nhập số liệu, còn khâu hoàn thiện sản phẩm không cần người thợ tay nghề quá cao vì sản phẩm đã được thiết kế rất chi tiết. Theo anh Thọ, thời gian sản xuất được rút ngắn còn 1/3, số lượng nhân công chỉ cần một nửa từ khi ứng dụng công nghệ.
Là đơn vị cung cấp giải pháp cho DN của anh Thọ, ông Trần Ngọc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Things Changing cho rằng, việc các DN tìm đến những công nghệ, phần mềm hiện đại là điều tất yếu để tối ưu hóa năng lực sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn giải pháp công nghệ cho các DN, anh Việt nhận định không phải tất cả DN đều “cởi mở” với quá trình chuyển đổi số, khoảng 30% số công ty như ông Việt có cơ hội tiếp xúc vẫn hoài nghi với giá trị của chuyển đổi số đem lại, hoặc dù biết công nghệ rất cần thiết, nhưng ngại thay đổi, sợ rườm rà… đó là rào cản về văn hóa kỹ thuật số trong DN.
Nhận định chuyển đổi số đi kèm không ít thách thức, ông Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà-phê Mayaca cho biết, dù bộ máy nhân sự hiện tại không quá nhiều và đa số đều là những bạn trẻ hay tiếp xúc với công nghệ, nhưng cũng phải mất gần nửa năm để tập huấn cho các phòng, ban, đầu tư hệ thống phần mềm, đầu tư thiết bị, điều chỉnh quy trình cho phù hợp với hệ thống số hóa mới.
Theo ông Tiến, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số là kỹ năng số và nhân lực, mô hình mới yêu cầu hầu hết công việc thực hiện trên thiết bị điện tử (nhập nguyên liệu, sản xuất, xuất kho, quản lý công nợ doanh thu và báo cáo tài chính). Đã có trường hợp vì nhân viên chưa quen với số hóa, dẫn đến nhập sai số, ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng rủi ro là không tránh khỏi, DN của ông vẫn tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin vì rất thuận tiện trong quản lý, giám sát.
Trong chương trình đối thoại trực tuyến về hỗ trợ DN ứng dụng khoa học công nghệ, có những ý kiến cho rằng, hiện nay có ít DN tham gia chính sách đổi mới công nghệ. Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều DN chưa quan tâm đến quản trị đổi mới công nghệ bắt nguồn từ nguồn lực tài chính còn hạn chế, hoặc một số DN có quan tâm, nhưng chưa có nhiều thông tin về các chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ của thành phố. Ngoài ra, nhiều DN lo ngại việc thụ hưởng được gì so với chi phí bỏ ra khi chuyển đổi công nghệ, các DN cũng chưa có tầm nhìn xa, chưa có những kế hoạch đổi mới nhằm đạt được sự phát triển bền vững.
Trước thực tế, DN dù rất chủ động và năng động tiếp cận công nghệ, xu thế mới, tuy nhiên vẫn còn nhiều DN gặp không ít khó khăn. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách kịp thời để hỗ trợ DN trong xu hướng chuyển đổi số, bao gồm đồng bộ các giải pháp cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT, xây dựng, công khai và chia sẻ dữ liệu số.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, để hỗ trợ DN không thể không nhắc tới Đề án ứng dụng CNTT năm 2006, Đề án xây dựng chính quyền điện tử năm 2010 và Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 do UBND thành phố ban hành vào ngày 29-12-2018. Trong Đề án thành phố thông minh, có một hợp phần thực hiện truyền thông, hướng dẫn để DN, người dân nâng cao kỹ năng ứng dụng các sản phẩm, công cụ số; đặc biệt là tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thông minh phục vụ cộng đồng và phát triển DN.
Ví dụ như thành phố xây dựng được một kho dữ liệu dùng chung, các DN có thể lấy thông tin đó tạo 1 app (ứng dụng) để tra cứu địa chỉ của tất cả nhà thuốc trên địa bàn, khi đó vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng, vừa tạo nguồn thu cho DN từ số lượng người sử dụng những ứng dụng đó; hoặc doanh nghiệp sử dụng thông tin, dữ liệu công khai trên để phục vụ nghiên cứu, phân tích thị trường có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Song song đó, thành phố cũng tập trung phát triển hạ tầng dữ liệu nhằm tinh giản thủ tục hành chính cho DN. Hiện thành phố đã hình thành và vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền đã được hoạch định trong Kiến trúc chính quyền điện tử của thành phố, tiêu biểu như: CSDL doanh nghiệp, CSDL bản đồ nền và nhiều CSDL chuyên ngành của các cơ quan Nhà nước... Các CSDL được chia sẻ sử dụng trong hệ thống chính quyền điện tử và bước đầu thay thế bản giấy trong cung cấp dịch vụ công (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đăng ký kinh doanh...).
Theo ghi nhận, một trong những khó khăn lớn của DN là thiếu mặt bằng làm việc và đất sản xuất. Chính vì vậy, trên địa bàn thành phố đang có hai khu CNTT là khu FPT Complex, khu CNTT Đà Nẵng và khu Công viên phần mềm đang hoạt động. Bên cạnh đó, nhằm thu hút đầu tư các tập đoàn, DN, thành phố đã có chủ trương quy hoạch, đầu tư thêm hai khu công viên phần mềm tại quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố đã ban hành và triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT giai đoạn 2018-2020, đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành lập Vườn ươm doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng.
Cuối tháng 3 vừa qua, thành phố tổ chức tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đến việc phối hợp giữa “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp. Cũng tại tọa đàm, đại diện “3 nhà” đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm giái quyết những yêu cầu thực tiễn của DN, của thành phố và nhà trường cũng kịp thời nắm bắt được yêu cầu trong xu thế mới. Dự kiến đến năm 2025, bảo đảm tăng thêm 30.000 nhân lực phần mềm và nội dung số phục vụ thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp CNTT.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bên liên quan tổ chức những hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số nhằm giúp DN nắm bắt và phát huy được lợi ích của CNTT.
Hệ thống Chính quyền điện tử đã có dữ liệu điện tử của 96% dân số, dữ liệu điện tử của 100% doanh nghiệp; có trên 120.000 tài khoản công dân, doanh nghiệp điện tử trên hệ thống. Theo mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, dự kiến đến 2025 sẽ hình thành 4 khu CNTT tập trung và đóng góp 10% GRDP thành phố, đến năm 2030 hình thành 6 khu CNTT tập trung và đóng góp 15% GRDP thành phố. |
Trích nguồn từ Báo điện tử Đà Nẵng