Thị trường phản ứng khá thất vọng với thông tin CPI thấp hôm nay là điều bất ngờ. Có vẻ dòng tiền đã dửng dưng với loại thông tin này, khi có khá nhiều bất ổn khác đáng quan tâm hơn.
Lâu rồi thị trường mới tìm được thông tin hỗ trợ đáng gọi là tốt. Việc coi đỉnh của lạm phát là đáy của chứng khoán lúc này lại có vẻ hơi lỗi “mốt”. Không ít nhà đầu tư mong chờ một đợt khởi sắc chí ít là đầu phiên hôm nay. Tuy nhiên lượng tiền vào thực sự đáng thất vọng.
Một phiên hôm nay vẫn chưa thể đánh giá hết liệu phản ứng của người cầm tiền. Biết đâu lúc thông tin CPI cả nước được đưa ra, sự hào hứng lại quay lại? Khả năng này không phải là không có, vì ngay tháng 9, CPI Hà Nội tốt nhưng CPI TP.HCM lại bất ngờ.
Dù sao mức giao dịch dưới 400 tỷ đồng cả hai sàn hôm nay là con số không thể chối cãi về việc người mua vẫn đứng ngoài cuộc. Tâm lý nghi ngại là lý giải thích cực duy nhất cho kết quả này. Lý do “nặng ký” hơn là dòng tiền thực sự thiếu hụt thì ít người “dám” nghĩ tới. Vì nếu lý do đó là có thực, thì cơ hội ngắn hạn cho thị trường là quá thấp.
Tín hiệu không tốt đã xuất hiện ngay từ lúc mở cửa. Rất lâu rồi SSI mới được khớp đợt một chỉ với 650 cổ giá tham chiếu. Tổng giá trị mở cửa của HSX cũng chỉ có 7,79 tỷ đồng, thấp kỷ lục kể từ phiên ngày 17/8 vừa qua (5,71 tỷ đồng). Nếu người cầm tiền hưng phấn với thông tin hỗ trợ, tại sao thanh khoản lại yếu như vậy?
Quan sát mức độ biến động của chỉ báo về độ rộng trong phiên của cả hai sàn đều khẳng định mức hưng phấn không cao. Ngay cả trong đợt tăng ngắn từ sau 9h20 trên HSX, số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn không có gì đột biến. HNX thậm chí còn đuối hơn. Một phần nguyên nhân là biến động tăng hoàn toàn nhờ sức kéo của BVH và MSN.
MSN khởi động trước ngay từ lúc mở cửa là động lực chủ đạo đem lại màu xanh cho VN-Index. BVH khởi động sau, nhảy 3 bước giá, từ tham chiếu lên 61.000 đồng/cổ phiếu, phối hợp với MSN kịch trần đã tạo nên một đợt tăng khá dị thường và nhanh đột biến của VN-Index.
Đa số các cổ phiếu quan trọng khác của HSX không có được biến động tốt xứng đáng với cơ hội hôm nay. Cầu tuy có tăng nhưng rất yếu. Nếu người bán xả hàng mạnh thêm chút nữa, chắc chắn cơ hội giữ giá trên tham chiếu của đa số mã là khó. SSI là ví dụ. Cổ phiếu này thu hút dòng tiền khá tốt trong bối cảnh cả thị trường rất đuối. Khối lượng khớp của SSI hôm nay đóng góp hơn 4% tổng lượng khớp lệnh của HSX, một tỉ trọng cao nhất trong 5 phiên trở lại đây.
Trong đợt khớp lệnh liên tục, bên mua khá chủ động tại SSI. Tranh chấp giá chủ yếu ở mức tham chiếu 17.300 đồng và 17.400 đồng. Một vài thời điểm người mua đẩy qua được mức 17.400 đồng nhưng thanh khoản không đảm bảo. Cuối phiên SSI vẫn bị chặn lại và không vượt qua nổi ngưỡng này.
Những cổ phiếu quan trọng khác bên HNX thậm chí còn diễn biến xấu hơn. Nỗ lực đẩy lên đều thất bại thảm hại tại VCG, KLS, VND, PVX. Người bán tập trung cầu và khớp rất dứt khoát mặc dù chặn bán vẫn lớn. Giá đóng cửa của những mã này đều giảm trên dưới 3% so với đỉnh.
Thống kê cho thấy hiện tượng giá tăng rồi bị ép trở lại diễn ra trên diện rộng của cả hai sàn. Số lượng cổ phiếu không giữ được giá cao nhất cho tới lúc đóng cửa đều tăng. Độ rộng tuy ghi nhận số lượng cổ phiếu tăng giá tốt hơn hôm qua chút ít, nhưng thanh khoản lại sụt giảm rất nghiêm trọng. Như vậy không nhiều người sẵn lòng bỏ tiền vào đợt tăng giá trong phiên.
Khối ngoại về cơ bản là bán ròng trên cả hai sàn hôm nay. Một giao dịch mua thỏa thuận 500 ngàn MSN đã thay đổi cục diện tổng thể. Tổng giá trị mua ròng tính chung là 44,4 tỷ đồng, dù bán ròng tương đối mạnh qua khớp lệnh.
Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài rơi vào trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”. Mặc dù tâm lý khá tốt, có lúc tăng giá trên diện rộng nhưng cầu lại quá yếu để chạy khối lượng lớn. Mua vào thì không, nhưng xả cũng khó. Kết cục là khối lượng giao dịch cả mua lẫn bán đều giảm rất mạnh.
VN-Index tăng điểm hôm nay dù sao cũng là điều tốt và là phiên “xanh” đầu tiên trong tuần. MSN dĩ nhiên là “anh hùng” với mức đóng cửa kịch trần. Khả năng thị trường hồi kỹ thuật với thanh khoản thấp ngày càng hiện thực hơn. Cơ hội kiểm chức niềm tin lẫn dòng tiền vẫn còn cho tới khi thông tin CPI được công bố chính thức.