Chưa Tết, giá cả đã tăng!

Không chờ đến áp Tết, hàng trăm mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân đã bất ngờ dịch chuyển về giá. Người tiêu dùng chưa biết phải tính toán như thế nào khi Tết Nguyên đán đang tới gần, ngay cả những hộ kinh doanh hàng hóa lâu năm cũng phải xuýt xoa vì... tăng giá.

Tăng đều các mặt hàng

Chọn giải pháp mua hàng giảm giá tại các Siêu thị lớn như BigC để tiết kiệm hơn trong chi tiêu. 

Từ 2-3 tháng nay, đã có nhiều nhận định của chuyên gia kinh tế Bộ Công thương về sức mua của người dân và diễn biến thị trường hàng hóa cuối năm sẽ nhanh chóng hồi phục. Căn cứ vào tình hình giáp Tết các năm trước, giá cả hàng hóa thực sự tăng và biến động đáng kể vào tháng cuối cùng của năm cũ và những ngày áp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hơn 2 tháng nay, giá cả hàng trăm mặt hàng đã có sự điều chỉnh đáng kể.

Từ những ngày đầu tháng 10-2009, sau khi thị trường xuất hiện đà tăng giá mới trong cuối quý 3, nhiều người dân vốn không lạc quan nhưng sớm vội hy vọng về điều kiện: Tăng giá sớm sẽ giảm bớt gánh nặng “giá chồng lên giá” vào dịp cuối năm. Song những tưởng những nhận định hoàn toàn có cơ sở đã vội “phá sản”, bởi diễn biến thị trường không như mong đợi.
Chỉ mới tháng trước, giá cả các loại hàng hóa còn bình ổn thì mới giữa tháng 1-2010, đã nhích thêm 500-1.000 đồng/kg; dầu ăn, bột giặt tăng 5.000 đồng/lít, kg mỗi loại; kế tiếp là tăm tre, chổi đót, thuốc lá, bia, rượu, nước giải khát có gaz và không gaz; bánh kẹo, phụ phẩm, thực phẩm khô đóng gói như nấm, miến sợi, mì gói, bột ngọt, hạt nêm, trứng gia cầm tăng 20-30% so với trước. Hàng thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt heo, bò, ếch, cá, hải sản biển và nhất là gà sống nguyên con… không chỉ ào ào tăng (ít nhất là 5.000 đồng, lên 30.000 đồng/kg) mà còn có dấu hiệu sốt hàng. Giá xúc xích heo, lạp xưởng tại các chợ đã tăng từ 7.000-10.000 đồng/kg. Hạt hướng dương, hạt dẻ, mứt đậu các loại tăng từ 20-50 ngàn đồng/kg.

Những người kinh doanh lâu năm ở chợ giải thích cho bạn hàng: “Hãng tăng giá thì chị cũng phải tăng giá chứ biết làm răng? Mà tăng giá là người bán lẻ thiệt nhiều lắm, ít người mua, hàng ế lắm. Thà rằng giảm giá mà người mua nhiều cũng vẫn lời hơn là tăng giá mà người mua ít lại. Mấy em cũng phải thông cảm cho chị chứ, tăng là tăng chung chứ đâu riêng chi quầy của chị…”.

Không lo sao được

Nhiều người dân lo lắng vì không biết sẽ phải chi tiêu như thế nào cho Tết. Riêng về giá sữa, nhiều người không khỏi bất bình: Một khách hàng đang chờ mua sữa trước cửa hàng Thư Sinh (gần chợ Hòa Khánh) khi nghe giá mới đã thốt lên: “Không giảm đã đành, chí ít cũng giữ nguyên, đằng này đùng một cái sữa ngoại lẫn sữa nội đều tăng. Chỉ khổ những người thu nhập thấp, làm không đủ tiền chi tiêu cho con cái”. Chị Nga, chủ một quầy tạp hóa (trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu) tỏ ra ái ngại khi thấy nhiều khách hàng quen của mình than phiền về giá cả cứ liên tục tăng. Chị nói: “Ngày mô cũng có đại lý phân phối thông báo tăng giá các mặt hàng. Chị cũng thắc mắc lý do tăng vì sợ mất khách hàng, nhưng riết rồi phải chịu. Vì không chỉ một vài mặt hàng tăng mà hàng trăm mặt hàng khác cứ nhấp nhổm bữa ni không tăng thì bữa sau cũng sẽ tăng. Mỗi ngày, lại nhận thêm nhiều mặt hàng có báo giá mới”.

Nhiều mặt hàng được cung ứng đủ về lượng nhưng giá vẫn cao.

Mặc dù theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh, thành phố phải xây dựng kế hoạch tham mưa cho UBND các tỉnh, thành phố về dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết, nhưng với tình hình như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không thể không tăng giá. Trước đó, từ đầu tháng 12-2009, Sở Công thương Đà Nẵng đã chủ động mời các DN cung ứng hàng hóa để bàn các biện pháp bình ổn, bất chấp những cam kết, một số đơn vị đã điều chỉnh giá bán như Công ty Thực phẩm Vissan tăng giá 15 sản phẩm với mức 2.000-3.000 đồng/loại; các loại bia chai Sài Gòn, 333, Heneiken… đã lên giá 5.000-10.000 đồng/thùng; thực phẩm Cầu Tre, đồ hộp Hạ Long, theo đó cũng tăng ở một số sản phẩm. Như vậy, liệu có cơ quan quản lý nào dám bảo đảm từ nay đến trước và sau Tết các mặt hàng không tăng giá?

Sự gắn kết của những nhóm hàng, ngành hàng phục vụ cho nhu cầu của người dân thường song hành với nhau. Do đó, cứ hễ mặt hàng này tăng thì hàng khác cũng nhìn nhau để tăng. Bình thường, nếu giá cả không có tác động lớn thường không ảnh hưởng dây chuyền, nhưng một khi có lý do, chúng sẽ ồ ạt tăng theo đà. Theo Bộ Công thương, thị trường Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 sẽ diễn ra sôi động trên cả nước với nhu cầu mua sắm dự kiến tăng từ 20 - 40% so với bình thường. Do tác động của một số yếu tố như nguồn cung hạn chế, giá nguyên liệu một số loại hàng tăng cao nên giá một số mặt hàng thực phẩm sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới. Để bình ổn giá, Ban Chỉ đạo 127/TW đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp kiềm chế tăng giá, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng. Và để có một cái Tết đầm ấm, vui vẻ, người dân chỉ còn trông chờ vào phía các cơ quan quản lý Nhà nước.